Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Công Hiển hiện sinh sống tại Mỹ. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế như Argentina 2017- Salón Internacional FAF 2017, Argentina 2016: 4º Salon Int, El Argentino; S4C: The Southern California Council of Camera Clubs (2015); S4C International Exhibition of Photography; SPA: Sunrise Photography Association – US.
Vừa qua, tại California ông đã phát hành quyển sách ảnh tựa đề: Hành trình nhiếp ảnh – 100 ảnh nghệ thuật & bài viết. Đây là quyển sách khá độc đáo vì ít nhiếp ảnh gia thực hiện điều tương tự. Bên cạnh mỗi tác phẩm là một câu chuyện kể về hoàn cảnh sáng tác và xúc cảm của tác giả trong từng tác phẩm ấy.
Đậm đặc hình ảnh quê hương
Dù đang là thành viên của một nhóm chơi ảnh nghệ thuật rất uy tín tại Mỹ, nhưng nhiều năm qua, cứ mỗi năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Công Hiển đều trở về Việt Nam trong 3 tháng. Phần lớn trong thời gian đó, ông đi khắp nơi để chụp ảnh. Hầu như tất cả mọi ngõ ngách ở quê hương đều có dấu chân ông đặt đến. Vì vậy, trong 100 tác phẩm được in trong sách có đến 2/3 hình ảnh được chụp tại ba miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam, và phần còn lại là những quốc gia tác giả đặt chân đến. Vì hình ảnh quê hương dạt dào cảm xúc trong sách, mà nhiếp ảnh gia Vũ Công Hiển đang có ý tìm một nhà xuất bản để phát hành tại Việt Nam, nơi ông vẫn còn nhiều bạn bè nghệ sĩ đang hoạt động và nhiều khán giả yêu ảnh của ông.
Theo Vũ Công Hiển, những lần trở về đều cho ông một cảm xúc trân trọng, mê đắm vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương. Bởi vì, có những vùng đất ông đã đến nhiều lần, nhưng lần sau ông lại nhìn thấy nét đẹp mà trước đó ông không phát hiện. Với bộ máy không quá đắt tiền, ông tháp tùng cùng các nhiếp ảnh gia trẻ tuổi hơn đi “cùng trời cuối đất”. Thế nhưng, khi đến địa điểm sáng tác, ông chọn một góc chụp riêng.
Năm 2023 này, ở tuổi 80, ngay sau về Việt Nam không lâu, ông đăng ký tour chụp ảnh trên núi đồi Tây Bắc. Một cách chậm rãi và lặng lẽ, ông cuốc bộ qua các ngọn đèo để canh, và bắt được những khoảnh khắc mình yêu thích. Xong, ông xuôi về miền Tây sông nước để thả cảm xúc của mình vào một vùng đất hiền hòa, thân thiện. Quay trở về Sài Gòn, mỗi ngày ông lang thang tìm về những góc quen xưa cũ, như tìm về hoài niệm đẹp.
Nhiếp ảnh như có một nguồn động lực nào đó thúc đẩy một lão niên luôn lao ra ngoài, đi để ghi lại những khoảnh khắc. Thậm chí, ông làm được điều mà người trẻ phải nể phục đó là thực hiện 2 chuyến đi sang Ấn Độ. Tại đó, ông tìm hiểu những địa danh liên quan Phật giáo. Và kỳ diệu hơn, ông đã leo núi Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) trong điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt chỉ để chụp ảnh. Tinh thần đam mê của vị tiền bối đã truyền một nguồn năng lượng rất lớn cho những người trẻ. Thông qua ông, họ hiểu thế nào là năng lượng tích cực của một nhiếp ảnh gia, là tinh thần hòa với thiên nhiên, đi để thấy những điều kỳ diệu mà khi ngồi một chỗ sẽ không bao giờ cảm nhận rõ ý nghĩa.
Về thăm cụ tổ Tú Xương
Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, người xem sẽ có những cảm nhận khác nhau. Ảnh của Vũ Công Hiển cũng vậy, sẽ có người không thích nhưng cũng có nhiều người say mê. Ông không sử dụng nhiều kỹ thuật photoshop, và rất thích chụp ngược sáng nhằm tạo nên một hiệu ứng rất khác lạ. Điểm đặc biệt mà bất kỳ ai cũng nhận ra khi xem ảnh của Vũ Công Hiển là cách xử lý ánh sáng của ông luôn tạo ra một bức ảnh đẹp giống như được họa sĩ vẽ tranh tô màu kỳ công trên bức vẽ của mình.
Về sau, ông còn lồng vào các bức ảnh những câu danh ngôn và triết lý hay. Điều này, giúp cho ảnh của ông có thêm điều thi vị. Vũ Công Hiển chia sẻ: “Mỗi một bức ảnh có một ẩn ý sâu xa không thua kém một câu triết lý sâu sắc. Tuy nhiên, có khi người ta xem ảnh một cách lướt qua nên không đủ sự tỉnh táo nhận ra hết ý nghĩa của nó. Tôi muốn người xem dừng lại xem bức ảnh lâu hơn bằng cách viết lên đó những câu văn hay và khó hiểu. Tôi buộc người xem phải thưởng thức và suy ngẫm. Trong sách ảnh tôi dành một trang để viết về bức ảnh như là cách để tạo nên sự đồng cảm với người xem”.
Qua các chuyến đi của nhiều năm gộp lại, kho ảnh của Vũ Công Hiển lên đến vài ngàn tấm chưa được xử lý. Ông có kế hoạch sẽ tạm dừng chân để phát hành tất cả các sáng tác dưới dạng sách ảnh. Tuy nhiên, ở thì tương lai gần, ông vẫn còn thực hiện vài chuyến đi.
Về quê cha đất tổ Vị Xuyên, Nam Định xem như là chuyến đi ý nghĩa nhất của ông. Bởi vì, đây là nơi bà nội ông được sinh ra và thân phụ bà ấy chính là nhà thơ Tú Xương. Được về với ông tổ lẫy lừng như thế, rõ ràng đây là niềm tự hào của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Công Hiển.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Công Hiển tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1968. Ông dạy môn lịch sử tại Long Xuyên, An Giang trong 4 năm. Sau đó, ông về dạy tại một trường trung học ở quận 7 (Sài Gòn) cũng khoảng 4 năm. Trong giai đoạn này, Vũ Công Hiển đã mê chụp ảnh, nhưng máy ảnh chụp phim còn rất tốn kém nên anh giáo trẻ chưa dám đầu tư tối đa vào đam mê của mình. Dẫu vậy, anh vẫn âm thầm tìm đến những bậc thầy nhiếp ảnh để thụ giáo. Vào năm 1976, Vũ Công Hiển tiếp tục dạy môn sử tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM). Học trò của ông thời điểm này có danh ca Ý Lan, nghệ sĩ kịch nói Ái Như.
Năm 1978, ông định cư tại Mỹ. Sau khi được trắc nghiệm kiến thức, ông tiếp tục được dạy môn lịch sử Hoa Kỳ từ 1980 đến 1995. Từ 1995 - 2000 ông dạy môn toán và tin học. Nhưng từ năm 1993, ông bắt đầu sáng tác ảnh nghệ thuật. Sau đó, nhờ phong cách chụp ảnh độc đáo và riêng biệt, ông trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Công Hiển cho biết: “Công việc của một giáo viên tại Mỹ giúp cho tôi có một nguồn thu nhập đủ tốt để nuôi hai con gái học Đại học Harvard mà không phải nợ tiền trường sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng trách nhiệm nuôi con cái cũng là lý do khiến tôi không còn thời gian thực hiện đam mê nhiếp ảnh khi tuổi còn trẻ.
Vào năm 1993, tôi bắt đầu sáng tác và tham gia một câu lạc bộ ảnh nghệ thuật Trúc Viên của người Việt tại California. Đây là một hội nghệ thuật phi chính trị, phi lợi nhuận. Đến năm 1995, tôi được bầu làm chủ tịch câu lạc bộ này. Anh em tin tưởng bầu chọn tôi vì các lý do như trình độ chụp ảnh, khả năng tổ chức, tính minh bạch trong tài chính”.
Giờ đây, do tuổi cao và muốn tự do tự tại, ông rời khỏi vị trí Chủ tịch câu lạc bộ nhiếp ảnh Trúc Viên. Nhất là 3 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành và đã tác động mạnh mẽ vào cảm xúc của ông. Ông muốn tranh thủ đi nhiều hơn để tận hưởng cuộc sống và muốn được nhìn thấy nhiều hơn trước khi sức khỏe không còn cho phép.