Trương Vĩnh Ký Kỳ 4: Nhà báo Trương Vĩnh Ký

Trần Nhật Vy22/09/2018 14:00
Trương Vĩnh Ký Kỳ 4: Nhà báo Trương Vĩnh Ký

Sau ba năm chuẩn bị, Gia Định Báo xuất bản số đầu tiên ngày 15-4-1865 do ông E.Potteaux, người đứng đầu Phòng thông ngôn của Nha nội vụ, làm chánh tổng tài (nhiệm vụ tương đương Tổng biên tập hiện nay) và ông Huỳnh Tịnh Của, làm chủ bút.

Sau ba năm đúc bộ chữ in chữ Việt (và có lẽ cả chuẩn bị người nữa), tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên, Gia Định Báo xuất bản số đầu tiên ngày 15-4-1865 tại Sài Gòn. 

Trang nhất của tờ Gia Định Báo

Tờ báo tiếng Việt đầu tiên

Tờ Courier de Saigon ngày 5-4-1865 đưa tin “Trong tháng nầy sẽ ra số thứ nhứt một tờ báo in bằng tiếng Annam thông thường. Dưới một hình thức thu hẹp ấn bản sẽ gồm các tin tức ở thuộc địa, giá cả nhiều loại hàng và một vài ý niệm hữu ích cho người bản xứ. Tờ báo sẽ ra hàng tháng và sẽ phát không trong các trường học để học sinh khá trong các làng mạc có thể đọc được...” (Phạm Long Điền, giai phẩm Bách Khoa ngày 17-8-1974. Bùi Đức Tịnh, Những bước đầu của thơ mới, Lửa Thiêng, Sài Gòn 1975, trang 41). Thời điểm nầy, ông Trương Vĩnh Ký đang là Hiệu trưởng trường Bổn quốc (còn gọi là trường Khải Tường, địa điểm nay là trường Lê Quý Đôn TPHCM). Không rõ ông có tham gì vào việc biên tập, viết cho báo hay không, nhưng chúng tôi tìm được một bài báo ký tên ông trong báo số 5 ra ngày 15-8-1865.

“Bà con ở trên Mọi đã lâu năm về có tới thăm, có nói chuyện lại về thói phép phong tục trên ấy.

Nghe coi nó còn mọi rợ lắm, nó không có vua chúa gì, ở từ khúm từ sốc, khi có việc chi rầy rà cãi lẫy nhau thì đem tới người trưởng thọ hòa phú mà xử. Tội vạ thì phạt bằng trâu rồi bắt nhau mà bán mọi cho nhau. Buôn bán cái chi thì cũng bằng trâu, một con trâu ước giá 5 quan (cho nên khi ta bắt vạ trâu là 5 quan cũng là bởi thói mọi nói đó mà ra).

Khi có dọn ăn uống, thì bắt trâu vật ra, thui lửa rồi đem vào chấm nước tro mà ăn, còn rượu thì bằng lá với nếp chi không biết bỏ vào lu đậy lại để đó có uống thì lấy ống tre mà mút. Trên ấy không có muối mà ăn, nhiều khi ăn lạt mà chịu, một tô muối lên đổi đặng 5-7 con trâu, thường hễ cái chi ít có thì hóa ra quí.

Vàng bạc ta đem lên thì nó không thèm, trâu ấy là tiền là bạc.

Chuỗi cườm, thép sợi những đều quấy quấy làm vậy mà nó chịu hơn là tiền bạc.

Đất thì là của chung, ai muốn mở đâu mà cất nhà lập vườn trồng trạc thì mặc ý không có tranh dành nhau. Đây ta nói sơ qua vậy một chút cho biết, đến sau ta sẽ nói chuyện cho dài hơn, vì cũng là đều nên biết.

Pétrus Trương Vĩnh Ký”

Chân dung Trương Vĩnh Ký qua nét vẽ của con rễ ông là Nguyễn Hữu Nhiêu

Tổng biên tập người Việt đầu tiên

Đến ngày 16-9-1869, Thống đốc Nam Kỳ G.Ohier đã ký quyết định số 189 “Kể từ hôm nay, việc biên tập tờ Gia Định Báo được giao phó cho ông Pétrus Trương Vĩnh Ký, người với tư cách là Chánh tổng tài của tờ nầy, sẽ được lãnh một khoản lương hằng năm là 3.000 đồng quan Pháp. Tờ báo tiếp tục ra mỗi tuần. Nó sẽ được chia ra làm hai phần: Một phần chánh thức gồm các văn kiện, quyết định của ông Thống đốc và nhà cầm quyền với tài liệu bằng tiếng Pháp do Nha nội vụ cung cấp và được ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ; phần khác không chánh thức, sẽ gồm có những bài viết bổ ích và vui vẻ về những đề tài lịch sử, những sự kiện về luân lý, thời sự...để có thể đọc được trong các trường học bản xứ và khiến cho công chúng Việt Nam quan tâm đến” (Lê Nguyễn, Gia Định Báo qua cuộc hành trình 140 năm trong tập Gia Định Báo, tờ báo Việt ngữ đầu tiên, nxb Văn Hóa Văn Nghệ 2017, trang 50). Và ông là Chánh tổng tài người Việt đầu tiên trong lịch sử báo chí quốc ngữ Việt Nam.

Một điều đáng lưu ý là khi Trương Vĩnh Ký là Chánh tổng tài (1869-1871) thì Gia Định Báo là tuần báo, rồi sau khi ông rời nhiệm vụ tờ báo chỉ còn ra hai số/tháng và đến năm 1881 “lại”xuất bản hàng tuần. Và thời gian nầy, hoàn toàn không có ông Trương Minh Ký tham gia cộng tác, như nhiều tài liệu đã nói, vì lúc nầy ông Trương Minh Ký mới 14 tuổi (1869) và còn là học sinh của trường Khải Tường.

Thời ông Trương Vĩnh Ký là Chánh tổng tài, Gia Định Báo chỉ có thêm một số bài “sử việt”, còn phần tin tức thì cũng như trước đó. Song có lẽ ông là người đầu tiên kêu gọi cộng tác viên cho báo đăng trên số 11 ra ngày 8-4-1870 “Lời cùng các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập..v..v.. đặng hay: Nay việc làm Gia Định Báo tại Sài Gòn, ở một chỗ, nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên hạ coi; nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay là nửa tháng hải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở như: Ăn trộm, ăn cướp. Bệnh hoạn, tai nạn. Sự rủi ro hùm tha, sấu bắt. Cháy chợ, cháy nhà; mùa màng thể nào. Tại sở nghề nào thạnh hơn..v...v..

Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ đem vô nhựt trình cho người ta biết. Viết rồi phải đề mà gởi về cho Gia Định Báo Chánh tổng tài ở Chợ Quán”.

Ông cũng là người “nâng tầm” mục Tạp vụ của tờ báo nầy lên một bậc. Trong số báo số 5 ra ngày 16-2-1870, ông viết “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Cái lưỡi tuy là một phần thân thê rất nhỏ trong thân mình người ta, mà nó như là cái lái khiến cả chiếc thuyền đi xuôi đi ngược, đi bát đi cạy mặc ý nó. Nó là cái đốm lửa nhỏ, đốt để cả rừng cháy tiêu ra tro. Sự lành sự dữ cũng đều bởi cái lưỡi mà ra. Cái lưỡi là thông ngôn lòng lo ý tưởng người ta. Có nói mới ra lời ăn tiếng nói, mà lời ăn tiếng nói làm ích cho người ta biêt là chừng nào!...” (Bùi Đức Tịnh, sách đã dẫn, trang 71).

Chính những sự mở đầu nầy mà hơn mười năm sau đó, dưới thời Trương Minh Ký làm chủ bút, mục Tạp vụ đã trở thành mục đăng những tác phẩm văn học chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

Chủ báo tư nhân đầu tiên

Đến năm 1888, ông tự chủ trương ra tờ nguyệt san Thông Loại Khóa Trình, để trở thành “chủ báo tư nhân” đầu tiên trong lịch sử báo chí nước nhà.

Thông Loại Khóa Trình là một tạp chí “văn học dân gian” với nhiều sưu tập văn thơ, câu đối, câu thai, câu hát...dân gian. Trong tờ báo nầy, ông thể hiện rất rõ tinh thần của mình với nhiều bài viết về các nhân vật lịch sử có tài chống ngoại xâm của Việt Nam. Đầu tiên là Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Mạc Đỉnh Chi rồi tới Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản...Và cao trào là những bài thơ của Bùi Hữu Nghĩa, một nhân vật quyết liệt chống Pháp, rồi những bài vè, bài hịch chống Tây như vè Khâm sai, rồi Hịch của Nguyễn Tri Phương...Trong số tháng 2-1889, ông đăng bài Vị thuốc, không rõ tác giả, có những câu:

Cám thay loài “mộc tặc”

Giận bấy đàng “Vô gi”

Bạc tiền lũ nó “đương qui”

Vong ngãi quên ơn “bối mẫu”

“Quân tử” sao không biết xấu

“nữ trinh” chẳng biết xét thân...

Chắc chắn chánh quyền Pháp không thể nào “chịu” thái độ nầy, nên báo của ông không được ủng hộ và lần lần số bán ra không nhiều. Thời điểm nầy, hầu hết những người biết chữ quốc ngữ và đọc báo đều là công chức trong bộ máy chánh quyền.

Đến tháng 10-1889 thì tờ báo phải thông báo “đóng cửa”. Trong bài “cho hay” đăng ở số báo cuối cùng, ông viết “Năm ngoái năm nay, sách Thông Loại Khóa Trình có người mua hết thảy chừng ba bốn trăm; nên còn đọng lại nhiều lắm; không biết lấy đâu mà chịu tiền in. Xin văn nhơn học sĩ quang cố; tuy hữu hằng tâm mà vô hữu hằng sản thì biết làm làm sao được?”.

Bài báo cuối cùng của Trương Vĩnh Ký đăng trên tờ Nam Kỳ số 1 ngày 21-10-1897


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 07/12/2024