Bắt đầu từ câu chuyện về một giải cờ vua ở Detroit năm 1991, với thành công đáng kinh ngạc của một đội cờ vua trẻ người da màu sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, chưa hề có thành tích, chưa từng được rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, Adam Grant, tác giả cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng” muốn chứng minh rằng: Sự xuất chúng của một người không phụ thuộc nhiều vào tài năng thiên phú. Rằng nhân cách quan trọng hơn tài năng. Muốn thành công, chúng ta hãy bắt đầu bằng những bài học rèn luyện nhân cách. Và, một môi trường hỗ trợ phù hợp- những người thầy, một cộng đồng nơi ta thuộc về- cũng góp phần cho tài năng cất cánh.
Có thể bạn không có tài năng thiên phú, nhưng trong mỗi con người đều ẩn chứa nhiều tiềm năng. “Biến tiềm năng thành tài năng” sẽ chỉ cho bạn “nơi cất giấu” chiếc “chìa khóa” khai mở tiềm năng của bản thân để bạn đi đến thành công và hạnh phúc. Đó là điều vô cùng thú vị và bổ ích khi bạn dần mở từng trang của cuốn sách này.
Những đoá hồng vươn lên từ khối bê tông
Bằng những kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức khoa học sâu rộng, các lập luận, dẫn chứng thuyết phục; bằng việc đưa ra những hình tượng sống động, các phát ngôn, câu nói dễ nhớ, Adam Grant đã trình bày với người đọc cách làm thế nào để nhận ra tiềm năng của mỗi người và cách biến tiềm năng thành tài năng một cách thật dễ hiểu, dễ thực hiện và đầy lôi cuốn.
Tác giả đã dùng hình tượng những đóa hồng vươn lên từ khối bê tông để kể về câu chuyện đội cờ vua chưa có tên tuổi, gồm các trẻ em người da màu, đã chiến thắng các kỳ thủ danh tiếng trong một giải đấu ở Mỹ hồi năm 1991.
Đó là những đứa trẻ sống trong môi trường nghèo khổ, có kết quả học tập không cao, không có bất kỳ năng khiếu đặc biệt nào ở môn cờ vua. Các em đã được một thanh niên nhập cư người Jamaica dạy chơi cờ vua với mong muốn phá bỏ định kiến cho rằng trẻ em da sẫm màu thì không sáng dạ. Anh đã nhìn thấy tiềm năng ở những nơi mà người khác thường ngó lơ. Anh tìm cách “trồng hoa hồng trong khối bê tông”. Anh biết cách biến tiềm năng thành tài năng.
Thành tích của đội cờ vua người da màu này là một minh chứng hùng hồn cho quan điểm của anh thanh niên người Jamaica. Nhưng điều quan trọng tác giả muốn phân tích từ câu chuyện này không phải là chiến thắng, mà là nguyên nhân giúp họ có thể chiến thắng. Đó là những kỹ năng mà các em đã được mài giũa- những kỹ năng không chỉ mang lại danh hiệu cờ vua mà còn mang lại nhiều điều tốt đẹp khác cho các em trong cuộc sống sau này. Trong đó, có một kỹ năng quan trọng mà tác giả gọi là “kỹ năng nhân cách”.
Theo tác giả, chúng ta có niềm tin phổ biến rằng những tố chất vĩ đại của con người vốn là bẩm sinh chứ chẳng phải là thứ gì được trao dồi. Niềm tin đó khiến chúng ta tôn vinh học sinh có năng khiếu ở trường, những vận động viên có tài năng thiên phú hoặc những thần đồng âm nhạc. Nhưng bạn không cần phải là thần đồng thì mới đạt những điều vĩ đại. Có những người thành công không phải vì họ có năng khiếu khác thường mà là vì họ có động lực khác thường và có cơ hội khác biệt. Trong đó, có vai trò của giáo dục, thầy cô, gia đình.
Adam Grant cho rằng: Bạn không thể dựa vào điểm bắt đầu của mọi người để biết được họ sẽ đi tới đâu. Với cơ hội và động lực học tập thích đáng, bất kỳ ai cũng có thể xây dựng các kỹ năng để đạt được những thành tựu lớn lao hơn. Tiềm năng không liên quan tới điểm xuất phát của bạn mà nằm ở việc bạn đi được quãng đường bao xa. Cố gắng vượt lên khỏi thế mạnh của chính mình là cách để ta khai phá tiềm năng của bản thân và đạt được phong độ đỉnh cao. Nhưng quá trình phát triển không chỉ đơn thuần là con đường hướng đến sự xuất sắc. Bản thân quá trình này đã là một thành tích đáng tưởng thưởng.
Tác giả đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu những nguồn lực để thúc đẩy sự tiến bộ của con người. Và những gì ông khám phá có thể “thách thức một số giả định cơ bản của bạn về tiềm năng trong mỗi con người”. Tác giả khẳng định: ai cũng đều có những tiềm năng còn chưa được khai mở. Cuốn sách này sẽ nói về cách mở khóa tiềm năng của con người; đưa ra những phương thức chúng ta có thể áp dụng để cải thiện việc nâng cấp bản thân.
Theo Adam Grant, cuốn sách này không viết về tham vọng (là kết quả bạn muốn đạt được) mà viết về khát vọng (là con người bạn muốn trở thành). Cái đáng kể không phải là bạn làm việc chăm chỉ ra sao mà là bạn trưởng thành được chừng nào. Đồng thời, sự phát triển không chỉ đòi hỏi tư duy mà còn cần nhiều thứ khác- đó là một loạt những kỹ năng chúng ta thường bỏ qua. Mà một trong những kỹ năng được Adam Grant quan tâm phân tích kỹ trong cuốn sách là “kỹ năng nhân cách”. Và ông luôn nhấn mạnh: nhân cách quan trọng hơn tài năng.
Những kỹ năng giúp giải phóng tiềm năng
Nội dung cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng” được chia làm ba phần: kỹ năng nhân cách, cấu trúc động lực và hệ thống cơ hội. Mỗi phần sẽ dần dẫn dắt bạn đến chiếc chìa khóa khai mở tiềm năng của bản thân, biến tiềm năng thành tài năng. Mà theo tác giả, thước đo thực sự của tiềm năng không phải là đỉnh cao ta đạt được mà là chặng đường ta đã băng qua để đến được nơi đó.
Phần đầu tiên của cuốn sách cho ta khám phá những kỹ năng nhân cách cụ thể có thể làm bệ phóng để chúng ta vươn đến những tầm cao hơn. Bạn sẽ được đọc, học những câu chuyện, con người cụ thể đã được khai phóng tiềm năng như thế nào từ những rèn luyện về kỹ năng nhân cách.
Adam Grant dẫn một nghiên cứu để chứng minh kỹ năng nhân cách có thể thúc đẩy chúng ta đạt được những thành tựu lớn lao hơn, và không bao giờ là quá muộn để xây dựng các kỹ năng ấy. Ông cũng dẫn lời của Helen Keller để khái quát việc rèn luyện kỹ năng nhân cách: “Nhân cách không thể được vun đắp trong thanh nhàn và tĩnh lặng. Chỉ khi kinh qua gian truân, thử thách và khổ đau, tâm hồn ta mới được vững vàng, tầm nhìn mới được sáng rõ, khát vọng mới được thắp lên và thành công mới đến”.
Phần thứ hai nói về việc tạo ra các cấu trúc đề duy trì động lực. Không ai có thể tránh khỏi tình trạng kiệt sức, nghi ngờ bản thân hoặc trì trệ, ngay cả khi họ sở hữu kỹ năng nhân cách mạnh mẽ. Những dẫn chứng và phân tích trong phần này sẽ chỉ ra cách để duy trì động lực, khắc phục tình trạng kiệt sức, trì trệ gặp phải. Ở đó, bạn sẽ bắt gặp những lời khuyên thú vị trong việc “biến đổi guồng quay hằng ngày”, “thoát khỏi bế tắc”, “thách thức trọng lực”…
Phần thứ ba, tác giả tập trung vào nội dung xây dựng hệ thống để mở rộng cơ hội. Theo tác giả, chính những cánh cửa mà lẽ ra xã hội phải mở ra cho những người có tiềm năng to lớn lại thường bị đóng chặt một cách vô lý trước những ai đang đối mặt với vô vàn khó khăn…Bằng cách thay đổi các hệ thống hấp tấp trong việc loại bỏ các cá nhân, ta có thể cải thiện được lợi thế cho những người yếu thế và những người thành công muộn.
Đọc sách, bạn sẽ ngạc nhiên về hệ thống kiến thức phong phú mà bạn được “hưởng thụ” từ tác giả. Bạn sẽ thấy lòng đầy cảm xúc bởi sự chân thành trong những lời khuyên. Bạn sẽ hài lòng khi được tiếp cận những tư duy mới mẻ từ trang sách. Và cả những điều bạn đã biết, nhưng vẫn sẵn lòng đón nhận bởi sự giản dị và thuyết phục trong cách nhìn của tác giả.
Ví dụ, bản thân tôi được thuyết phục bởi những góc nhìn như thế này: “Nhiều người mơ về việc đạt được các mục tiêu của mình. Họ đo lường sự tiến bộ của bản thân bằng địa vị và những lời khen ngợi mà mình nhận được. Nhưng những thành quả quan trọng nhất lại là những thứ khó đong đếm nhất. Sự phát triển có ý nghĩa nhất không phải là xây dựng sự nghiệp mà là xây dựng nhân cách của chúng ta”.
Hay cách nhìn sau: “ Thành công không chỉ là đạt được mục tiêu mà còn là sống theo các giá trị chúng ta coi trọng. Không có giá trị nào cao cả hơn việc khao khát trở thành một người tốt hơn so với phiên bản của ta ở hiện tại. Không có thành tựu nào vĩ đại hơn việc giải phóng tiềm năng còn đang ẩn giấu trong ta”.
“Biến tiềm năng thành tài năng” là một cuốn sách đáng để nghiền ngẫm.