Rap lên ngôi ngoạn mục giữa mùa dịch
Sự lên ngôi của Rap đã mang đến một làn gió mới: trẻ trung và sôi động. Rap phủ sóng dày đặc cả trên truyền hình lẫn trên mạng xã hội. Rap trở thành thứ âm nhạc chủ đạo chứ không còn là “nhạc nền”, “gia vị” của các sản phẩm âm nhạc như thường thấy.
Chỉ một đoạn rap do Ricky Star thể hiện trong bài “Sao anh chưa về nhà”: “Cho hỏi là mấy giờ rồi vậy cà? Anh taxi à, anh taxi ơi!. Mới đi ra ngoài có 30 phút, mà đã liên tục phải hắt xì hơi” mà có tới hàng chục triệu lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Hoặc chỉ sau 2 tháng phát hành, MV “BigCityBoi” của Binz do Touliver làm nhạc đã đạt 44 triệu lượt xem trên mạng.
Rap trở thành chất liệu trong nhiều sản phẩm như “Từ chối nhẹ nhàng thôi” (Bích Phương, Phúc Du), “Gác lại âu lo” (Da LAB, Miu Lê), “Ex’s Hate Me 2” (AMEE, B Ray), “Thương thầm” (Ricky Star), “Trời hôm nay nhiều mây cực” (Đen Vâu), “Hà Nội xịn” (LK)...
Lần đầu tiên trên truyền hình có tới hai gameshow liên quan đến rap là “King of Rap” và “Rap Việt” cùng lên sóng vào khung giờ vàng. Tuy phát sóng ở hai kênh khác nhau và hình thức thể hiện cũng khác nhau nhưng sức nóng của rap đều lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng sau mỗi số phát sóng. Thực tế này, cho thấy lượng rapper trẻ “ngầm” trong thị trường âm nhạc đang rất dồi dào và đầy tiềm năng.
MV “chơi chơi” bỗng “làm mưa làm gió”
Ở một góc nhìn khác, trong khi dịch Covid-19 làm cho nhiều ca sĩ thận trọng và rụt rè khi ra các sản phẩm âm nhạc thì nhiều sản phẩm âm nhạc chỉ mang tính “chơi chơi”, “siêu rẻ”... lại lên ngôi ngoạn mục.
Bằng chứng là thời gian qua, MV “Hoa nở không màu” và “Buồn làm chi em ơi” do Nguyễn Minh Cường sáng tác, Hoài Lâm thể hiện luôn dẫn đầu trên Top Trending của YouTube Việt Nam. Lượng người xem tính đến thời điểm hiện tại đã vượt qua con số 90 triệu. Riêng ca khúc “Buồn làm chi em ơi” được hàng loạt ca sĩ tên tuổi như: Như Quỳnh, Quang Lê, Thanh Thảo, Thanh Duy... cover lại. Nhiều nghệ sĩ cũng dựa trên ca khúc này để cho ra các sản phẩm phái sinh như Tấn Beo (hài), Linh Tâm (tân cổ)...
Điều đáng nói là MV “Buồn làm chi em ơi”, “Hoa nở không màu”... đều là những music video được thực hiện rất đơn giản. Ngoài hình ảnh nhạc sĩ ôm guitar đệm đàn cho ca sĩ hát thì không có gì khác. Hiện tượng này cho thấy, giá trị của một sản phẩm âm nhạc không hẳn phải được khẳng định bằng hình ảnh trau chuốt, duy mỹ, đầu tư tiền tỷ... mà bằng âm nhạc thực sự.
Đã đến thời âm nhạc không chạy theo đám đông
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, sự lên ngôi của rap thời gian gần đây là tất yếu, nhất là khi khán giả đã quá no nê với trào lưu bolero và nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng hoà nhập với âm nhạc quốc tế.
“Có nhiều yếu tố giúp rap lên ngôi ngoạn mục. Một là do được phát sóng trên đài truyền hình nên kiểm duyệt gắt gao về lyric, nội dung, loại bỏ những câu nhạy cảm, cách rap diss (công kích nhau), chọn lọc những bài rap có nội dung tốt... Dẫn đến việc tạo được thiện cảm với nhiều người, nhất là những người lớn tuổi, vốn có thành kiến với sự “đen tối” của rap và phong cách sống của các rapper.
Hai là xuất hiện nhiều bạn rapper trẻ rất văn minh và khéo léo, thể hiện được phong cách và quan điểm sống cũng như cá tính đặc biệt của mình qua những bài rap với ca từ chuẩn mực, mới lạ, phóng khoáng và sáng tạo.
Điều này cho thấy, âm nhạc ngày càng đến gần với đời sống và nghệ sĩ không còn “đặc quyền” dẫn dắt người nghe đi theo những chuẩn mực của riêng mình. Rap với ca từ rất đời, rất thực tế và rất gần với ngôn ngữ của giới trẻ không chỉ làm chức năng âm nhạc mà còn thể hiện tiếng nói của thời đại, của thế hệ. Đa phần người trẻ tìm đến với rap vì họ thấy ở đó có một phần con người họ”.
Riêng sự thành công của Hoài Lâm và một số ca sĩ cũng cho thấy sự thú vị và bất ngờ của âm nhạc.
“Không phải MV nào đầu tư tiền tỷ cũng sẽ thành công mà luôn có những “tờ vé số độc đắc” lẩn khuất đâu đó trong những MV “siêu rẻ”. Cách đây 8 năm là MV tranh cát “Nhật ký của mẹ” của tôi, bây giờ là MV cậu đàn tôi hát của Hoài Lâm và Nguyễn Minh Cường.
Tất nhiên sự nổi tiếng đó cũng phải được cộng hưởng nhiều yếu tố khác như bài hát hay, giọng ca đẹp và nhiều cảm xúc. Điều đó cho thấy, tác phẩm âm nhạc có nghiêng về chiều sâu - chất vẫn luôn có chỗ đứng. Điều quan trọng là nghệ sĩ có dám bỏ qua một bên những hào nhoáng của trào lưu, của gánh nặng “chạy view” để đặt tâm trí vào việc sáng tạo những sản phẩm đầy đặn giá trị nội dung”, Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng cho rằng, rap đã tồn tại âm ỉ trong đời sống âm nhạc từ khá lâu cho nên khi nó được “đưa ra ánh sáng”, đứng ngang hàng với những dòng nhạc khác đã tạo nên sự bùng nổ. Sự bùng nổ này đương nhiên chỉ ở một thời điểm nhất định rồi sẽ lại dần cân bằng theo quy luật của sự vận động.
“Trong thời đại “đại chúng hoá” giải trí, lại có sự góp sức của công nghệ số nên rap bùng nổ mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng, đây cũng là lý do khiến những clip rất đơn giản lại dễ tạo sức hút mạnh mẽ. Công chúng thích thú trước những hình ảnh gần gũi với đời thường trong một sản phẩm.
Nó tạo sự khác biệt so với trước đây chủ yếu khán giả đón nhận những MV chỉnh chu về hình ảnh và âm nhạc với mức đầu tư tiền tỷ. Tức là nó tạo một món ăn mới cho đời sống âm nhạc. Đương nhiên, yếu tố quan trọng nhất để một sản phẩm nhận được sự hưởng ứng của công chúng phải là giọng hát.
Trường hợp của Hoài Lâm với các MV “chơi chơi”, không đầu tư bài bản nhưng lại được công chúng đón nhận cho thấy giá trị sản phẩm âm nhạc đã được nhìn nhận bằng chính chất lượng âm nhạc của nó”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói.
Theo Hà Tùng Long – Dân Trí