Trương Vĩnh Ký Kỳ 5: Bi kịch một cuộc đời

Trần Nhật Vy23/09/2018 09:00
Trương Vĩnh Ký Kỳ 5: Bi kịch một cuộc đời

“Nhờ có sách của người làm ra, diễn giải truyện tích chữ nho, chữ nôm cho nên tiếng Annam dấy ra chư quốc, đến cơn hấp hối, trí đà rối loạn, mà người còn mơ tưởng sự sách vở sẽ in ra cho thiên hạ thông dụng” - Trích điếu văn

Trần Bá Thọ, Ủy viên Hội đồng quản hạt, thay mặt “lớp trẻ” Nam Kỳ đọc điếu văn trước khi hạ huyệt Trương Vĩnh Ký, nhấn mạnh “Nhờ có sách của người làm ra, diễn giải truyện tích chữ nho, chữ nôm cho nên tiếng Annam dấy ra chư quốc, đến cơn hấp hối, trí đà rối loạn, mà người còn mơ tưởng sự sách vở sẽ in ra cho thiên hạ thông dụng”. Những lời nầy nhấn mạnh việc Trương Vĩnh Ký đã dành hết cuộc đời cho chữ quốc ngữ.

Sách Lục Vân Tiên của Trương Vĩnh Ký

Thân phận hàng thần...

Từ năm 1872, có lẽ sau khi thôi nhiệm vụ ở Gia Định Báo, ông đã thấy thân phận của “hàng thần lơ láo” rồi. Ngày 23-7-1872, ông viết một di chúc bằng chữ quốc ngữ:

“Người đời sanh ký tử qui, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, nhập thế cuộc biết khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã mới chun vô phòng được. Sự sống ở đời tạm nầy như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua chóng hết tận đi như mây như khói. Nên phải liệu sức tùy thì, tùy phận mà làm vai tuồng mình cho xong. Những điều phải làm là, trai thì trung hiếu, nắm giữ tam cang ngũ thường. Ăn ở mực thước ngay thẳng, lập tâm làm lành lánh dữ, lấy phước đức mà đong mà lường; cứ noi giữ nghiệp ông cha, lo làm ăn theo kịp thiên hạ, cứ an cư lạc nghiệp lấy sự an nhàn làm hơn. Danh cương lợi tỏa đừng có cượng cầu. Tính ăn nết ở cho khiêm từ nhỏ nhoi, chẳng hay kiêu cách, chẳng ỷ thế thần. Ở với đời tin tin phòng phòng, tin cậy chăng là tin cậy ở đấng Hóa công mà thôi. Còn sức người là như nương cây lau cây đế có ngày nó xóc đâm vào mình mà khốn. Ở dưới đời nầy là chỗ trường đua, ai như nấy đi miếng giữ thế với nhau luôn.

Gái thì lo giữ tam tùng tứ đức cho vẹn toàn tử tế dĩ hiển phụ mẫu chi danh thì là quí. Còn những đều phải lánh là: Các tính mê nết xấu, rượu trà cờ bạc, đào đĩ trai gái, hút xách hoang đàng, bất nhơn ác nghiệp, làm cho nhơ danh xấu tiếng ông bà cha mẹ, cùng hư hại cho mình nữa.

Saigon le 23 juillet 1872”.

Không rõ ông viết những dòng nầy cho ai, học trò hay con cháu trong nhà, những tâm tình không phải lúc nào cũng xuất hiện. Năm nầy ông mới 35 tuổi và cộng tác với người Pháp được 12 năm.

Nhiều dữ kiện cho thấy người Pháp đã bắt đầu muốn loại ông ra khỏi bộ máy sau một thời gian dài sử dụng. Và người “không ưa” Trương Vĩnh Ký nhứt là Paul Vial, Giám đốc Nha nội vụ, thủ trưởng trực tiếp của ông. Sau khi thôi nhiệm vụ ở Gia Định Báo, ông được “đề cử” làm giám đốc trường Sư phạm, không rõ ông làm nhiệm vụ nầy bao lâu nhưng sau đó thì mất hút trong lịch sử cho đến năm 1885, khi Paul Bert mời ông ra Huế.

Thực tế thì từ sau năm 1872, Trương Vĩnh Ký đã bị loại ra khỏi bộ máy hành chánh ở Nam Kỳ. Và tới năm 1880, ông mới xuất hiện lại trong một vài trò nhỏ nhoi: Đó là thông ngôn cho các ủy viên người Việt trong các cuộc họp Hội đồng quản hạt Nam Kỳ diễn ra đôi ba lần trong năm! Thống đốc Nam Kỳ ‘dân sự’ đầu tiên Le Myre de Vilers nhiệm kỳ 1879-1882 đã dân chủ hóa bộ mặt chánh quyền thực dân tại Nam Kỳ bằng cách thành lập Hội đồng thành phố Sài Gòn, thành phố Chợ Lớn và Hội đồng quản hạt Nam Kỳ làm tư vấn cho chánh quyền.

Hội đồng quản hạt Nam Kỳ còn gọi là Hội đồng thuộc đia thành lập đầu năm 1880 với 16 thành viên (trong số có bốn người Việt), 2/3 được bầu trực tiếp và 1/3 do Thống đốc Nam Kỳ chỉ định. Theo Gia Định Báo năm 1881, tất cả các cuộc thảo luận trong Hội đồng đều bằng tiếng Pháp, mà các ông hội đồng Việt thì chỉ biết tiếng Pháp lỏm bỏm nên chỉ ngồi lắng nghe, uống nước đá chanh, hoặc nước trà Huế và thỉnh thoảng gởi lên chủ tịch đoàn, luôn luôn là người Pháp, vài kiến nghị.

Ở Huế thì các quan nghi ngờ ông là người của Pháp (vì Paul Bert giới thiệu ông làm người thân cận của vua). Sau khi ông ở Huế về Sài Gòn vào tháng 8-1886, thì Pháp loại ông ra khỏi bộ máy như một miếng chanh đã vắt hết nước. 

Thời kỳ thay đổi thái độ

Ông cho ra đời tờ Thông Loại Khóa Trình 1888-1889 bằng sức và tiền của riêng mình. Về nội dung tờ báo nầy chúng tôi đã đề cập đến ở bài trước. Ở đây, xin nhắc lại “quan điểm” của ông khi làm báo. Nếu theo dõi kỹ 18 số báo, chúng ta sẽ thấy ông đang “thay đổi thái độ” dần theo ngày tháng. Ở những số báo gần cuối, xuất hiện nhiều bài viết hoàn toàn “không theo Pháp” hay nói cách khác là “phản Pháp”. Những bài thơ của Phan Văn Trị “chửi tay sai” Tôn Thọ Tường, Vè Khâm Sai, Hịch Nguyễn Tri Phương...mang nội dung chống Pháp rõ ràng cho thấy trong ông đã có ‘cái gì đó’ chuyển biến lớn. Sau khi tờ báo đóng cửa vì hết tiền in, ông chuyên tâm và việc sách vở như Trần Bá Thọ đã nói.

Lê Thanh trong cuốn sách viết về Trương Vĩnh Ký năm 1943, tiếp cận khá nhiều tài liệu, thư từ của ông, viết “Tôi đã được đọc nhật ký của ông chép những việc về quãng đời này. Không trang giấy nào không mang dấu vết của cái nghèo, sự khổ tâm về hoàn cảnh, bệnh tật...Bị hai cái khánh tận, nhà in...nối nhà...mất hơn năm sáu ngàn đồng bạc. Phần thì sách vở bán không chạy, mắc nợ nhà in Rey et Curiol, phần thì bị...bảo lãnh nợ cho nó hết hơn...Lại thêm phát đau hư khí huyết...”. (Lê Thanh, Trương Vĩnh Ký, Phổ Thông chuyên san, Tân Dân xuất bản 1943, trang 71).

Ở một trang nhật ký khác Trương Vĩnh Ký viết “thấy mình nổi danh nổi tiếng thiên hạ đều biết, có khi mình có đức nữa thì người ta cũng phục nữa, nên sợ có biến tâm việc chi thì người ta tùng phục theo, sanh bè đảng lớn ra chăng. Chớ không dè tôi nhờ ăn học mà biết thức thời thức thế, coi đạo đời biết việc thường biến cải, đường nó đi như vậy rồi, là việc trời làm, là việc đấng tạo hóa đã sắp nó xây vần ra như thế, ai mà chống nỗi trời, mà hòng nghĩ có bụng quấy phá, muốn khuấy đời làm chi...” (Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký con người và sự thật, TPHCM Ban Khoa học xã hội thành ủy, 1993, trang 171).

Rõ ràng có sự nghi ngờ từ phía Pháp và ông cũng rõ điều nầy, cho nên... “Ấy thời thế đổi dời, không dám chen vai vào đám chánh sự nữa, vì hiểm nghèo là một, sau nữa là có mình nữa cũng chẳng làm thêm được việc chi cho vua...” (Nguyễn Văn Trấn, sách đã dẫn, trang 170)

Và để lánh đời, ông dồn sức vào việc viết sách. Hàng trăm cuốn sách đã ra đời từ năm 1886 cho đến cuối đời của ông. Trong số nầy không thể không kể đến các cuốn Lục Vân Tiên chú giải in năm 1887 tái bản năm 1889, Hát lý hò Annam 1887, Tam thiên tự giải nghĩa 1887, Ước lược truyện tích Annam 1887, Lục súc 1887, Dư đồ thuyết lược 1887, Tứ thơ-Đại học 1889, Minh tâm bửu giám 1891-1893 cùng hàng loạt cuốn tự vị các nước Mã Lai, Thái, Kampuchia, Ấn...

Trả lời một câu hỏi của bạn bè “Tại sao không ra làm quan?”, ông trả lời “Song tôi trộm xét theo ý riêng, tôi tưởng chẳng cần chi. Vì tôi nghĩ rằng làm huyện, làm phủ mặc dầu, cũng ở dưới tay người ta, người ta sai cắt hành hạ, tánh tôi không chịu được. Lại dầu có làm thì nay phủ huyện tràn đồng ai nấy làm qua buổi mà mình có làm thì muốn phụng chức cho trọn theo chức phận thì chói cho ông ấy, mình riêng mình một thế cũng khó, mà buông xuôi làm theo mọi người thì lại hổ phận mình...” (Nguyễn Văn Trấn, sách đã dẫn, trang 166)

Một đời vì chữ quốc ngữ, vì sách vở, vì học trò, vì bá tánh vậy mà luôn bị phía Pháp cũng như phía Việt nghi ngờ, cuối cùng ông phải ôm nỗi buồn không người chia sẻ xuống dưới tuyền đài.

Ảnh chụp Trương Vĩnh Ký giai đoạn cuối đời


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025