Thịt vịt lởm chởm lông con, ba rọi kho không bỏ nước màu dừa, cá chỉ chiên một mặt. Canh mặn không nói gì, cả cơm cũng mặn, như chị đã chan nước mắt vô trong đó. Bốn năm chị phụ việc nhà bạn, hết ba lượt chị xiêu lạc vì tình. Thằng đàn ông nọ đâu biết, sau cú mất hút của chính mình, đã làm điêu đứng một đám người không liên quan.
“Phải có loại rô bốt nào biết nấu nướng, lau dọn nhà cửa, giá nửa tỉ tui cũng mua”, bạn nói.
Bạn quá nản chuyện Tết nào cũng phỉnh nịnh chị giúp việc để chị quay lại khi hết kỳ nghỉ. Mấy đứa nhỏ cũng ngập ngừng không biết nên yêu thương người ngày nào cũng chải tóc thắt bím cho chúng, hay đừng. Bởi chị có thể bỏ đi bất cứ lúc nào, như những người từng bỏ đi trước đó. Cứ Tết xong, là không thấy người quay lại. Tụi nhỏ khóc đứng thương ngồi, khi người mà chúng lỡ mến tay mến chân rồi, bỗng dưng biến mất. Cớ thì không ai giống ai. Về thấy con Phèn nó không nhận ra tui, làm tui hết ham gì. Tía chế nói ở nhà không ai xoa bóp chân cho ổng, nghe đứt ruột, không nỡ đi. Đâu phải thím không biết cô chú với mấy đứa nhỏ tử tế, nhưng đi mới nửa năm mà bìm bìm đã leo mái nhà, cỏ mọc bít bùng mồ mả, không đành.
Những lý do rất người, nên bạn chẳng cách gì níu kéo. Chỉ một chị còn trụ được lâu, vì nhà ngay trong hẻm phía sau, không phải nhớ đom đóm chòm quao, nhưng mỗi tội yêu dữ quá. Tình cảm, một trong vài ba thứ quan trọng khiến con người tự xếp mình vào hàng động vật cấp cao, có lúc thành ra cản ngại. Bên nhà chồng bạn có xưởng làm bánh pía, nhiều công nhân người Khmer, mà họ một năm thì ăn mấy cái Tết dài, lò nướng cứ nguội lạnh nằm không. Hôm rồi nghe nói có công nghệ làm bánh bán tự động, ba chồng đi dọ hỏi, nói “cho bớt đau tim theo mùa”.
Bạn nhớ hồi còn nhỏ, ở quê, mùa gặt nào cũng có thợ gặt xuôi ghe từ miệt trên xuống. Con nít cũng theo ba má đi lang thang. Thằng Đen, sún răng, sình đóng thành vảy trên da, nói sau này tao không cần học nhiều chi cho nhức đầu, làm thợ gặt như má tao biết chữ sơ sơ là được.
Hai đứa hay ngồi bờ vườn nhìn ra ruộng, chỗ má nó với mấy thím kia phơi lưng dưới nắng trời. Tía nó thì xỉn từ sáng sớm rồi, dù người ta kêu công gặt cũng nhiều, nhưng ông chép miệng “lỡ hứng uống nửa chai”. Tội mấy chủ đất, lúa chín gục đầu rồi mà thợ gặt cứ tỉnh bơ ngồi đưa cay. Nên khi cái máy gặt đập liên hợp đầu tiên về đồng Phú Thạnh, người ta hớn hở vỗ tay, không quá ngậm ngùi thương mấy anh thợ gặt xỉn say năm ngoái. Chỉ con nít ngồi buồn, đám bạn quậy hết cỡ chẳng theo người lớn xuôi ghe xuống, mất vui. Sau này mỗi lần nhớ chuyện xưa, bạn tự hỏi, thằng Đen khét nắng hồi đó, giờ không biết làm gì rồi, khi mà lúa về sân không tốn chút mồ hôi thợ gặt.
Nhưng cái anh ngồi máy gặt đập liên hợp, anh cũng ung dung ở Phú Thạnh được mấy năm đâu, lúc bạn học nửa cấp hai là cả xứ rủ nhau dẫn mặn nuôi tôm. Cũng làm nông đó, nhưng không tốn công tốn sức. Người cứ dài lưng ra, đi đâu ngồi đâu cũng thấy dư thừa. Đám thanh niên, nhiều đứa là cháu bạn, bỏ quê tới những khu công nghiệp, thanh xuân bạc rạc trong ca ngày ca tối. “Nhưng sớm muộn gì, tụi cháu cũng bị thay bằng máy móc tự động thôi”, vừa rồi một đứa ngồi than. Máy móc thì không sổ mũi đau đầu, không ở cữ một quãng sau sinh nở, không tủi thân chảy nước mắt khi bị quản lý rầy bởi mấy đường may cong. Máy cũng chẳng uể oải khi trời nóng nực, chẳng lo quýnh lên khi nghe tin bão ở quê nhà, không buồn rượi khi nghe con chó Phèn dưới quê đổ bịnh.
“Và không thất tình nữa”, bạn thở dài. Không phải vì ăn cơm quán mấy ngày, mà bạn quyết định đứng về phía rô bốt. Chỉ là mọi thứ đang diễn ra tự nhiên như người thì đi tới. Bạn có cái máy giặt hư, muốn sửa thì phải hỏi tìm anh thợ, hoặc thuê xe chở tới tiệm, nghĩ thôi đã ngại, mua luôn cái mới cho rồi. Và anh thợ sửa máy bị bạn bỏ rơi. Cũng vậy, mấy anh thợ chụp ảnh dạo mất tích từ điện thoại thông minh lên ngôi. Lựa chọn của mình ảnh hưởng tới nồi cơm của ai đó, bạn biết sao không, nhưng rồi cũng chọn lấy thứ tiện nghi. Chẳng ai đi giật lùi.
Bạn chỉ không chắc, lúc nhà mình sắm được con rô bốt thông minh rồi, nhìn vẻ ngoài không khác chi con người, cũng mang tên Sáu và biết nói cười, có cái miệng rộng và nhiều nốt tàn nhang trên mặt, nó cũng biết làm món kho quẹt cực ngon để ăn kèm cơm cháy, nhưng khi ấy biết đâu bạn lại thấy nhớ cái chị lỡ thời thất tình chuyên nghiệp, vừa mới cứng miệng nói hên là chia tay thằng cha đó sớm, không thì khổ cả đời, thì nửa tiếng sau đã giành cái giỏ đi chợ, để ngang qua cái quán có thằng bồ cũ ngồi. Mặt vác hất lên trời, giả như không quen biết nhưng về nhà nằm dài ra khóc, nói sao nó xa mình mà mặt tỉnh trân không mất ký lô nào.
Nguyễn Ngọc Tư-Người Đô Thị