Các ông bố bà mẹ liệu sẽ làm gì nếu phát hiện ra con mình đã mua một chiếc bánh với giá hơn 100 triệu đồng? Có lẽ dù cố gắng kiềm chế đến đâu cũng không thể tránh khỏi sự tức giận. Nhưng cách ứng xử của bà mẹ dưới đây, trong trường hợp này đã khiến mọi người phải vỗ tay tán thưởng.
Vài ngày trước, cô Li ở Thượng Hải (Trung Quốc) nhờ con gái cầm điện thoại di động đến một cửa hàng ven đường để mua bánh. Không ngờ, cô con gái 10 tuổi nhập nhầm số tiền, đến 30.000 nhân dân tệ (khoảng 100 triệu đồng). Biết mình mắc lỗi, cô bé sợ hãi đến mức không thể ngừng khóc. Người mẹ sau khi biết chuyện, không trách mắng mà lập tức xoa dịu cảm xúc của con: "Mẹ biết con không cố ý. Con yên tâm, ai cũng có sai lầm. Con mắc lỗi thì hãy rút kinh nghiệm và sửa chữa lần sau là được".
Thấy con gái vẫn không vui, bà mẹ lấy bánh ra và nói đùa: "Nào, ăn bánh đi cho đỡ buồn. Lớn như vậy rồi mẹ mới lần đầu tiên ăn bánh đắt tiền như vậy". Cô bé thích thú với lời nói đùa của mẹ, bắt đầu ăn thử bánh.
Sau khi xoa dịu cảm xúc, bà mẹ đưa con đi giải quyết vấn đề tiếp theo. Đầu tiên cô liên lạc với ông chủ qua điện thoại và giải thích tình hình, ông chủ yêu cầu họ đến cửa hàng hai giờ sau đó. Tới nơi, cô Li đưa con gái đến xin lỗi ông chủ và gọi thêm một xiên thịt cừu nướng để cảm ơn. Người chủ quán cũng hoàn trả tất cả số tiền.
Cách tiếp cận vấn đề của người mẹ này đã giành được nhiều lời khen ngợi. Cô đặt cảm xúc của con mình lên hàng đầu, cho con sự thoải mái và cảm giác an toàn khi đang hoảng sợ. Tình yêu và sự ấm áp từ người mẹ này sẽ trở thành niềm tin của đứa trẻ suốt đời.
Cô Li không chỉ hỗ trợ con gái về mặt tinh thần mà còn dạy con cách đối phó với những sai lầm đã mắc phải. Đó chính là dũng cảm đối mặt với vấn đề không chỉ cần thái độ xin lỗi mà còn cần có hành động "đền bù". Hơn nữa, cô cũng dạy con giữ thái độ lạc quan và bình tĩnh. Sự việc đã xảy ra, thà bình tĩnh đối mặt còn hơn chì chiết.
Mỗi lần trẻ mắc lỗi là một cơ hội giáo dục tốt. Cùng một sai lầm, nhưng phương pháp giáo dục khác nhau sẽ mang lại những kết quả hoàn toàn khác.
Trẻ mắc sai lầm không đáng sợ, điều đáng sợ là cách xử lý sai lầm của cha mẹ càng gây ra nhiều tổn thương cho con cái. Đặc biệt là hai phương pháp cực đoan sau đây không được khuyến khích, phụ huynh nhất định phải tránh xa.
Một số bậc cha mẹ khi thấy con phạm lỗi, bất kể dịp nào cũng quở trách, đánh đập, mắng mỏ. Làm như vậy rất có thể khơi dậy tâm lý nổi loạn của trẻ. Từng có câu chuyện, một cậu bé đã lấy trộm tiền của mẹ và bị mẹ cột sau xe máy kéo đi. Một nam sinh bị bố mẹ bắt mặc chiếc quần lót nhỏ, ngồi xổm bên đường cho mọi người xem với suy nghĩ "phải phạt thật nặng để con nhớ lâu".
Khi trẻ mắc lỗi, nhiều người cho rằng nếu không "phạt" thì trẻ sẽ không biết dừng lại, nhưng việc trừng phạt quá mức có thể phản tác dụng. Đầu tiên, nó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ và con cái. Con cái sẽ nghi ngờ tình yêu thương của cha mẹ dành cho chúng, trở nên tự ti và ngày càng xa lánh cha mẹ. Thứ hai, nó sẽ buộc trẻ học cách nói dối. Thứ ba, trừng phạt quá nặng chỉ khiến trẻ phục tùng một cách hời hợt. Khi có khả năng hoặc có cơ hội, đứa trẻ sẽ phản kháng mạnh mẽ hơn.
Từng có vụ một cậu bé 10 tuổi quấy rối một bé gái 5 tuổi trong một hiệu sách ở Thượng Hải. Cậu vén váy cô gái, cho tay vào trong... Camera giám sát đã ghi lại toàn bộ quá trình nhưng mẹ của cậu bé không chịu thừa nhận, thậm chí còn đổ lỗi ngược cho nạn nhân "là con gái anh tình nguyện". Để bảo vệ con, ngay cả khái niệm cơ bản về đúng sai bà mẹ này cũng không còn để ý tới nữa.
Một nhà nghiên cứu tâm lý tội phạm từng nói: "Trong nghiên cứu về tội phạm vị thành niên, tôi đã phát hiện ra rằng 80% trẻ em phạm tội vì gia đình rối loạn". Khi con mắc lỗi, cha mẹ bỏ qua hoặc bao dung, tưởng chừng là yêu thương nhưng thực chất là một cạm bẫy. Khi còn nhỏ, con phạm sai lầm nhỏ, nhưng khi lớn lên, con có thể trở thành một tên tội phạm.
Trẻ mắc lỗi là một nhu cầu phát triển. Nó không phải là một tai họa, mà là một cơ hội giáo dục tốt. Vậy, chúng ta nên làm gì khi con mắc lỗi?
Đầu tiên, hãy bình tĩnh và xem động cơ đằng sau lỗi lầm của trẻ: Giáo sư tâm lý học Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) cho biết: "Khi trẻ mắc lỗi, tốt nhất cha mẹ đừng vội chỉ trích. Bình tĩnh là trạng thái cao nhất của cha mẹ lúc này". Đừng vội đứng về phía đối nghịch, hãy bình tĩnh và hỏi trẻ lý do cụ thể khi làm như vậy. Chỉ bằng cách bình tĩnh và kiên nhẫn, chúng ta mới có thể nhìn thấy sự thật ẩn giấu đằng sau những sai lầm của trẻ.
Thứ hai, dạy trẻ đối mặt với vấn đề và chịu trách nhiệm, giúp con hiểu: Nếu mắc sai lầm, con cần dũng cảm đối mặt với nó, không nên trốn tránh hay nói dối. Nhà khoa học Stephen Glenn từng nói rằng chính thái độ của mẹ đã cho ông dũng khí đối mặt với lỗi lầm của mình. Khi còn nhỏ, có một lần lấy sữa trong tủ lạnh, ông sơ ý làm đổ sữa khắp sàn nhà. Người mẹ nghe tiếng động liền chạy đến, thấy cảnh bừa bộn, thay vì trách móc, bà nói: "Dù sao thì nó cũng đổ ra sàn rồi, con có muốn chơi với nó một lúc trước khi chúng ta dọn dẹp không? Chắc thú vị lắm đây".
Stephen Glenn thực sự chơi với sữa, sau đó, bà mẹ nói: "Là con làm đổ sữa, con nên thu dọn. Hiện tại, mẹ có bọt biển, giẻ lau, con muốn dùng cái gì?". Cậu bé chọn một miếng bọt biển và dọn sạch sữa trên mặt đất. Stephen Glenn nói rằng chính từ thời điểm đó, ông đã hiểu ra một điều: Đừng sợ phạm sai lầm, sai lầm thường là khởi đầu của việc học kiến thức mới.
Cần có can đảm để thừa nhận sai lầm và xin lỗi. Sự dũng cảm của đứa trẻ đến từ tình yêu và sự khuyến khích của cha mẹ. Một cái nhìn thấu hiểu, một lời an ủi và một cái ôm ấm áp có thể khiến trẻ cảm thấy rằng cha mẹ và chúng đang sát cánh bên nhau.
Có một câu nói rất hay: "Lúc trẻ kém dễ thương nhất là lúc trẻ cần tình yêu của bạn nhất". Khi con mắc lỗi cũng là lúc cha mẹ cần thấu hiểu và yêu thương nhất. Hãy dùng thái độ dịu dàng và kiên định để hướng dẫn trẻ dũng cảm đối mặt với lỗi lầm, nhận trách nhiệm và chủ động sửa sai.