“Lợi ích cận biên”
Hôm đó là ngày thi cuối cùng của môn đạp xe lòng chảo tại Thế vận hội Olympics được tổ chức ở Luân Đôn. Chris Hoy vào đội hình, chuẩn bị sẵn sàng cho vòng đua chung kết nội dung Keirin - nội dung thi mà các cua-rơ sẽ đạp xe sau một xe dẫn tốc (được gọi là Derny) trong năm vòng rưỡi và đua nước rút trong hai vòng rưỡi cuối cùng.
Trước đó, Hoy đã giành được năm huy chương vàng Olympic, và anh đang có tham vọng trở thành vận động viên người Anh nhận được nhiều huy chương Olympic nhất mọi thời đại. Khi chỉ còn lại hai vòng rưỡi, xe dẫn tốc Derny dần tách khỏi đường đua và cuộc đua thật sự bắt đầu.
Lợi thế ban đầu thuộc về Hoy, khi anh lập tức vượt lên và dẫn đầu đoàn đua. Nhưng khi chỉ còn một vòng rưỡi, Hoy bị tay đua người Đức là Max Levy vượt mặt và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, có vẻ như Hoy sẽ phải chịu thua trước Levy. Nhưng ở khúc cua cuối cùng, Hoy giành lại vị trí dẫn đầu và cán đích khi chỉ còn cách Levy một khoảng cách bằng ba phần tư chiều dài thân xe - một phong cách về đích đã quá quen thuộc với người hâm mộ Anh quốc.
Chris Hoy không phải là cua-rơ người Anh duy nhất gặt hái nhiều thành công trong năm đó. Đội tuyển xe đạp Anh đã xuất sắc giành được bảy trong tổng số chín huy chương vàng Olympic. Đây là lý do vì sao khi giám đốc cải thiện thành tích của tổ chức British Cycling là David Brailsford được hỏi điều gì làm nên thành công của đội tuyển, nhiều người đã cho rằng ông sẽ nói về nỗ lực cống hiến của các vận động viên. Nhưng Brailsford không nói về chủ đề này, thay vào đó, ông tập trung chia sẻ về cách tiếp cận mà đội tuyển đã áp dụng để tối đa hóa cơ hội chiến thắng.
Cách tiếp cận này được gọi là “lợi ích cận biên”, và đây là cách tiếp cận có chứa đựng nhiều nguyên tắc của tư duy nghĩ nhỏ. Sáng hôm đó, khi Hoy lập thành tích đáng nể về số huy chương vàng mà anh đạt được, Brailsford đã giải thích về cách tiếp cận của ông như sau: “Toàn bộ nguyên tắc này được xây dựng dựa trên một ý tưởng, đó là nếu chia nhỏ mọi thứ mà bạn nghĩ đến trong vấn đề đua xe đạp và cải thiện từng phần nhỏ khoảng 1% thì bạn sẽ có được sự cải thiện đáng kể khi ghép tất cả các phần nhỏ lại với nhau.”
Khi nói “mọi thứ”, Brailsford thật sự muốn ám chỉ mọi thứ. Ông đã sử dụng đường hầm gió để phân tích khí động lực của những chiếc xe đạp đang được đội tuyển sử dụng và đã thực hiện một số điều chỉnh để những chiếc xe đạp này có thể chống lại sức cản của gió tốt hơn. Ông cũng đưa ra nhiều biện pháp về giữ an toàn vệ sinh cho toàn đội, chẳng hạn như yêu cầu mọi người sử dụng gel rửa tay kháng khuẩn để giảm nguy cơ viêm nhiễm. Phần đuôi của xe tải vận chuyển xe đạp cho đội tuyển cũng được sơn trắng để bụi đất bám vào các bộ phận của xe đạp dễ được phát hiện hơn.
Chúng ta không phải là những vận động viên Olympic. Chúng ta cũng không thể tận dụng những nguồn lực của đội Olympic Anh quốc. Nhưng chúng ta có thể áp dụng lối suy nghĩ tương tự như thế để theo đuổi mục tiêu của mình, dù đó không phải là đoạt huy chương vàng Olympic. Phương pháp này được gọi là “phân mảnh”, nghĩa là chia mục tiêu thành nhiều phần nhỏ.
“Phân mảnh” vốn là thuật ngữ xuất hiện trong phương pháp có liên quan đến cơ chế ghi nhớ của não bộ. Ví dụ, số điện thoại sẽ trở nên dễ nhớ hơn nếu bạn phân nó thành nhiều dãy số ngắn. Bạn có thể kiểm nghiệm điều đó ngay bây giờ. Hãy cố nhớ dãy số 0434756863 mà không phân nó thành nhiều phần nhỏ. Bạn có thể cho bản thân mười giây để thử xem bạn có thể nhớ được toàn bộ dãy số đó hay không. Bây giờ, hãy thử nhớ dãy số tương tự nhưng được chia thành nhiều phần nhỏ hơn: 0532-799-813. Chắc hẳn bạn đang thấy việc sắp xếp thông tin trong não bộ của mình trở nên dễ dàng hơn, và dãy số được chia nhỏ vì thế cũng trở nên dễ nhớ hơn.
Hiệu ứng tương tự cũng xảy ra với những mục tiêu dài hạn của chúng ta. Nếu đặt mục tiêu là hoàn thành nhiều việc trong một quãng thời gian kéo dài thì chúng ta sẽ có cơ hội thành công thấp hơn so với khi ta chia những việc đó thành nhiều bước riêng lẻ.
Chia mục tiêu thành nhiều phần nhỏ
Có hai cách khác nhau để phân nhỏ mục tiêu của bạn thành nhiều bước riêng lẻ. Cách thứ nhất là cách đã được thực hiện và khai thác triệt để bởi Brailsford, nhằm xác định những phần nhỏ mà bạn cần hoàn thành để đạt được mục tiêu cuối cùng của mình.
Cách thứ hai của phương pháp phân mảnh là chia mục tiêu chung thành nhiều khoảng thời gian hoặc công việc lặp đi lặp lại. Thay vì nghĩ về tất cả những việc khác nhau mà bản thân cần thực hiện, bạn có thể nghĩ xem mình cần dành ra bao nhiêu thời gian mỗi tuần để đạt được mục tiêu chung. Cách thứ hai của phương pháp phân mảnh này đặc biệt hữu ích khi bạn cần lặp lại những hoạt động nào đó hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng. Ví dụ, nếu đang cố cai thuốc lá thì bạn có thể tập trung vào việc cai thuốc mỗi ngày; bạn sẽ thấy dễ dàng hơn và có động lực để cai thuốc hơn, khi hạn chế nghĩ về việc không được hút thuốc trong suốt sáu tháng tiếp theo. Nếu muốn tiết kiệm tiền thì bạn cũng có thể chia nhỏ mục tiêu tiết kiệm cả năm thành số tiền mà bạn cần tiết kiệm hằng tháng.
Giáo sư Bob Boice - người từng thực hiện nghiên cứu về các học giả trẻ - đã phát hiện ra rằng các học giả thành công thường là những người viết “một trang mỗi ngày”. Những người này thường tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình so với những người “viết không ngừng nghỉ” cả ngày lẫn đêm.
Ý nghĩa của các nghiên cứu về phương pháp phân mảnh, bất kể là chia nhỏ mục tiêu theo thời gian hay theo những hoạt động khác nhau cần được hoàn thành, không phải là mục tiêu dài hạn của bạn không quan trọng. Theo cách nói của một nhà tâm lý học nổi tiếng thì bạn cần nhìn ra được “mối liên hệ giữa ước mơ của mình với những khó khăn của cuộc sống hằng ngày”. Đó là lý do vì sao một trong những bài học quan trọng nhất của phương pháp phân mảnh là đảm bảo rằng tất cả những phần được chia nhỏ cuối cùng cũng đều giúp ích cho mục tiêu dài hạn.