18h, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, Lai Châu, trời đã đen kịt. Sương lạnh đầu năm trùm lên căn nhà gỗ bên sườn đồi của gia đình Lù Văn Hoàng, 23 tuổi, người dân tộc Giáy. Chàng trai ngồi trên chiếc ghế mây nhỏ, từ từ nhấc mình di chuyển sang bàn làm việc cạnh giường ngủ. Bật máy tính, Hoàng bắt đầu chơi game. Bên cạnh, vợ anh đã phụ giúp đặt chiếc điện thoại để anh livestream trong quá trình làm việc.
Gần 3 năm nay, streamer "Hoàng Khuyết" là cái tên được nhắc đến nhiều trong cộng đồng người chơi game Liên Minh Huyền Thoại. Nhờ thế, anh đã có thể kiếm tiền từ công việc này.
"Biết đến Hoàng, ban đầu tôi không nghĩ bạn có thể chơi tốt một tựa game cần thao tác và phản xạ nhanh như Liên Minh Huyền Thoại. Sau khi xem qua các buổi livestream chơi game Hoàng thực hiện trước đó, tôi đã từ ngạc nhiên chuyển sang khâm phục anh bạn", anh Đinh Quốc Phương - CEO một công ty truyền thông, người biết đến Hoàng qua một lời giới thiệu 3 năm trước. Anh là người đồng hành với Hoàng khi Fanpage của anh còn là số 0 cho đến gần 60.000 người theo dõi như hiện tại.
Sự học dở dang
Lù Văn Hoàng là con trai thứ 3 trong gia đình có 5 người con. Là đứa con trai duy nhất nhưng lại bị khuyết tật bẩm sinh. Từ nhỏ, tay chân Hoàng dặt dẹo, không thể đi đứng, cầm nắm được như người bình thường. Bù lại, hơn 1 tuổi Hoàng đã bắt đầu nói sõi, không đi được nhưng luôn tự xoay sở để làm được những việc cá nhân.
Năm Hoàng 6 tuổi, bố qua đời, một mình mẹ anh gánh vác kinh tế gia đình và chăm sóc 5 người con. Khó khăn, mẹ Hoàng gửi đứa con gái út cho một người họ hàng nuôi đến lớn. Về phần Hoàng, tuy khuyết tật nhưng vì lanh lợi nên được đến trường học cùng những đứa trẻ bình thường.
"Mình chưa bao giờ nghĩ bản thân là người khuyết tật cả", Hoàng nói.
Hết cấp 1, một nhà hảo tâm ở Hà Nội biết Hoàng từ năm 2003, thời mà cha thường đưa anh lên thành phố chạy chữa. Người đàn ông giới thiệu và đưa Hoàng đến trung tâm bảo trợ của huyện để tiếp tục đi học. Ở đây, Hoàng được lo mọi chi phí. Khát khao đi tìm con chữ, nhưng vì thường xuyên ngất xỉu, chảy máu mũi nên Hoàng không đủ sức theo học. Năm lớp 7, anh bỏ ngang việc học, trở về nhà. Lúc bấy giờ, cậu bé Hoàng không biết và cũng chẳng có ai hướng dẫn nên làm gì để có tương lai.
May mắn, cũng nhờ người đàn ông ở Hà Nội tặng cho một chiếc laptop, cậu bé mua thiết bị Dcom 3g, đăng ký gói khuyến mãi, mỗi tháng 70.000 đồng để vào mạng.
Nhờ thế, cuộc đời Hoàng bắt đầu rẽ sang một hướng khác. Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa trong làng khao khát được ra tiệm net để chơi game thì Hoàng vùi đầu vào học các sử dụng máy tính, học tiếng Anh và sữa chữa điện thoại. Sau gần 2 năm, Hoàng có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản với người nước ngoài. Biết sửa điện thoại, máy tính cho những người trong làng, miễn phí.
"Dù chưa biết được gì nhiều nhưng lúc nào mình cũng có những ước mơ như làm trong các tập đoàn, công ty lớn của thế giới", Hoàng cười thẹn, chia sẻ.
Thế nhưng, khi cuộc sống chỉ quanh quẩn trong căn nhà và khoảng sân nhỏ, nhiều lần chàng trai đã rơi vào bế tắc, trầm cảm. Có lúc, anh chẳng muốn nói chuyện với ai, tự ti vì chẳng ai nghĩ anh có thể làm được việc gì để kiếm sống với 1 chiếc laptop.
Nhưng cậu bé Hoàng nghị lực ngày nào không muốn biến mình thành người vô dụng trong rào cản tự ti đó. Chứng kiến nhiều mảnh đời như mình chỉ biết ngồi 1 chỗ than trách số phận và phải trông đợi người khác chăm sóc cho đến lúc già đi, Hoàng thấy sợ.
"Mình sợ không lo được cho bản thân, khổ mẹ và các chị em lắm. Mình cũng không muốn sẽ già đi và chết một cách vô nghĩa", Hoàng bộc bạch.
Thành quả của việc tự học
Năm 2015, qua giới thiệu của người quen, Hoàng có cơ hội làm việc cho một người đàn ông ở Anh. Với nhiệm vụ quản lý 1 trang web, khi có những lỗi hệ thống, anh sẽ là người sữa chữa lại. Cầm khoản tiền 300 USD cho hơn 1 tháng làm việc, chàng trai mừng trong bụng, nghĩ: "Con đường sống của mình là đây".
Tuy nhiên, vì thường xuyên làm việc đêm khuya, Hoàng thấy sức khỏe yếu dần. Tuy không ngất xỉu như trước nữa nhưng anh lại hay bị cảm cúm. Tự nhận thấy bản thân không có gì nổi trội nhưng lại hay được bạn bè khen chơi game giỏi và có tài ăn nói, Hoàng quyết định thử sức trở thành một streamer game Liên Minh Huyền Thoại.
Vừa chơi, những streamer như Hoàng vừa trò chuyện trực tiếp với đồng đội, vừa trả lời bình luận của khán giả đang xem trận đấu. Còn nhớ buổi đầu được anh Phương hỗ trợ, anh nhắc lại những buổi live stream tương tác người theo dõi không được như mong muốn, có lỗi phát sinh khiến không có nổi một lượt xem.
"Nhiều người thấy mình khuyết tật bình luận rằng em giả tạo, ghép hình để câu view. Thời gian đầu mình chỉ tập trung chơi mà không tương tác với khán giả nên những livestream của mình nhạt nhẽo lắm", Hoàng thú nhận.
Còn CEO Đinh Quốc Phương khẳng định: "Tôi biết khi đó bạn rất buồn. Dù muốn bật khóc trên livestream nhưng bạn vẫn cố gắng kìm nén cảm xúc, tự nói chuyện một mình với hy vọng sẽ có ai đó xuất hiện. Nhờ sự kiên trì, nghiêm túc trong công việc và sự chân thành đã giúp bạn đạt được thành công như hôm nay. Phía công ty tôi cũng chỉ hỗ trợ phân nửa".
Hiện tại, mỗi ngày Hoàng livestream từ 18h đến 22 giờ. Buổi sáng, anh cũng thường nhờ vợ quay lại những cảnh sinh hoạt, trông con, ăn uống của mình để làm video đăng lên mạng xã hội.
Thời gian đầu, ngoài khoản lương live stream trả theo hợp đồng, anh Phương quyết định hỗ trợ thêm Hoàng một khoản nhỏ dựa theo tình hình tài chính của công ty theo từng tháng.
Với công việc hiện tại, Hoàng không chỉ có thể lo cho bản thân mà còn đủ sức nuôi vợ và con gái nhỏ gần 1 tuổi.
"Từ nhỏ, con đã biết tự lập trong mọi chuyện, chỉ những việc không làm được như lấy đồ trên cao thì mới cần sự giúp đỡ nhưng tôi chưa bao giờ dám nghĩ con có người yêu, lấy vợ sinh con", bà Vàng Thị Tâm, 47 tuổi, mẹ của Hoàng nói.
Trong mắt mọi người, ai cũng thấy Hoàng trưởng thành, song anh luôn cho rằng bản thân chưa làm được điều gì lớn lao. Khao khát lớn nhất của anh là muốn học hỏi thêm nhiều điều mới dù sức khỏe không cho phép.
"Mình không muốn bản thân dậm chân tại chỗ, cũng chẳng thích đổ lỗi cho hoàn cảnh mà cứ nghĩ mình sẽ làm được", Hoàng trải lòng.