Cách ly xã hội để ngăn ngừa bệnh dịch, nhưng sự cách ly cũng có thể gây nên những hậu quá khó lường - Ảnh: Tạp chí khoa học
“Thế giới virus là một vũ trụ thu nhỏ, rằng số lượng các vì sao trong vũ trụ có nhân lên cả triệu lần cũng không thể bằng với số lượng virus tồn tại trên Trái đất. Nhưng không giống với những vì sao, virus có một ánh sáng riêng của mình, không nhìn thấy được nhưng có thực, những tạo vật vô hình tồn tại trong số phận của mỗi người”.
Đó là một đoạn trong cuốn sách Vùng cách ly của tác giả Lorenzo Angeloni, sách do NXB Lao Động phát hành 4.2020. Những lời của Lorenzo Angeloni được chiêm nghiệm từ quá trình ông chứng kiến, thâm nhập trực tiếp bệnh viện Việt Pháp thời gian đầu năm 2003 – khi dịch SARS đang hoành hành và sau đó đã cướp đi sinh mạng của 6 y bác sĩ tại đây.
Dưới góc nhìn của một người sống trong “vùng cách ly”, lại là một chuyên gia hoạch định tài chính – người có ít nhiều liên quan đến các hợp đồng béo bở ngành dược phẩm – y tế, nhân vật chính trong tác phẩm đã nhìn thấy tương lai của loài người – tương lai hoàn toàn bị bủa vây bởi các loại virus.
Cuốn sách Vùng cách ly bản tiếng Việt (NXB Lao Động) ấn hành tháng 4.2020
Vùng cách ly không chỉ có câu chuyện về đại dịch SARS trong quá khứ mà còn có câu chuyện về đại dịch COVID-19 hiện nay và thậm chí là đại khác trong tương lai, tác giả có viết: "Virus và các cuộc khủng hoảng thời đại mà chúng ta sẽ sống qua chính là nền móng cho tương lai tới. Không phải tiếng bom là thứ chúng ta sẽ nghe thấy nhiều trong tương lai nữa đâu […], tất nhiên là con người ta vẫn bắn nhau bằng súng, nhưng chính những cơn đại dịch mới là thứ tạo nên sự bùng nổ, tạo nên những tiếng gầm đinh tai, mới là thứ tàn phá thực sự. Những đại dịch cực kỳ bất ngờ xuất hiện và lây lan trong nháy mắt"...
Những đại dịch này sẽ gây ra những hoảng loạn cho loài người. Những hoảng loạn được chất chồng thêm bởi lợi ích kinh tế, bởi tham vọng tiền bạc, nhưng lại chưa từng được giải quyết bởi những thứ đó.
SARS, COVID-19 đã chứng minh rằng virus cũng có sứ mệnh riêng của chúng, sứ mệnh sắp xếp lại trật tự thế giới, giống như cách các nước lớn đã ngồi lại bên bàn đàm phán sau thế chiến II để thành lập Liên Hợp Quốc vậy, chỉ có điều bàn đàm phán này vốn không có các nước thành viên mà chỉ có virus (đứng sau là mẹ thiên nhiên) vẽ ra những đường rõ ràng bằng cây đũa quyền lực.
SARS, COVID-19 đã làm cho mọi người hiểu rằng, nhân loại cần một sự quan tâm thường xuyên và tích cực hơn nữa đến những dịch bệnh do virus xuất hiện đột ngột và có thể trở thành đại dịch. Thực tế cho thấy nhân loại đã quá chủ quan với những dịch bệnh này, đặc biệt ở các nước phát triển.
Sự “vỡ trận” của Mỹ, Italia, trạng thái hoảng loạn của Anh, Pháp và không ít các nước châu Âu khác là tấm gương phản chiếu sự thờ ơ, chủ quan đến mức vô cảm của nhân loại, và tất nhiên cái giá phải trả thì vô cùng đắt.
Rốt cuộc, kể cả khi chúng ta có khống chế được dịch bệnh này thì cũng chỉ là những chống đỡ yếu ớt của chúng ta đối với thế giới virus. Đâu ai biết được sau COVID-19, mẹ thiên nhiên sẽ “ưu ái” cho chúng ta loại virus nào nữa.
Tiểu Vũ