Mặc dù là nhân viên mới, có thể bạn chưa biết hết quy tắc hay phong cách làm việc của tập thể mới, thế nhưng dù gì đi nữa mọi thứ cũng phải có chừng mực và hãy làm quen với môi trường sớm nhất có thể. Có một điều bạn cần nhớ là những tình huống mới và những con người mới có thể tạo nên phản ứng sợ hãi ở nhiều người, kể cả những người dày dặn và can trường nhất.
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy một chút lo lắng trong một công việc mới. Chúng ta cố gắng bù trừ bằng cách tỏ ra thông minh, nhanh nhẹn và tích cực chia sẻ những ý tưởng hay. Có thể chúng ta tốn nhiều công sức để gây ấn tượng với các đồng nghiệp mới bằng cách tỏ ra thật thông minh và chăm chỉ – nhưng rốt cuộc lại khiến họ trở nên xa lánh.
Rõ ràng là không ai muốn bắt đầu một công việc mới trong vai trò một chuyên gia, xuất hiện trước các đồng nghiệp ngốc nghếch để chỉ cho họ biết cách làm việc thế nào cho phải. Vì như vậy sẽ chỉ tạo nên kẻ thù mà thôi.
Dưới đây là 10 điều bạn không nên làm khi bắt đầu một công việc mới:
1. Đừng bao giờ nói "Ở công ty cũ của tôi có một cách hay hơn. Bạn có muốn tôi chỉ cho không?"
2. Đừng bao giờ nói "Tôi sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi ở đây!" Thay vào đó, hãy tập hợp ý kiến của càng nhiều người càng tốt và trình bày qua với các đồng nghiệp về kế hoạch của bạn bằng cách biến họ thành một phần của mục đích mà bạn đang hướng tới.
3. Đừng bao giờ ngắt lời một đồng nghiệp khi họ đang mô tả về một quy trình, công cụ hay chính sách hiện hành bằng câu nói "Tôi không cần biết về điều đó – chúng ta sẽ loại bỏ nó."
4. Đừng bao giờ phạm sai lầm kết bạn và bợ đỡ các quản lý cấp cao, trong khi lại phớt lờ và coi nhẹ những đồng nghiệp cùng cấp. Nếu đồng nghiệp coi bạn là kẻ thù, họ sẽ không bao giờ tin tưởng và hợp tác với bạn.
5. Đừng nghĩ là bạn biết một công ty cần gì trước khi bắt tay vào công việc – hoặc nhiệm vụ của bạn đơn giản chỉ là thực hiện kế hoạch bạn trình bày lúc được phỏng vấn. Công việc của bạn khi mới bắt đầu là lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe nhiều hơn. Công việc của bạn là tạo dựng niềm tin. Đối với thành công của bạn thì điều đó còn quan trọng hơn là những ý tưởng thông minh.
6. Đừng bao giờ nhạo báng hoặc chế giễu những quy trình, quan niệm hoặc suy nghĩ đã cũ ở tổ chức mới. Đừng đùa cợt về cách làm việc của các đồng nghiệp. Nếu họ làm được điều gì để cải tiến nó lên thì họ đã không tuyển dụng bạn!
7. Đừng bao giờ cố gắng dạy cho đồng nghiệp cách các công ty hiện đại và tân tiến hoạt động ra sao. Nếu họ muốn một bài học từ bạn, họ sẽ đưa ra yêu cầu ngay.
8. Đừng bao giờ tra vấn các đồng nghiệp về khả năng của họ dù ở bất cứ lĩnh vực gì. Đó là một hành động hết sức khiếm nhã và sẽ biến bạn thành một kẻ đáng ghét.
9. Đừng bao giờ bị cuốn vào những màn so sánh năng lực hoặc kinh nghiệm. Hãy nhớ rằng sự sợ hãi và thay đổi luôn song hành. Bạn sẽ luôn cảm thấy bất an ở nơi làm việc cho đến khi biết rõ nhiều thứ, và như thế cần đến 6 tháng, 1 năm hoặc hơn. Hãy cố kìm nén ham muốn thể hiện trước mặt người khác lại.
10. Và cuối cùng, đừng bao giờ nói về các kế hoạch mà bạn và cấp trên đã bàn bạc, kể cả khi bạn thấy rằng những kế hoạch đó đã định hình. Sự thận trọng là rất cần thiết. Cách chúng ta truyền đạt những ý tưởng mới, đặc biệt là những ý tưởng mang tính đột phá và đụng chạm đến nhiều người, cũng quan trọng không kém gì giá trị của chính ý tưởng đó.
Hãy luôn nhớ rằng công ty mới của bạn vẫn tồn tại được qua bao ngày trước khi bạn có mặt ở đó. Vì thế bạn không phải là một vị cứu tinh hay điều gì đó tương tự.
Hãy luôn nghĩ rằng bạn là một người thông minh và tài năng, gia nhập một đội ngũ gồm những người thông minh và tài năng khác. Hãy tôn trọng đóng góp của họ, kể cả khi bạn chắc rằng mình biết những cách tốt hơn để làm công việc mà đồng nghiệp của mình đang làm.
Chính năng lượng mà bạn lan tỏa khi xây dựng những mối quan hệ nồng ấm thân thiết sẽ quay trở lại và giúp bạn thành công hơn gấp nhiều lần!
(Theo YBox/Youth Confessions)