Có 2 câu chuyện như sau:
1. Có lần tôi hỏi Eddie Rickenbacker về bài học lớn nhất anh đã học được khi cùng những người đồng hành lênh đênh trên bè gỗ giữa Thái Bình Dương suốt 21 ngày, mất phương hướng và không mảy may nhìn thấy một tia hi vọng. Anh nói: “Bài học lớn nhất tôi rút ra từ lần đó là nếu bạn vẫn có đủ nước ngọt để uống và đủ thực phẩm để ăn thì bạn đừng bao giờ phàn nàn về bất cứ điều gì”.
2. Tờ Time có đăng một bài báo viết về một trung sĩ bị thương trong trận Guadalcanal. Anh bị một mảnh đạn cối găm vào cổ họng, viên trung sĩ này đã phải truyền máu 7 lần. Anh viết cho bác sĩ một mẩu giấy hỏi: “Tôi sẽ sống chứ?”. Bác sĩ trả lời: “Đúng thế”. Anh lại viết một mẩu giấy khác: “Liệu tôi còn có thể nói được không?”. Một lần nữa anh nhận được câu trả lời có. Vậy là anh viết tiếp: “Thế thì tôi còn phải lo lắng về cái quái gì nữa chứ?”
Vậy tại sao bạn không dừng lại và tự hỏi: “Mình đang lo lắng về cái quái gì chứ?”. Có thể bạn sẽ thấy điều mình lo lắng là không cần thiết, thậm chí là vô lý.
Khoảng 90% những điều xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là tốt đẹp, chỉ khoảng 10% là không như mong đợi. Nếu muốn hạnh phúc, tất cả những gì chúng ta phải làm là chú tâm vào 90% những điều tốt đẹp và bỏ qua 10% những điều bất hạnh. Còn nếu chúng ta cứ muốn chuốc lấy lo âu, cay cú và bệnh loét dạ dày thì hãy cứ tập trung vào 10% bất hạnh và bỏ qua 90% những điều tuyệt vời còn lại.
Jonathan Swift là một người bi quan và chán chường bậc nhất trong nền văn học Anh. Ông thấy tiếc vì đã được sinh ra trên đời, đến nỗi ông thường mặc đồ đen và nhịn ăn vào mỗi dịp sinh nhật. Tuy nhiên, trong nỗi chán nản, người bi quan nhất này vẫn ca ngợi sức mạnh lớn lao mà sự vui vẻ và niềm hạnh phúc có thể mang lại cho sức khỏe của con người. Ông tuyên bố: “Những bác sĩ giỏi nhất thế gian là Bác sĩ Ăn kiêng, Bác sĩ Thanh thản và Bác sĩ Vui vẻ.”
Bạn và tôi có thể luôn hưởng được sự chăm sóc miễn phí của “Bác sĩ Vui vẻ” từng ngày, từng giờ bằng cách lúc nào cũng nghĩ đến những tài sản vô giá của mình – những tài sản còn vượt xa kho báu của Alibaba trong truyền thuyết. Liệu bạn có bán đi đôi mắt của mình để có được một tỷ đô-la? Bạn sẽ chấp nhận lấy cái gì để đánh đổi đôi chân của bạn? Đôi tay của bạn? Thính lực của bạn? Những đứa con của bạn? Gia đình của bạn? Hãy cộng tất cả những tài sản đó, bạn sẽ thấy mình không bao giờ muốn đổi những gì đang có để lấy cả đống vàng của gia đình Rockefeller, Ford và Morgan cộng lại.
Nhưng có một nghịch lý: “Chúng ta ít khi nghĩ đến những gì mình có mà chỉ luôn nghĩ đến những gì mình thiếu”.
Và mời bạn nghe câu chuyện sau đây:
3. Không lâu sau ngày giải ngũ, tôi bắt đầu tự mình kinh doanh. Tôi làm việc cật lực ngày đêm. Mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp thì rắc rối nảy sinh. Tôi không thể mua được nguyên vật liệu và cũng rất khó bán thành phẩm. Tôi sợ rằng mình sẽ phải từ bỏ công việc kinh doanh.
Tôi lo lắng đến nỗi từ một chàng trai dễ mến trở thành một ông già cáu gắt. Rồi một ngày nọ, nhân viên của tôi – một cựu binh trẻ tuổi và tàn phế nói với tôi: “Johnny này, anh nên tự cảm thấy xấu hổ với chính mình. Anh cư xử như thể mình là người duy nhất trên đời gặp rắc rối. Cứ cho là anh sẽ phải đóng cửa hàng một thời gian, thế thì đã sao? Anh có thể làm lại từ đầu khi mọi chuyện trở lại bình thường. Anh có nhiều thứ để trân trọng. Ấy thế mà anh luôn càu nhàu. Anh có biết tôi luôn ao ước đươc như anh biết chừng nào! Nhìn tôi đây này, tôi chỉ còn một cánh tay và một nửa gương mặt đã bị bắn nát, nhưng tôi đâu có phàn nàn: Nếu không ngừng ngay việc ca thán và cằn nhằn, anh sẽ mất đi không chỉ công việc kinh doanh của mình, mà cả sức khỏe, gia đình và bạn bè nữa!”.
Vậy đó, hạnh phúc không đâu xa vời: hãy trân trọng những gì mình đang có bạn nhé!
Câu chuyện được chia sẻ từ cuốn sách: Học viện thành công