Trương Vĩnh Ký Kỳ 2: Tiên phong phổ biến chữ quốc ngữ

Trần Nhật Vy21/09/2018 08:00
Trương Vĩnh Ký Kỳ 2: Tiên phong phổ biến chữ quốc ngữ

Từ tháng 5-1862, ba tháng sau khi hạ Đại đồn Chí Hòa, tướng Charner đã cho lập trường “dạy chữ Annam” và chữ Pháp, để đào tạo thông ngôn và đào tạo trẻ em Việt chuẩn bị cho bộ máy cai trị sau nầy. Mà thuở ấy sách chữ quốc ngữ, trừ những sách nói về đạo Thiên Chúa, thì không có cuốn nào để học sinh học cả.

Từ Chuyện đời xưa...

Từ một thông ngôn do Hội thánh giới thiệu, năm 1864 Trương Vĩnh Ký trở thành thầy giáo sau chuyến dẫn đoàn Sứ bộ triều đình Huế sang Paris thương lượng chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Với lòng yêu chữ quốc ngữ nồng nàn, ông đã dành nhiều công sức cho việc viết, dịch, chuyển ngữ các sách từ chữ nho, nôm sang chữ quốc ngữ.

Cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của ông (và cũng là của cả nước Việt Nam) ra đời năm 1866 là cuốn “Chuyện đời xưa, nhón lấy một ít truyện hay có ích”. Trong lời tựa cuốn sách nầy, ông viết “Kêu rằng Chuyện đời xưa, vì nó là chuyện những kẻ lớn trước ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn, nết ở cho tử tế.

Ta cũng có thêm một hai chuyện thiết tích mà có ý nhị, vui, dễ tức cười, cũng để cho người ta thấy khen mà bắt chước, thấy chê mà lánh.

Góp nhóp, trộn trạo chuyện kia chuyện nọ, in ra để cho con nít tập đọc chữ quốc ngữ, cũng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng Annam, coi mà tập hiểu cho quen. Nay ta in sách nầy lại nữa: vì đã hết đi, cũng vì người ta dùng sách nầy mà học tiếng, thì lấy làm có ích. Vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng Annam ròng; có nhiều tiếng nhiều câu thường dùng lắm.

Đây là cuốn sách được ‘tái bản” nhiều lần nhứt của ông từ cuối thế kỷ 19 đến nay. Gần đây nhứt, sách đã được giáo sư Nguyễn Văn Sâm ở Mỹ hiệu đính và in lại năm 2017. Trong lời nói đầu lần in năm 2017, nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh viết “Sở dĩ ấn tượng và nhớ lâu, vì chuyện nào cũng ngắn gọn (chừng nửa trang giấy), đọc vô thấy đơn giản dễ hiểu mà rất dễ tức cười. Có cái cười ngặt ngoẽo bể bụng không nín được, nhưng cũng có cái cười thấm thía tế nhị, từ đó không chỉ hiểu được một cách sinh động tâm tính hồn nhiên của người Việt bình dân cách nay trên dưới một thế kỷ, mà còn rút ra được nhiều bài học/ kinh nghiệm sống bổ ích...

Nói là chuyện đời xưa, nhưng thật ra toàn những câu chuyện khôi hài thích hợp để đọc vui xả hơi sau ngày làm việc mệt nhọc cho cả người lớn lẫn trẻ em từ lứa tuổi biết đọc trở đi. Ngoài ra, người nào chú ý tìm hiểu/ nghiên cứu ngôn ngữ-văn chương Nam Bộ, hoặc biên soạn từ điển tiếng Việt, cũng phải cần đọc nó, vì bên trong chứa đựng rất nhiều tiếng địa phương độc đáo của miền Nam nước Việt, một thứ văn liệu quý hiếm xác thực để làm việc. (Nguyễn Văn Sâm, Truyện đời xưa, Việt Foudation Book USA, 2017, lời giới thiệu).

Chuyện đời xưa gồm 74 truyện ngắn hoặc rất ngắn mang tính ngụ ngôn ghi lại từ dân gian hoặc dịch trong các sách sử. Khi người Pháp khuyến khích và bắt buộc sử dụng chữ quốc ngữ thì có nhiều cá nhân, tập thể chống đối. Ngay cả Hội đồng quản hạt, tổ chức tương đương với quốc hội ngày nay, cũng có người đề nghị “dẹp bỏ” chữ quốc ngữ. Với những người chống đối, đây là thứ chữ của “người Tây” bởi trước đó chỉ có những người có đạo Thiên chúa hoặc các giáo sĩ mới sử dụng. Đây là thứ chữ chỉ ghi âm được nhưng “vô hồn”, “ngoại lai”..

Phần khác lại sợ triều đình “truy tội” nếu người Pháp bỏ đi và nổi sợ lớn hơn là không biết tương lai của con em mình ra sao khi học thứ chữ nầy. Do vậy rất nhiều gia đình người Việt không cho con học thứ chữ nầy vì sợ “mất con”, học chữ rồi “Tây bắt luôn”, “không còn biết lễ nghĩa ông bà của người Việt”, “bị mất hồn”...Khi Pháp có chủ trương bắt buộc những gia đình giàu có trong làng “phải cho con đi học” thì nhiều gia đình đã mướn con cái của những già đình nghèo, người giúp việc...đi học thay! Và cũng vì vậy mà về sau nảy sinh ra một lớp “thông ngôn”, “ký lục” không ra gì chyên hà hiếp dân chúng chỉ biết “Khen những loài Bạch Khấu rằng khôn/Họa tùng đảng Tây Qua rằng giỏi/ Bán Hạ mê theo làm mọi/Sanh Cương bắt nạp khứ trừ!” trong bài Vị thuốc đăng trên báo Thông Loại Khóa Trình năm 1889!

Bởi đó nên Chuyện đời xưa ra đời ngoài việc cho học sinh có sách mà đọc, có chữ mà rèn, còn nhằm cho mọi người thấy chữ quốc ngữ có thể thể hiện được mọi thứ chớ không phải thứ chữ vô hồn, hay bắt hồn. 74 truyện trong cuốn sách nầy đều dạy người đọc “gần lành lánh dữ, bỏ ác tùng thiện” rất có ích cho cuộc sống. Do vậy, dù đã viết từ 150 năm qua cho tới nay những bài đọc trong sách vẫn còn nóng hổi tính thời sự.

Năm 1888, Abels des Michels đã tuyển 20 truyện trong sách nầy dịch sang tiếng Pháp rồi xuất bản ở Paris cũng lấy tên Chuyện đời xưa.

Chuyện đời xưa, bản in năm 1914 

Tới Truyện Kiều

Gần mười năm sau Chuyện đời xưa, ông đã chuyển âm truyện Kiều của Nguyễn Du từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ và xuất bản năm 1875. Và đây là cuốn Kiều quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Thuở ấy, truyện Kiều bằng văn vần khá phổ biến trong dân chúng Nam Kỳ, song không mấy người đọc được vì...mù chữ! Kiều quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký đã góp phần phổ biến rộng thêm tác phẩm nầy trong dân chúng. Có thể nhờ vậy mà năm 1884, truyện Kiều được in ở Pháp với phần chú giải bằng tiếng Pháp của Abels des Michels.

Trong phần giới thiệu Kiều quốc ngữ đầu tiên bằng tiếng Pháp, Trương Vĩnh Ký đã viết “Thơ mà chúng tôi ấn hành ra quốc ngữ đây là thơ mà tất cả mọi người An Nam đều thuộc lòng, đàn ông cũng như đàn bà, trai cũng như gái. Thơ này được yêu thích hơn cả, với người có học cũng như vô học, kể cả phụ nữ, vì thơ này mang một nền đạo đức được định nghĩa rất khéo léo, được diễn tả dưới mọi quan hệ, được thích ứng với mọi hoàn cảnh của đời người.

Nếu buồn phiền, người ta thấy trong thơ những điều an ủi; nếu được may mắn, người ta thấy trong thơ hình tượng của hạnh phúc mình được mô tả bằng sắc mầu rực rỡ...

Những ca dao, ngạn ngữ, lời hay ý đẹp, có đầy dẫy trong thơ; những nguyên tắc tổng quát hay cá biệt của cuộc sống xã hội được trình bày thật rõ ràng minh bạch trong thơ. Về nỗi chìm nổi của nhân sinh, người ta thấy trong thơ một bức họa tuyệt vời của cuộc đời quanh co rắc rối...(Nguyễn Đình Đầu,Trương Vĩnh Ký phiên âm truyện Kim Vân Kiều, báo Công Giáo và Dân Tộc, ngày 6-6-2015)

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những đều trông thấy đã đau đớn lòng,

Lạ chi bỉ sắc tư phong?

Trời xanh quen với má hồng đánh ghen

...

Đầu lòng hai ả tố nga,

Túy Kiều là chị, em là Túy Vân.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.

...

Chữ nghĩa rất đời thường và rất Nam Kỳ!

Kiều cũng nhiều lần được tái bản. Lần tái bản năm 1911, có thêm 44 tranh minh họa do Nguyễn Hữu Nhiêu, con rể ông, vẽ. Và lần tái bản mới nhứt là năm 2015 do nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ tpHCM xuất bản.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024