Nhạc sĩ Trần Tiến - "gã du ca" của làng nhạc Việt - có cuộc đời rong ruổi qua nhiều thăng trầm, nổi tiếng với những bản nhạc đậm chất chiêm nghiệm về tình yêu, cuộc đời. Sau nửa thế kỷ phiêu bạt, trải qua quá trình điều trị bệnh, vị nhạc sĩ tài hoa vẫn xuất hiện trên sân khấu với áo khoác ba lỗ, mũ beret, nụ cười nồng ấm, mộc mạc quen thuộc.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Trần Tiến nói ở tuổi 77, ông tự thấy mình "như trái chín cây". Nhưng ông không sợ sự kết thúc, không sợ cái gọi là chặng cuối cuộc đời. Vị nhạc sĩ gốc Hà Nội vẫn lạc quan, vô tư với niềm vui sáng tác nhạc.
Bởi vì nghệ thuật là nơi sẻ chia dịu dàng, là cách ông giải thoát những vui buồn, đắng cay, khát vọng chất chứa trong mình, giống như lời hát "Cứ thế mà sống tiếp thôi/ Buồn vui, cay đắng trên đời/ Được thua, khi còn, khi mất/ Loay hoay một kiếp con người" trong trích đoạn ca khúc mới do nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ với người viết.
Đi qua hơn nửa đời người, nghệ sĩ Trần Tiến nghĩ gì về tuổi thơ và quê hương?
- Tôi nhớ hoài tuổi thơ, quê hương như một đoạn phim hay nhất trong cuốn phim đời mình, một cuốn phim phát lại rất nhanh trước khi con người lìa đời.
Sau này, mọi thứ không còn như xưa. Quê hương mọc nhiều con đường, nhà cao, cửa rộng. Quê đẹp hơn, nhưng không thương nhớ bằng ngày cũ. Bạn bè ngày bé thơ cứ thế già đi, cư xử khác trước, không thể hồn nhiên nữa. Bản thân mình cũng không còn như ngày bên họ.
Tuổi thơ, quê hương sẽ mãi ở lại với người thương nhớ nó. Nhưng cảnh vật rồi sẽ phải thay đổi như quy luật muôn đời. Tôi phải chấp nhận điều đó.
Nhạc sĩ Trần Tiến - "gã du ca" của làng nhạc Việt (Ảnh: Du ca Trần Tiến).
Trong cuộc đời nhiều chuyến ngao du, rong ruổi, nhạc sĩ Trần Tiến thấy mình thuộc về mảnh đất nào?
- Nơi nào có người thương nhớ, mong chờ ta, nơi đó là nơi ta muốn trở về, sau những rong ruổi đường đời.
Video nhạc sĩ Trần Tiến vừa đánh đàn vừa hát bài "Mẹ tôi" bên bàn nhậu cùng bạn bè được nhiều khán giả đồng cảm. Khoảnh khắc ngẫu hứng đó diễn ra thế nào, thưa ông?
- Ai yêu mẹ mình, cũng đều khóc khi nhớ mẹ. Tôi cũng vậy thôi, khi uống bia vào tôi còn khóc nhè nhiều hơn. Tôi cũng không rõ ai quay được đoạn phim đó. Xem lại thấy mình giống chàng "mít ướt", tảng đá nào già rồi cũng tan ra dưới mặt hồ cảm xúc mà thôi.
"Tôi như đứa trẻ một hôm lạc vào rừng. Khu rừng bí ẩn của âm nhạc làm nó say mê quên mất đường về. Ở đó nó được nghe tiếng suối reo, tiếng cỏ cây trò chuyện. (...) Nhưng đứa trẻ đâu có ý muốn làm hoàng tử trị vì vương quốc xa lạ kia.
Rồi một hôm đứa trẻ thấy mỏi gối, chồn chân, giật mình soi gương lòng suối, thấy tóc mình đã bạc phơ. Người ta gọi nó là nhạc sĩ, còn nó thì ôm mặt khóc nhớ mẹ cha, nhớ quê nhà mờ sương, nơi nó đã lỡ bước xa rời", đây là trích đoạn trong một tản văn của tôi.
Vì sao khu rừng âm nhạc không thể giúp nhạc sĩ khỏa lấp nỗi nhớ cha mẹ, quê hương?
- Câu hỏi của bạn, đã có câu trả lời trong đó. Người đọc hiểu thế nào thì nó là thế ấy. Không chỉ khu rừng âm nhạc không giúp gì ta, mà ngay cả "phú quý, vinh quang cũng không bằng có mẹ". Sống trên đời, con người ta ngày càng hiểu cõi ấm áp, quý giá nhất vẫn là gia đình, bạn bè, người thân.
Trần Tiến trong phim tài liệu về cuộc đời ông "Màu cỏ úa" phát hành hồi tháng 11/2020 (Ảnh: Chụp màn hình).
Nhạc sĩ Trần Tiến từng khuyên ca sĩ Hà Trần "mọi sự đều phải được đi theo sự mách bảo của trái tim vì khối óc rất lạnh giá". Nhưng phải chăng đi theo trái tim rất dễ vấp ngã, sai lầm?
- Hãy cứ đi theo sự mách bảo của trái tim, dù trái tim cũng đôi khi sai lầm. Ngay cả khối óc cũng có lúc tính toán sai, vì nó có phải robot đâu. Thậm chí robot cũng còn bị lỗi, sống cuộc sống của kim loại.
Chúng ta là con người sống với nhau, chứ không sống với những quy chuẩn, những tiêu chí được sắp đặt của kim loại. Ví dụ, bác sĩ bảo tôi phải nghỉ ngơi, không được sáng tác nữa. Điều đó hiển nhiên là đúng vì tôi ở tuổi U80 rồi. Nhưng nếu không sáng tác nữa, thì có lý do gì mình tồn tại?
Đôi khi sai lầm cũng đáng yêu. Khi nói về Kinh thi (một bộ tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc - PV), Lê Quý Đôn có nói hàm ý: "Văn nghệ thì làm gì có đúng, có sai, có tốt, có xấu, có hay, có dở. Văn nghệ chỉ có thích, hay không thích mà thôi".
Nhiều người ở thế hệ sinh ra từ thời chiến tranh, nói họ "cô đơn, loạn lạc, lạc lõng trong lòng". Với nhạc sĩ Trần Tiến, điều gì giúp ông tin vào sự đẹp đẽ trong cuộc sống hiện tại, thưa ông?
- Tôi cũng như những người cùng thế hệ, thấy lạc lõng và cô đơn trước sự thay đổi của thời cuộc.
Thời của tôi, phố vắng, người thưa. Nhà bên này vẫy tay chào nhà bên kia, tối lửa, tắt đèn có nhau. Không nhiều phương tiện hiện đại, thiết bị trang bị tận răng như bây giờ. Nhưng đi bộ vẫn thích hơn đi xe, ăn ít mà ngon, không biết tăng cân là gì.
Thời của tôi, viết thư bằng cây viết, tình cảm hơn nhắn tin bằng điện thoại. Nghe bài hát có giai điệu, lời ca ý nghĩa, vẫn thích hơn thứ nhạc nhảy nhót và hét hò, những lời ca vô nghĩa.
Nhưng mỗi thời có cái hợp với thời đó. Các bạn trẻ thấy cuộc sống mình ổn, thì tại sao không? Không phải chuyện bạn sống thế nào, mà là bạn sống có hạnh phúc không!
Nếu đổi lại để tôi về sống thời của thiên tài âm nhạc Mozart, thì tôi cũng chạy "xách dép". Thà tôi chạy dưới mưa bom B52 rải thảm, nhưng với đám bạn lính đang nói chuyện tếu vui đùa, cười toét, vẫn còn hơn là được sống an toàn như hôm nay nhưng bạn bè thì mãi mãi không trở về.
Hãy cứ sống với thời đại của mỗi người. Tuy nhiên, dù bạn có sống thế nào thì "cây táo vẫn nở hoa, rãnh nước vẫn trong veo, ông thợ giày vẫn yêu cô hàng xóm". Cuộc sống vẫn đi qua mọi đời người, dù ai yêu hoặc chán ghét nó.
Nhạc sĩ sướng khổ gì cũng nhờ nốt nhạc giãi bày. Trong hành trình viết nhạc, nhạc sĩ Trần Tiến đã bao giờ thất vọng vì những đồng cát-xê ít ỏi, như người ta vẫn nói "cơm áo không đùa với khách thơ"?
- Không, tôi không bao giờ thất vọng. Ngay từ đầu bước chân vào nghề, tôi đã xác định không làm nghệ thuật để kiếm sống.
Tôi làm nghệ thuật là để giải thoát những vui, buồn đắng cay, khát vọng chất chứa trong mình. Đó cũng là một cách chơi trên đời, "như người chơi yêu đương, người chơi công danh, người chơi súng đạn, người chơi xổ số" (trích đoạn trong bài hát Ra ngõ mà chơi - PV).
Nếu nghĩ đến mục đích kiếm sống, thì cuộc chơi mất vui ngay và sự giải thoát cũng không còn nữa. Tuy vậy, người ta vẫn phải kiếm sống, đó là lẽ thường. Tôi phải chọn mưu sinh và nghệ thuật như một cặp đôi hoàn hảo. May mà trời thương, cho tôi rất nhiều bài hát nổi tiếng, cũng tự cuộc sống mưu sinh tự tay làm nên.
Nghệ sĩ ngày nay thường hay có những chuyện ồn ào về nhà biệt thự, xe sang tiền tỷ, những sản phẩm âm nhạc hàng trăm triệu lượt xem. Nhạc sĩ dường như đứng ngoài những phô trương?
- Mỗi cách sống một khác. Hãy sống với những thú vị của mình. Quan điểm của tôi, những nghệ sĩ đó không có gì sai. Chỉ là nếu tôi được như thế thì bạn có còn quan tâm tôi nữa không? Hoa cỏ dại luôn có vẻ đẹp riêng mình!
Nhạc sĩ Trần Tiến gắn với hình ảnh mộc mạc bên cây đàn guitar (Ảnh: Chụp màn hình).
Nghệ sĩ nên làm những gì thật sự quan trọng với họ, hay họ nên đoán thế giới thích gì và làm theo để nhận được lời ca tụng?
- Chuyện bạn nói, chính là đặc trưng của giới showbiz. Thời của tôi không biết đến những vấn đề này. Bây giờ có biết, cũng không thể theo và thật lòng, tôi cũng không muốn theo.
Có ý kiến nói nhạc của nghệ sĩ Trần Tiến nhiều ca sĩ hát hay, nhưng không ai hát hay bằng chính Trần Tiến?
- Tôi cũng không biết nữa. Có thể vì tôi thích kể lại cho mọi người, những gì tôi chiêm nghiệm trên quãng đường đi qua cuộc đời này bằng con tim thành thật, không màu mè, làm dáng, khoe mẽ. Còn tôi tự thấy mình đánh đàn chán, hát còn chán hơn (cười).
Có những nghệ sĩ sợ việc ra album tổng kết, ra sách hồi ký cuộc đời, vì nó cũng như dấu hiệu của sự kết thúc. Với ông thì sao?
- Tôi cũng vậy thôi, sợ mình sẽ kết thúc, không phải với khán giả, mà với chính mình. Tôi còn cả trăm bài hát ông trời ban cho, rất thú vị, mà chưa thể đưa ra tặng mọi người. Nên tôi mới đồng ý cho các em, các cháu mình đưa lên mạng để khán giả cùng hưởng.
Cuộc sống tuổi này mong manh lắm, như trái chín trên cây thôi. Không lẽ mang theo ca khúc của mình để hát cho giun dế nghe, các bạn ấy cũng chẳng thích đâu (cười).
Trịnh Công Sơn từng khuyên nhạc sĩ Trần Tiến không nên đứng trên sân khấu khi tuổi đã cao vì muốn giữ hình ảnh đẹp thời trai tráng. Trên thế giới, cũng có những diễn viên giải nghệ từ sớm vì không muốn nếp nhăn của họ lên sóng màn ảnh. Nhạc sĩ Trần Tiến thì vẫn bền bỉ hoạt động nghệ thuật, vẫn thường xuyên bước lên sân khấu?
- Người ta vẫn kính trọng nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking, mặc dù hình ảnh ông rất tệ vì phải chống chọi bệnh tật. Điều mà ông để lại cho đời khiến nhân loại ấm áp biết bao.
Tôi vẫn viết nhạc, vẫn bước lên sân khấu, nếu còn người cần tôi. Nơi ấy là cõi sẻ chia dịu dàng, là nơi tôi không bao giờ giải nghệ.
Hơn 10 năm sống tại Vũng Tàu, người ta nói Trần Tiến như "ở ẩn" vì khán giả ít thấy nhạc sĩ xuất hiện. Cuộc sống một người bình thường thay vì được xem là "người nổi tiếng" có gì vui, thưa ông?
- Tôi hay né gặp mọi người, cũng như những vị sư thầy muốn được lặng lẽ tu học. Tôi không tu được như vị chân tu, nhưng cũng dám gạt bỏ tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố để cho tâm bình an.
Làm một người bình thường, sống như cây cỏ muôn loài là một hạnh phúc, nhưng cũng chẳng dễ dàng đâu, bạn nhé!
Xin cảm ơn nghệ sĩ vì những chia sẻ!
Nhạc sĩ Trần Tiến tên đầy đủ Trần Việt Tiến, sinh năm 1947, là em trai của NSND Trần Hiếu. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều ca khúc bất hủ như: Mặt trời bé con, Tóc gió thôi bay, Thành phố trẻ, Mẹ tôi, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, Giai điệu Tổ quốc, Chiếc vòng cầu hôn…
Năm 2020, nhạc sĩ Trần Tiến phát hiện mắc bệnh ung thư vòm họng. Sau khoảng thời gian dài điều trị, đến nay, ông đã hồi phục cả sức khỏe và tinh thần. Nhiều năm nay, nghệ sĩ rời TPHCM chuyển về Vũng Tàu, sống bình yên bên vợ.