Hạt giống tâm hồn - “Xin cho biết bạn cần giúp gì”

FN01/02/2023 10:00
Hạt giống tâm hồn - “Xin cho biết bạn cần giúp gì”

“Tình yêu thương và sự tử tế không bao giờ là lãng phí và luôn tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống. Nó mang lại hạnh phúc cho cả người trao đi lẫn người nhận được.” - Barbara De Angelis

Nhà tôi là một trong những hộ gia đình đầu tiên trong khu phố lắp đặt điện thoại bàn. Tôi vẫn nhớ như in chiếc hộp điện thoại bằng gỗ sồi bóng loáng được gắn trên tường, ngay cạnh chân cầu thang với chiếc ống nghe xinh xắn nằm gọn gàng bên hông hộp. Thậm chí, tôi còn nhớ rõ cả số điện thoại tổng đài tư vấn mà mẹ hay gọi. Do còn quá nhỏ, chưa thể với tay đến điện thoại, nên tôi thường đứng ngay bên cạnh mẹ mỗi lúc bà nghe điện thoại, lắng nghe với vẻ chăm chú và thích thú vô cùng. Có hôm, mẹ sẽ bế tôi lên để tôi nghe được giọng cha phát ra từ ống nghe. Khoảnh khắc ấy kỳ diệu tựa như một phép màu vậy!

Một thời gian sau, tôi phát hiện bên trong chiếc máy kỳ diệu ấy có một con người tuyệt vời đang ẩn náu. Tên cô ấy là “Xin cho biết bạn cần giúp gì”. Dường như chuyện gì cô ấy cũng biết, vì tôi thấy mỗi khi muốn tìm số điện thoại của ai đó hoặc cần biết giờ chính xác để chỉnh lại chiếc đồng hồ chạy chậm, mẹ lúc nào cũng gọi điện hỏi cô ấy.

Một hôm, khi mẹ sang thăm nhà hàng xóm, tôi mới có dịp tiếp xúc lần đầu tiên với con người tuyệt diệu ấy. Hôm đó, tôi đã mày mò tự làm đồ chơi và vô tình đập búa trúng ngón tay cái. Tôi đau lắm nhưng biết rõ có khóc cũng vô ích vì giờ không có ai ở nhà để dỗ dành tôi cả. Tôi đi lòng vòng quanh nhà, miệng ngậm ngón tay bầm tím. Rồi tôi bước đến gần cầu thang và nhìn thấy chiếc điện thoại. Tôi liền kéo ghế lại gần, trèo lên ghế, cầm lấy ống nghe và gọi số tổng đài.

Sau mấy tiếng tút tút, một giọng nói dịu dàng vang lên: “Xin cho biết bạn cần giúp gì”.

“Cháu lỡ đập búa vào ngón tay, đau lắm cô ơi”, tôi thút thít, cuối cùng thì cũng có người lắng nghe và dỗ dành tôi.

“Có ai ở nhà với cháu không?”

“Không ạ, cháu ở nhà một mình”, tôi đáp.

“Vậy ngón tay cháu có chảy máu không?”

“Dạ không, chỉ bị sưng và bầm tím thôi.”

“Cháu tự mở tủ lạnh được không?”, cô hỏi và tôi đáp rằng mình làm được.

“Vậy cháu lấy một viên nước đá và đặt lên ngón tay bị đau nhé. Làm vậy cháu sẽ bớt đau ngay. Nhớ cẩn thận khi cạy đá đấy”, cô căn dặn. “Và cháu đừng khóc nữa. Đau một chút là hết thôi.”

Sau lần ấy, tôi thường xuyên gọi điện cho cô “Xin cho biết bạn cần giúp gì” để hỏi đủ thứ chuyện trên đời. Tôi nhờ cô hướng dẫn bài tập môn địa lý, và cô đã cho tôi biết bang Philadelphia và dòng sông Orinoco lãng mạn mà tôi muốn khám phá khi lớn lên nằm ở đâu. Cô còn dạy tôi làm toán và nói cho tôi biết chú sóc nhỏ mà tôi bắt gặp trong công viên thích ăn trái cây và các loại hạt.

Khi Petey - chú chim hoàng yến cưng của tôi - qua đời, tôi đã giãi bày với cô nỗi buồn của mình. Cô đã lắng nghe và an ủi tôi bằng những lời mà người lớn vẫn thường nói để xoa dịu một đứa trẻ, nhưng tôi vẫn chưa nguôi ngoai. “Vì sao một chú chim dễ thương và lúc nào cũng mang niềm vui đến cho cả nhà cuối cùng chỉ còn là một nắm lông nằm bất động dưới đáy lồng chứ?”, tôi ủ rũ hỏi.

Hẳn cô đã cảm nhận được nỗi đau sâu sắc của tôi, vì vậy cô nhẹ nhàng nói: “Paul này, cô tin rằng chú chim của cháu đã bay đến một thế giới khác và vẫn tiếp tục cất vang tiếng hót”.

Câu nói ấy của cô đã an ủi tôi rất nhiều.

Một lần khác, tôi lại gọi cho cô. “Xin cho biết bạn cần giúp gì”, giọng nói đã rất quen thuộc với tôi vang lên.

“Cô đánh vần chữ ‘cố định’ thế nào ạ?”

“Cố định một vật gì đó phải không? C-Ố Đ-Ị-N-H.”

Ngay lúc ấy, chị tôi bỗng nhảy ra từ sau cầu thang và hét lên: “Hùuuuu!”. Tôi giật mình, mất thăng bằng và té khỏi ghế, lôi theo cả chiếc ống nghe và làm đứt luôn sợi dây. Hai chị em tôi sợ hết cả hồn. Cô “Xin cho biết bạn cần giúp gì” không lên tiếng nữa và tôi không biết mình có làm cô ấy bị thương khi giật đứt dây điện thoại như thế không. May mắn thay, sau đó điện thoại đã được sửa lại và cô ấy vẫn ở đó trò chuyện với tôi.

Năm tôi lên chín, gia đình tôi chuyển đến Boston và thế là từ đó tôi mất liên lạc với người bạn thân thương của mình. Cô “Xin cho biết bạn cần giúp gì” vẫn mãi nằm trong hộp điện thoại bằng gỗ sồi gắn trên tường ngôi nhà cũ, vì nghĩ như thế mà tôi chưa từng thử gọi lại cho cô bằng chiếc điện thoại mới đặt trên chiếc bàn phòng khách tại ngôi nhà ở Boston.

Khi tôi trở thành một thiếu niên, những ký ức thời thơ ấu đẹp đẽ với các cuộc trò chuyện với “người bạn đặc biệt” qua điện thoại ấy vẫn chưa bao giờ rời bỏ tôi. Mỗi khi cảm thấy nghi ngờ hoặc bối rối trước vấn đề nào đó, tôi lại nhớ đến cảm giác an tâm ngày xưa, khi tôi biết mình có thể gọi cho cô “Xin cho biết bạn cần giúp gì” bất cứ lúc nào tôi cần và nhận được ngay lời giải đáp chính xác. Tôi vẫn thấy xúc động khi nhớ đến thái độ nhẫn nại, thấu hiểu và ân cần của cô ấy, cũng như thời gian cô đã dành để dỗ dành và tâm sự với một cậu nhóc xa lạ mà cô chưa từng gặp mặt.

Vài năm sau đó, tôi bay đến bờ Tây học đại học. Máy bay đáp ở Seattle và tôi phải chờ khoảng nửa tiếng để nối chuyến bay. Rồi không hiểu vì lý do gì, tôi đã bất giác gọi vào số điện thoại tổng đài của thị trấn quê nhà và nói: “Làm ơn cho tôi xin hướng dẫn”.

Kỳ diệu thay, giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng và rất đỗi quen thuộc ấy đã vang lên bên tai tôi: “Xin cho biết bạn cần giúp gì”.

Tôi nói trong vô thức: “Cô đánh vần chữ ‘cố định’ thế nào ạ?”.

Đầu dây bên kia im lặng một hồi khá lâu, rồi giọng nói dịu dàng ấy lại cất lên: “Cô đoán là bây giờ ngón tay của cháu đã lành rồi nhỉ?”.

Tôi cười to mừng rỡ: “Ôi đúng là cô rồi. Cháu vẫn luôn tự hỏi không biết cô có biết rằng cô chính là một phần vô cùng quan trọng trong thời thơ ấu của cháu không”.

“Cô cũng tự hỏi không biết cháu có biết mình có ý nghĩa với cô thế nào không. Cô chưa từng được làm mẹ và vẫn luôn trông ngóng những cuộc gọi của cháu. Cô ngớ ngẩn ghê nhỉ?”

Tất nhiên là tôi thấy cô không hề ngớ ngẩn chút nào, nhưng tôi không nói ra điều đó. Thay vào đó, tôi đã kể cho cô nghe về cuộc sống hiện tại của mình và hứa sẽ liên lạc với cô sau khi kết thúc học kỳ đầu tiên.

“Cô luôn đợi tin cháu. Khi cháu gọi đến tổng đài, cứ hỏi gặp cô Sally là được.”

Vậy là giờ đây, cô “Xin cho biết bạn cần giúp gì” đã có một cái tên hẳn hoi.

Ba tháng sau, tôi gọi điện đến tổng đài tìm cô thì nghe một giọng nói khác trả lời: “Xin cho biết bạn cần giúp gì”. Tôi đề nghị được nối máy với cô Sally.

“Anh là bạn của bà ấy à?”, đầu dây bên kia hỏi tôi.

“Vâng, tôi là một người bạn cũ.”

“Tôi rất tiếc phải báo cho anh tin này. Mấy năm qua, bà Sally chỉ làm việc bán thời gian vì đau ốm thường xuyên. Và bà ấy vừa qua đời cách nay năm tuần.”

Tôi lặng người. Nhưng trước khi tôi kịp gác máy, đầu dây bên kia vội nói tiếp: “Xin chờ một chút. Lúc nãy anh nói anh là Paul Villiard phải không?”.

“Đúng vậy.”

“Bà Sally có để lại cho anh một lời nhắn.”

“Lời nhắn gì thế?”, tôi hỏi và lờ mờ đoán trước được câu trả lời.

“Tôi sẽ đọc nguyên văn lời bà ấy viết nhé. ‘Nhắn với Paul rằng tôi đã đến một thế giới khác và vẫn tiếp tục dõi theo cậu ấy’.”

Tôi cảm ơn cô và gác máy. Tôi biết rõ cô Sally vẫn sẽ luôn ở bên tôi, thế nhưng không hiểu sao nước mắt tôi vẫn không thể ngừng rơi.


Gửi bình luận
(0) Bình luận