Xoay tư duy, chuyển cuộc đời - Bạn yêu ghét điều gì ở bản thân?

25/06/2020 08:30
Xoay tư duy, chuyển cuộc đời - Bạn yêu ghét điều gì ở bản thân?

Tại sao mình không hoàn hảo, vẻ ngoài chưa đủ lôi cuốn, chưa đủ thông minh, giỏi giang, khỏe khoắn, duyên dáng, hay điều gì khác và bạn có thể dành cả đời để tìm thêm chứng cứ củng cố cho điều đó. Nếu bạn cứ tìm kiếm kỹ như thế, chắc chắc bạn sẽ luôn tìm thấy chúng.

          

Phải biết yêu thương chính mình

Hầu hết chúng ta đều quá khắt khe với bản thân và chúng ta thường xuyên lắng nghe tiếng nói huyên thuyên trong đầu. Cuộc sống như thế thật dở. Đó là cuộc sống bị dẫn dắt bởi tiềm thức, với một khuynh hướng tiêu cực cố hữu bên trong và do đó chỉ có thể nhìn thấy những mặt tiêu cực.

Cách đây nhiều năm, tôi đã một mình đi nghỉ ở Mexico. Đó là thời điểm then chốt của cuộc đời khi tôi quyết định tìm một không gian để suy nghĩ về việc mình là ai và mình muốn trở thành người như thế nào. Tôi đã khám phá ra rằng để có mặt trọn vẹn trong hiện tại và được kết nối, tôi cần phải nâng niu cả những mảng tối cũng như những mảng sáng của mình.

Khi chúng ta trân trọng cả những mảng tối của bản thân và nhận ra rằng chính những nhược điểm, những điểm chưa hoàn hảo mới thật sự là những gì tạo nên con người mình, thì những tiếng nói huyên thuyên trong đầu sẽ dần im và chúng ta có cơ hội để tỏa sáng hơn. Khi chúng ta yêu thương chính con người mình, chúng ta trở nên kết nối với cuộc sống đến mức không có trạng thái nào khác hơn là luôn sáng suốt và tỉnh thức. Đây là trạng thái mà chúng ta liên tục tìm về, và sẽ bõ công bởi nó nắm giữ sự tự do đích thực.

Bạn là người như bạn nghĩ

Chúng ta nghĩ mình là người như thế nào thì chúng ta sẽ trở thành người như thế ấy. Tất cả những trải nghiệm phong phú của cuộc sống đều là những chất liệu hiểu biết quý giá có thể góp phần hình thành nên con người chúng ta.

Cách mà chúng ta tiếp nhận những chất liệu quý giá nói trên sẽ góp phần hình thành nên cách chúng ta nhìn thấy bản thân mình và cách mà chúng ta được nhận diện. Trừ phi bạn dành phần lớn thời gian sống để góp nhặt phản hồi từ tất cả mọi người xung quanh về mình, thì không cách nào có thể có được một nhận thức chân thật nhất về con người bạn từ họ, và ngay cả khi có phản hồi thì nó cũng ít nhiều bị thiên lệch.

Chẳng có đặc tính nào của một người là hoàn toàn cố định cả – với bản năng thích ứng, tất cả chúng ta đều rất giỏi trong việc điều chỉnh hành vi của mình tùy theo hoàn cảnh sống – và khi bạn kết hợp điều này với sự thật rằng chúng ta không ngừng tiến hóa trong quá trình sống, trưởng thành và thử nghiệm với cá tính của mình, chúng ta rất dễ dàng tin rằng mình là ai đó, không phải chính mình. Vì vậy, nếu chúng ta có thể linh hoạt như một viên kẹo dẻo thì tại sao không thử đẩy xa hơn nữa những giới hạn trong cách mà chúng ta nhìn thấy bản thân?

Bằng cách thử nghiệm nhiều cá tính khác nhau, chúng ta có thể nhận ra rằng có những khía cạnh của bản thân đã bị chúng ta xem nhẹ, khiến chúng ta mất đi những cơ hội tỏa sáng. Bằng cách đưa những mặt tính cách này ra phía trước và trân trọng chúng, chúng ta sẽ thấy mình đầy sức sống hơn và ý thức hơn về con người chân thật của mình.

Chỉ cần nói “không”

Để kiểm soát được cuộc sống của mình, bạn phải tỉnh táo để nói “Không”. Có những đòi hỏi liên tục về thời gian và sự chú ý của chúng ta; nếu không học cách quản lý chúng, ta sẽ bị chết chìm. Chúng ta thích giúp đỡ người khác và thường cảm thấy rằng thông qua việc làm đó, chúng ta đạt được mục đích và ý nghĩa cuộc sống. Nhưng nếu chúng ta không tìm thấy mục đích và ý nghĩa cuộc sống cho bản thân trước thì làm sao chúng ta có thể giúp được ai khác?

Để tỉnh thức, chúng ta cần phải tìm ra khoảng không, vì vậy chúng ta cần học cách nói “Không”. Thông thường, khi chúng ta nói “Vâng” với một việc gì đó mà chúng ta không hoàn toàn thật tâm muốn làm, tiềm thức đang thêm dầu vào ngọn lửa oán giận trong nội tâm.

Brené Brown, nhà nghiên cứu tâm lý về sự hổ thẹn và tính dễ bị tổn thương ở con người, giải thích rằng: “Những người có lòng trắc ẩn hỏi xin những gì họ cần. Họ nói “Không” khi cần phải nói “Không”, và khi họ nói “Vâng” thì họ thật lòng nghĩ như vậy. Họ thể hiện lòng trắc ẩn bởi vì những giới hạn họ đặt ra giúp họ tránh khỏi sự oán giận”.

Khi chúng ta nói “Không” với một trách nhiệm mà bình thường chúng ta vẫn nhận lấy, chúng ta phải tỉnh thức. Làm như vậy, chúng ta cũng đang tạo thêm thời gian cho cuộc sống của mình, để chúng ta có thể tỉnh thức nhiều hơn. Khi chúng ta nói “Không”, chúng ta đang mang lại cho chính mình không gian để nói “Vâng” với bản thân và với người khác bằng cả trái tim, không phải vì trách nhiệm.

Nói “Vâng” thay vì nói “Không”

Dần dần, chúng ta bắt đầu hình thành một bản đồ chỉ dẫn bên trong, nó phân định thế nào là đúng - sai, những gì thuộc về bên trong - những gì thuộc về bên ngoài. Bản đồ chỉ dẫn này trong tiềm thức và giúp cơ chế “lái tự động” dẫn dắt chúng ta đi qua hàng ngàn quyết định mà chúng ta phải đưa ra mỗi ngày. Đây là một phần rất hiệu quả trong cấu tạo của chúng ta bởi vì điều đó có nghĩa là chúng ta không cần phải suy nghĩ và ra quyết định cho từng việc nhỏ mỗi ngày, thay vào đó, chúng ta chỉ đơn thuần lặp lại những gì ta đã từng làm trước đó.

Điều nguy hiểm trong quá trình này là chúng ta đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi thậm chí chẳng để tâm đến những cơ hội tuyệt vời của ngày hôm nay do đã bị che mắt bởi tấm bản đồ chỉ dẫn của ngày hôm qua. Khi ở tuổi thiếu niên, tôi đã có được nguồn cảm hứng từ quyển sách The Dice Man của George Cockcroft (dưới bút danh là Luke Rhinehart).

Quyển sách kể về một nhân vật luôn ra quyết định bằng cách gieo súc sắc và anh ta hoàn toàn tuân theo bất kỳ kết quả nào nhận được. Sau đó, anh ta bắt đầu từ bỏ nguyên tắc này; anh ta đã trải qua một sự chuyển hóa tột đỉnh và kết quả là anh cảm thấy giờ đây mình mới thật sự sống. Đây có thể là một cách giải quyết vấn đề khá cực đoan, và không có trong thực tế, nhưng nó chứa đựng một góc nhìn mới rất hay.

Có nhiều cơ hội xung quanh chúng ta mỗi ngày mà chúng ta đã không nhìn thấy. Bằng cách thay đổi – nói “Vâng” thay vì nói “Không” – chúng ta sẽ tự mở ra cho đời mình những con đường mới thênh thang và nhờ đó chúng ta sẽ trở nên ý thức hơn, nhận biết nhiều hơn và tỉnh thức hơn khi ta hòa mình vào đó.

Nói “Không” thì luôn dễ dàng hơn nói “Vâng”. “Vâng” đòi hỏi sự cởi mở và hào phóng, còn nói “Không” khiến mọi thứ giữ nguyên không thay đổi. “Vâng” có liên quan đến rủi ro, còn “Không” thì mọi thứ vẫn y như cũ. “Vâng” đòi hỏi ít nhiều nỗ lực, còn nói “Không” thì không đòi hỏi gì cả. Có thể mỗi ngày chỉ cần thêm một ít “Vâng” đã đủ là một cú hích để chúng ta đánh thức bản thân và kết nối trở lại với thế-giới-của-những-điều-có-thể, và rồi ai biết được cuối cùng chúng ta sẽ gặp ai?

Chris Bazez – Brown là một tác giả, diễn giả nổi tiếng và là một doanh nhân “lập dị”. Ông mang một quan điểm “khác thường” về thế giới này – mọi người đều hoàn hảo – bởi vì trong quá trình lớn lên, trưởng thành và hội nhập với xã hội, chúng ta đã đánh mất mối liên hệ với nguồn sáng suốt nội tại và thường trở thành người mà chúng ta không phải là.

Theo Xoay tư duy, chuyển cuộc đời - First News


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024