Phim hoạt hình của Disney là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu trong tuổi thơ của đa số chúng ta. Nhưng nếu bạn nghĩ hoạt hình chỉ là dành cho trẻ con, thì bạn đã nhầm rồi.
Trên thực tế, các bộ phim của Disney có chứa nhiều thông điệp và vấn đề trong xã hội, chỉ là chúng không được thể hiện để ta có thể dễ dàng nhận ra thôi. Và thậm chí, đó còn là những vấn đề hết sức sâu sắc nữa cơ.
1. Nạn quấy rối tình dục trong "Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà" - (The Hunchback of Notre Dame - 1996)
The Hunchback of Notre Dame là phim kinh điển của Disney, và đồng thời cũng là một trong những bộ phim có phần đen tối nhất, khi đề cập đến rất nhiều vấn đề về tôn giáo, diệt chủng... Nhưng thông điệp quan trọng hơn cả trong bộ phim phải là nạn quấy rối tình dục.
Trong phim, cô gái người Di-gan (gypsi) Esmeralda đã được mô tả là một nạn nhân điển hình của vấn đề này, đặc biệt là các phân cảnh với Frollo - nhân vật phản diện chính trong phim. Cách Frollo đối xử với cô - liên tục tìm cách đụng chạm, hít hà mùi hương trên tóc và quần áo - cho thấy hắn thực sự bị thu hút bởi Esmeralda. Hắn thậm chí chẳng buồn che giấu mục đích của mình, khi sẵn sàng bắt cô phải chọn: Hoặc ở với hắn, hoặc gã đốt cô ra tro.
Esmeralda biết điều đó, và cô phản kháng lại. Thông điệp ẩn giấu ở đây là dành cho các nạn nhân bị quấy rối: cần phải thật dũng cảm, đứng lên tự bảo vệ mình, và chỉ nên để những người xứng đáng xuất hiện trong cuộc đời mình thôi.
2. Nạn bắt nạt - Wreck-It Ralph (2012)
Câu chuyện về cô bé Vanellope trong Wreck-It Ralph là một ví dụ điển hình về nạn bắt nạt đang xảy ra ở rất nhiều trường học trên thế giới hiện nay.
Vanellope là một nhân vật trong một trò chơi đua xe, với vị thế là "nữ hoàng đua". Nhưng rồi sự cố xảy ra đã khiến cô không được phép đua nữa, rồi trở thành đối tượng bị bắt nạt, thường xuyên chịu đựng những lời móc mỉa từ bạn bè. Dù vậy, cô bé vẫn luôn giữ thái độ hòa nhã, ngay cả khi những kẻ bắt nạt phá hủy chiếc xe cô bé tự xây dựng cho mình
Ở ngoài đời, bắt nạt là một vấn nạn xảy ra trên toàn thế giới, và quả thực rất nhiều đứa trẻ thấy bản thân mình ở trong tình cảnh giống Vanellope. Bằng cách tạo ra một nhân vật mạnh mẽ và giàu lòng vị tha, có vẻ Disney đã muốn ủng hộ cho những nạn nhân của vấn nạn này, động viên họ, rằng những nét bị cho là "kỳ quặc" và lập dị thực chất là thứ làm nên nét riêng cho mỗi người.
3. Bi kịch khi quá khác biệt trong "Nữ hoàng băng giá" - Frozen (2013)
Trong Frozen, Elsa đã phải che giấu bản thân và năng lực "đóng băng" của mình ngay từ khi còn bé. Một phần vì nàng không kiểm soát được nó, nhưng phần còn lại là vì mọi người cảm thấy sợ cô.
Ngay cả đức vua và hoàng hậu - cha mẹ của Elsa cũng chưa bao giờ thực sự giúp đỡ nàng. Họ chưa từng để nàng được là chính mình, chưa từng dạy nàng không phải sợ người đời, và đồng thời quyết định đóng cửa lâu đài, cách ly nàng với thế giới bên ngoài cho đến khi có thể hòa nhập được. Chi tiết cha mẹ tặng Elsa đôi găng cũng để thể hiện rằng họ muốn nàng giấu đi sự khác biệt, muốn nàng là một người "bình thường".
Elsa đã đeo đôi găng ấy, mãi cho đến khi nàng quyết định chạy trốn lên núi, tự chấp nhận chính mình, nàng mới chịu vứt chúng đi.
Vào lễ đăng quang, mọi người phát hiện ra Elsa có phép thuật, và họ gọi nàng là quái vật. Có vô lý không khi trước đó nàng chưa từng hại ai, cũng chưa làm bất kỳ điều gì sai. Mọi người đơn giản chỉ là không chấp nhận một người khác biệt với phần còn lại, và mọi sự khác biệt đều bị đánh giá là tiêu cực, là không thể chấp nhận được.
Tiếc thay, đó cũng là những gì thường xuyên xảy ra ngay trong cuộc sống của chúng ta ngày nay.
4. Trầm cảm và các chứng bệnh tâm lý trong "Những mảnh ghép cảm xúc" (Inside Out - 2015)
Inside Out là một bộ phim ẩn chứa nhiều thông điệp. Thông điệp rõ ràng nhất là nó cho thấy một con người cần có đủ hỷ nộ ái ố, tạo nên nhiều mảnh ghép cảm xúc trong tâm hồn. Còn thông điệp ít rõ hơn thì liên quan đến các giai đoạn của chứng trầm cảm.
Khi Riley phải chuyển đến San Francisco, cô bé bắt đầu manh mún nguy cơ trầm cảm, đơn giản là vì cô không muốn chuyển đi và điều này khiến cô bé buồn. Điều này được thể hiện với các khung cảnh trong đầu cô bé, khi "Buồn" bắt đầu đi lại, chạm lung tung và khiến tâm trạng cô bé trở nên xám đen.
"Vui" vì muốn ngăn "Buồn" lại, để rồi cả 2 rơi khỏi trung khu điều khiển cảm xúc và biến mất.
Vào lúc này, Riley vừa không thể vui, vừa không thể buồn, lại bị ông "Tức giận" chiếm quyền điều khiển và rơi sâu hơn vào quá trình trầm cảm. Bộ phim cho thấy chứng trầm cảm tiếp diễn như thế nào, khi nó phá hủy đi những ký ức tuyệt vời của cô bé, và khiến cảm xúc của cô như đóng băng.
5. Các bệnh thần kinh - Finding Dory (2016)
Các fan của Disney chắc cũng không lạ gì cô cá màu xanh này. Dory là một cô cá sinh ra đã mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn. Khi còn nhỏ, Dory đã học cách tồn tại cùng chứng bệnh này. Nhưng khi biến cố xảy ra, cô phải xa rời cha mẹ mình, cũng là lúc Dory phải sống một cuộc đời mới: không biết mình là ai, mình đến từ đâu, mình đang phải làm gì...
Và đó là những gì thực sự xảy ra với những người mắc chứng mất trí nhớ ngoài đời thực.
Chứng mất trí nhớ của Dory không phải là căn bệnh thần kinh duy nhất được nhắc tới trong bộ phim. Các nhân vật Dory gặp trên đường, mỗi con lại có một vấn đề riêng. Như bạch tuộc Hank thì bị trầm cảm, trong khi cá voi Bailey thì rối loạn lo âu...
Thông điệp bộ phim mang lại là về sự cảm thông đối với những người mắc bệnh thần kinh, đặc biệt là các bậc cha mẹ với con của mình. Cần phải giúp đỡ họ đạt được ước mơ và có mục tiêu trong cuộc sống, truyền cảm hứng và hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn mà chắc chắn họ sẽ phải đối mặt rất nhiều.
6. Nạn bạo hành từ cha mẹ trong "Công chúa tóc mây" - Tangled (2010)
Bà phù thủy già tên Mẹ Gothel đã bắt cóc công chúa Rapunzel chỉ vì sức mạnh trong mái tóc óng ả của cô bé, và đóng vai là một người mẹ cô suốt từ tuổi thơ cho đến khi trưởng thành.
Mẹ giả nhưng dù sao thì vẫn là mẹ. Chỉ có điều, mọi thứ người mẹ này làm đều là sai trái. Tất cả những gì Mẹ Gothel nói với Rapunzel chủ yếu là để dập nát lòng tự trọng và sự tự tôn của cô, từ nhạo báng ngoại hình, mỉa mai liệu ai có thể thực sự yêu cô, cười nhạo ước mơ và khiến Rapunzel luôn cảm thấy có lỗi.
Mẹ Gothel luôn bảo nàng công chúa của chúng ta rằng cô còn quá ngây thơ, không biết bảo vệ mình. Bà chỉ muốn nhốt cô trong tòa tháp, muốn bảo vệ cô (đúng hơn là mái tóc mang sức mạnh thần bí) mà thôi.
Nghe quen không? Tình cờ thay, đây cũng chính là những gì mà những ông bố, bà mẹ bảo bọc con quá mức đang làm. Họ can thiệp vào mọi thứ trong cuộc sống của con, khiến những đứa trẻ cảm thấy ngột ngạt, không được làm theo ý muốn của bản thân.
Và bạn biết không, đó chính là một hình thức của "bạo hành tinh thần".
Bạo hành cảm xúc - hay bạo hành tinh thần - không có những dấu hiệu rõ ràng như bạo hành thông thường, nhưng hậu quả gây ra thì thật tồi tệ. Tiếc thay, không nhiều người hiểu được điều này, thậm chí các nạn nhân cũng không lên tiếng. Và Disney đã muốn chỉ ra nó thông qua Tangled, rằng trẻ em có thể bị chính cha mẹ bạo hành tinh thần mà thậm chí bản thân chúng cũng không hề hay biết.
J.D (theo Helino. Nguồn: BS, VT.co)