Từ chàng trai không mê đồ ngọt thành ông chủ tiệm bánh
Nguyễn Vũ Hoàng Anh, chàng trai 9X sống tại TPHCM, hiện là chủ một thương hiệu bánh nghệ thuật, chuyên thiết kế độc quyền theo yêu cầu của khách hàng.
Hoàng Anh chia sẻ, đam mê với nghề làm bánh của anh bắt đầu từ kỳ nghỉ hè năm 2008, khi anh hoàn thành chương trình phổ thông. Ngày ấy, Hoàng Anh thường được chị hàng xóm nhờ đi mua nguyên liệu làm bánh. Từ sự tò mò khi xem người hàng xóm làm, Hoàng Anh quyết định thử sức rồi bị cuốn hút vào thế giới của những chiếc bánh lúc nào không hay.
Ban đầu, anh chỉ làm bánh để tặng bạn bè và người thân, nhưng khi thấy niềm vui của họ, anh nhận ra mình có tình yêu lớn với nghề này. Sau một thời gian ngắn, Hoàng Anh quyết định theo đuổi con đường làm bánh một cách chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng. Những ngày đầu tự học làm bánh của chàng trai 9X đầy thử thách, khi các kỹ thuật đòi hỏi sự chính xác và tay nghề cao. Dù vậy, những lần thất bại trong quá trình thử nghiệm không khiến anh nản lòng mà ngược lại càng thúc đẩy tinh thần học hỏi của anh.
"Việc tự học mang lại cho mình cơ hội hiểu sâu hơn về quy trình và sửa chữa các lỗi sai, nhưng cũng tiêu tốn rất nhiều thời gian", Hoàng Anh chia sẻ. Chính vì vậy, anh quyết định tham gia các khóa học chuyên sâu từ những giảng viên có tiếng để nâng cao kỹ năng và rút ngắn quá trình học tập.
Khi học hỏi từ những chuyên gia, Hoàng Anh không chỉ nâng cao kỹ thuật mà còn mở rộng khả năng sáng tạo. Anh học cách kết hợp chất liệu, màu sắc và các phong cách trang trí khác nhau để làm mới những sản phẩm của mình.
Dù ban đầu không phải là người đam mê đồ ngọt, nhưng anh nhận ra rằng, làm bánh không chỉ đơn thuần là công việc nấu nướng mà còn là một hình thức nghệ thuật.
"Mình yêu thích việc tạo ra những chiếc bánh có hồn, mang dấu ấn riêng, độc đáo và sáng tạo", anh chia sẻ.
Điều đặc biệt trong phong cách làm bánh của Hoàng Anh chính là tính độc bản và cá nhân hóa ở từng sản phẩm. Mỗi chiếc bánh do anh tạo ra đều mang dấu ấn riêng, được thiết kế theo đúng yêu cầu của khách hàng, từ hình dáng, màu sắc cho đến ý tưởng và câu chuyện đằng sau.
"Chúng mình không bao giờ lặp lại bất kỳ chiếc bánh nào từng làm. Mỗi chiếc bánh là duy nhất, không có phiên bản thứ hai", Hoàng Anh nhấn mạnh.
Theo Hoàng Anh, chi phí cho một chiếc bánh cũng phụ thuộc vào mức độ phức tạp và yêu cầu riêng của từng khách hàng. Ví dụ, một chiếc bánh sinh nhật một tầng với đường kính khoảng 16-18cm có thể có giá từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng, còn những chiếc bánh cưới với chiều cao lên đến 2,4m có chi phí cao hơn nhiều, đôi khi là "rất nhiều số 0".
Việc tạo ra những chiếc bánh lớn, đặc biệt là bánh cưới, đòi hỏi kỹ thuật cao. Đối với những mẫu bánh có chiều cao lên đến 2,4m hoặc 2,5m, kỹ thuật chồng tầng và gia cố vững chắc là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và trưng bày.
Hoàng Anh còn sử dụng các chất liệu đặc biệt, cao cấp, giúp giữ phom bánh ổn định và tạo điều kiện cho anh thể hiện tối đa khả năng sáng tạo. Những chi tiết phức tạp như hoa hoặc nhân vật trên bánh thường được làm thủ công trước hàng tuần để đảm bảo độ hoàn hảo khi hoàn thành.
Những chiếc bánh "độc nhất vô nhị"
Hoàng Anh cũng nổi tiếng với việc kết hợp nhiều nguồn cảm hứng khác nhau vào các thiết kế bánh. 9X chia sẻ rằng anh thường lấy cảm hứng từ các biểu tượng văn hóa, kiến trúc và cả những câu chuyện cá nhân của khách hàng để tạo nên những tác phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn giàu ý nghĩa.
"Mỗi chiếc bánh là một cơ hội để mình sáng tạo, thử nghiệm và thổi hồn vào sản phẩm", anh nói.
Những khóa học với các chuyên gia đầu ngành cũng giúp anh có thêm nhiều cảm hứng mới để tiếp tục phát triển khả năng sáng tạo của mình.
Những chiếc bánh phức tạp đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Đôi khi, chỉ riêng việc làm hoa đã tiêu tốn từ 15 đến 20 ngày, đặc biệt là với những chiếc bánh cưới yêu cầu hàng trăm bông hoa trang trí.
Hoàng Anh kể, có những mẫu bánh kỷ niệm đám cưới với số lượng lên đến 600-800 bông hồng, 30-40 bông hoa mẫu đơn lớn và nhiều loại hoa nhỏ khác. Khó khăn lớn nhất là duy trì độ ổn định của bánh trong suốt quá trình di chuyển và trưng bày, điều đòi hỏi anh phải luôn chú ý đến từng chi tiết nhỏ.
Việc sử dụng fondant và gumpaste - những chất liệu vốn được nhập khẩu từ các nước có khí hậu lạnh hơn - trong điều kiện thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam cũng là một thử thách lớn.
"Chúng mình đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu cách xử lý chất liệu sao cho không bị chảy hay biến dạng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm", Hoàng Anh tiết lộ. Để đảm bảo chất lượng, anh luôn kiểm soát nhiệt độ bảo quản bánh ở mức từ 18-22 độ C và giữ độ ẩm dưới 50%.
Trong khi đó, với dòng bánh kem sữa tươi, việc bảo quản càng khắt khe hơn vì độ nhạy cảm của bánh với nhiệt độ. Hoàng Anh luôn đảm bảo từ tủ lạnh, tủ trưng bày cho đến nhiệt độ phòng đều phải được kiểm soát chặt chẽ để duy trì chất lượng tốt nhất cho từng chiếc bánh.
Một trong những tác phẩm đáng nhớ nhất của Hoàng Anh là chiếc bánh mô phỏng Nhà hát TPHCM - biểu tượng kiến trúc nổi tiếng gắn liền với ký ức của nhiều người dân thành phố. Đây là một thử thách lớn vì chỉ cần một chi tiết nhỏ sai lệch cũng có thể bị phát hiện.
"Chúng mình đã mất nhiều đêm đến trực tiếp nhà hát để chụp hình, quan sát kỹ từng chi tiết nhằm tái hiện lại chính xác nhất trên bánh", anh kể lại.
Với hơn 16 năm kinh nghiệm trong nghề làm bánh và 8 năm giảng dạy, Hoàng Anh không ngừng học hỏi và trau dồi thêm kiến thức. Gần đây, anh vừa hoàn thành một khóa học điêu khắc chân dung bằng kem bơ - một kỹ thuật mới giúp anh mở rộng khả năng sáng tạo hơn.
"Với mình, học hỏi không chỉ là việc thu nạp thêm kỹ thuật, mà còn là cơ hội để được truyền cảm hứng từ những người thầy giỏi", anh chia sẻ.
Ảnh: Nhân vật cung cấp