Năm 2021, Lý Hiểu Khang (34 tuổi, Trùng Khánh, Trung Quốc) đã vượt qua được cửa tử khi thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Khi đứng giữa lằn ranh sinh tử, anh nhận ra bản thân chỉ có thể được đánh thức hoàn toàn khi đi qua nỗi đau.
Nhiều khi chúng ta có xu hướng bỏ qua những điều quý giá nhất trong cuộc sống. "Mãi cho đến khi mắc bệnh hiểm nghèo, nằm trên giường bệnh, chịu đựng sự giày vò của bệnh tật tôi mới chợt nhận ra đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Căn bệnh vừa phải trải qua giống như một chướng ngại vật do số phận sắp đặt. Vượt qua được, tôi như người được thức tỉnh. Và tôi đã hiểu được rằng, những năm tháng qua bản thân đã dành quá nhiều thời gian cho thứ phù phiếm ngoài kia trong khi đó lại bỏ quên những điều quý giá này", Hiểu Khang nói.
Trong một talkshow, diễn viên Lý Băng Băng từng nói: "Sau một trận ốm nặng, tôi đột nhiên cảm thấy cơ thể lao dốc, dễ mệt mỏi, không còn sức lực như trước. Tôi nhận ra nếu tiếp tục hành hạ bản thân, tôi sẽ trở thành người ốm yếu".
Tương tự, sống sót được qua căn bệnh hiểm nghèo Lý Hiểu Khang nhận ra cái gọi là danh lợi, thăng chức, tăng lương hay những mưu sự ngoài kia cũng chỉ là mây trôi. Sống khỏe mạnh mỗi ngày mới thực sự là tài sản vô giá.
Nhà văn người Trung Quốc, Ngô Hạo từng nói: "Cuộc sống thực ra là một lượng của cải cố định mà Thượng đế đã gửi vào tài khoản của mỗi người, không ai biết có bao nhiêu. Chính vì thế nếu tiêu dùng quá mức ở hiện tại, bạn có thể trở nên kiệt quệ ở tương lai".
Bạn chỉ có cơ hội một lần được sống, sức khỏe mất đi là không thể lấy lại được. Vì thế đừng chờ đến khi sức khỏe suy kiệt mới biết trân trọng. Chưa kể nhiều người vì nghĩ mình trẻ nên rút kiệt sức lực để rồi phải hối hận ở tuổi trung niên.
Trong cuộc sống, bạn có thể theo đuổi sự giàu có nhưng đừng hy sinh sức khoẻ của mình như một điều kiện tiên quyết. Về lâu dài, hy sinh sức khoẻ không đem đến cho bạn hạnh phúc bền vững. Bởi vì con người mất đi sức khỏe là mất tất cả.
Nhiều người thường nói rằng: Khi còn trẻ chúng ta dễ dàng đi đến nơi này nơi kia để làm quen mọi người, chuyện của người khác cũng là chuyện của mình. Tuy nhiên sau tuổi trung niên, chính họ cảm thấy trên đời không còn gì khác ngoài gia đình.
Đồng nghiệp rồi sẽ rời đi, bạn bè cũng lạc lối song chỉ có người thân trong gia đình là ở lại với bạn. Khi gặp khó khăn, họ sẽ là người giải quyết vấn đề của bạn ngay khi có thể. Khi buồn, họ cũng cố gắng làm bạn vui. Khi ốm đau nhập viện, họ cũng chính là người chăm sóc bạn từng bữa.
Dù vui hay buồn, nghèo hay giàu, khoẻ mạnh hay ốm đau, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc của bạn. Vì thế hãy đối xử tốt với những người thân trong gia đình, đồng hành cùng họ bằng sự kiên nhẫn và tình yêu thương để cùng họ đi qua những năm tháng còn lại.
Sau khi vượt qua giai đoạn thập tử nhất sinh trên giường bệnh, Lý Hiểu Khang nhận ra cần phải hài lòng với mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Khi bị sốt, bạn mới biết những ngày khỏe mạnh sảng khoái như thế nào. Khi bị ho, bạn sẽ trân trọng những ngày cổ họng không đau. "Khi căn bệnh càng trở nên nghiệm trọng, phải nằm co quắp vì những cơn đau hành hạ, tôi mới thấy những ngày được nằm thẳng lưng quý giá thế nào", Lý Hiểu Khang nói.
Anh thừa nhận rằng thực ra chúng ta may mắn trong từng khoảnh khắc bởi vì bất kỳ tai hoạ nào cũng có thể xảy ra và không thể đoán trước. Nếu không học cách hài lòng với thực tại, bạn sẽ chẳng thể cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống.
Thông thường khi có sức khỏe, chúng ta ít trân trọng nó. Chỉ đến khi bị bệnh tật hành hạ, bạn mới hiểu được khoẻ mạnh là điều may mắn biết bao. Thực tế, con người thường không biết trân trọng những gì mình đang có để đến khi mất đi mới thực sự hối hận.
Sau khi vượt qua căn bệnh quái ác, Lý Hiểu Khang đã thừa nhận: "Tôi cảm thấy nhà và xe hơi là vật ngoài thân. Mức lương và những thành tích trong công việc tôi từng theo đuổi không còn thuộc khái niệm của thành công. Tôi chỉ muốn sống thật tốt với gia đình của mình. Trên thế giới này, ngoài sự sống và cái chết, mọi thứ đều tầm thường".
Nhiều thứ bạn quan tâm như thăng chức, tăng lương, đổi nhà, mua hàng hiệu... thực ra không quá vất vả để có được. Bởi vì khi đang nằm trên giường bệnh và phải chịu sự giày vò của bệnh tật, điều bạn mong cầu duy nhất đó là mau khỏi bệnh chứ không phải những thứ bên ngoài kia.
Trong tiểu thuyết "Nhật ký của Susan" có những ẩn dụ khéo léo về sức skhoer, sự nghiệp, gia đình. Nếu bạn nghĩ cuộc sống như một trò chơi tung hứng 5 quả bóng thì 5 quả bóng đó sẽ là công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè và sự chính trực.
Khi tung những quả bóng lên không trung là lúc trò chơi bắt đầu. Trong quá trình trải nghiệm bạn nhận ra công việc là một quả bóng cao su. Nếu rơi xuống đất nó sẽ nảy trở lại. Bốn quả cầu còn lại đều bằng thuỷ tinh, một khi rơi xuống sẽ bị nứt vỡ.
Thực tế này có thể hiểu rằng mất việc có thể tìm lại được, nhưng mất sức khỏe và gia đình thì không bao giờ lấy lại được.