Bình tĩnh trước tai ương
Có câu chuyện thật xảy ra như thế này: Trong một đợt lũ lịch sử, một người đàn ông quay trở về nhà lấy đồ quan trọng, sau đó người nhà không liên lạc với ông được nữa. Vậy mà, người vợ của anh ấy vẫn lặng lẽ thức suốt đêm làm công tác tình nguyện phục vụ người dân gặp nạn tại nơi sơ tán. Khi được hỏi về tâm trạng của mình khi không liên lạc được với chồng, cô ấy nói "Ngoài việc làm những thứ có thể làm và chờ đợi, tôi cũng chẳng còn cách nào khác".
Làm sao họ lại có thể điềm tĩnh đến vậy?
Tại nơi sơ tán hoàn toàn không hề nghe thấy tiếng nhốn nháo ồn ào hay tiếng khóc lóc. Mặc dù có rất đông trẻ em nhưng không hề nghe thấy một âm thanh ầm ĩ nào cả.
Đã có rất nhiều người thắc mắc về sự điềm tĩnh này của họ. Phần lớn người Nhật đều cùng một quan niệm đã là thiên tai thì cũng chẳng làm thế nào khác được bởi con người luôn luôn nhỏ bé trước thiên nhiên. Họ còn nói, sống ở một nước có nhiều thiên họa nên ở một mức độ nào đó, họ cũng phải xác định tinh thần nên dù có xảy ra chuyện gì đi nữa thì cũng phải điềm tĩnh. Có thể trong lòng có đau khổ nhưng có gào lên cũng chẳng thay đổi được gì, mà còn làm phiền những người xung quanh.
Trong thực tế cuộc sống, Nhật Bản phải đối mặt với rất nhiều thiên tai như núi lửa phun trào, động đất, sóng thần... Nhiều người rơi vào tình trạng nhà cửa bị cuốn trôi, tan hoang, thế nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn lạc quan và giữ thái độ điềm tĩnh, đầy lý trí: "Còn sống là may mắn lắm rồi. Tài sản thì cũng đành vậy thôi, chẳng còn cách nào khác".
Một người mẹ còn chia sẻ: "Lúc con tôi bảo tôi có tật ngáy khi đang ngủ, tôi đã rất sốc. Lỡ xảy ra động đất rồi phải sống ở nơi sơ tán thì tôi sẽ làm ồn đến mức nào đây? Chắc sẽ làm phiền người xung quanh lắm, vậy nên tôi nghĩ mình phải sửa tật này thôi".
Ngay cả khi cuộc sống đang bình yên họ cũng biết nghĩ cho người khác, rằng biết đâu một lúc nào đó gặp thiên tai, tật ngáy khi ngủ của mình có thể làm phiền người khác. Riêng việc này cũng đáng ngạc nhiên rồi. Nhưng điều còn khiến chúng ta kinh ngạc hơn nữa là việc họ lo lắng sợ làm phiền người khác hơn bất cứ điều gì khác.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, câu cửa miệng mà các bà mẹ Nhật luôn dạy con là "Như thế sẽ làm phiền người khác đấy, vậy nên con trật tự đi". Dù là khi hai mẹ con cùng đi chợ, hay cùng đi ra ngoài chơi, câu nói mà trẻ luôn được nhắc nhở không quên đó là "Không được làm phiền người khác". Nghĩa là tinh thần Meiwaku đã bắt rễ rất sâu không chỉ ngoài xã hội mà còn trong các gia đình bình thường ở Nhật.
Đặc điểm không để lộ hết cảm xúc của người Nhật có lẽ cũng bắt nguồn từ cách giáo dục từ thủa nhở này.
Nhắc tới Nhật Bản, người ta còn nghĩ ngay tới "văn hóa khẩu trang". Văn hóa này cũng xuất phát từ ý thức phòng tránh một cách triệt để việc gây hại cho người khác ở nơi công cộng. Vào những ngày có phấn hoa hay bão cát, quá nửa số người đi trên đường sẽ đeo khẩu trang. Họ không chỉ dùng khẩu trang mùa hè mà còn vào mùa đông hay thậm chí dùng quanh năm.
Khi có dịch cảm cúm hay vào những lúc chuyển mùa, họ dùng khẩu trang để phòng bệnh. Tại những thành phố đông đúc nơi người dân dành hàng giờ trong những không gian chật chội như ga tàu điện ngầm, khẩu trang sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh đường hô hấp. Bởi vì trong xã hội Nhật, việc họ ho hay hắt hơi nơi công cộng khi không đeo khẩu trang là một hành vi cực kỳ bất lịch sự.
Bởi thế, sản xuất khẩu trang y tế đã nhanh chóng trở thành một ngành công nghiệp triệu đô tại Nhật Bản. Khẩu trang dùng một lần xuất hiện trên thị trường Nhật Bản vào năm 2003. Không sử dụng chất liệu từ vải truyền thống, khẩu trang thế hệ mới rẻ và tiện dụng hơn. Chất liệu không dệt được các công ty quảng cáo là có tác dụng tạo một lớp chắn phấn hoa và những yếu tố gây dị ứng khác, ngăn lây nhiễm cảm cúm.
Khi khẩu trang trở thành thứ quen thuộc trên đường phố Nhật Bản, người dân bắt đầu dùng chúng vì nhiều lý do khác. Những hình thù dễ thương hay hình thương hiệu cao cấp in trên khẩu trang biến nó thành một phụ kiện thời trang.
Một số người lại dùng khẩu trang như một lớp bảo vệ, giúp họ ẩn đi giữa đám đông và không phải giao tiếp với ai. Nhờ đó, họ không chỉ tạo khoảng cách với người xung quanh, mà còn có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc như mỉm cười hay nhăn nhó mà không ai trông thấy. Song đây chỉ là những trường hợp thiểu số, người Nhật vẫn sử dụng khẩu trang vì lý do sức khỏe.
Ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật đã được cha mẹ hướng dẫn đeo khẩu trang. Tại trường học, các giáo viên đôi khi cũng đeo khẩu trang khi chăm sóc cho các bạn nhỏ. Khi xuất hiện người bị bệnh hoặc thấy có dấu hiệu lây lan bệnh truyền nhiễm, người ta sẽ lập tức đóng cửa lớp học hoặc trường học đó. Dù tình trạng sức khỏe của trẻ có khá lên thì họ cũng yêu cầu phải có giấy chứng nhận là đã khỏi hẳn thì mới có thể quay trở lại lớp học.
Người Nhật ở nhà thoải mái tự do, nhưng khi ra đường, họ rất chịu khó quan sát thái độ của người khác, từ đó điều khiển hành vi để tránh gây ảnh hưởng tới người khác. Chứng kiến những việc như thế này mà lớn lên, trẻ em Nhật đã học được phép lịch sự ở nơi công cộng từ khi còn rất nhỏ. Trật tự nơi công cộng, tránh làm phiền người khác chính là bắt nguồn từ việc giáo dục tiếp nối qua các thế hệ như vậy.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị