Hôm ấy, chiếc xe chở nhiều hành khách. Khi xe đi qua một khúc cua hẹp, người tài xế bẻ tay lái khiến cho tất cả mọi người ngồi trên xe gần như ngã người theo. Một người trong số hành khách đã lợi dụng thời khắc đó để chạm vào túi xách của người ngồi kế bên và lấy cắp ví tiền ở trong túi xách. Người soát vé trên xe đã thấy được hành động này.
Sau một hồi im lặng, người soát vé lên tiếng: “Kính thưa quý hành khách, chỉ mấy phút nữa thôi, chiếc xe này sẽ đi vào một đoạn đường hầm tối. Nếu ai đó trong quý vị đã làm gì sai thì đây là cơ hội để quý vị phục thiện. Không ai nhìn thấy đâu. Tôi biết cuộc sống này rất khó khăn, kiếm tiền khó lắm, nhưng đừng vì cuộc sống thiếu thốn mà làm những việc không đúng để rồi mình phải đi tù. Hai năm tù cho một người phạm tội ăn cắp, có đáng không?”. Anh soát vé nói xong thì chiếc xe cũng bắt đầu đi vào đường hầm. Khi xe đi qua hết đoạn đường hầm, chiếc ví đó đã trở lại chỗ cũ, trong túi xách của người kia.
Câu chuyện nói lên tấm lòng độ lượng của một con người. Thấy người khác làm sai nhưng không hô toáng lên để làm mất mặt họ. Vì người đó muốn cho người khác cơ hội để phục thiện, để cải quá. “Cải quá tự tân”. Quý vị có nghe câu đó không? Quá là lỗi. Cải quá là sửa lỗi. Hễ mình sửa đổi, sửa được cái lỗi là mình tự làm mới mình. Tân có nghĩa là mới. Ví dụ, nhà mới là tân gia, mới cưới là tân hôn, ở lâu thì “hết hồn”…
Như vậy là người đó có tâm độ lượng, nhưng lòng độ lượng có được từ đâu? Nếu không có tư duy sâu sắc thì khó có tâm độ lượng. Thường thường, thấy cái gì không vừa mắt là mình la làng lên liền. Không cần biết cái đó đúng hay sai mà chỉ cần trật ý mình một chút là mình la, huống chi mình bắt gặp một người lầm lỗi. Nếu người đó không có quan hệ gì với mình, mình chỉ la làng thôi.
Còn nếu đó là người mình không ưa, mình còn cầu Phật cho mình bắt được lỗi của họ. (Mình thường hay cảm tạ ơn trên mấy vụ đó lắm!) “Trời Phật thương con, cho con bắt quả tang nó. Con ghim nó lâu lắm rồi.” Các bậc thánh ở trên đó bị mình lôi xuống làm phàm hết. Vì cách sống của mình rất phàm rồi nên mình muốn các vị cũng sống theo kiểu của mình. Đi chùa đậu xe sai chỗ mà không bị phạt tiền thì mình nói “Phật độ”, bị phạt thì mình nói “Phật không linh”. Cho nên, làm sao một người có thể dừng được thói quen la làng đó? Họ có tư duy. Họ dừng lại để nhận định: “Muốn cải thiện người này, mình phải làm gì?”. Cái cốt yếu là cải thiện con người chứ không phải là bắt tội người ta.
Đại chúng hãy nhớ là con người chúng ta ai cũng có lúc phạm lỗi. Nhưng cái gì làm mình phạm lỗi? Do pháp hay do mình có lỗi? Do pháp mà mình có lỗi. Chính vì vậy, người ta mới tạo ra các tổ chức, cơ quan để hướng dẫn mình sống đúng. Họ muốn đem pháp thiện chuyển hóa pháp ác.
Cho nên nhà Phật chúng ta muốn chuyển pháp. Chuyển pháp là làm gì? Là đem pháp thiện chuyển hóa pháp xấu. Ở đây có quý vị nào thấy tượng Phật Chuyển Pháp Luân chưa? Phật chuyển pháp luân tức là Phật bắt ấn bên tay này, rồi bên tay này nữa. Nghĩa là một bên là đời, một bên là đạo. Đời và đạo không thể tách rời nhau. “Phật pháp bất ly thế gian.” Cho nên quan trọng là mình phải chuyển pháp.
Giống như một cái bàn mình mua về dùng, nếu nó hơi khập khiễng một chút thì mình nên vứt cái bàn đi hay kiếm cái gì chêm cho nó bằng, hết khập khiễng? Chêm cho nó bằng. Nếu mình nấu một món ăn mà nó lạt, thiếu muối, mình có vứt đi nguyên cái nồi thức ăn đó không? Không, mình chỉ cần thêm một chút muối. Làm điều gì mà thấy nó chưa hoàn hảo, chúng ta đều muốn tìm cách làm cho nó hoàn hảo, chỉnh từng chút.
Quý cô mỗi buổi sáng làm cái này hoài mà quý cô quên, trang điểm đó. Mình phải có cái gương để nhìn và kẻ cho ngay. Nếu nó ngắn thì mình kéo xuống chút nữa cho dài thêm. Cái đó gọi là “điểm”, là làm cho nó đẹp. Cuộc sống này cũng vậy. Mình cần có cái nhìn để thấy đúng sai, mà đã thấy đúng sai thì phải có tư duy để sửa cái sai. Cho nên chúng ta có cái nhìn, có tư duy, có hành động.
Một người cần có tâm độ lượng để có thành tựu trong mọi việc. Một người cha thiếu độ lượng không thể cảm hóa được con mình. Một người chồng thiếu độ lượng không thể cảm hóa được vợ mình. Một người phụ nữ thiếu độ lượng không thể là một người mẹ hiền, người vợ hiền được. Nhưng nếu muốn có được tâm độ lượng đó, mình phải có tầm nhìn, tư duy, ăn nói. Tất cả những cái đó là gia vị để làm nên một con người độ lượng.
Có một ông vua. Ông vua mở một bữa tiệc, có cả các hoàng phi tham dự. Một tên lính đứng đó để ý một bà phi. Ngay trong bữa tiệc, một cơn gió lốc ùa tới làm tắt hết tất cả các ngọn đèn và tên lính kia lợi dụng bóng tối, nhào tới ôm bà phi. Hắn xổ áo bà phi ra khiến bả la toáng lên. Một lát sau, đèn được thắp sáng trở lại. Ông vua thấy vợ mình bị xốc áo như vậy, ổng biết chuyện gì xảy ra, nhưng bây giờ nếu la lên, mọi người biết thì mất mặt lắm. Ổng liền ra lệnh tất cả mọi người phải thổi tắt đèn và xổ áo ra. Để làm chi? Để ổng tha tội cho tên lính.
Về sau, khi có giặc giã, chính tên lính đó đã cứu ông vua. Sau đó, ông vua cho gọi người đã xả thân cứu mình đến hỏi: “Tại sao trong khi bao nhiêu người khác chạy thoát thân, khanh lại can đảm cứu trẫm?”. Người đó quỳ xuống, thưa: “Thưa bệ hạ, bề tôi là người đã vô lễ với ái phi của bệ hạ, nhưng bệ hạ đã không chém đầu bề tôi mà ban cho bề tôi một cơ hội phục thiện, bằng cách cứu vãn tình thế. Để đền đáp tâm độ lượng đó, bề tôi chỉ biết trọn đời trung thành với bệ hạ”.
Cho nên trong cuộc sống, tâm độ lượng của một người là cái tổng thể, nhưng để có được cái tổng thể đó thì phải có tầm nhìn. Tầm nhìn phải xa.