Chọn “ổn định” hay thay đổi?
Khi không thể thực hiện một điều gì đó, chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh cuộc đời buộc mình phải chấp nhận như thế. Ngày qua ngày, chúng ta chấp nhận mọi thứ diễn ra xung quanh theo đúng quỹ đạo và gọi nó là sự ổn định. Như tác giả cuốn sách “Xoay tư duy chuyển cuộc đời” (Wake up!) - Chris Baréz-Brown gọi đó là bộ não của người sống trong hang.
Với cách gọi đó, bộ não được lập trình làm những việc hằng ngày một cách máy móc, không cần suy nghĩ như cơ chế “lái tự động”. Những người sống trong hang muốn mọi thứ được giữ nguyên như cũ, nhạy cảm với bất cứ thứ gì mới mẻ và khác biệt, hoặc những gì không tương đồng với đặc tính của mình.
Mỗi ngày, bạn chạy xe từ nhà đến công ty đến nỗi bạn tự hỏi đã đi đến nơi như thế nào? Chuyện gì đã diễn ra trên con đường đi làm hằng ngày? Hoặc có rất nhiều người luôn than thở về chuyện tại sao không thể thay đổi cuộc sống hiện tại nhưng lại không nhận ra chính họ chấp nhận yên ổn với những gì đang có. Hơn là chịu đón nhận sự thử thách để bước ra khỏi những quen thuộc.
Não bộ làm việc ở hai trạng thái: ý thức và tiềm thức. Bộ não ý thức được sử dụng cho các quá trình liên quan đến lô-gic, lý lẽ và các cấp độ xử lý nhận thức cao hơn. Trái lại, bộ não tiềm thức rất giỏi nhận ra những kiểu mẫu và sự tương đồng trong những việc chúng ta đã từng trải qua và có xu hướng lặp lại tương tự.
Cuộc đời là kết quả của tất cả những gì ta lựa chọn. Và phần lớn những lựa chọn của chúng ta trong một ngày đến từ cơ chế “lái tự động” của bộ não. Theo một nghiên cứu khoa học thực tế chỉ ra, 80% quyết định chúng ta đưa ra mỗi ngày đều là từ tiềm thức. Khuynh hướng sống theo thói quen giúp dễ đưa ra quyết định nhưng đó lại là lựa chọn ít có sự sáng suốt.
Còn với những lựa chọn với não bộ thức tỉnh lại mang đến nhiều hiệu quả sáng tạo, tư duy rộng mở hơn, giúp chúng ta hòa nhịp với cuộc sống. Vì có một điều quan trọng hơn sống ổn định, chính là chúng ta đang thực sự sống, trải nghiệm mọi thứ diễn ra xung quanh. Vì vậy, chúng ta cần phải tạo ra một sự cân bằng tốt hơn giữa hai hệ thống não bộ của mình.
Đừng để cuộc sống trở thành những thói quen
Đó cũng chính là ý tưởng chủ đạo để tác giả Chris Baréz-Brown viết cuốn sách “Xoay tư duy chuyển cuộc đời”. Theo ông, trong quá trình lớn lên, trưởng thành và hội nhập với xã hội, chúng ta đã đánh mất mối liên hệ với nguồn sáng suốt nội tại và thường trở thành người mà không phải là chính chúng ta. Khi thường xuyên “đánh thức” chính mình một cách có chủ đích, ta có thể tác động sâu sắc đến chất lượng cuộc sống. Và khi thực hiện điều đó thường xuyên, cơ chế “lái tự động” sẽ dần suy yếu đi, tiềm thức quen thuộc sẽ đóng vai trò hỗ trợ thay vì dẫn dắt chúng ta trong đời sống.
Cuốn sách bao gồm 56 lời gợi ý được chia ra thành nhiều chủ đề, với các bài tập theo nguyên lý: Kết nối, Hòa nhịp, Khơi nguồn sức mạnh. Mỗi lời gợi ý được cấu trúc thành 3 phần: Góc nhìn mới, Kế hoạch thực hiện, Thành quả. Mỗi bài tập trong sách gắn liền với cuộc sống thường nhật của bất cứ ai, bổ sung cho những phương pháp giúp tĩnh tâm nói trên bằng những hoạt động vui vẻ, đòi hỏi hoạt động liên tục và mang tính thực nghiệm.
Tỉnh thức hàm ý là “suy nghĩ ít hơn và làm nhiều hơn”. Ở trạng thái đó, chúng ta kết nối nhiều hơn với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh mình. Tác giả chỉ ra cách duy nhất để tỉnh thức là đưa vào cuộc sống của chúng ta nhiều trải nghiệm mới mẻ và khác biệt một cách có chủ ý, thúc đẩy sự phát triển cảm giác tỉnh thức mạnh mẽ khi chúng ta gắn kết với những trải nghiệm đó.
Mỗi người chúng ta đều là duy nhất, có những nhu cầu, niềm tin, mong muốn và đặc tính cá nhân khác nhau. Vì vậy, những trải nghiệm khác nhau sẽ tác động đến chúng ta theo những cách khác nhau và những gì là hiệu quả với người này có thể lại không hiệu quả với người kia. Cốt lõi của quyển sách này là một chuỗi những những thử nghiệm mà bạn nên thử, tận hưởng chúng và tìm xem cái nào hữu ích cho bạn.
Bạn có thể thử thay đổi lộ trình đi làm hằng ngày hay chọn một loại thức uống khác với sở thích trước giờ. Hoặc chúng ta có thể tìm niềm vui mỗi ngày bằng việc trồng một cái cây và quan sát sự phát triển của nó. Ngay cả việc giải trí, ta cũng có thể thử xem một dòng phim hay nghe một thể loại nhạc mới trước giờ không quan tâm đến. Đừng để cuộc sống trở thành những thói quen nhàm chán, được khoác lên chiếc áo mang tên ổn định. Trước mỗi thay đổi, điều chúng ta nhận lại không hẳn là bài học nào đó, mà nó giúp ta nhận ra ý nghĩa thực sự của việc đang sống.
Theo First News