Cần lắm những “lựa chọn tối ưu thứ 3”

21/11/2019 08:00
Cần lắm những “lựa chọn tối ưu thứ 3”

Cuộc sống luôn đầy rẫy những vấn đề. Những vấn đề dường như chẳng thể giải quyết, từ chuyện cá nhân, gia đình cho đến chuyện công sở, hàng xóm.

Hầu hết các xung đột được xem là có hai phía. Đó là khi nhóm của tôi đối đầu với nhóm của anh, hoặc khi ý tưởng của tôi đấu với ý tưởng của anh. Nhưng tác giả nổi tiếng Stephen R. Covey lại tin rằng đó là một thái độ tự thất bại và mang tính hủy hoại.

Thay vào đó, chúng ta cần phải cởi mở với một cách giải quyết khác được Stephen R. Covey trình bày chi tiết trong cuốn sách “Lựa chọn tối ưu thứ ba – Giải quyết những vấn đề nan giải nhất trong cuộc sống”. Đó không phải là một sự nhượng bộ, mà là một cách tiếp cận mới, kết hợp tổng thể điều tốt nhất từ cả hai phía.

Cần lắm những “lựa chọn tối ưu thứ 3” - 1

Đó là cách mà W. Edwards Deming trả lời các nhà tư bản công nghiệp, những người khăng khăng rằng bạn chỉ có thể có được chất lượng cao hoặc chi phí thấp, nhưng không thể có được cả hai.

Giáo sư ngành quản lý, nhà thống kê người Mỹ này đã phát triển các ý tưởng tạo nên phong trào chất lượng tổng thể, cho thấy chúng ta có thể cùng lúc cải thiện chất lượng và hạ thấp chi phí .

Đấy là câu chuyện một người cha đã cứu cô con gái khổ sở của mình khỏi những năm tháng tuyệt vọng và luôn muốn tự tử chỉ trong một buổi tối bất ngờ.

Hay chuyện một chàng trai trẻ ở Ấn Độ đã giải quyết vấn đề điện năng cho hàng triệu người nghèo gần như không tốn chút chi phí nào.

Và cũng là cách một người quản lý giấu tên được mô tả trong cuốn sách đã đáp lại một nhân viên mới khi anh nhận ra rằng mức lương mà mình từng chấp nhận lúc nhận việc quá thấp để có thể lo cho gia đình đang gặp khó khăn của anh.

Người quản lý và nhân viên này không biết rõ về nhau và khi bà nghe yêu cầu tăng lương của anh, bà đã gợi mở để anh trò chuyện nhiều hơn.

Cần lắm những “lựa chọn tối ưu thứ 3” - 4

Thay vì phải nói chuyện về điều mà người nhân viên e sợ là lương, thì vấn đề khó nói này đã biến thành cuộc trò chuyện dài về bản thân anh – cách anh ta làm việc, những gì anh ta nghĩ và học được trong vài tháng qua tại công ty.

Khi người sếp hỏi về cách làm thế nào để họ có thể mở rộng kinh doanh với một trong những khách hàng quan trọng hàng đầu của công ty, ý tưởng của anh đã dẫn đến một cuộc họp với những người khác, và cuối cùng là một công việc mở rộng cho  nhân viên này với mức lương cao hơn và đảm trách một tầm mức dịch vụ mới dành cho khách hàng đó.

Thay cho lối tư duy nhị nguyên mà anh ta dự đoán – anh yêu cầu tăng lương, và người quản lý của anh khăng khăng rằng công ty không đủ khả năng – người quản lý đã phát triển một lựa chọn tối tư thứ ba có lợi cho nhân viên, công ty và một khách hàng quan trọng.

Việc tìm kiếm lựa chọn tối ưu thứ 3, theo Stephen R. Covey, bắt đầu bằng một câu hỏi: “Có lẽ chúng ta có thể đưa ra một giải pháp tốt hơn mà không ai trong chúng ta đã có. Bạn có sẵn sàng tìm kiếm một lựa chọn tối ưu thứ ba mà chúng ta chưa từng nghĩ đến chưa? ”

Stephen R. Covey gọi quá trình này là sự hợp lực. “Hợp lực xảy ra khi 1 + 1 = 10, hoặc = 100, hay thậm chí = 1.000.

Đó là kết quả tuyệt vời khi hai người, hoặc nhiều người, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và quyết định cùng nhau đi xa hơn những suy nghĩ họ đã có từ trước để vượt qua thử thách lớn hơn. Hợp lực không giống như “nhượng bộ/thỏa hiệp”.

Khi nhượng bộ xuất hiện, 1+1 chỉ có thể đạt mức cao nhất là 1,5. Mỗi bên đều sẽ mất đi thứ gì đó. Hợp lực không chỉ giải quyết mâu thuẫn. Khi hợp lực, chúng ta vượt qua mâu thuẫn,” tác giả giải thích.

Cần lắm những “lựa chọn tối ưu thứ 3” - 2

Không chỉ xóa bỏ xung đột, hợp lực còn mở ra những khả năng mới, tạo ra giải pháp “nằm ngoài dự kiến” cho mọi vấn đề. Giải phóng tư tưởng khỏi lối tư duy hạn hẹp “cách của tôi hay cách của anh”, hợp lực tạo điều kiện cho những ý tưởng hoàn toàn mới.

Vậy, làm cách nào để hợp lực xảy ra? Trong cuốn sách, Stephen R. Covey trình bày 4 mô thức của hợp lực và 4 bước để hợp lực.

Nói ngắn gọn, một người cần hiểu rõ về chính mình, nhìn nhận người khác không phán xét, từ đó bắt đầu thực sự thấu hiểu quan điểm, suy nghĩ của họ để đạt tới đích đến cuối cùng là hợp lực.

Dù ý niệm về Lựa chọn tối ưu thứ 3 thật ra đã xuất hiện từ rất lâu – trong tư tưởng của những bậc thầy đạo Hindu, triết gia Hy Lạp, Plato, đạo Phật…, nhưng cuốn sách kỳ công của Stephen R. Covey bàn đến Lựa chọn tối ưu thứ 3 trong nhiều bối cảnh khác nhau, rất toàn diện và đầy đủ.

Bạn sẽ gặp rất nhiều người – từ những người bình thường như công nhân, bác sĩ, cảnh sát, nhân viên bán hàng, nghệ sĩ, giáo viên, phụ huynh cho đến các nhà lãnh đạo chính phủ, giáo dục hay kinh tế – những người quyết đi đến cùng trên hành trình tìm kiếm Lựa chọn tối ưu thứ 3. Cuốn sách cũng chứa đựng những chỉ dẫn cụ thể để bạn thực sự bắt đầu hành trình đi tìm Lựa chọn tối ưu thứ 3 cho riêng mình.

Mai Tâm


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025