Giữa lúc đám cháy đang lan nhanh, trong lằn ranh sinh tử đó, bốn thanh niên (gồm Phạm Quốc Luật, Nguyễn Kim Long, Hoàng Anh Tuấn, Đồng Văn Tuấn) đã nhanh trí, dũng cảm sử dụng thang leo lên tầng cao, dùng búa tạ đập tường, kịp thời giải cứu các nạn nhân trong vụ cháy.
Đó là những người hùng vừa xuất hiện trong vụ cháy ở phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) vừa qua. Xung quanh vụ cháy đau lòng khiến 14 người chết này, ngoài tường thuật vụ việc, tìm kiếm nguyên nhân, xử lý sau hỏa hoạn của ngành chức năng, số phận bi thương của các nạn nhân… thì hình ảnh những người hùng được báo chí khắc họa đậm nét.
Nếu không có họ, số nạn nhân tử vong có thể nhiều hơn. Ai cũng biết, cứu người trong hỏa hoạn cần nhanh, quyết đoán và cả sự dũng cảm vì hiện trường đầy rủi ro. Nếu không có kỹ năng, lòng quả cảm và cả tình thương thôi thúc "phải cứu người" - một mệnh lệnh dứt khoát của trái tim - thì chẳng ai dám mạo hiểm. Gọi họ là người hùng bởi những tố chất ấy, cùng kết quả cứu được người trong nguy cấp của họ, thực sự rất xứng đáng.
Không chỉ mỗi vụ cháy ở Trung Kính mới có những người hùng xuất hiện. Chưa đầy một năm trước, vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng hơn ở chung cư mini tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng có những người hùng đã lao vào khói lửa để cứu người.
Một trong những người hùng đó là anh Nguyễn Đăng Văn (30 tuổi, quê Bắc Ninh, làm nghề shipper), người đã dũng cảm lao vào đám cháy đêm 12/9/2023 để cứu người.
Khi nghe báo tin dữ, Nguyễn Đăng Văn chạy tới hiện trường vì có người thân sinh sống ở đây. Nhìn vào hiện trường hỏa hoạn, Đăng cho biết quá nóng ruột, tầng tư, cô cháu gái 13 tuổi của anh chưa thể thoát ra.
"Không nghĩ quá nhiều, khi thấy một anh công an chạy vào, em cũng chạy theo. Để bảo vệ, em đeo khẩu trang, đội ngược mũ bảo hiểm. Khi đó em sợ lắm, nhưng người nhà mình bên trong, không thể không vào", Văn kể với báo chí. Chạy lên tới tầng tư, Văn dùng búa đập vỡ cánh cửa và cứu được anh, chị họ cùng con gái bên trong rồi đưa ra ngoài. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục lao lên các tầng khác khi vẫn nghe thấy tiếng kêu cứu.
Vụ cháy ở Khương Hạ còn ghi nhận hình ảnh lấm lem của anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội cứu hộ FAS Angel (đội cứu hộ 0 đồng, gồm những tài xế xe ôm công nghệ).
Anh Việt kể, khoảng 23h45 ngày 12/9/2023, từ đường dây nóng của Đội cứu hộ FAS Angel, nhận tin báo hỗ trợ người bị nạn từ đám cháy tại ngõ 29 phố Khương Hạ. Ngay lập tức, anh Việt đã điều chiếc xe cứu thương số 02 đến hiện trường hỗ trợ những người bị nạn. Sau ít phút, anh Việt đánh giá vụ cháy chung cư mini sẽ để lại hậu quả nặng nề nên đã bàn giao xe cứu thương cho một tình nguyện viên trong đội để huy động thêm chiếc xe cứu thương số 03 ở Cầu Diễn (phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tới hiện trường.
Bên cạnh đó, anh Việt cũng thông báo tin cháy lên nhóm để các tình nguyện nắm được và di chuyển đến hiện trường. Ngay sau khi tiếp cận hiện trường, một số thành viên hít phải khói độc, thế nhưng bằng kinh nghiệm cứu hộ đã được học tập và trải qua thực tế, đội cứu hộ nhanh chóng ổn định tinh thần. Họ cùng lực lượng chức năng đến từng căn phòng tại chung cư, tìm kiếm người sống sót còn đang mắc kẹt.
Không khỏi đau xót kể về vụ việc, anh Phạm Quốc Việt cho biết: "Tổng cộng, chúng tôi đã cứu được khoảng 12 người và đưa họ đi bệnh viện". Ngoài việc cứu người xuyên đêm, 50 tình nguyện viên còn hỗ trợ chuyển thi thể nạn nhân xấu số đến các nhà tang lễ.
Thực tế, cuộc sống của chúng ta tiềm ẩn những tai ương bất ngờ, và trong cảnh hiểm nguy, hoạn nạn, luôn có những anh hùng thầm lặng. Gọi là anh hùng thầm lặng vì họ vốn là những người bình thường ở xung quanh chúng ta, không ai biết họ là anh hùng cho đến khi họ lao vào lửa để cứu người.
Ngày nay, giáo dục đâu đó quá nặng thành tích, đôi khi quên mất câu "tiên học lễ, hậu học văn". Trong khi đó, tôi có niềm tin rằng bất kỳ đứa trẻ cũng có thể trở thành người hùng nếu được "tiên học lễ", được vun bồi tình yêu thương, lòng trắc ẩn, xây dựng ý thức sẻ chia và sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Khi đó, người hùng không phải chỉ là người lao vào trong lửa đỏ cứu người, mà có thể là những nhân vật âm thầm đang làm những công việc bình thường hằng ngày với chất liệu thương yêu, hiểu biết.
Tôi từng gặp người hùng thầm lặng như thế. Ví dụ như một người thầy trẻ ở Đạo tràng An Viên (TPHCM). Thầy có 15 năm làm công tác từ thiện và trong khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm thầy đều dành tâm sức để vận động mua mới hoặc mua cũ rồi sửa lại những chiếc xe lăn để trao đến người nghèo. Trong lần trao xe lăn dịp Phật đản vừa qua, thầy tâm sự: "Thấy người ta khổ mình không chịu được, lòng mình không yên. Do vậy thầy cứ làm hết năm này qua năm khác".
Là người Phật tử, tôi nghĩ tất cả những người hùng đều gặp nhau ở điểm ấy: thấy người ta đau khổ, thấy cái chết trước mắt, họ không thể không dang tay chia sẻ, cứu giúp.
Là Phật tử, tôi học lời Phật dạy và hiểu rằng, trong tất cả mọi người đều có Phật tánh, tức hạt giống thương yêu, hiểu biết. Họ sẽ tỏa sáng cái chất từ bi, trí tuệ ấy khi gặp đúng thời, được dồi trau, nuôi dưỡng trong đời sống, suy tư hằng ngày. Thấy người ta khổ, dâng lên niềm thương. Cứ vậy, nuôi dưỡng tâm lành ý thiện mỗi ngày, khi nó đủ lớn thì lòng mình thanh trong, việc làm của mình sẽ tương ứng, theo đúng tiếng nói từ bên trong.
Do vậy, tôi nghĩ những tấm gương của những người hùng đã biểu hiện trong cuộc đời này rất đáng để biểu dương, hơn hết là lan tỏa tinh thần ấy trong cộng đồng từ việc giáo dục trong nhà trường, gia đình, xã hội.
Trở lại với những người hùng trong những vụ cháy kể trên, tôi ước (và tin rằng các anh ấy cũng ước), tốt nhất không để xảy ra cháy nổ thương tâm để không ai phải trở thành anh hùng trong cảnh đau lòng ấy cả!
Tác giả:Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.