Quân mã trên bàn cờ
Thời điểm Maurice Ashley tập hợp đội cờ vua cho giải vô địch quốc gia, cậu học sinh Francis Idehen vốn không phải là một trong tám kỳ thủ giỏi nhất. Nhưng Maurice đã chọn cậu bé vì kỹ năng về nhân cách. “Có một bạn khác chơi cờ xuất sắc lắm”, Francis nói với tôi, “nhưng bạn ấy chưa phát triển được khả năng tự điều chỉnh cảm xúc mà thầy Maurice xem là quan trọng.”
Và khi Raging Rooks bị tụt lại ở vòng áp chót của giải quốc gia, Maurice Ashley cũng không rút ra bất kỳ cẩm nang bí mật nào. Anh cũng không hề bàn với bọn trẻ về chiến lược. Anh giải thích: “Tôi đã nhắc nhở các em về tính kỷ luật” – một kỹ năng mà họ đã cùng nhau luyện tập trong suốt hai năm.
Kỹ năng nhân cách của các em đã lọt vào mắt xanh của huấn luyện viên cờ vua huyền thoại Bruce Pandolfini, người đã mở đường cho nhiều kỳ thủ đến với các giải vô địch quốc gia và thế giới. Chứng kiến Raging Rooks từng bước giành chiến thắng, Pandolfini đã hết sức ngạc nhiên: “Không có gì khiến các em bối rối. Hầu hết trẻ em khi gặp áp lực sẽ bắt đầu cuống quýt một chút hoặc bộc lộ cảm xúc của mình, nhưng các em thì không. Các em cứ thong thả thi đấu và bên bàn cờ, các em tuyệt đối giữ vẻ mặt lạnh như tiền. Tôi chưa bao giờ thấy đứa trẻ nào ở độ tuổi đó có thể điềm tĩnh đến như vậy. Các em giống như những kỳ thủ chuyên nghiệp.”
Nếu quân mã trên bàn cờ là con ngựa thành Troy, thì Maurice đã lén cất vào bên trong nó cả một đội quân những kỹ năng nhân cách. Đội quân đó đã giúp Raging Rooks vượt lên khi đối thủ của các em bị bối rối. Francis chia sẻ: “Thầy luôn truyền đạt những bài học cuộc sống một cách nhẹ nhàng. Một nước đi chiến thuật trong chơi cờ không gì hơn việc hiểu rõ bản thân và làm chủ được chính mình. Đó chính là thứ làm trụ cột cho cuộc đời em”.
Maurice đã nhìn thấy giá trị của kỹ năng nhân cách từ chính cuộc đời mình. Trong quá trình trưởng thành anh đã chứng kiến mẹ hy sinh tất cả để chuyển đến Mỹ, trong khi bà của anh thì ở lại Jamaica để nuôi anh và các anh chị em. Mười năm sau, khi được đoàn tụ ở New York, họ hiểu rằng cơ hội sẽ không tự gõ cửa mà họ phải tự xây cánh cửa cho mình.
Sau khi tình cờ đọc được một cuốn sách về cờ vua trong thư viện trường trung học, Maurice quyết định gia nhập đội tuyển của trường. Nhưng anh nhanh chóng phát hiện ra rằng mình chưa đủ giỏi. Anh đã miệt mài tập luyện để cải thiện kỹ năng và trở thành đội trưởng của đội tuyển cờ vua ở trường đại học. Khi nhận được lời đề nghị dạy cờ vua ở các trường trong khu Harlem với mức lương 50 đô-la một giờ, anh đã nhận lời ngay lập tức.
Ngày nay, nếu bạn hỏi bất kỳ ai trong giới cờ vua về Maurice, họ sẽ nói với bạn rằng anh là một nhà chiến lược xuất sắc. Vào giữa trận đấu, nếu bạn nhập thành thay vì di chuyển quân tượng, anh có thể cho bạn biết anh cần bao nhiêu bước để chiếu tướng bạn và liệu bạn có mất quân hậu trong quá trình này hay không. Anh đã từng bịt mắt chơi cùng lúc mười ván cờ với mười đối thủ khác nhau và thắng tất cả. Nhưng anh vẫn tin rằng nhân cách quan trọng hơn tài năng.
Tất nhiên, mặc dù bằng chứng cho thấy rằng trẻ em và người mới nhập môn sẽ học chơi cờ nhanh hơn nếu họ thông minh hơn, nhưng trí thông minh gần như không còn là yếu tố phù hợp để dự đoán thành tích của người lớn và những người chơi ở cấp cao. Cũng như ở trường mẫu giáo, trong cờ vua, những lợi thế ban đầu của kỹ năng nhận thức sẽ hao mòn theo thời gian.
Các kỹ năng về nhân cách không chỉ giúp bạn thể hiện phong độ tốt nhất của mình, mà còn thúc đẩy bạn vươn lên những tầm cao mới. Nhưng nhóm kỹ năng này cũng không thể tự phát triển. Để nuôi dưỡng chúng, bạn cần đến cơ hội và động lực.
Xây giàn giáo
Trong xây dựng, giàn giáo là một cấu trúc tạm thời cho phép đội thi công có thể leo lên những độ cao ngoài tầm với. Khi việc xây dựng hoàn tất, giàn giáo hỗ trợ sẽ được gỡ bỏ. Từ thời điểm đó trở đi, tòa nhà có thể tự đứng vững.
Trong học tập, giàn giáo cũng phục vụ cho mục đích tương tự. Giáo viên hoặc huấn luyện viên đưa ra hướng dẫn ban đầu, rồi sau đó loại bỏ sự hỗ trợ. Mục tiêu là chuyển trách nhiệm sang cho bạn để bạn có thể phát triển phương pháp học tập độc lập cho riêng mình. Đó cũng chính là điều Maurice Ashley đã làm cho đội Raging Rooks. Anh thiết lập những kết cấu tạm thời để các em có cơ hội và động lực học hỏi.
Khi mới dạy cờ vua, Maurice thấy những giảng viên khác thường xếp ra toàn bộ quân cờ để dạy các bước khai cuộc tiêu chuẩn: con tốt đứng trước quân vua tiến về phía trước hai ô,
tiếp theo là quân mã đi hình chữ L. Nhưng anh biết việc học các quy tắc có thể rất nhàm chán, mà anh thì không muốn bọn trẻ mất hứng thú. Vì vậy, khi lần đầu tiên giới thiệu trò chơi cho một nhóm học sinh lớp sáu, anh đã làm ngược lại. Anh đặt một số quân cờ lên bàn và bắt đầu ở phần cuối của trận đấu. Anh dạy học trò nhiều cách khác nhau để chiếu tướng đối thủ. Cấu trúc đó chính là phần đầu tiên trong giàn giáo.
Ta vẫn thường nghe nói “nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Điều chúng ta đã bỏ qua chính là khi mọi người không nhìn thấy được con đường, họ cũng sẽ ngừng mơ về đích đến. Để khơi dậy ý chí của mọi người, chúng ta cần chỉ cho họ thấy con đường. Đó là điều mà phương pháp giàn giáo có thể làm được.
Bằng cách dạy trò chơi theo chiều ngược lại, Maurice đã thắp lên một ngọn lửa quyết tâm. Một khi học sinh đã biết cách dồn quân vua vào chân tường, các em sẽ có lộ trình dẫn đến chiến thắng. Một khi các em đã biết cách để chiến thắng, các em sẽ có ý chí học hỏi.
“Ta không thể nói với bọn trẻ rằng, ‘Các em sẽ học được tính kiên nhẫn, lòng quyết tâm và dũng cảm’ vì tụi nó nghe là sẽ ngủ luôn.” Anh bật cười. “Ta phải nói là ‘Trò này rất thú vị. Chơi đi. Thầy sẽ đánh bại các em’… phải tìm cách khích tướng, khơi dậy ngọn lửa cạnh tranh trong lòng bọn trẻ. Rồi tụi nhỏ sẽ ngồi xuống, bắt đầu tìm hiểu trò chơi, khi đã mê rồi mà bị thua trận thì lại càng muốn thắng.” Chẳng bao lâu sau thì Kasaun Henry sẽ bắt đầu nằm trên giường mỗi tối và tưởng tượng trong đầu sáu mươi bốn ô vuông trên trần nhà, cùng toàn bộ diễn biến trận đấu.
Maurice cũng giới thiệu phương pháp giàn giáo cho các kỳ thủ để các em có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển. Anh dạy các em những cách sáng tạo để chia sẻ kỹ thuật: vẽ hình biếm họa về các nước cờ, viết truyện khoa học viễn tưởng về các trận cờ vua, thu âm những bài rap về việc kiểm soát thế trận ở trung tâm bàn cờ. Các em học cách xem một trò chơi vốn có tính đơn độc như một bài tập để luyện tinh thần tương trợ khi làm việc theo nhóm. Khi một kỳ thủ khóc ở giải thi đấu quốc gia, nguyên nhân không phải vì cậu đã thua; mà là cậu cảm thấy tồi tệ vì đã khiến đồng đội thất vọng.
Khi đã gắn kết thành một đội, các kỳ thủ bắt đầu có động lực và cơ hội để tự mình học hỏi. Các em tự chịu trách nhiệm ghi lại mỗi nước đi trong những trận đấu của mình vào bảng điểm để cả nhóm có thể học từ những sai lầm cá nhân. Các em không quan tâm đến việc trở thành người chơi giỏi nhất trong nhóm – các em hướng đến mục tiêu làm cho cả nhóm đều chơi giỏi hơn.
Năm trước đó, khi lần đầu tiên tham dự giải quốc gia, đội Raging Rooks đã lọt vào top 10% mặc dù thiếu người chơi do hạn chế về ngân sách. Khi Maurice đặt mục tiêu cho họ vô địch vào năm sau, chính các kỳ thủ đã chủ động lên kế hoạch. Bây giờ các em đã có kỹ năng, nên các em cũng có ý chí. Các em tự lập riêng một trại cờ vua tạm thời, dành cả mùa hè để luyện tập và đọc sách. Các em thuyết phục Maurice dành kỳ nghỉ hè để huấn luyện cho các em. Các em đã chuyển sang vị thế của người cầm lái.
Có một phụ huynh từng nói với anh rằng khi cô nhìn thấy con trai chơi cờ, cô mới nhận ra mình đã chưa từng tin vào thằng bé. Maurice không chỉ giúp các kỳ thủ phát huy được tiềm năng mà còn giúp cho phụ huynh và giáo viên của các em nhận ra điều đó.