Trương Vĩnh Ký Kỳ 3: Viết sách giáo khoa

Trần Nhật Vy22/09/2018 08:30
Trương Vĩnh Ký Kỳ 3: Viết sách giáo khoa

Chánh thức trở thành thầy giáo năm 1864, ông đã viết cuốn sách giáo khoa đầu tiên là cuốn Ngữ pháp Annam yếu lược. Đây là sách dạy cách đọc và học tiếng Việt đầu tiên do người Việt viết được trường Thông ngôn (collège des Interprètes) cho in bằng thạch bản năm 1864, một phần sách nầy được nhắc lại trong cuốn Lịch sử Việt Nam đầu tiên.

Thập niên 1867, cuốn sách nầy được in lại bằng máy in typo. Cuốn Alphabet Annamite (vần quốc ngữ) không rõ năm in đầu tiên nhưng năm 1876 in lần 2 là một trong những cuốn sách quan trọng đầu tiên dành cho người học chữ quốc ngữ.

Sách giáo khoa lịch sử

Năm sau, 1868, ông viết cuốn Nam thoại cơ phạm (cour pratique de langue Annamite) dành cho học trò mới vào trường học tiếng Việt. Cuốn nầy năm 1876 được tái bản và sau đó tái bản nhiều lần, đến năm 1895 in lần thứ 5. Năm 1875, ông xuất bản cuốn Bài giảng lịch sử An Nam (Cours d’historie annamite) với lời nói đầu:

“Cho học trò. Các trường đất Nam Kỳ.

Ớ các trò, ta xin kiếng sách nầy cho các trò, vì làm ra nó là làm cho các trò coi. Dùng tiếng Phalangsa là tiếng đã rộng mà lại hay, chép truyện đất nước ta ra cho anh em coi cho quen thuộc tiếng ấy, trông rằng, lấy cái tiếng anh em đang lo học mà thuật lại truyện anh em đã biết thì sẽ giúp cho anh em dễ thông ý chí lắt léo và hiểu rõ cốt cách tiếng ấy hơn.

Nói tắt một lời, ta muốn làm ích cho anh em, chớ chi ước vậy mà được như làm vậy...

Đến sau khi anh em đã học thành tài, biết bắt, biết hạch [thi] thì hãy dung thứ cho kẻ lớp trước anh em, vì những kẻ ấy thuở trước chẳng có được những phương tiện mà học hành như anh em bây giờ...

Tại Chợ Quán, ngày 25 tháng Hai năm 1875

P.J.B Trương Vĩnh Ký”

Chữ quốc ngữ

Cuốn Manuel Écoles Primaires còn có tên là Sơ học qui chánh do nhà in Nhà nước xuất bản năm 1876 và tái bản rất nhiều lần ngay sau đó có thể coi là cuốn sách Lịch sử Việt Nam tóm tắt bằng chữ quốc ngữ từ đời Hùng Vương đến đời Gia Long đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ. Phải đến 40 năm sau, 1906, mới có cuốn Đại Nam quốc lược sử của Alfred Schreiner và 10 năm sau nữa 1919 cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim mới ra đời.

Trong lời mở đầu bằng tiếng Pháp, ông Trương Vĩnh Ký viết “Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Phải như thế vì lợi ích và sự tiến hóa. Vậy người ta nên tìm cách phổ biến thứ chữ nầy bằng mọi phương tiện”. Ông còn viết “Sách nầy rút tóm lại những đều đại cái [khái] người ta phải học, để cho con trẻ mới vô trường, học những đều đại lược mà phá ngu, cho đặng đến sau khi vào trường chung nghe dạy nghe giải rộng các đều ấy thì mau hiểu hơn là một; hai nữa là để mà tập coi tập đọc, tập viết tiếng Annam, trong chữ quốc ngữ cho trúng tiếng, cho nhằm giọng, phân biệt ra cho rõ ràng”.

Phần đầu sách có bảng mẫu tự, dấu, cách viết chữ, số; có bài tập đọc; có bài Khuyến học ca; cách dạy...Trong bài cách dạy, ông viết “Phân lớp ra mà dạy cho dễ: Như học trò đã biết viết, biết đọc thì bắt nó viết mò (chánh tả), bắt nó đọc môt đoạn sách cho lẹ, cho xuôi. Viết mò thì lấy những tuồng, vãn, thơ, phú mà nói cho nó viết, viết rồi thì thầy coi mà sửa lại cho nó, cho chính câu chính chữ. Còn mỗi bữa học, bắt nó kiếm câu hát, câu đối,lời phương ngôn tục ngữ, diêu ngôn...mà viết ra một đôi câu chẳng hạn, đem tới nộp cho thầy sửa, góp những cái ấy lại để một nơi...”. Đây cũng là một phần từ cuốn Vần quốc ngữ được in lại.

Chuyện Hai Bà Trưng

Những bài học trong sách thì ngắn gọn mà đầy đủ tình tiết, dễ đọc, dễ nhớ trước nay chưa thấy ai viết được như vậy. Về Hai bà Trưng ông viết:

“Bà Trưng Trắc đánh với Mã Viện.

Năm Canh Tí, sau Chúa giáng sanh 40 năm, là 7 năm sau Đức chúa Gi giu (Jésu) thăng thiên, tháng hai bà nữ vương Trưng Trắc là con gái ông quan Lạc tướng ở huyện Mê Linh xứ Giao Chỉ, nguyên là vợ người Thi Sách ở huyện Châu Diên (đời nay là phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây), bị người Tô Định là quan Thái thú lấy phép riêng mà giết đi, nên giận lo trả thù cho chồng, bèn hiệp cùng với em gái là Trưng Nhị cùng kẻ tâm phúc lập binh dậy giặc kéo tới hãm thành. Người Tô Định chạy riết về Nam Hải về Tàu đi. Khi ấy Cửu Chơn, Nhựt Nam, Hiệp Phố đều ứng theo, phía Lãnh Nam 65 thành cũng đều phục hết, thì bà Trưng Trắc xưng vương đóng đô tại Mê Linh.

Qua tháng chạp năm sau bên Đông Hán (Kiến Võ 17) sai ông tướng Mã Viện kéo binh bộ thủy qua đánh. Qua đến tháng 3 năm sau nữa (Nhâm Dần 42 SGS) quân ông Mã Viện tới Lang Bạc (bây giờ là Tây Hồ tại Hà Nội), bà Trưng Trắc thấy binh nghịch mạnh lắm, liền lui về giữ Cẩm Khê (ở tại địa hạt Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây). Sau ra cự chiến thua đi chết cả hai chị em. Dân có lập miễu tại tỉnh để thờ hai chị em, là nữ anh hùng.

Ông Mã Viện lấy lại được nước Annam, thì lập một cái đồng trụ tại đất Khâm Châu nơi Cô Lâu Động; mà có khắc lời thệ rằng “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” nên kẻ qua người lại sợ nó ngã, lấy đá, lấy gạch, miểng sành mà ném vào dưới chơn nó cho vững, hóa ra lâu đời biệt tích mất đi, bây giờ không biết chắc chỗ nào mà nhìn”.

Môt bài sử như thế nầy thì dễ học, dễ nhớ và không làm cho học sinh, nhứt là các học sinh cấp I, cấp II, sợ môn sử! Đây cũng là phương pháp chung trong việc viết sách giáo khoa thuở ấy, lấy ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ làm đầu.

Để học sinh có sách tham khảo, sách học, ông viết hàng loạt sách nhằm mục đích giúp cho người học chữ quốc ngữ có điều kiện tốt hơn để tiếp cận thứ chữ mới nầy, đồng thời đẩy nhanh quá trình phổ biến chữ quốc ngữ.

Có thể do viết nhiều sách giáo khoa khiến cho một hậu nhân từ Bắc vào Nam đã lẹ miệng nhận định “Ông Trương Vĩnh Ký chỉ là người viết sách giáo khoa cho con nít”. Người nói là ông Phạm Quỳnh nhân chuyến đi du lịch ở Nam Kỳ vào đầu thế kỷ 20.

Đứng giữa hai lằn đạn

Dành một đời cho chữ quốc ngữ nhưng ông luôn đứng giữa hai lằn đạn, bên khen bên chê. Cả đời, dù cộng tác với người Pháp nhưng ông không chịu vào Pháp tịch, luôn ăn mặc theo kiểu người Nam. Khi Đốc phủ Trần Tử Ca gởi thơ hỏi tại sao ông không vào Pháp tịch, ông đã trả lời “Tại sao tôi không vô dân tây....Tôi lấy sự ấy làm trái tự nhiên không ăn thua vào đâu cũng như chuyện đời xưa bên Tây nói con kên kên lượm lông công giắt vào mình rồi nhảy vào bầy công. Cách ít lâu, công khi đầu không dè, liền cắt rứt nhổ lông công đi, đánh cò bơ cò bất xơ xác đuổi đi. Túng mới lộn về bầy cũ của mình. Bọn bó viết vì kiêu ngạo muốn đánh bầy với công là giống sang, giống trọng hơn mình, nên khi nó lỏn lẻn trở về thì phân nó ra xua đuổi cắn xé xơ bơ tất bất...Thật như vậy, không lý trời sanh tôi ra là con quạ bây giờ biểu tôi thì một hai nói tôi là con cò làm sao đặng?”. (Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký con người và sự thật, tp Hồ Chí Minh-Ban Khoa học xã hội thành ủy, 1993, trang 165-166). Đây cũng là cách nghĩ của một kẻ sĩ thật sự!

Điều may mắn là ông có một học trò giỏi nối gót tiếp tục con đường phổ biến chữ quốc ngữ. Đó là ông Trương Minh Ký, người viết nhiều sách giáo khoa, dịch thuật các tác phẩm phương Tây và sáng tác bằng chữ quốc ngữ.

Và cũng nhờ những người tiền phong nầy, dám vượt qua những rào cản để đưa chữ quốc ngữ đến mọi người, để hôm nay thứ chữ nầy trở thành tài sản vô giá của chúng ta, của người Việt trên khắp năm Châu.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025