Du lịch "siêu tốc" - xu hướng mới của giới trẻ Trung Quốc
Trong đoạn video chia sẻ trải nghiệm, Xiaotiantian, một blogger du lịch người Trung Quốc tiết lộ, cô tới sân bay ở Trùng Khánh lúc 9 giờ sáng. Không được nghỉ ngơi, cô bắt xe ra thẳng khu ẩm thực đường phố Guanyin để "ăn mọi thứ trong 24 giờ".
Chuyến đi "thần tốc" này, nữ du khách được trải nghiệm ăn 21 món địa phương và kết thúc một ngày du lịch tại Hồng Nhai Động - một điểm du lịch nổi tiếng ở Trùng Khánh.
Video của Xiaotiantian thu hút hơn 110.000 lượt xem và được coi là một ví dụ cho xu hướng du lịch "thần tốc" mới của giới trẻ nước này.
Với ngân sách eo hẹp, nhiều người trẻ Trung Quốc sẵn lòng ngủ nghỉ vạ vật trên tàu xe cho tiết kiệm, nhưng quyết tâm ăn được nhiều món nhất, trải nghiệm nhiều điểm tham quan nhất trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ.
Những từ khóa liên quan tới xu hướng du lịch mới này đang trở nên thịnh hành trên nền tảng mạng xã hội Weibo với lượng tìm kiếm tăng kỷ lục.
"Xu hướng này cho thấy giới trẻ Trung Quốc ngày nay không có tiền. Họ vẫn muốn đi du lịch nhưng không muốn chi tiêu hoặc tiêu tiết kiệm. Bởi vậy, họ chấp nhận du lịch thần tốc", Xiyu, 30 tuổi, cựu nhân viên từng làm cho một công ty giải trí, nhận định.
Lý giải về khả năng chi tiêu hạn hẹp của người trẻ Trung Quốc, những con số thống kê mới nhất cho thấy. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này trong quý 2/2023 đạt mức kỷ lục lên tới 21,3%. Điều này có nghĩa, cứ 5 người trong độ tuổi từ 16 đến 24, lại có một người thất nghiệp.
Kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại thời hậu đại dịch, số lượng khách đi du lịch tăng lên nhưng họ không chi tiêu "mạnh tay" như trước.
Cụ thể, trong kỳ nghỉ lễ hội vào tháng 6 vừa qua, Trung Quốc ghi nhận 106 triệu chuyến du lịch, nhưng doanh thu trong thời điểm này chỉ đạt 5,2 tỷ USD - thấp hơn cùng kỳ năm 2019.
Kỳ nghỉ Quốc tế Lao động cũng chứng kiến sự gia tăng về số lượng chuyến đi so với năm 2019, nhưng chi tiêu bình quân mỗi khách chỉ đạt 75,4 USD - giảm 10,5% so với trước khi Covid-19 xuất hiện.
Ông Yating Xu, chuyên gia kinh tế chính tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: "Du lịch nội địa Trung Quốc đã phục hồi về mức trước đại dịch trong nửa đầu năm nay. Nhưng ở góc độ tiêu dùng, mọi thứ vẫn chưa trở lại".
Cũng theo vị chuyên gia này, triển vọng kinh tế ảm đạm, thu nhập bấp bênh là những rào cản chính khiến ngành du lịch phục hồi chậm hơn kỳ vọng.
Tin "kém vui" với các nước phụ thuộc nguồn khách Trung Quốc
Theo đại diện của nền tảng đặt phòng du lịch Trip.com, mùa hè năm nay Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các lượt tìm kiếm khu nghỉ dưỡng. Kỳ nghỉ tháng 6 vừa qua, số lượng đặt chỗ tăng 191% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, khách Trung Quốc có xu hướng thích du lịch gần nhà, trải nghiệm cắm trại, đạp xe trong thành phố hay dự các lễ hội âm nhạc.
Xu hướng này lại trở thành "tin xấu" với các nước trong khu vực. Chuyên gia Yating Xu nhận định, hiện tỷ lệ khách Trung Quốc du lịch nước ngoài chiếm chưa tới 50% so với trước đại dịch.
Chuỗi khách sạn bình dân RedDoorz từng rất "phấn khích" trước thông tin Trung Quốc mở cửa du lịch trở lại.
"Tệp khách này là động lực lớn của nền kinh tế, du lịch với nhiều quốc gia", ông Amit Saberwal, người điều hành RedDoorz ở Bali, Indonesia, nhận định hồi đầu năm 2023.
Tuy vậy, nửa năm trôi qua, sự kỳ vọng của ông Amit với nhóm khách này "bất thành". "Họ không trở lại Đông Nam Á. Chúng tôi hiện có kế hoạch tập trung để hút khách nội địa nhằm tránh những nguy cơ rủi ro trong tương lai", ông Amit chia sẻ.
Và với người trẻ Trung Quốc, họ đang cân nhắc việc du lịch nước ngoài "chớp nhoáng" như đi trong nước, thay vì dành cả tuần nhàn nhã rong chơi tận hưởng như trước kia.
Những video với nội dung kiểu như "Ăn chơi siêu tốc ở Bangkok trong 48 tiếng" đang trở nên thịnh hành, được giới trẻ quan tâm. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể "du lịch chớp nhoáng", bởi điều này đòi hỏi thể lực tốt.