Bạn hỏi và vị bác sĩ trả lời: “Trong 100 bệnh nhân từng trải qua loại phẫu thuật này, có 90 người tiếp tục sống sau 5 năm”. Bạn sẽ quyết định thế nào? Có lẽ câu trả lời của bác sĩ giúp bạn thấy yên tâm, khiến bạn tự tin hơn vào kết quả phẫu thuật.
Bạn chọn “10/100 người đã chết” hay "90 người còn sống"?
Nhưng bây giờ, hãy giả sử bác sĩ cấu trúc câu trả lời theo một cách khác. Ví dụ, ông ấy nói: “Trong 100 người trải qua phẫu thuật này, có 10 người chết sau 5 năm”. Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, câu trả lời này của bác sĩ sẽ nghe thật đáng ngại và có thể bạn sẽ từ chối phẫu thuật. Theo bản năng, có thể bạn sẽ nghĩ: “Có nhiều bệnh nhân không qua khỏi quá, lỡ đâu mình cũng là một trong số đó!”.
Trong rất nhiều thí nghiệm, người ta phản ứng rất khác trước thông tin “90/100 người còn sống” và “10/100 người đã chết” - mặc dù nội dung của hai cách phát biểu này hoàn toàn giống nhau. Ngay cả các chuyên gia y tế cao cấp cũng bị tác động bởi “hiệu ứng đóng khung”. Khi được báo cáo “90/100 người còn sống”, họ sẽ có khuynh hướng khuyên bệnh nhân tiếp nhận phẫu thuật hơn so với khi nhận được thông tin “10/100 người được phẫu thuật chết sau 5 năm”.
Cách đóng khung hoặc cấu trúc nội dung có ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi thẻ tín dụng bắt đầu trở thành hình thức thanh toán phổ biến trong những năm 1970, một số nhà bán lẻ muốn tính giá khác nhau đối với khách hàng trả tiền mặt và khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng. Để ngăn chặn chuyện này, các công ty phát hành thẻ đặt ra những quy định để các nhà bán lẻ không được làm như vậy. Khi dự luật cấm các công ty phát hành thẻ áp những quy định như vậy được trình lên Quốc hội và có vẻ sắp được thông qua, quá trình vận động hành lang của các công ty phát hành thẻ tín dụng đã chuyển sự chú ý vào ngôn ngữ.
Cụ thể, dự luật đề xuất nếu một công ty tính giá khác nhau đối với khách hàng thanh toán bằng tiền mặt và bằng thẻ, mức giá áp cho thanh toán thẻ sẽ là giá “bình thường” (giá mặc định), còn mức giá dành cho hình thức thanh toán tiền mặt phải là giá giảm - thay vì xem giá tiền mặt là bình thường và phụ thu khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Cú hích nào mạnh mẽ hơn?
Các công ty phát hành thẻ tín dụng có hiểu biết và nhanh nhạy về điều mà các nhà tâm lý học gọi là “sự đóng khung”. Ý tưởng này cho rằng các lựa chọn sẽ phụ thuộc một phần vào cách các vấn đề được mô tả. Điểm này rất quan trọng trong việc ban hành chính sách công. Chủ đề bảo tồn năng lượng hiện đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng, vậy hãy xem xét các chiến dịch truyền thông sau đây:
(a) Nếu sử dụng các biện pháp bảo tồn năng lượng, bạn sẽ tiết kiệm 350 đô-la mỗi năm; (b) Nếu không sử dụng các biện pháp bảo tồn năng lượng, bạn sẽ mất 350 đô-la mỗi năm. Rõ ràng, chiến dịch truyền thông (b), vốn “đóng khung” bằng “sự mất mát”, hiệu quả hơn nhiều so với chiến dịch truyền thông (a). Nếu chính phủ muốn khuyến khích việc bảo tồn năng lượng thì phương án (b) sẽ tạo ra một cú hích mạnh mẽ hơn.
Rất giống với định kiến nguyên trạng, các hiệu ứng đóng khung được củng cố bởi Con người có khuynh hướng thỉnh thoảng trở thành những người ra quyết định thụ động và lơ đễnh. Không mấy người trong chúng ta chịu phiền phức để xem việc “đóng khung lại” - hoặc cấu trúc lại - các quyết định mà chúng ta phải đối mặt có tạo ra một câu trả lời khác hay không. Một lý do tại sao chúng ta không kiểm tra tính nhất quán của câu trả lời mà mình đưa ra có lẽ là vì ta không biết điều gì tạo nên sự mâu thuẫn. Điều này cho thấy đóng khung - cách diễn đạt vấn đề - là một cú hích mạnh mẽ và cần được lựa chọn với sự cẩn trọng cao độ.