Giới trẻ luôn thể hiện sự sáng tạo không ngừng khi liên tục tạo ra các trào lưu hay câu nói trending (thịnh hành). Dưới đây là những cụm từ được sử dụng thường xuyên, thành "từ cửa miệng" của nhiều người trong năm qua.
Đúng nhận sai cãi
Cụm từ này "gây bão" mạng xã hội hồi đầu năm nay, xuất phát từ một cô đồng xem bói bằng cách bổ cau. Mỗi lần phán xong về gia cảnh hay chuyện quá khứ, tương lai của những người tìm đến mình, người này đều kết thúc bằng câu: "Đúng nhận sai cãi".
Thời điểm đó, giới trẻ thi nhau "đu trend" (hưởng ứng trào lưu) theo cách hài hước như bổ mít, lê, nho… Cùng với đó, không ít người cũng đưa ra lời cảnh báo về việc tránh xa những trò bói toán, mê tín dị đoan.
Ăn nói xà lơ
Đây là cụm từ được dùng để chỉ lời nói, cử chỉ hay việc làm sai trái của ai đó. Nó bắt nguồn từ một video livestream (phát sóng trực tiếp) bán hàng trên mạng xã hội.
Trong đó, người nói phát âm nhầm "sai lơ" thành "xà lơ". Dân mạng thi nhau nhại lại, tạo thành trào lưu mới vì thấy sự nhầm lẫn này ngộ nghĩnh và vui nhộn.
Mắc cỡ quá hai ơi!
Cụm từ này xuất phát từ các video của một nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội chuyên diễn hài theo phong cách 8X, 9X thời xưa. Đây là cách nói nhằm trêu chọc, chê bai ai đó có những hành động, câu chuyện xấu hổ và ngại ngùng.
Over hợp
Lần đầu đảm nhận vai trò huấn luyện viên tại chương trình Rap Việt, rapper Thái VG cho ra đời nhiều câu nói hài hước do không thạo tiếng Việt vì sinh ra và lớn lên ở Mỹ.
Gây chú ý nhất trong đó là cụm từ "over hợp" (rất hợp) anh dùng để nhận xét về phần trình diễn của các thí sinh. Nỗ lực cải thiện khả năng nói tiếng Việt giúp Thái VG ghi điểm với khán giả.
Flexing
Giữa năm nay, trào lưu "flexing" làm dậy sóng mạng xã hội khi một trang được lập ra để mọi người có thể vào khoe thành tích đáng tự hào mà mình từng đạt được. Không chỉ các bạn trẻ tài năng, nhiều người nổi tiếng cũng thi nhau "đu trend".
Trào lưu này bắt nguồn từ những bình luận hài hước, khoe mẽ trên mạng xã hội của một nhà báo, bình luận viên thể thao. Nhưng cụm từ "flexing" được dùng với ý nghĩa tích cực hơn chứ không phải là khoe khoang, gây khó chịu cho người khác.
Ra đời cùng với "flexing", các cụm từ "check VAR" (kiểm tra lại thông tin "flexing" của người khác), "pressing" (dùng lý lẽ, luận điểm để gây áp lực cho đối phương) hay "thoát pressing" (phản công lại người đang tạo áp lực cho mình) cũng được giới trẻ sử dụng rộng rãi.
Kiwi kiwi
Theo ngôn ngữ của Gen Z (những người SN 1997-2012), "kiwi kiwi" là từ được dùng để khen một đồ ăn, thức uống nào đó mình thấy ngon, có thể tạm dịch là "ngon ngon".
Cụm từ này cũng bắt nguồn từ video lan truyền trên mạng xã hội, khi một bạn trẻ uống trà kiwi và liên tục lặp lại "kiwi kiwi" để khen đồ uống hấp dẫn.
Gwenchana
Cụm từ phổ biến trong tiếng Hàn bỗng trở thành "từ cửa miệng" của Gen Z hồi cuối năm nay nhờ một tài khoản trên TikTok. Theo đó, người này đăng video quay cảnh khóc và liên tục lặp lại "gwenchana".
Mặc dù có nghĩa là "tôi ổn", đây lại là cách biểu đạt trạng thái buồn bã, cam chịu một cách hài hước, nôm na là "không ổn lắm đâu".
Nào không trêu bạn
Được dân tình sử dụng rộng rãi từ thế giới ảo đến ngoài đời thực, cụm từ này là cách nói vui, nhằm mục đích chọc ghẹo hoặc "cà khịa" những người có hành động, lời nói có phần lố bịch và thiếu tinh tế.
Còn nhiều cái chưa thèm nói
Đây là cách nói thể hiện sự mỉa mai, châm biếm ai đó nếu làm nhiều điều quá đáng khiến người khác cảm thấy bất mãn.
Tuy nhiên, đối với cư dân mạng, câu này lại mang nghĩa hoàn toàn khác. Nó được xem như lời cảnh cáo dí dỏm khi người nói không muốn dành thời gian quan tâm đến những thứ vô nghĩa.