Trong gia đình nếu biết hợp lực bạn sẽ hạnh phúc
Ông tôi – Stephen L. Richards đã dạy tôi cách phân tích vấn đề ở nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau – địa phương, quốc gia, quốc tế; chính trị, giáo dục, tổ chức và cả với góc nhìn của một gia đình. Nếu có thể áp dụng hợp lực được ở nhà, thì nó cũng có thể áp dụng được ở bất cứ nơi đâu. Những gia đình gặp nợ nần cũng không khác nhiều so với các quốc gia đang gánh nợ. Sự tin tưởng và lòng trung thành đóng vai trò như nhau dù ở trong các gia đình hay trong các doanh nghiệp: cần nhiều năm để dựng xây nhưng chỉ vài giây là có thể phá hủy. Các vấn đề của xã hội đều bắt đầu từ mỗi gia đình và các giải pháp cũng thế.
Là một người chồng, một người cha và là một người ông, tôi cảm thấy rất hạnh phúc với gia đình của mình. Họ là niềm hạnh phúc và là niềm vui lớn nhất của tôi. Mất đi sự tôn trọng và mối gắn kết thân thuộc dù với bất kỳ một thành viên trong gia đình sẽ là bi kịch lớn nhất của tôi, mang đến nỗi khổ sở tột cùng cho tôi.
Con người có những nhu cầu rất phổ biến. Họ cần cảm thấy an toàn, cần cảm thấy được tôn trọng, được đánh giá cao, được khích lệ và được yêu quý; những nhu cầu này có thể được đáp ứng bằng sự kết nối trong các mối quan hệ giữa mẹ và con trai, giữa bố và con gái, giữa vợ và chồng. Vì vậy, thật thảm khốc nếu các mối quan hệ trong gia đình không thể đáp ứng được các nhu cầu căn bản ấy.
Mâu thuẫn gia đình thường là những vấn đề khó giải quyết và khiến chúng ta cảm thấy đau lòng nhất
Khôi hài ở chỗ: ở nhà, chúng ta có thể trải nghiệm mức độ hợp lực tối cao hoặc cũng có thể trải qua những nỗi buồn đau tệ nhất. Tôi tin rằng không có thành công nào trong cuộc sống có thể bù đắp được những nỗi buồn trong gia đình.
Không có mất mát nào đau đớn và có sức ảnh hưởng như việc mất đi một người thân trong gia đình. Hầu hết các phụ huynh đều cảm nhận được nỗi lo sợ mất dấu đứa con của mình ngay cả khi chỉ là trong tích tắc, khi đang đứng trong khu chợ hay trong đám đông, khi mà đứa con của chúng ta đột nhiên biến mất trong một hoặc hai phút và chúng ta nín thở rất lâu, điên cuồng tìm kiếm cho đến khi con xuất hiện trở lại.
Đối với một vài người, cảm giác đau đớn và căng thẳng đó có thể kéo dài mãi mãi. Zainab Salbi, người sáng lập ra tổ chức Women for Women International, kể về một buổi tối ở Baghdad khi bà vẫn còn là một đứa trẻ và thức dậy trong nỗi sợ hãi khi nghe âm thanh tên lửa rơi xuống ngày càng gần hơn chỗ bà đang ở. Nó rơi xuống và nổ ngay gần đó và bà đã run rẩy cầu nguyện với lòng biết ơn rằng gia đình bà sẽ không gặp thảm họa đó và thoát chết. Sau đó, bà cảm thấy xấu hổ với lời cầu nguyện của mình bởi ngôi nhà của gia đình hàng xóm kế bên đã bị bom phá hủy hoàn toàn. Người cha và cậu bé – bạn của em trai bà, đã bị chết trong khi người mẹ sống sót. “Ngay tuần sau đó, người mẹ ấy đã đến lớp học của em trai tôi và cầu xin những đứa trẻ tầm sáu, bảy tuổi cho bà xin bất cứ bức ảnh nào của con trai bà mà chúng có – bởi bà đã mất tất cả mọi thứ.”
Đúng vậy, mỗi ngày trong cộng đồng của chúng ta, không ít người đang vứt bỏ đi những món quà giá trị nhất của đời người: gia đình của họ. Những người vợ và những người chồng từng phải lòng nhau bỗng trở nên xa cách và lạnh nhạt với nhau. Nước Mỹ có tỷ lệ ly hôn cao nhất thế giới, khoảng 40-50% các cuộc hôn nhân. Nước Nga xếp thứ hai, các quốc gia còn lại ở phía Bắc châu Âu cũng xếp liền kề sau đó. Ngay cả ở những quốc gia với tỷ lệ thấp (nguyên nhân thường là văn hóa không chấp nhận việc ly hôn), “sự lạnh nhạt” cũng xảy ra rất phổ biến.
Quý trọng sự khác biệt giúp hôn nhân hạnh phúc
Trong nhiều trường hợp, các cuộc ly hôn bắt nguồn từ sự phản bội – sự đàn áp về mặt thể xác hay sự không chung thủy – nhưng thường thì đó là kết quả của vòng xoắn ốc tiêu cực mang tên tư duy hai phương thức.
Một người vợ có thể nói: “Chồng tôi bỏ quá nhiều thời gian xem thể thao, chơi video game, đánh golf và sau đó về nhà và nghĩ rằng tôi nên chăm sóc các con và dọn dẹp nhà cửa mà không nhận ra rằng tôi đã phải làm việc cả ngày. Ông ấy giống như một ông bố lười biếng. Ông ấy không còn làm những hành động nhỏ để lấy lòng tôi như trước nữa, chỉ cần những hành động nhỏ bé thể hiện sự quan tâm hay hỏi xem ngày hôm nay của tôi thế nào và tất cả những gì ông ấy mong muốn là quan hệ tình dục. Và sau đó, ông ấy tự hỏi tại sao tôi lại không thiết tha với cuộc hôn nhân này nữa”.
Một ông chồng có thể nói: “Vợ tôi chỉ cần tôi đưa tiền và không trân trọng sự chăm chỉ và cố gắng làm việc của tôi. Cô ấy bận chăm sóc lũ trẻ đến mức không còn thời gian cho tôi. Căn nhà của chúng tôi thì bừa bộn trong khi vợ tôi ra ngoài tham gia câu lạc bộ sách của cô ấy. Chưa hết, tôi dường như không thể làm đúng điều gì cả. Vợ tôi tỏ ra lạnh lùng và xa cách và khi tôi về nhà cô ấy không còn chào đón tôi nhiệt tình như cách cô ấy đã làm trước đây nữa, thực tế là cô ấy thậm chí không để tâm xem tôi đã về nhà chưa. Tôi cũng ước mẹ của cô ấy để chúng tôi được yên. Vợ tôi không còn xinh đẹp như trước đây nữa và cô ấy cũng không buồn chăm sóc bản thân nữa và những phụ nữ ở văn phòng thì lúc nào trông cũng đẹp hơn”.
Thường thì, những cuộc hôn nhân như vậy chấm dứt vì nhiều lý do hợp lý hơn, nhưng phổ biến nhất, chúng kết thúc vì những người vợ và chồng trở nên nản lòng khi đối mặt với sự khác biệt giữa họ.
Ngược lại, những cuộc hôn nhân thành công và hạnh phúc chỉ xuất hiện khi những cặp vợ chồng biết trân trọng sự khác biệt của nhau. Đối với họ, văn hóa, những điểm kỳ quặc, tài năng, điểm mạnh, phản xạ và bản năng mà mỗi người mang đến sẽ trở thành nguồn gốc của niềm vui thú và sáng tạo cho cuộc hôn nhân. Tính thiếu kiên nhẫn của anh ấy khiến anh ta cực dở trong việc làm thủ quỹ nhưng sự ngẫu hứng của anh ấy lại khiến anh ấy trở thành một người thú vị. Sự dè dặt của cô ấy nhiều khi khiến anh ấy phát bực nhưng vẻ quý phái của cô ấy lại khiến anh ấy kinh ngạc và mê đắm. Và bởi họ dành rất nhiều tình cảm cho nhau, họ hòa hợp niềm vui và phẩm giá lại với nhau.
Khi hai người kết hôn, họ có cơ hội để tạo ra Lựa chọn tối ưu thứ 3, một văn hóa gia đình độc đáo chưa từng tồn tại trước đó và cũng không bao giờ xuất hiện lần thứ hai.
Trích sách “Lựa chọn tối ưu thứ 3”