Tôi gặp nhà văn – nhà thơ Phùng Quán (1932 – 1995) chậm hơn, dù thuộc lòng thơ ông từ trước 1975. Thời đó, anh em phong trào Sinh viên Sài Gòn thường chuyền tay nhau bài thơ Hôn. Tôi rất thích vì tứ thơ lạ, lãng mạn và lý tưởng, xem đó là phương châm để dấn thân. Mấy chục năm sau đó tôi mới biết là thơ của Phùng Quán.
Hôn
Trời đã sinh ra em
Để mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Để yêu em tha thiết
Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải ra mặt trận
Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ.
Đất nước đổi mới, nhiều oan khiên được gỡ bỏ, tôi gặp nhà văn, nhà thơ Phùng Quán trong mấy chương trình giao lưu nhưng chỉ dám “mon men” đứng gần hóng chuyện. Lúc nào ông cũng tóc búi tó, chòm râu bạc, guốc mộc, bộ nâu sòng; nói năng từ tốn nhưng giọng đọc thơ truyền cảm, đầy lửa. Sau ngày ông mất, tôi có có dịp đọc các tác phẩm của ông như Tuổi thơ dữ dội, Vượt Côn Đảo, Ba phút sự thật, Trăng Hoàng cung, Phùng Quán thơ… Càng đọc càng mê mẩn.
Tìm hiểu thêm, càng ngỡ ngàng bởi khí phách, cốt cách và văn phong độc đáo. Cả Văn và Người đều mẫu mực, xưa nay hiếm, thậm chí chưa có. Nhìn bề ngoài, ông bình dị, chân chất, tự tại kiểu “Thủ bạc, tâm thanh” nhưng khí chất mạnh mẽ, rạch ròi, quyết đoán, thậm chí, có phần cực đoan. Với Phùng Quán, "người sao thì thơ" vậy.
Tôi mê thơ Phùng Quán với nhiều phát hiện cực kỳ thú vị về Hoa sen, Hoa cứt lợn, Cây xương rồng, Trường ca cây Cà, Lời mẹ dặn, Chống tham ô lãng phí… Mỗi bài là một tuyên ngôn thơ về phẩm giá và phẩm hạnh; bất chấp thời gian, vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Hình như ông xem thơ là một thứ tôn giáo bảo vệ đạo đức cuộc sống?
Nhờ Phạm Xuân Nguyên chỉ, tôi đến thăm nhà, gặp cô Bội Trâm (1932 – 2010), người vợ kiên cường, tảo tần, cả đời bền bỉ sát cánh với ông, đặc biệt là thời "cá trộm, rượu chịu, văn chui". Tôi thắp nhang trước bàn thờ ông với tất cả lòng thương cảm và ngưỡng mộ. Tôi mời cô Bội Trâm vào Sài Gòn, đi du lịch với công ty của tôi nhưng cô cứ lần lữa vì bận bịu việc nhà với em Quân, con út. Tôi chưa gặp Quyên, con gái đầu, đang sinh sống ở Lào, chỉ mấy lần nói chuyện qua điện thoại.
Qua cô Bội Trâm, tôi gặp và quen thân với nhà văn Xuân Đài (1934 - 2022) đang ở Sài Gòn, một trong “Tứ hữu” dự “đám cưới gian nan” chỉ có 6 người, bao gồm cả chú rể Phùng Quán và cô dâu Bội Trâm.
Trên bàn thờ gia đình của nhà văn Xuân Đài, ngoài cha mẹ, là di ảnh của Nguyễn Hữu Đang (1913 – 2007), Phùng Cung (1928 – 1997), Phùng Quán… dù không họ hàng. Nhà văn Xuân Đài bật mí với tôi nhiều chuyện về “Tam kiệt Bắc hà”, còn hơn cả một giai thoại.
Những lần đưa khách ra Hà Nội, tôi thường tranh thủ ghé thăm cô Bội Trâm và thắp nhang viếng nhà thơ. Tôi rất thích bài thơ Hoa sen nhưng trộm nghĩ “không cực đoan như ông”, khi đòi “Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian”. Hoa sen không có lỗi. Người viết những câu tụng ca hoa sen cũng không “phản trắc” (vì sen chê bùn hôi dù bùn nuôi dưỡng sen). Cũng không ai cấm người đọc nghĩ khác người viết.
Năm 2008, trước bàn thờ ông, có cô Bội Trâm chứng giám, tôi xin phép kết bài thơ Hoa sen theo cách nghĩ của mình, “không chê bùn hôi, không loại bỏ bài”, chỉ xin thay câu kết:
"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh"
"Nhờ bùn nuôi dưỡng, ngát thơm hương đời” (câu kết của tác giả)
Nghe xong, cô Bội Trâm gật gù, cười mỉm, ra dấu chỉ sự đồng lòng. Từ đó, bài thơ được tôi dùng mở đầu các buổi dạy hoặc chuyên đề với mong ước thay đổi tư duy người nghe.
Khi về Đồng Tháp làm tư vấn du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan (hiện nay là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) rất tâm đắc câu kết mới và tự hào “Đồng Tháp là vùng đất sen hồng. sen Đồng Tháp không chê bùn hôi mà luôn biết ơn bùn đã nuôi dưỡng để sen dâng tặng đời hương hoa thơm ngát”, đức Phật cũng chọn đài sen để ngự.
Nhà thơ Phùng Quán đã giúp tôi (và nhiều người khác) “ngộ” ra nhiều thứ hơn cả bình thường mà cao cả về cuộc sống và nhân sinh.
Nếu cuộc đời có thần tượng, thì có lẽ Phùng Quán là thần tượng của tôi.