Con người được ước tính đã tồn tại khoảng 2,5 triệu năm trên Trái đất. Trong đó, có khoảng thời gian, ít nhất là 2,4 triệu năm, con người đã ăn thịt động vật. Thực tế này được chứng minh bằng các dấu vết cắt trên xương động vật hóa thạch, các công cụ bằng đá còn sót lại và các phân tích về răng của tổ tiên chúng ta.
Trong khi các chi người đã tuyệt chủng như Homo habilis (người khéo léo) và Homo rudolfensis… có lẽ chỉ bắt một con thằn lằn hay ăn thừa những phần thịt còn sót lại do những loài săn mồi khác để lại, thì tổ tiên chúng ta - Homo erectus (người đứng thẳng) đích thị là những thợ săn lão luyện.
Ngày nay, theo một số thống kê, trung bình một người Mỹ ăn khoảng 7.000 con vật trong đời, bao gồm 4.500 con cá, 2.400 con gà, 80 con gà tây, 30 con cừu, 27 con lợn và 11 con bò. Con số này nghe có vẻ cao một cách vô lý, đồng thời nó đặt ra một câu hỏi: Điều này có thực sự cần thiết không?
Theo một lý thuyết nổi tiếng, việc tiêu thụ thịt giúp Homo erectus tiến hóa trở thành người tinh khôn. Ngay từ giữa những năm 1950, nhà cổ nhân loại học Raymond Dart đã đưa ra ý tưởng rằng tổ tiên đầu tiên của con người đã săn bắt động vật để sinh tồn trên thảo nguyên châu Phi cằn cỗi.
Cuối cùng, vào những năm 1990, Leslie Aiello và Peter Wheeler đã đưa ra giả thuyết về “mô tốn kém” (expensive tissue hypothesis). Theo đó, các mô khác phải dần biến mất khi não người tiến hóa để nhường chỗ cho những mô giá trị nhưng rất tốn năng lượng. Nó giống hệt như các chip máy tính hiện giờ khi các chip sau này càng hiện đại thì càng hại điện, càng đòi hỏi nhiều điện năng hơn.
Bằng lý thuyết đó, các nhà cổ nhân học đã đưa ra đáp án trả lời cho câu hỏi người vượn nhân hình đầu tiên lấy năng lượng từ đâu để nuôi não bộ ngày càng phát triển. Trong khi thể tích não của Homo rudolfensis vẫn chỉ khoảng 750cm3 thì Homo erectus đã tăng tới 1.250cm3. Ngày nay, Homo sapiens (người tinh khôn, hậu duệ của người đứng thẳng) có thể tích não còn lớn hơn, từ 1.100 đến 1.800cm3.
Bộ não con người là một cơ quan ngốn năng lượng vô cùng lớn. Mặc dù chỉ chiếm một vài phần trăm tổng khối lượng cơ thể nhưng nó tiêu thụ tới 1/5 tổng năng lượng chúng ta thu nạp. So với rễ, lá và nhiều bộ phận khác của cây thì thịt (đặc biệt là các bộ phận nội tạng như gan, tim hoặc lưỡi) có mật độ dinh dưỡng khá cao với nhiều protein và hơn hết là chất béo. Nếu cắt nhỏ phần thịt ra bằng công cụ dù là đồ đá thì cũng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian nhai, đồng nghĩa với việc thức ăn giàu năng lượng có thể được ăn vào mà tiêu tốn ít năng lượng. Theo lập luận của họ, bất kỳ khoản dư năng lượng nào sau đó cũng có thể được dùng cho sự phát triển và hoạt động của não.
Nhiều người ngày nay biện minh cho việc tiêu thụ quá nhiều thịt của mình với bản thân và người khác bằng những lập luận này. Họ lập luận rằng con người hiện đại bẩm sinh đã ăn thịt khi nhìn vào lịch sử loài người. Hơn nữa, việc phát minh ra cách tạo lửa, sự phát triển của ngôn ngữ, nguồn gốc của sự phân công lao động, sự khởi đầu của hệ thống phân cấp xã hội và thậm chí sự xuất hiện của văn hóa đều có thể liên quan đến việc săn bắn và ăn thịt.
Từ đó, họ cho rằng việc tiêu thụ thịt là nhu cầu tự nhiên của con người trong khi việc ăn chay là phản tự nhiên, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe. Nhưng các chuyên gia từ các lĩnh vực đa dạng như cổ nhân loại học và dinh dưỡng đang đặt câu hỏi về những ý tưởng này.
Sự tiến hóa của loài người không hề bị khóa chặt theo đường ray mà thay vào đó là phát triển không ngừng. Những gì đúng với tổ tiên của chúng ta không nhất thiết vẫn đúng cho đến ngày nay. Ví dụ, hiệu quả khai thác, thành phần và cách chế biến thực phẩm đã thay đổi rất nhiều kể từ khi con người sơ khai biết ăn thịt. Chúng ta không còn phải mất nửa ngày để rình rập một con mồi nữa, tức là chúng ta không còn tốn nhiều năng lượng cho một bữa ăn nữa. Các phương pháp nhân giống hiện đại đã làm tăng đáng kể hàm lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn có nguồn gốc thực vật. Và theo thời gian, chúng ta đã học cách nấu thức ăn sao cho dễ tiêu hóa hơn và dễ tiếp cận chất dinh dưỡng hơn.
Ngày nay, thịt cũng không còn là sản phẩm xa xỉ nữa. Ngược lại, một miếng cốt lết đôi khi còn rẻ hơn một bao khoai tây. Tuy nhiên, việc sản xuất thịt tiêu tốn nhiều tài nguyên hơn khoai tây nhiều lần. Khoảng 77% đất trồng trọt trên thế giới được sử dụng để sản xuất thịt và sữa, mặc dù các sản phẩm từ động vật chỉ cung cấp khoảng 18% nhu cầu calo của thế giới. Ngay cả khi có mối liên hệ sinh học giữa việc tiêu thụ thịt và việc tiến hóa trở thành người tinh khôn đi chăng nữa, thì ngày nay chúng ta vẫn có thể giải phóng bản thân khỏi mối liên hệ đó.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu về cổ nhân loại học sau này đã nghi ngờ hoặc bác bỏ thuyết "thịt làm nên con người". Ví dụ, một nhóm do bà Ana Navarrete thuộc Đại học Zurich dẫn đầu không tìm thấy thêm bằng chứng nào trong thế giới động vật cho giả thuyết “mô tốn kém” trong các phân tích có tính tổng quát và chuyên sâu hơn.
Trên tạp chí Nature vào năm 2011, nhóm nghiên cứu đã viết: Chắc chắn rằng ý tưởng mang tính trực quan cao này (thuyết "thịt làm nên con người") đã được chấp nhận rộng rãi trong cổ nhân loại học và nhiều lĩnh vực khác, đồng thời thúc đẩy các thảo luận công khai về chế độ ăn uống tối ưu của con người. Tuy nhiên, trái ngược với những dự đoán của giả thuyết về “mô tốn kém”, chúng tôi không tìm thấy mối tương quan nào giữa kích thước tương đối của não và bộ phận tiêu hóa cũng như những cơ quan khác ở các loài động vật có vú hoặc ngay trong các loài linh trưởng khác (trừ con người). Do vậy, thật đáng ngạc nhiên nếu nguyên tắc này chỉ áp dụng cho quá trình tiến hóa của loài người".