“30 năm qua, trong những giấc mơ, tôi thấy những đồng đội của mình vẫn đứng đó canh giữ Gạc Ma” - thương binh Lê Minh Thoa, người trở về từ Gạc Ma, chia sẻ.
Gạc Ma - Vòng tròn bất tử là cuốn sách đặc biệt do First News khởi xướng từ đầu năm 2014. Mục đích là để tri ân và kể lại câu chuyện về 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì biển đảo Tổ quốc vào ngày 14-3-1988 trên đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bìa cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử".
Cuốn sách được biên soạn suốt bốn năm ròng rã với sự tham gia của 68 người (gồm các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu sử học, các nhà báo, các cựu chiến binh Gạc Ma), chỉnh sửa hàng trăm lần với 48 lần biên tập, cập nhật. Cuối cùng, Gạc Ma - Vòng tròn bất tử được cấp phép phát hành, kịp ra mắt bạn đọc nhân dịp tri ân các anh hùng liệt sĩ (ngày 27-7).
Đây cũng là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử xuất bản Việt Nam khi một hội đồng thẩm định cấp nhà nước phải được thành lập để thẩm định tác phẩm. Và đây cũng là cuốn sách được báo chí trong và ngoài nước cũng như mạng xã hội đề cập và tranh luận nhiều nhất trước khi được cấp phép…
Nước mắt vợ con các liệt sĩ Gạc Ma.
Nhóm biên soạn đã tổ chức các cuộc phỏng vấn trực tiếp 22 người lính có mặt khi Gạc Ma bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Cùng với đó là chín cựu chiến binh Gạc Ma bị Trung Quốc bắt vào ngày 14-3-1988 như Thượng úy Nguyễn Văn Chương, Trương Văn Hiền, Dương Văn Dũng, hồi ký viết tay của cựu binh Lê Hữu Thảo. Đặc biệt, trong bài Bị mổ sống trong nhà giam Trung Quốc, nhóm biên soạn đã phỏng vấn có ghi âm trực tiếp từng cựu tù binh Gạc Ma…
Cuốn sách do Thiếu tướng Lê Mã Lương làm chủ biên với các cố vấn: Thiếu tướng - Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, ông Đào Văn Lừng - nguyên Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phía Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc cùng First News kiên trì thực hiện.
Đại lễ cầu siêu cho các liệt sĩ Gạc Ma tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM.
Ngày 14-3-1988, trong khi đang làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền tại đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, những chiến sĩ hải quân Việt Nam không vũ khí bất ngờ bị hải quân Trung Quốc nổ súng thảm sát để cưỡng chiếm Gạc Ma.
Giữa làn đạn pháo dồn dập, xối xả của quân xâm lược Trung Quốc, những chiến sĩ hải quân Việt Nam đã cùng nắm tay nhau kết thành một vòng tròn quyết tâm bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi hy sinh đã hô to: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”. Vòng tròn bất tử đó đã trở thành khúc tráng ca trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Gạc Ma từ đó bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp thành căn cứ quân sự, bất chấp sự chỉ trích của quốc tế.
64 chiến sĩ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển mẹ suốt 30 năm qua. Chín chiến sĩ bị Trung Quốc bắt và mang về đảo Hải Nam rồi giam cầm trong nhà tù Trung Quốc, sau hơn ba năm mới được trao trả.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, đồng thời tôn vinh và trân trọng ghi ơn những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, First News - Trí Việt nhiều năm liền đã tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử với hy vọng tái hiện khoảnh khắc bi hùng ở cụm đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao vào sáng 14-3-1988.
Để thực hiện cuốn sách này, First News - Trí Việt đã tìm cách liên lạc và tổ chức nhiều chuyến đi về các địa phương gặp gỡ các nhân chứng lịch sử trở về từ Gạc Ma, thân nhân các gia đình liệt sĩ để thu thập tư liệu, hình ảnh và ghi chép lại những ký ức bi tráng. Từ đó, các tác giả đã tạo nên bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử hoàn thiện và trung thực.
Trong hành trình đó, để cho câu chuyện 64 liệt sĩ Gạc Ma lan tỏa rộng rãi tới bạn đọc Việt Nam, First News - Trí Việt đã lên ý tưởng, vận động tổ chức thành công cuộc đấu giá bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang trong 49 ngày để giúp đỡ cho 64 gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh Gạc Ma.
"Sự thật tới ngày thấy ánh sáng mặt trời" Là một vị tướng vào sinh ra tử và dày dạn trận mạc từ cuộc chiến tranh chống Mỹ nhưng chưa bao giờ có một sự kiện, một trận đánh tôi không tham gia mà phải đau đớn và trăn trở suốt nhiều năm trời như trận chiến Gạc Ma, mà phải gọi cho đúng hơn là cuộc thảm sát Gạc Ma diễn ra vào sáng 14-3-1988. 64 chiến sĩ hải quân của chúng ta đã hành động như những anh hùng và đã anh dũng hy sinh! Đằng sau 64 chiến sĩ đã xả thân ở Gạc Ma năm 1988 không chỉ có 64 bà mẹ và những người vợ, người con đau xé lòng, cạn nước mắt khóc thương mà những đồng đội của các anh và hầu như tất cả người dân Việt Nam vẫn còn day dứt, căm giận khôn nguôi. Hy sinh, mất mát trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi và hàng triệu người Việt Nam đã từng chấp nhận đánh đổi máu xương để giành độc lập, tự do cho đất nước. Nhưng đối với sự hy sinh của 64 chiến sĩ trong sự kiện Gạc Ma tháng 3-1988 là nỗi đau được nhân lên ngàn lần bởi các anh đi làm nhiệm vụ xây dựng đảo trong tay chỉ có xà beng, cuốc xẻng và trái tim yêu nước mà phải đối đầu với các loại súng đạn của đối phương tàn bạo. Những thế hệ người Việt Nam không bao giờ quên bài thơ đanh thép Nam quốc sơn hà của tổ tiên như lời tuyên ngôn độc lập mà Lý Thường Kiệt đã dõng dạc tuyên bố với giặc phương Bắc. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước từ thời Hùng Vương - An Dương Vương tới thời đại Hồ Chí Minh cho thấy khi chúng ta đoàn kết triệu người như một, Tổ quốc Việt Nam là bất khả xâm phạm với bất kỳ kẻ xâm lược nào. Với vị trí địa lý đặc biệt, biển Đông đóng vai trò quan trọng trong an ninh quốc phòng và là tuyến phòng thủ hướng Đông của Tổ quốc. Các đảo và quần đảo trên biển Đông, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ có ý nghĩa kiểm soát các tuyến đường biển qua lại mà còn có ý nghĩa chiến lược quân sự cực kỳ trọng yếu đối với Việt Nam. Lê Mã Lương |
“30 năm qua, trong những giấc mơ, tôi thấy những đồng đội của mình vẫn đứng đó canh giữ Gạc Ma” - thương binh Lê Minh Thoa, người trở về từ Gạc Ma, chia sẻ.
“Con đã ra tới nơi cha hy sinh và thấy cha rồi mẹ ơi...”. Trung úy hải quân Trần Thị Thủy (người con duy nhất của liệt sĩ Trần Văn Phương - người đã hy sinh trên đá Gạc Ma, Trường Sa ngày 14-3-1988), gọi về cho mẹ.