Trả lời phóng viên Dân trí, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, con gái NSƯT Lê Hằng cho biết mẹ chị qua đời lúc 19h50 ngày 18/3 ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội. Bà Lê Hằng bị ung thư đại tràng, đã di căn sang gan.
"Mẹ tôi bị đột quỵ cách đây gần 10 năm nên sức khỏe yếu dần, mất giọng và không hát được nữa. Những năm tháng cuối đời, mẹ còn bị các tế bào ung thư hành hạ, chỉ còn da bọc xương. Chúng tôi thương mẹ lắm", chị Thủy nói. Theo chị Thủy, các con và người thân đang lo tang lễ cho bà.
Trước tin NSƯT Lê Hằng, giai nhân nức tiếng phố cổ một thời- nàng thơ trong những tình khúc đắm say của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua đời khiến nhiều nghệ sĩ vô cùng thương tiếc.
"Những ca khúc mang dáng dấp của bà Hằng là liên quan đến mùa thu, tà áo xanh, nó rất lãng mạn. Từ nguồn cảm xúc đặc biệt dành cho nữ nghệ sĩ Lê Hằng, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã sáng tác nên những tuyệt phẩm. Những giai điệu đẹp vô cùng, lãng mạn vô cùng và cũng hết sức nhẹ nhàng, tinh tế và cũng tràn đầy khát khao. Tôi cho rằng, đó là câu chuyện tình trong âm nhạc Việt Nam, đẹp và bất tử", nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cảm thán trước sự ra đi của nàng thơ trong những tình khúc say đắm của Đoàn Chuẩn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà văn Trương Quý, tác giả cuốn khảo cứu "Một thời Hà Nội hát" bày tỏ niềm thương tiếc với nữ ca sĩ mà anh có duyên gặp gỡ. Nhà văn Trương Quý cũng chính là người mang "huyền thoại" về bà Lê Hằng vào sách.
Theo nhà văn Trương Quý, NSƯT Lê Hằng tên thật là Lê Lệ Hảo, sinh năm 1935 tại Hà Nội. Ngày trẻ, bà từng làm công việc đánh máy và lồng tiếng cho các vở kịch rối của họa sĩ Mạnh Quỳnh.
Chính nhạc sĩ Tu Mi là người phát hiện ra giọng hát đặc biệt của Lệ Hảo. Ông luyện cho bà để đi thi hát và bà đã giành giải nhất cuộc thi hát tại Đài phát thanh Hà Nội năm 1953 và từ đó trở thành ngôi sao lớn của tân nhạc Việt Nam, với nghệ danh Thanh Hằng.
Thanh Hằng là nàng thơ ở rạp Đại Đồng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, rất thành công với các ca khúc tiền chiến nhưng lại không bao giờ thể hiện các bài hát của Đoàn Chuẩn. Trong đó có nhiều bài nhạc sĩ sáng tác về bà như "Tà áo xanh", "Vàng phai mấy lá", "Lá đổ muôn chiều", "Chiếc lá cuối cùng"…
Khác với các ca sĩ nổi tiếng trước 1954, bà không chọn di cư vào Nam mà ở lại Hà Nội, chuyển sang hát nhạc cách mạng với nghệ danh Lê Hằng.
Bà nổi tiếng với bài "Trước ngày hội bắn", hát cùng với Trịnh Quý, tiết mục đã đạt tới 3 huy chương năm 1962, tại Hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc năm 1962, trong đó bà giành Huy chương Vàng.
Được biết, người đẹp Hà Thành với màu áo xanh huyền thoại một thời sống khá lặng lẽ, giản dị bên chồng, nghệ sĩ đàn accordeon Nguyễn Đăng Tư và các con.
"Tôi đã gặp gỡ nghệ sĩ Lê Hằng, các con của bà cũng như gia đình cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn khi viết cuốn "Một thời Hà Nội hát". Dù nhiều tuổi, bà Hằng vẫn đẹp lắm, tính tình đúng kiểu người Hà Nội cũ: kỹ lưỡng, nề nếp, khiêm nhường, thư thái.
Khi tôi đưa cho bà xem bức ảnh của bà được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lưu giữ đến cuối đời, bà Hằng và gia đình bất ngờ lắm. Bà nói, bà cũng không có bức ảnh đó", nhà văn Trương Quý kể.
Được biết, nhà văn Trương Quý cũng là người kết nối ê kíp chương trình "Chân dung cuộc tình" với bà Hằng phát sóng tháng 10/2019. Tại chương trình, bà Hằng xác nhận ca khúc kinh điển "Tà áo xanh" là cố nhạc sĩ viết cho mình: "Tôi biết ông ấy sáng tác ca khúc đó cho tôi vì tôi hay mặc áo xanh. Tôi từng đến nhà ông ấy, ra ngoài ban công đứng và hỏi ông: "Sao mùa xuân mà lá vẫn rơi?". Bài hát ông viết về tôi, tôi rất cảm ơn. Tuy nhiên, bảo hát thì tôi không hát. Người ta viết về mình, mà mình lại ca ngợi nó thì không được. Thế nên tôi để cho người khác hát".
Khi được hỏi về chuyện tình cảm với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, bà nói, bà biết tình cảm của ông nhưng vì nam nhạc sĩ đã có gia đình rồi nên bà không tiến tới. "Tôi biết nhưng tôi không tiến tới được. Ông ấy có vợ rồi, mình không thể tiến tới tình yêu được", giọng ca lừng danh một thời khẳng định.
Nguyễn Hằng