PK đến Kurukshetra vào cuối buổi chiều ngày đầu tiên của hành trình. Anh đã đạp xe từ bình minh và quyết tâm sẽ vượt qua hết quãng đường của một ngày rong ruổi. Anh leo xuống từ chiếc xe đạp nữ Raleigh, mua với giá sáu mươi rupee. Bằng nửa giá kiểu xe đạp nam. Sáu mươi rupee là giá hợp lý với người như anh, những kẻ thường xoay xở chật vật mới đủ tiền mua vé tàu lửa.
Anh đang trên đường thực hiện số phận tiền định của mình. Anh chỉ mang theo vẻn vẹn một túi ngủ, một áo khoác màu xanh, một chiếc quần để thay đổi (quà tặng của một người Bỉ làm nghề phát thư mà anh đã gặp ở New Delhi) và chiếc áo sơ-mi màu xanh do Lotta may và gửi cho anh. Trên áo, cô đã thêu hai chữ viết tắt tên anh thành hình một cái giá vẽ.
Anh luồn những ngón tay qua mái tóc đầy bụi đường, bờm xờm như chổi sể, rồi ngồi bệt dưới tàng cây keo đổ bóng dài trong nắng xế ven một làng nhỏ. Anh nhìn ra những cánh đồng. Mặt trời lặn ở hướng tây nên anh cứ theo đó mà tìm đường đi. Nói đúng hơn, anh sẽ đi theo hướng tây bắc. Nhưng trước mặt còn bao nhiêu dặm đường nữa thì anh mù tịt. Anh không hề biết khoảng cách, mà cũng chẳng rành địa lý. Mấy năm qua, anh toàn đánh vật với tấm bản đồ để xác định mọi đất nước và thành phố mà anh đã nghe nhắc tên trong quán cà phê Indian Coffee House.
Anh có tám mươi đô-la Mỹ khâu vào trong thắt lưng và mấy trăm rupee trong túi. Anh phải tiết kiệm. Số tiền này phải giúp anh tồn tại đến tận Kabul, xa hơn thì càng tốt. Biết đâu nếu có chút may mắn, anh có thể đi tới tận châu Âu chỉ bằng số tiền ít ỏi này.
Nhất định dọc đường sẽ có người có thể giúp đỡ anh chứ?
Cuốn sổ địa chỉ của anh ghi đầy tên các du khách, dân lang thang và hippy. Những người bạn. Họ đã nói đến cái cộng đồng đặc biệt của những con người hợp tan trên con đường của dân hippy. Chúng tôi giúp đỡ nhau, họ nói thế. Chúng tôi chia sẻ những gì có được. Ý nghĩ về đại gia đình này khiến tâm trí anh yên ổn, cho dù bao tử vẫn liên tục sôi sục. Con đường phía trước sẽ gian nan. Nhưng anh muốn nó phải gian nan, một cuộc chiến đấu trước khi thắng lợi. Anh muốn áp lực đó sẽ là hồi trống thúc giục trong lòng anh. Mọi chuyện sẽ đâu vào đấy.
Anh thừa hiểu phải biết nhẫn nại. Phải tiết kiệm sức lực, anh tự nhủ. Đương nhiên là anh muốn có mặt ở Thuỵ Điển ngay ngày mai. Nhưng trong dự tính chung thì chẳng bao lâu nữa anh cũng sẽ đến đích. Nếu như anh đi được tới tận nơi.
Đêm đầu tiên ấy, PK nằm trong túi ngủ trên bờ ruộng. Lúc đó là tháng Một, và mùa đông miền bắc Ấn Độ ẩm ướt và lạnh lẽo. Anh lắng nghe tiếng chó sủa và tiếng xe tải ầm ầm chạy ngang qua trên con đường hẹp mấp mô mang cái tên to tát. Anh nhận ra mùi tanh của nước ao tù và nhìn những ánh đèn đường chiếu ngược rọi sáng trắng hơi thở như khói của các tài xế. Anh rùng mình, kéo dây kéo túi ngủ lên tận cằm và nhắm mắt lại.
Anh bịt tai cho khỏi nghe tiếng dế rúc rích trong mương rãnh um tùm và nghĩ đến Lotta. Cô đã biết anh sẽ đến. Anh đã viết thư cho cô hay kế hoạch của mình. Cô trả lời rằng nếu có ai rành đường đi từ Ấn sau Âu thì đó chính là cô.
Lái chiếc VW một mạch tới Ấn Độ rồi quay về đúng là một cuộc phiêu lưu, nhưng với anh sẽ là một hành trình gian khổ, cô viết trong thư.
Một lần nữa, niềm vui đã nhường chỗ cho tuyệt vọng. Nước mắt ràn rụa trên má anh khi cảm giác vô vọng tràn ngập. Làm sao anh tiếp tục hành trình được? Anh sẽ phải ngừng lại, mà đã ngừng rồi. Hôm qua, anh đã tới vùng giáp giới với Pakistan. Lúc đầu, đội biên phòng không cho anh qua. Họ nói cấm người Ấn. Bất kể trường hợp nào. Họ ném trả hộ chiếu cho anh và bảo quay lui. Nhưng anh rút ra mấy bức tranh đã vẽ cho toán cảnh sát xem. Anh đề nghị vẽ chân dung cho họ. Họ miễn cưỡng đồng ý, và anh lấy giấy với một mẩu chì than ra. Anh vừa nói chuyện vừa vẽ, kể cho họ biết về cô gái anh yêu và đất nước mà anh sẽ chọn làm quê hương. Nét mặt những cảnh binh ấy càng lúc càng tò mò và họ đâm ra dễ chịu.
Một câu chuyện rất hay ho, và ngay khi họ nhìn thấy gương mặt khắc nghiệt của mình trên tờ giấy thì họ mỉm cười. Mọi vẻ nghiêm trọng đều tan biến. Đúng như PK đã hy vọng. Cách này thường hữu hiệu. Được vẽ chân dung là được thấy mình ở những nét đẹp đẽ nhất, được hãnh diện và cách này hầu như luôn làm mềm lòng cả những người chai đá nhất.
– Được, chúng tôi cho anh đạp xe qua nước chúng tôi – một sĩ quan Pakistan nói.
– Cậu có chắc là mình được phép làm thế không? – Một người khác phản đối bằng tiếng Urdu, một ngôn ngữ mà PK có biết sơ sơ.
– Được chứ, được chứ, có gì quan trọng đâu? Trông anh này là người tử tế mà.
Họ quay sang PK và người có vẻ là phó chỉ huy lịch sự nói:
– Anh đi đi, được rồi đó!
Họ mở rào chắn và anh đạp xe vào Pakistan.
Nửa giờ sau, anh rẻ ngoặc xe vào một lều gỗ thủng mái có bày mấy chiếc chõng charpoy và mấy cái bàn sơn bóng loáng. Anh xuống xe, tự hài lòng với mình và đi tới chỗ một người đầu trần mặt mày ủ rũ đang ngồi trong bóng mát của mái che bằng bao tải, cạnh một tủ kẹo viên tròn, ruồi bu cả đám.
Anh gọi một đĩa cơm gà biryani và ngồi bên rìa chõng, ngấu nghiến bữa ăn đầu tiên bên kia biên giới.
Anh ợ hơi, rửa tay và châm đầy bình nước. Rồi đúng ngay lúc anh lên xe đạp tính đi tiếp, một chiếc xe jeep cảnh sát rẽ ngoặt vào khoảng sân trước mặt anh.
– Hộ chiếu, hộ chiếu! –Một cảnh sát vừa hô to vừa nhảy khỏi chiếc xe còn đang lăn bánh.
PK rút sổ hộ chiếu bìa xanh lá cây có hình vua sư tử Ashoka và hai dòng chữ tên quốc gia in bằng mẫu tự Devanagari – Bharat Ganarajya – và tiếng Anh – Republic of India. Các cảnh sát hết lật tới, lật lui qua các trang hộ chiếu rồi lại gập mở, xoay trở ngược xuôi. Họ lắc đầu.
Viên cảnh sát đứng dưới đất chỉ tay về phía chiếc xe đạp rồi sang chiếc xe jeep. PK hiểu ý ngay. Họ quẳng xe đạp lên mui chiếc jeep, bảo anh trèo vào băng ghế sau, rồi lái xe chở anh quay lại đường biên giới.
Anh chỉ còn cách đạp xe năm mươi cây số về Amritsar bên Ấn Độ.
Nếu đường tới tương lai đã được định sẵn thì hóa ra nó đầy chông gai cạm bẫy, PK nghĩ thầm, cứ như đấng quyền năng nào đó đã quyết rằng anh chỉ có thể đến được thiên đàng sau khi chinh phục bảy lần thử thách dưới trần gian.
Trích “Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu”