GS. TS Huỳnh Ngọc Phiên từng là một nhà nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) , và nguyên là Hiệu trưởng Trường Công nghệ cao thuộc AIT từ 1998 – 2004. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT công ty Amata Việt Nam, phó chủ tịch HĐQT công ty Amata VN Thái Lan. GS. TS Huỳnh Ngọc Phiên là tác giả của 2 cuốn sách: Tiền Tệ và Chuyện Làm Giàu An Toàn (SaigonBooks - Nxb Thế Giới, 2020) và Đầu Tư – Con Đường Đi Đến Giàu Sang (Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2023 sắp ra mắt). Và mới đây, ông cũng tham gia hiệu đính cho cuốn Cú Hích của bộ đôi tác giả Richard H.Thaler và Cass R.Substein, một ấn bản đã được xuất bản hơn một thâm niên và nay trở lại với phiên bản cuối cùng được tác giả cập nhật và viết lại gần như toàn bộ nội dung dự theo những kinh nghiệm được tích lũy trong suốt 10 năm qua. Dưới đây là chia sẻ về hành trình đọc sách và những cuốn sách yêu thích của GS TS Huỳnh Ngọc Phiên |
Tôi bắt đầu đọc sách ngay từ trước khi vào bậc Trung học. Phần lớn các sách do anh tôi mua làm tủ sách gia đình. Cuốn sách ghi sâu trong tâm trí tôi nhất là cuốn Thử Hòa Điệu Sống của tác giả Võ Đình Cường. Đây là một tập sách nhỏ, trong đó tác giả trên cương vị một người đàn anh tâm sự với các em.
Tự nhận mình là một người chịu ảnh hưởng Phật giáo, Võ Đình Cường truyền lại những chiêm nghiệm của mình bằng một giọng văn rất truyền cảm và lưu loát. Lâu lắm rồi, tôi không có dịp đọc lại nhưng có vài đoạn tôi vẫn còn nhớ :
Có thể xem Thử Hòa Điệu Sống là một sách dạy “học làm người”, dẫn dắt tôi đến với những sách cũng được viết với giọng văn ngọt ngào, truyền cảm của Thầy Nhất Hạnh như Nói Với Tuổi Hai Mươi, Bông Hồng Cài Áo. Tôi chịu ảnh hưởng của những lời dạy bảo đó trong suốt cuộc đời khá trôi nổi của mình. Dù vậy, tôi cũng không tránh khỏi nhiều lỗi lầm trong các chọn lựa.
Khi vào học bậc Trung học Đệ Nhị cấp (cấp ba bây giờ) tại trường Trung học Trần Trần Quốc - ngôi trường danh giá nhất Quảng Ngãi thời đó - ngoài việc tìm học các sách Toán và Vật Lý, tôi bắt đầu đọc các chuyện tình (tình yêu, tình người, tình yêu quê hương, đất nước).
Thời buổi đó, nhờ anh tôi mua được nhiều tạp chí và sách hay, tôi làm quen với nhiều văn-thi sĩ trong nước. Tôi say mê đọc nhiều sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, một phần vì có một số sách nằm trong chương trình Giảng văn được dạy tại nhà trường, phần khác vì lối viết trong sáng của các tác giả.
Lắng đọng nhất trong tôi là tiểu thuyết Đôi Bạn và Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Hồn Bướm Mơ Tiên và Gánh Hàng Hoa của Khái Hưng, tập truyện ngắn Gió Lạnh Đầu Mùa và Sợi Tóc của Thạch Lam.
Những xung đột giữa cái mới và cái cũ đều được Nhất Linh và Khái Hưng mổ xẻ, nhưng cách giải quyết của Khái Hưng có vẻ nhẹ nhàng hơn.
Chuyện tình giữa cậu công tử Ngọc và chú tiểu Lan trong Hồn Bướm Mơ Tiên quả đúng là một chuyện tình lý tưởng, chắc không còn tồn tại trong thời buổi hiện nay, nhưng nó rất thích hợp với lứa tuổi mộng mơ của thập niên 1950 và (một phần nào) thập niên 1960.
Dù chỉ là một tryện ngắn, Sợi Tóc của Thạch Lam đã truyền đi một thông điệp quan trọng: Ranh giới giữa cái Thiện ( điều Tốt) với cái Ác (điều Xấu) chỉ là một sợi tóc! Theo các lời dạy bảo của ba tôi, tôi luôn ghi nhớ thông điệp này để tránh bớt các cám dỗ trong đời…
Nhưng câu chuyện Nhặt Lá Bàng trong Đôi Bạn là câu chuyện đi theo tôi dai dẳng nhất, mãi đến khi tôi theo học thầy Nguyễn Đình Ngọc, khi Thầy từ trường Đại học Khoa học Sài Gòn ra làm giảng viên thỉnh giảng tại trường Đại học Khoa học Huế. Một hôm Thầy bảo tôi: học lang bang như mấy anh chẳng khác gì việc nhặt lá dưới trời gió. Nghe lời thầy câu chuyện Nhặt Lá Bàng trong Đôi Bạn mà tôi đã đọc vào lứa tuổi mộng mơ bỗng hiện ra thật rõ ràng trong trí óc tôi. Và từ đó, tôi cố gắng tập trung vào học hỏi và nghiên cứu các đề tài.
Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tình hình chính trị trở nên khá lộn xộn và tôi bị cuốn hút vào trong đó.Tôi tham gia hăng say vào các cuộc biểu tình, bãi khóa dấy lên từ sinh viên. Sau vụ Biến động Miền Trung mà tôi tham gia như là người đại diện Tổng hội Sinh viên Huế vào hỗ trợ cuộc tranh đấu ở Đà Nẵng năm 1966, tôi thất vọng trở về tiếp tục việc học tập tại Trường Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học. Rồi biến cố Mậu Thân… Những chết chóc và sự khốc liệt của cuộc chiến khiến tôi tìm đọc các tác phẩm viết về chiến tranh và đặc biệt chú ý về thân phận con người trong đó…
Tác phẩm gây ấn tượng nhiều nhất trong tôi là Giờ thứ 25 (The 25th Hour) của Constantin Virgil Gheorghiu (1916 – 1992) xuất bản lần đầu năm 1949 ở Pháp. Đọc xong cuốn sách này, tôi thấy thật buồn và bi quan khi đối mặt với những cảnh tượng của cuộc chiến tranh đang diễn ra hằng ngày. Đây là một tác phẩm nên đọc để tự bản thân, mình biết trân quý thời thái bình và góp phần ngăn ngừa chiến tranh…
Một tác phẩm khác cũng rất đáng đọc là cuốn Một Thời Để Yêu và Một Thời Để Chết (A Time to Love and a Time to Die), xuất bản năm 1952) của Erich Maria Remarque (1898-1970), mặc dù ông nổi tiếng hơn với tác phẩm Mặt trận Miền Tây vẫn Yên Tĩnh (All Quiet on the Western Front) xuất bản năm 1928.
Tôi rất vui khi đọc câu chuyện Đêm ấy vùng than ai thức (đăng trong một tuyển tập các truyện ngắn được dịch sang tiếng Anh thì phải) vì nhận ra ngay trong những ngày chiến tranh khốc liệt, vẫn có ai đó đêm đêm đi đo đọc các con số khí tượng thủy văn vô tri vô giác! Lặng lẽ và cần cù làm việc của người Việt mình thật quý làm sao!
Tác phẩm Chúa Đã Khước Từ (The Martyred) của tác giả Richard E. Kim đã nói lên nỗi thất vọng ê chề của một mục sư (Tin Lành) khi ông chứng kiến những khổ đau khủng khiếp của cuộc chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên. Những gì đang xảy ra khiến cho vị mục sư này phải than là vì Chúa đã khước từ tất cả những lời nguyện cầu nên mới để cho cuộc chiến hung bạo dường ấy tiếp diễn. Đọc xong tác phẩm này, tôi cũng có ý tưởng tương tự. Ngoài ra tôi còn tự hỏi: trước cuộc chiến tranh vừa qua ở nước mình mà với mức độ khốc liệt và thảm thương khôn kể xiết, tại sao không có nhà văn nào của ta viết lại như Gheorghiu và Remarque đã làm?
Giữa những năm chiến tranh đó, nhiều khi tôi có cảm tưởng rằng mình cần phải trốn chạy khỏi cảnh thực tế phũ phàng bằng cách đọc những sách hư hư thực thực, những chuyện lảng vảng giữa có và không. Tình trạng ấy đã đưa tôi đến một sự việc không ngờ là mê say các chuyện kiếm hiệp của Kim Dung. Nói chung thì truyện nào của Kim Dung, qua bản dịch của Hàn Giang Nhạn, đều thật hấp dẫn. Những nhân vật nổi trội của Kim Dung thường có nhiều đặc điểm tốt, đáng quý. Điều mà Kim Dung thể hiện rất tinh vi nhưng thật rõ rệt là trong phe chính có đầy rẫy những người ác, cái tà và trong phe tà cũng có rất nhiều người cao quý hay điều tốt đẹp.. Thành ra để cho những nhận định của mình được trung thực, không thiên vị, ta phải thật cảnh giác để khỏi bị lừa bởi những kẻ nhân danh cho công lý, nhân danh cho lẽ phải! Hai tác phẩm mà tôi thích nhất của Kim Dung là Lục Mạch Thần Kiếm và Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Thời gian 1974-1991 được tập trung vào việc học tập, dạy học và nghiên cứu, sách vở và tạp chí khoa học là những gì tôi phải đọc và nghiền ngẫm. Trước tiên là để hoàn tất chương trình Thạc sĩ (1976) rồi Tiến sĩ (1978), sau đó là để phục vụ cho việc dạy học và nghiên cứu để có các công trình công bố trên các tạp chí khoa học và hội nghị quốc tế làm cơ sở cho việc thăng thưởng lên chức vụ Phó Giáo sư (1982) rồi Giáo sư (1990).
Từ năm 1992, tôi về Việt Nam khá thường xuyên sau khi nhận lời làm cố vấn cho CEO (Tổng Giám đốc Điều hành) của tập đoàn Amata khi tập đoàn này tiến hành việc đầu tư vào Việt Nam. Tôi đọc khá nhiều sách quản lý nguyên bản tiếng Anh cũng như một số tác phẩm được dịch sang tiếng Việt. Thẳng thắn mà nói thì tôi đã học được khá nhiều điều hữu ích, nhưng không có một tác phẩm nào thật sự gây ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tôi nghi ngờ tính áp dụng (applicability) của nhiều lý thuyết và muốn tự mình thử nghiệm (test) hoặc đánh giá (evaluate/assess) hiệu quả áp dụng của một số lý thuyết vào môi trường Việt Nam.
Song song với việc đọc sách quản lý, tôi cũng đọc nhiều sách viết về nhiều lĩnh vực và đề tài khác nhau. Do quen biết từ trước, tôi đọc hầu hết các sách của Nguyễn Tường Bách và đặc biệt thích cuốn Mùi Hương Trầm. Tác phẩm này ghi lại những cảm nhận và hiểu biết (sâu sắc) của tác giả khi đi viếng các di tích Phật giáo ở Ấn độ và Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đích thân đi thăm các ‘Tổng hành dinh’ của Ngũ Nhạc Kiếm Phái trong tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Tôi thích cuốn Mùi Hương Trầm đến mức đã giới thiệu và mua nhiều cuốn sách để tặng cho bạn bè, người thân ở trong nước cũng như ở ngoài nước thích đi đây đi đó như tôi.
Tôi cũng có dịp làm quen với các tác phẩm do Nguyên Phong (nói là) dịch. Nói chung qua ngòi bút của Nguyên Phong, các tác phẩm của ông đều có giá trị cao quý. Trong những tác phẩm đó, tôi đặc biệt chú ý đến ba tác phẩm Hành Trình Về Phương Đông, Bên Rặng Tuyết Sơn, và Dấu Chân Trên Cát.
Tôi rất mừng khi biết rằng Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News của anh Nguyễn Văn Phước sau đó đã cho xuất bản các tác phẩm của Nguyên Phong, trong đó có bộ sách Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives - Many Times) rất có giá trị. Tôi tin là bộ sách này, với bút pháp linh hoạt của Nguyên Phong và lời giới thiệu sâu sắc của Nguyễn Văn Phước sẽ mang lại cho người đọc những trải nghiệm quý giá từ đó có thề hiểu được rằng Nhân Quả là một nguyên lý phổ quát của vũ trụ và vì thế nó luôn luôn đúng dù người ta có tin hay không! Tôi rất mong các bạn sẽ đọc tác phẩm này và chiêm nghiệm!
Bộ sách của Nguyên Phong |
6 cuốn sách GS TS Huỳnh Ngọc Phiên giới thiệu độc giả nên đọc
- Thử Hòa Điệu Sống của Võ Đình Cường - Cuốn sách này nên cho các em nhỏ làm quen càng sớm càng tốt.
- Nói Với Tuổi Hai Mươi của Sư thầy Thích Nhất Hạnh - Sách này nên đặc biệt giới thiệu cho các bạn bước vào tuổi hai mươi.
- Một Thời Để Yêu và Một Thời Để Chết (A Time to Love and A Time to Die) của Erich Maria Remarque. Tôi chọn cuốn này vì không muốn bạn đọc bị nhiễm nỗi buồn chiến Tranh quá nặng nề. Bản dịch mới có tựa đề là Thời Gian Để Sống và Thời Gian Để Chết, do Lê Phát dịch, Công ty Văn Hóa Đông A phát hành năm 2018.
- Mùi Hương Trầm của Nguyễn Tường Bách (đã tái bản nhiều lần) - Xin giới thiệu với bạn đọc thích đi ngao du như tác giả - người đồng thời có hiểu biết sâu sắc nhưng rất thoáng về Phật giáo.
- Hành Trình về Phương Đông của Nguyên Phong. Đặc biệt giới thiệu với bạn đọc muốn làm quen với các cách nhìn về cuộc đời qua nhiều lăng kính khác nhau.
- Muôn Kiếp Nhân Sinh của Nguyên Phong - Một tác phẩm quan trọng trình bày nguyên lý Nhân Quả qua lối kể truyện thật thú vị.