Năm 2024, điện ảnh Việt chứng kiến nhiều thăng hoa ở cả khu vực phim nghệ thuật, lẫn nhiều trường hợp đại thắng ở khu vực phim thương mại. Tuy nhiên, đây cũng là năm chứng kiến nhiều bộ phim thất bại ở hai mặt chất lượng nghệ thuật và doanh thu phòng vé.
Dưới đây là Top 5 phim Việt chiếu rạp được đánh giá gây thất vọng nhất năm.
1. Trà (đạo diễn Lê Hoàng)
Đạo diễn Lê Hoàng là một tên tuổi trong làng văn hóa - nghệ thuật Việt. Ông là nhà báo tài năng, diễn giả sắc sảo và là một biên kịch kiêm đạo diễn từng được ghi nhận. Trên cương vị đạo diễn, ông từng có nhiều tác phẩm được đánh giá cao như Ai xuôi vạn lý, Lưỡi dao, Chiếc chìa khóa vàng. Lê Hoàng cũng một trong những đạo diễn đi tiên phong trong dòng phim thị trường với những tác phẩm ăn khách như Gái nhảy, Lọ lem hè phố, Nữ tướng cướp...
Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, những tác phẩm điện ảnh của Lê Hoàng liên tiếp thất bại, vừa bị chê là chất lượng kém vừa bị thất thu tại phòng vé. Trà - bộ phim mới nhất của ông ra mắt đầu năm nay nối dài "thành tích" đáng buồn này.
Ra mắt vào dịp Tết Giáp Thìn (2024), bộ phim sau đó phải rút lui khỏi đường đua này khi chỉ thu vỏn vẹn 1,3 tỉ đồng dù chiếu vào dịp cao điểm. Đây là một trong những bộ phim có doanh thu bết bát nhất năm nay nhưng không bị báo chí điểm danh trong danh sách phim lỗ nặng, vì không hiểu vì sao Trà hiện biến mất khỏi danh mục phim của Box Office Vietnam - kênh thống kê doanh thu các bộ phim chiếu rạp tại Việt Nam.
Lấy đề tài ngoại tình, Trà có một kịch bản được đánh giá là "nhạt nhẽo" nếu không muốn nói là rất ngô nghê, sống sượng. Diễn xuất của dàn diễn viên trong phim cũng ở mức trung bình, đặc biệt vai thứ chính của gương mặt mới Đoan Trinh gây khó chịu cho khán giả. Phim không đóng góp được chút gì về nghệ thuật, kỹ thuật quay - dựng...
2. Biệt đội hotgirl (đạo diễn Vĩnh Khương)
Bộ phim giữ kỷ lục buồn về doanh thu của năm nay là Biệt đội hotgirl, một phim hành động, tội phạm. Phim công chiếu hồi tháng 10.2024 và rời rạp chỉ sau hai tuần với doanh thu chưa đầy 68 triệu đồng.
Biệt đội hot girl ban đầu dự kiến ra rạp năm 2021 nhưng bị dời lịch do dịch COVID-19. Phim do Vĩnh Khương, một cái tên còn xa lạ làm đạo diễn, được quay hình trên bối cảnh trải dài 5 nước châu Á (Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Myanmar và Việt Nam). Phim có sự tham gia của võ sĩ nổi tiếng Nguyễn Trần Duy Nhất, nam diễn viên Hữu Vi và đặc biệt được giới thiệu là bộ phim cuối cùng của NSND Hoàng Dũng. Thế nhưng, tất cả những yếu tố ấy không cứu nổi nội dung nghèo nàn của bộ phim.
Biệt đội hot girl kể về sáu cô gái đến từ nhiều quốc gia. Các cô gái được Hắc Vô Đạo - cựu thành viên một đường dây buôn ma túy và buôn người cứu từ nhỏ, nuôi dạy trên hoang đảo. Trưởng thành, các cô bị cuốn vào nhiều phi vụ nguy hiểm, dưới sự dẫn dắt của ông trùm giang hồ này.
Phim được ghi nhận điểm cộng ở bối cảnh đa dạng, khi khán giả dõi theo hành trình chạy trốn của các cô gái, từ rừng núi, hoang mạc tới bãi biển. Tuy nhiên, phim thiếu hấp dẫn trong cả kịch bản lẫn diễn xuất. Là một phim hành động nhưng những màn hành động lại là điểm trừ của phim. Dàn diễn viên không để lại dấu ấn gì ngoài những cảnh ăn mặc khá mát mẻ.
3. Quý cô thừa kế 2 (đạo diễn Hoàng Duy)
Ra mắt tháng 3.2024, Quý cô thừa kế 2 cũng là một phim lỗ vốn của năm nay khi chỉ thu 6,4 tỉ đồng.
Dựa trên dữ liệu có thể nói là chưa đầy đủ Box Office Vietnam (thiếu bộ phim có doanh thu chỉ 1,3 tỉ là Trà của đạo diễn Lê Hoàng và bộ phim độc lập Giải cứu anh thầy chỉ thu chưa đầy 140 triệu đồng của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh), nhiều trang đã thống kê Quý cô thừa kế 2 vào danh sách Top 10 phim Việt thất bại doanh thu này. Tuy nhiên, trên thực tế, phim này "thoát" được khu vực những phim Việt có doanh thu đội sổ.
Tuy chưa phải thuộc Top 10 phim doanh thu tệ nhất năm, nhưng bộ phim của đạo diễn Hoàng Duy có chất lượng thuộc hàng đáy của năm nay.
Bộ phim xoay quanh cuộc sống gia đình của doanh nhân Cao Minh (Huy Khánh) cùng vợ là ca sĩ nổi tiếng Hải Đường (ca sĩ Trang Nhung) và con gái - Kim (Quyên Qui). Gã chồng gia trưởng, ngoại tình, phản trắc để lại tổn thương cho người vợ hy sinh sự nghiệp vì gia đình và đứa con gái thất vọng vì mái ấm trở nên nổi loạn. Phim có một kịch bản khiên cưỡng với nhiều chi tiết thậm vô lý. Nhìn chung, phim xây dựng nhân vật một chiều, phản diện thì tận cùng của sự tệ mà chính diện thì toàn ưu điểm. Đây là lối xây dựng nhân vật cũ kỹ không còn theo kịp sự vi tế của đời sống hiện đại.
4. Cái giá của hạnh phúc (đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm)
Với doanh thu hơn 26 tỉ đồng, bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm (chồng siêu mẫu Xuân Lan) tuy không thuộc diện những phim dưới đáy về doanh thu nhưng cũng là một phim thua lỗ khi mức doanh thu hòa vốn của phim là 75 tỉ đồng (còn theo Xuân Lan chia sẻ là "Chúng tôi đầu tư tới 37 tỉ đồng làm Cái giá của hạnh phúc"). Đáng nói hơn, đây là một phim có chất lượng thuộc hàng thấp trong 30 phim Việt ra mắt năm nay.
Ngoại tình, đồng tính, thám tử, lật mặt... Cái giá của hạnh phúc là một kịch bản nhồi nhét drama (các yếu tố kịch - mâu thuẫn). Nhưng các tình tiết đều thể hiện sự non kém về tay nghề và thậm chí lệch lạc về tư duy. Một ông bố chồng lôi con dâu vào phòng ngủ hành sự ngay trong căn nhà của mình khi các thành viên khác của gia đình đang... lên tầng trên trò chuyện. Một cặp vợ chồng thành đạt, hạnh phúc viên mãn trong con mắt người đời và ở chốn riêng tư đang vẫn tha thiết, quấn quít đột ngột trở thành một trường hợp lừa dối trắng trợn lâu năm. Một bà vợ ôm nỗi đau bị phản bội kỳ công xây dựng "kịch bản" vạch mặt và trả thù ông chồng một cách lòng vòng, khó thực thi đến vô lý...
Kết quả là mặc dù Thái Hòa diễn khá ổn, Xuân Lan diễn cũng ổn và Uyển Ân không tệ... nhưng tổng thể bộ phim có thể nói là "quá tệ"...
5. Đóa hoa mong manh (đạo diễn Mai Thu Huyền)
45 tuổi, Mai Thu Huyền là một gương mặt nổi tiếng từ rất sớm ở lứa tuổi 18-20 và vẫn giữ được sự phủ sóng sau hơn 20 năm trong showbiz, trong khi nhiều gương mặt cùng thời đã lặn mất tăm hoặc nguôi sức nóng. Đó xét cho cùng cũng là một duyên may nên ghi nhận ở Huyền. Nhưng sự nổi tiếng mà cô có được ấy vượt xa tài năng thực của cô.
Ngay từ thời thanh xuân khi nổi đình đám, các bộ phim Huyền tham gia cũng không mấy chất lượng trừ Hà Nội mùa đông năm 46 của đạo diễn Đặng Minh và Nhà có ba chị em của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Sau này, Mai Thu Huyền lấn sân làm đạo diễn và nhà sản xuất nhưng hầu hết đều nhận lấy thất bại.
Thảm họa Giấc mơ Mỹ (đạo diễn Davina Hồng Ngân, do Mai Thu Huyền đóng chính) chưa qua, cô lại khiến khán giả ngán ngẩm với Kiều (tự làm đạo diễn và nhà đầu tư, sản xuất). Thảm họa Kiều chưa được kịp quên, cô lại tiếp tục trình làng Đóa hoa mong manh.
Đóa hoa mong manh ra mắt hồi tháng 4.2024, bộ phim nhận nhiều ý kiến trái chiều và rời rạp sau 3 tuần công chiếu với doanh thu vỏn vẹn 430 triệu đồng. Phim có những diễn viên thực lực như Quốc Cường, Maya và phần nào đó là Đức Tiến nhưng không có nhân vật đủ hay cho họ thể hiện năng lực. Nhìn nhận khách quan, phim không quá tệ nhưng nhạt và không mấy ý nghĩa.