2, 3 tháng gần đây, tôi đã đọc không ít sách có liên quan tới quan hệ xã hội. Sau khi đọc xong, tôi đã chọn ra trong đó 7 cuốn để giới thiệu với các bạn. 7 cuốn sách này có thể cũng cấp cho bạn những gợi mở về các phương diện trong các mối quan hệ xã giao, bên trong bao gồm cả kiến thức lý thuyết và hướng dẫn thực tế, và cả những trí tuệ cuộc sống quý báu.
01
Tác giả: Rowland S. Miller
Nếu bạn muốn có một sự hiểu biết có hệ thống và khoa học về chủ đề các mối quan hệ thân mật, thì cuốn sách này là lựa chọn phù hợp nhất. Tác giả của cuốn sách này, Rowland Miller, là giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Sam Houston ở Hoa Kỳ, ông phụ trách giảng dạy các khóa học về các mối quan hệ thân mật trong suốt 25 năm qua.
Ưu điểm lớn nhất của cuốn sách này là nó dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học rất nghiêm ngặt và toàn diện, nó là sự kết hợp của các lý thuyết nghiên cứu và thành tựu của nhiều ngành tâm lý học khác nhau. Cuốn sách tổng kết lại đặc điểm và quy luật của hành vi của chúng ta trong giao tiếp với chia sẻ, tình yêu, hứa hẹn, hôn nhân, đố kị và thậm chí là cả phản bội hay ghe tuông… Thông qua cuốn sách này, bạn không chỉ có cái nhìn chính xác hơn về bản chất của mối quan hệ mật thiết và các vấn đề có thể xảy ra, mà còn có thể hiểu sâu hơn về bản thân mình, chẳng hạn như bạn sẽ biết mình phù hợp với kiểu yêu đương như nào, người ra sao sẽ phù hợp với mình…
Có điều, đây không phải là một cuốn sách dễ ngấm ngay từ lần đọc đầu tiên, bởi dẫu sao thì nó cũng hơi nặng về tính chuyên môn, nhưng vì chủ đề mà cuốn sách bàn luận lại có quan hệ mật thiết tới cuộc sống của chúng ta nên bạn sẽ không cảm thấy nhàm chán khi đọc. Quan hệ thân mật có thể nói là cốt lõi trong trải nghiệm của con người, nó có thể mang lại hạnh phúc lớn lao cho mọi người nếu được xử lý tốt, nhưng ngược lại cũng sẽ gây ra tổn thương lớn nếu bạn xử lý không ổn thỏa. Vì vậy, dành thời gian và đầu óc để có cái nhìn và sự hiểu biết toàn diện hơn về các mối quan hệ thân mật một cách khoa học và có hệ thống là một điều vô cùng quan trọng và đáng để làm.
02
Tác giả: Christopher Moon
Nếu "Relationships" của Rowland Miller chủ yếu giúp bạn hiểu được sự thân mật từ quan điểm khoa học, thì "Relationship" của Christopher Moon lại đưa bạn nhìn nhận các mối quan hệ từ góc độ phát triển và trưởng thành bản thân.
Lý do tôi thích và giới thiệu cuốn sách này là vì nó chỉ ra chính xác nguyên nhân chính tạo nên xung đột trong các mối quan hệ, nó xuất phát từ cơ chế tự bảo vệ của chúng ta, nhu cầu về cảm giác an toàn, lòng tự trọng và mong muốn "trở nên quan trọng và đặc biệt" với ai đó. Bản thân những nhu cầu này không có vấn đề gì, nhưng nếu bạn tin rằng hạnh phúc, sự an toàn và lòng tự trọng mà bạn muốn là do người khác đem lại cho bạn, thì nó sẽ trở thành vấn đề, bởi vì khi nhu cầu không được đáp ứng, bạn sẽ đổ lỗi, chỉ trích, và thậm chí công kích hoặc trả thù chỉ vì muốn người khác phải chịu trách nhiệm cho nỗi đau của bạn.
Cuốn sách này dạy chúng ta xem một mối quan hệ thân mật như một công cụ học tập để hiểu và thúc đẩy sự trưởng thành bản thân, học cách đối mặt trực tiếp thay vì trốn tránh đau đớn, học cách đối mặt với con người thật của mình, và học cách chịu trách nhiệm 100% cho cuộc sống của chính mình.
03
Tác giả: Kristin Neff
Mặc dù "Relationship" của Christopher Moon cho phép bạn hiểu rõ nguyên nhân cốt lõi hình thành xung đột trong một mối quan hệ, nhưng cuốn sách này cũng có một thiếu sót, đó là nó không cung cấp giải pháp chi tiết và thực tế. Và "Self-Compassion " của Kristine Neff đã bù đắp cho sự thiếu sót này, cuốn sách cung cấp một giải pháp rất tốt cho "vấn đề" mà Christopher Moon chỉ ra, đó là, thông qua tự yêu thương bản thân, đối xử tốt với chính mình, bạn sẽ dần dần học được cách không còn phụ thuộc vào các mối quan hệ bên ngoài để thỏa mãn nhu cầu về tình yêu, sự chấp nhận hay sự an toàn, bởi lẽ những cảm xúc này chúng ta hoàn toàn có thể tự đem lại cho chính mình.
"Self-Compassion" trông thì có vẻ như không liên quan gì đến các mối quan hệ giữa các cá nhân, nhưng thứ mà nó thực sự khám phá chính là nền tảng của các mối quan hệ giữa các cá nhân, đó là mối quan hệ của chúng ta với chính mình. Nếu một người không thích mình, không chấp nhận chính mình, và sống hòa thuận với chính mình, vậy thì anh ta cũng sẽ gặp phải những vấn đề nhất định trong mối quan hệ với các cá nhân khác, chẳng hạn như đè nén mình để làm hài lòng người khác, hoặc đối xử với người khác từ góc độ so sánh, cạnh tranh và chống đối.
Cuốn sách này sẽ mở ra một cửa sổ khác cho tâm hồn của bạn, nó sẽ giúp bạn chấp nhận nỗi đau và sự không hoàn hảo của mình, hay học cách chủ động chăm sóc và yêu thương bản thân thông qua việc tập đối xử tốt với bản thân hoặc tĩnh tâm lại quan sát. Con người không có ai là toàn năng cả, luôn tồn tại những người làm tốt hơn chúng ta, chỉ khi cởi mở chấp nhận tất cả những điều này, chúng ta mới có thể cảm nhận lại được niềm vui, hạnh phúc và yêu thương người khác nhiều hơn.
04
Tác Giả: Will Bowen
Thành thật mà nói, nếu không phải muốn nghiên cứu mối quan hệ giữa các cá nhân, tôi có thể không bao giờ đọc cuốn sách này. Tuy nhiên, sau khi đọc nó, tôi ngay lập tức trở thành người ủng hộ khái niệm và phong trào "không phàn nàn".
Phàn nàn, ca thán, điều này có vẻ như là một hành vi rất thường thấy, phổ biến, nhưng thực tế nó phơi bày niềm tin và thói quen suy nghĩ sâu sắc nhất của bạn, chẳng hạn như xu hướng suy nghĩ tiêu cực, sự không tự tin hay cảm giác mình không đủ năng lực. Phàn nàn, về cơ bản là một ngôn ngữ có chứa năng lượng và nó khiến bạn tập trung năng lượng vào vấn đề hiện tại, chứ không phải đi tìm giải pháp cho vấn đề.
Sẽ không quá lời khi nói rằng phàn nàn là một đặc điểm chung của tất cả các mối quan hệ không hạnh phúc. Nói về phàn nàn, phần lớn mọi người đều hiểu lầm rằng chỉ khi phàn nàn thì người khác mới thay đổi. Tuy nhiên, trên thực tế, không ai thích nghe lời phàn nàn cả, và phàn nàn không bao giờ có thể mang lại những thay đổi tích cực, nó sẽ chỉ cho phép bạn tập trung tất cả sự chú ý vào những thiếu sót của người khác. Khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực như vậy sẽ dẫn đến sự không vui vẻ trong các mối quan hệ khác nhau.
Nếu bạn là một người thích phàn nàn, thì tôi tin rằng cuốn "Thế giới không có phàn nàn" của Will Bowen sẽ trở thành một tấm gương cho bạn, cho phép bạn nhìn thấy một số thói quen bạn mà bình thường bạn không thể nhìn thấy và những mô thức tư duy đằng sau chúng. Bằng cách thay đổi thói quen phàn nàn này, bạn có thể tạo thói quen suy nghĩ mới, và thói quen suy nghĩ mới đó sẽ mang đến cho bạn một những mô hình mối quan hệ mới.
05
Tác giả: Marshall B. Rosenberg
Đây là một cuốn sách khai sáng quan trọng trong mảng "giao tiếp, trò chuyện hay chia sẻ với nhau". Nếu bạn chưa đọc nó, thì tôi thực sự khuyên bạn nên đọc và tốt nhất là bạn nên đọc nó cùng với cuốn "Complaint Free".
Phàn nàn mà chúng ta vừa đề cập phía trên thực sự là một hình thức "giao tiếp bạo lực" điển hình. Tiến sĩ Rosenberg tin rằng gốc rễ của "giao tiếp bạo lực" xuất phát từ việc mọi người bỏ qua cảm xúc và nhu cầu của nhau, và đổ lỗi cho đối phương, trong khi bản chất của "giao tiếp phi bạo lực" là thể hiện rõ ràng nhu cầu và cảm xúc của bản thân, để hai bên trò chuyện, chia sẻ với nhau từ đó thỏa mãn các nhu cầu của bản thân.
Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu chi tiết hơn về các hình thức cơ bản của "giao tiếp bạo lực" và học được xem là "giao tiếp phi bạo lực" tốt hơn và hiệu quả hơn thì nên như thế nào, nó sẽ giúp và hướng dẫn bạn thay đổi cách trò chuyện cũng như cách lắng nghe. Cuốn sách này không khó đọc, nhưng để thực sự hiểu được bản chất của "giao tiếp phi bạo lực" và nắm vững các yếu tố cần thiết của nó, thì bạn có thể phải đọc nhiều lần, và bạn cần dành năng lượng để suy nghĩ và thấu hiểu, đồng thời không ngừng thực hành và suy ngẫm.
06
Tác giả: Kerry Patterson, Joseph Grenny, Ron McMillan, Al Switzler
Ngoài "Nonviolent Communication" ra thì "Crucial conversations " cũng là một cuốn sách về các kỹ năng giao tiếp rất đáng đọc. Thế nào là "đối thoại mấu chốt"? Theo định nghĩa của tác giả, có ba yếu tố của một đối thoại mấu chốt: quan điểm của hai bên trái ngược nhau, cảm xúc mãnh liệt và kết quả đầy rủi ro. Có rất nhiều tình huống như này trong cuộc sống của chúng ta: nam nữ, vợ chồng cãi nhau về một điều gì đó, bạn đòi tiền của bạn, đưa ra ý kiến về công việc cho lãnh đạo, phê bình hiệu suất làm việc của đồng nghiệp… phàm là những cuộc trò chuyện bạn cho là quan trọng thì đó đều là Crucial conversations.
Khi đối mặt với những cuộc trò chuyện quan trọng, các phương pháp phổ biến của chúng ta là: hoặc là im lặng (từ chối trao đổi quan điểm), hoặc là dùng đến bạo lực bằng lời nói (cố gắng buộc bên kia chấp nhận quan điểm của bạn). Kiểu giao tiếp này không chỉ dẫn đến những hiểu lầm và xung đột, mà nó còn có thể khiến chúng ta mất đi rất nhiều cơ hội. "Đối thoại mấu chốt" cho chúng ta biết làm thế nào để có thể có những cách giải quyết tốt hơn các cuộc đối thoại quan trọng này, cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân trong cuộc đối thoại, và hướng cuộc trò chuyện theo hướng trôi chảy và thông minh hơn.
So với cuốn sách "Nonviolent Communication", cuốn sách này có thể hữu ích hơn cho sự phát triển trong nghề nghiệp, bởi lẽ các "đối thoại mấu chốt" thường xảy ra rất phổ biến ở nơi làm việc. Sau khi nắm vững các phương pháp và kỹ năng giao tiếp trong cuốn sách, bạn sẽ biết cách giao tiếp hiệu quả hơn với sếp, đồng nghiệp và khách hàng, không để đối thoại hay giao tiếp không khéo léo trở thành một trở ngại cho sự phát triển của bản thân.
07
Tác giả: Dale Carnegie
" How to Win Friends and Influence People" là một trong những cuốn sách siêu bán chạy nhất thế giới, nó là sản phẩm đến từ bậc thầy uy tín nhất về quan hệ con người và truyền cảm hứng, Dale Carnegie. Kể từ khi xuất bản năm 1937, cuốn sách này đã được dịch ra ít nhất 58 ngôn ngữ trên toàn thế giới, với tổng doanh số toàn cầu hơn 90 triệu bản và số lượng độc giả là 400 triệu người. Tựa Việt của cuốn sách này là "Đắc nhân tâm".
Mặc dù chứa nhiều chương và đưa ra nhiều quy tắc, nhưng tổng kết lại thì những nguyên tắc trong cuốn sách này đều từa tựa nhau: luôn nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của đối phương, để đối phương có thể thực sự cảm nhận được tầm quan trọng của anh ta đối với bạn; luôn dành những lời khen chân thành, mỉm cười với người khác, hay luôn tỏ ra thân thiện… Mặc dù không có nhiều lý thuyết hay thuyết giảng về giao tiếp giữa các cá nhân, nhưng trong cuốn sách này, tác giả Carnegie đã đưa ra rất nhiều ví dụ sinh động, và những ví dụ này sẽ giúp bạn cảm thấy trơn tru hơn khi mang vào thực hành trong thực tiễn.
Nếu đọc cuốn sách này vài năm trước, tôi có thể sẽ không cảm thấy có gì quá đặc biệt, nhưng tôi của hiên tại lại cảm thấy tất cả các cuốn sách đều là trí tuệ cuộc sống, bởi lẽ tôi đã lĩnh ngộ được tầm quan trọng của những mỹ đức và phẩm chất được kết tinh bên trong chúng.
Khi chúng ta dùng những mỹ đức và phẩm chất này để giao tiếp với mọi người xung quanh một cách chân thành, chúng ta tự nhiên sẽ có được những mối quan hệ với các cá nhân tốt đẹp hơn, giành được sự tôn trọng và ảnh hưởng nhiều hơn, và tất nhiên cũng sẽ thành công hơn.
Mong rằng 7 cuốn sách trên sẽ đem lại cho bạn những gợi mở mới mẻ và hữu ích nào đó.
Regina
Theo Báo Dân Sinh