Trên tường Facebook của rất nhiều người Việt Nam trong khoảng 1 tuần trở lại đây – nhất là những người con miền Trung, thông tin xuất hiện nhiều nhất và thường xuyên nhất chắc chắn là về những thiên tai khủng khiếp tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh.
Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, cần khoảng 2 ngày 1 đêm để nước lên đến nóc nhà, nhưng tại Quảng Trị là chưa đến 1 ngày và 1 đêm, đến Quảng Bình – thời gian để nước dâng lên gần ngập nóc nhà còn nhanh hơn nữa.
Không ít người ở các đô thị lớn có thói quen ngủ muộn như Hà Nội, TP. HCM đã không ngủ nổi mới những tiếng kêu cứu xé lòng trong màn đêm trên Facebook, của rất nhiều người dân tại vùng trũng ở 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình.
Thế nhưng, có một điều may mắn là những lời kêu cứu đó đã có người nghe, nên hầu hết họ đã an toàn qua cơ nguy nan. Trong đó, không thể không kể đến phần đóng góp to lớn của Biệt đội cano 0 đồng – những người hùng thầm lặng, đã không ngại gian khó và nguy hiểm, giúp người dân kịp thời đến nơi chốn an toàn hoặc tiếp tế thức ăn cần thiết đợi thiên tai đi qua.
Biệt đội của những ‘dân chơi sành điệu’
Phải nói ngay rằng, tất cả những phương tiện trong Biệt đội 0 đồng được ông bà chủ của nó sắm ra không phải với mục đích giải cứu hay cứu trợ mà để giải trí. Từ cano hay thuyền hơi hoặc SUP là để phục vụ cho việc du lịch giải trí của các thành viên trong Biệt đội khi rảnh rỗi.
Những người hùng thầm lặng trong Biệt đội cano 0 đồng.
3 cano mà Biệt đội đang có: 2 từ Đà Nẵng trong đó 1 cano có trọng tải khoảng 20 người từ công ty du lịch Bãi Rạng Xanh và 1 mới được tăng cường từ công ty Lăng Cô Biển Xanh. 10 thuyền hơi máy có 5 của CLB thuyền hơi Đà Nẵng và 5 của CLB thuyền hơi Hà Nội. Còn khoảng 7 thuyền SUP là của Vựa SUP Đà Nẵng.
2 nhân vật chủ chốt của Biệt đội có thể kể đến anh Trần Đăng Vinh (sinh1990) và ông Vũ Minh Hùng. Trên Facebook, anh Vinh giới thiệu mình từng là Bboy tại BJS Crew, hiện tại đang là chủ của 3 công ty trong ngành truyền thông ở Đà Nẵng và chính là founder của Biệt đội cano 0 đồng, Đà Nẵng Tình Người. Còn ông Hùng là Phó Chủ tịch của CLB thuyền hơi Hà Nội, một người đàn ông lớn tuổi thành đạt thích đội mũ cối và hút thuốc lào.
Chẳng hiểu vì sao 2 con người tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau như thế này có thể vượt cả ngàn cây số để gặp nhau và cùng chung vai sát cánh giúp đồng bào trong mùa lũ. Hơn nữa, bạn không nên ngạc nhiên khi trong clip cứu hộ của Biệt đội có thể nghe thấy tiếng Đà Nẵng, tiếng Hà Nội trộn lẫn trong tiếng người dân địa phương.
Mục tiêu chính đầu tiên của Biệt đội là đưa hàng cứu trợ, cứu hộ người dân bị mắc kẹt chỉ phụ
Theo chia sẻ của anh Vinh trên Facebook, thì anh đã có 9 năm kinh nghiệm trong việc cứu trợ ở miền Trung. Anh cùng đội của mình đã ra cứu trợ các tỉnh lân cận bắt đầu từ khoảng 8/10. Mục tiêu là đưa hàng cứu trợ đến những vùng sâu – vùng xa của Huế và Quảng trị thông qua đội thuyền hơi và thuyền SUP; cứu hộ chỉ là phụ, vì lúc đó tình hình lũ lụt vẫn chưa căng thẳng. Trong giai đoạn đầu tiên, Biệt đội không hề có cano trọng tải lớn mà chỉ có thuyền hơi và SUP.
Trong giai đoạn đầu tiên của mùa lũ, Biệt đội còn dùng thuyền SUP để cứu trợ hàng hóa.
"Cứu trợ lũ lụt không hề đơn giản. Bắt đầu từ hôm kia Vinh đã có mặt tại Quảng Trị, khảo sát tiền trạm lấy thông tin thực tế. Hôm qua, Vinh điều động 2 chiếc cano (kế hoạch ban đầu tính 4 chiếc) và 7 chiếc SUP từ Đà Nẵng ra Quảng Trị. Cano nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng liên tục từ nơi bắt đầu ngập đến trung tâm vùng lụt, tập kết hàng rồi quay lại chuyển tiếp hàng, 1 chiếc cano đưa hàng từ điểm tập kết đến các thôn xóm, rồi có các bạn chèo SUP tinh nhuệ nhất Đà Nẵng nhận hàng và đưa đi len lỏi đến tận nhà bà con.
Một ngày anh em dầm trong mưa lớn gió to, một số đoạn nước chảy siết, anh em ướt sũng đẫm lạnh, không ít lần lật SUP té nhào nước, cano bị sự cố phải kéo rất vất vả. Nhưng tất cả đều trên khuôn khổ an toàn với những phương án được tính toán kỹ và khảo sát tiền trạm trước đó. Và kết quả thật tuyệt cho đoàn, anh em chúng tôi đưa hàng đến tận những gia đình đã bị cô lập nhiều ngày, những món hàng thiết thực nhất nhất trong lúc này đem lại niềm vui cho cả người cho lẫn người nhận.
Chính quyền địa phương cũng bất ngờ vì có một nhóm thiện nguyện lên phương án chi tiết tối ưu như thế, khi chính ở đây cũng đang thiếu thốn trầm trọng phương tiện di chuyển đường thuỷ, kể cả ghe thuyền thô sơ cũng thiếu cho những nhiệm vụ khẩn quan trọng.
Thấy hôm qua mọi người tranh luận sôi nổi vụ một nhóm thiện nguyện yêu cầu địa phương hỗ trợ cano nhưng không được đáp ứng. Lúc chiều hôm qua, cũng có người gọi mình nhờ cano cho vụ này. Mình chỉ muốn chia sẻ câu chuyện công tác cứu trợ lũ lụt của mình, để anh em các đội nhóm thiện nguyện có thêm góc nhìn trong vấn đề này.
Anh Trần Đăng Vinh cùng các đồng đội của mình đang tham gia cứu hộ người dân.
Tất cả phải chủ động lên phương án, chủ động phương tiện và cách thức tiếp cận, không thể yêu cầu chính quyền địa phương ưu tiên cung cấp phương tiện di chuyển vốn đã hiếm hoi cho những công tác thiện nguyện của chúng ta. Còn rất nhiều nhiệm vụ cứu hộ, di tản và những nhiệm vụ đặc biệt mà chính quyền địa phương phải ưu tiên hàng đầu.
Ngay từ khi nghe Quảng Trị thiệt hại nặng, tính phương án sẽ đi cứu trợ thì lập tức Vinh đã chủ động huy động cano tại Đà Nẵng. Với 9 năm tham gia cứu trợ thiên tai bão lũ luôn trong những ngày đầu tiên và rất nhiều phương án tiếp cận sâu sát nhất, Vinh chỉ có một lời khuyên là cứu trợ bão lũ ở những khu vực nước còn ngập cao và tình hình mưa gió còn lớn là rất nguy hiểm, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm lên phương án và điều phối xử lý tình huống tốt.
Còn tốt nhất, các đội nhóm có thể phối hợp với chính quyền địa phương nắm thông tin, cứu trợ bà con ở những nơi nước đã rút tương đối, hoặc cứu trợ hậu bão lũ, đảm bảo an toàn và công tác thiện nguyện được thành công tốt đẹp", anh Vinh đã viết trên Facebook của mình như thế trong ngày 12/10.
Đến ngày 14/10, thì CLB thuyền hơi của Hà Nội di chuyển vào Huế để gia nhập Biệt đội. Lúc này, công việc chính của họ vẫn là cứu trợ hàng hóa chứ không phải cứu nạn, nên vẫn còn dễ thở và cũng chưa đặt tên là Biệt đội cano 0 đồng.
Hiện tại, cứu hộ người mới là nhiệm vụ chính kèm cứu trợ lương thực hàng hóa
Mọi chuyện chỉ trở nên căng thẳng từ ngày 17, khi những tiếng kêu cứu trong đêm ở Quảng Trị trở thành nỗi ám ảnh của người dân cả nước, thì họ mới đặt tên là Biệt đội 0 đồng, có Facebook riêng để người dân tiện liên lạc khi gặp nạn và họ cũng dễ xử lý những lời cầu cứu hoặc đề nghị giúp đỡ. Cũng trong thời gian này, ông Vũ Minh Hùng cũng từ Hà Nội vào cùng rất nhiều hàng cứu trợ và kịp sát cánh cùng thành viên trong CLB mình ở những ngày gian khó nhất.
Cũng trong ngày 17/10, ông Vũ Minh Hùng cùng các thành viên trong CLB thuyền hơi Hà Nội đã di tản và cứu hộ khoảng 91 người khỏi nơi nguy hiểm bị cô lập do nước dâng rất cao.
Trong 3 ngày 17, 18 và 19 khi nạn đại hồng thủy nhấn chìm 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình trong thời gian kỷ lục, cũng là quãng thời gian cả Biệt đội không biết mình là ai vì phải điên cuồng chạy đi cứu trợ cả ngày lẫn đêm. Có thể nói, chính Biệt đội này đã góp công lớn trong việc không biến những lời kêu cứu trong đêm của người dân 2 tỉnh nói trên trở thành lời nói cuối cùng. Dù không có bất cứ con số thống kê nào về số người mà cả đội đã cứu hộ - cứu trợ, nhưng chắc chắn là không hề nhỏ.
Nên biết, cả huyện Hải Lăng – Quảng Trị chỉ có đúng 3 chiếc cano. Chúng ta không thể tượng tượng được, nếu không có khoảng mười mấy chiếc cano của Biệt đội 0 đồng, thì tình huống của hai tỉnh Quảng Trị - Quảng Bình sẽ căng thẳng đến mức nào.
Đến ngày 18/10, do tình hình quá khẩn cấp, Biệt đội đã huy động thêm cano 20 chỗ từ Đã Nẵng và có thể nói, dù gia nhập sau nhưng chiếc cano trọng tải lớn này là ‘công thần’ của cả Biệt đội. Cano thuyền hơi cơ động nhưng sức chứa không lớn và không vững vàng như cano 20 chỗ cỡ lớn này. Sự có mặt của cano lớn với biệt đội như ‘nắng hạn gặp trời mưa’. Đó là nguyên do, Biệt đội vừa mượn thêm 1 chiếc cano lớn tương tự từ Lăng Cô – Huế.
Một 'bức thư' cảm ơn của người dân Quảng Bình tới Biệt Đội.
"Em chỉ biết anh tên Huy, làm cho công ty du lịch Rạng chi đó ở Đà Nẵng. Không biết dùng ngôn từ, hành động mô để có thể diễn tả được tấm lòng và sự chân tình của anh dành cho đồng bào vùng lũ Quảng Bình.
Nghe nói Quảng Bình lũ lụt cần cứu người, anh cùng đoàn cứu hộ đã đưa thuyền ra cứu hộ ở Quảng Bình từ 21 giờ ngày 18/10 mang theo nhu yếu phẩm và thuyền để đi cứu hộ. Anh và một bạn tên Bờm cùng 3 người hoa tiêu của Vạn Ninh, đã đi cứu được hàng chục người ở mấy xã vùng lũ chỉ với một chiếc đèn pin và 1 chiếc thuyền.
24 giờ trên thuyền không ăn, không ngủ, người ngấm nước mưa run cầm cập suốt thời gian đi cứu bà con cho đến lúc đi phát lương thực nhu yếu phẩm nhưng anh không có một lời than vãn hay nặng lời với bà con và anh em trên thuyền.
Đêm qua thuyền em mắc kẹt vì sóng to, mưa to, gió to không đi được. Anh vì muốn đưa đoàn 8 người về an toàn mà đã hy sinh cả chiếc thuyền của mình. May tay lái anh vững vàng không thì giờ đoàn em ở đâu chắc khó biết. Gió to, nước cuốn, thuyền vấp dây điện với cáp điện thoại lật 2 lần, làm gãy luôn cánh gà - ăng ten của thuyền.
Là một người con của Quảng Bình, chân thành cảm ơn anh, dành cho anh và gia đình cùng đoàn thiện nguyện của anh những lời chúc tốt đẹp nhất. Mong cho anh có thật nhiều sức khoẻ và thành công trên con đường phía trước. Chỉ mong anh an toàn để gia đình và người thân khỏi lo lắng. Biết anh đuối sức lắm rồi, cố lên anh nhé!!! Bạn Bờm đi cùng đoàn với anh hôm qua suýt ngất trên thuyền vì lạnh, ngấm nước mưa", một status cảm ơn Biệt đội của một người dân Quảng Bình viết trên Facebook Huyện Quảng Ninh – Quảng Bình.
Lạc đường và lật thuyền là nguy cơ thường trực
Biệt đội đi dọc theo quốc lộ, dừng ở chỗ không thể di chuyển nữa và chọn đó làm đại bản doanh tạm thời.
Hiện tại, chúng ta có thể hiểu, Biệt đội cano 0 đồng sẽ hoạt động như thế này. Họ mang thuyền hơi và SUP bằng xe ô tô dọc theo quốc lộ, đến đoạn nào ngập không thể đi được nữa, họ sẽ dừng lại và tổ chức cứu trợ. Xe hơi vừa là nơi đựng hàng hóa cứu trợ, thỉnh thoảng còn là chỗ để bà con sưởi ấm. Bãi xe tạm thời này còn là nơi họ nhận hàng hóa đặt mua ở khắp nơi, có thể xem là đại bản doanh của họ.
Anh Vinh đã đứng ra quyên góp gần 800 triệu kể từ đầu mùa lũ và dùng số tiền đó để mua các nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết để bà con miền Trung tiếp tục sống chung với lũ một cách an toàn.
Cano có trọng tải lớn 20 chỗ ngồi từ Đà Nẵng chuẩn bị bổ sung vào Biệt đội trong ngày 18/10.
Đây là cano lớn mới nhất gia nhập Biệt đội từ Lăng Cô - Huế.
Trước đây, vì chưa có cano lớn, nên Biệt đội không thể đi cứu hộ - cứu trợ quá xa đường quốc lộ với thuyền hơi, nhưng bây giờ đã khác. Cano lớn sẽ chịu trách nhiệm cứu hộ những vùng xa và đông dân cư, thuyền hơi sẽ chia làm 2 đội Đà Nẵng – Hà Nội cùng tỏa ra 2 hướng khác nhau, để công việc cứu hộ - cứu trợ được nhanh và hiệu quả hơn. Do hiện tại chủ yếu là cứu hộ người và nước lên cao nguy hiểm, nên Biệt đội không dùng thuyền SUP nữa.
Công việc này hết sức vất vả và nguy hiểm. Giữa mênh mông biển nước, không biết đâu là bờ, ngay cả cano có trọng tải lớn 20 chỗ còn suýt gặp nạn, huống chi là những chiếc thuyền hơi nhỏ bé. Theo lời kể của anh Vinh, thì Biệt đội đã có vài lần lật thuyền, nhưng cũng may là chưa ai gặp nguy hiểm. Hơn nữa, thuyền cũng rất dễ lạc đường nếu không có sự hỗ trợ của những người dân địa phương giỏi xác định phương hướng.
Những gương mặt phờ phạc nhưng cũng đầy niềm vui của Biệt đội sau một ngày 21/10 cấp tập cứu hộ.
"Một ngày quá dài với Biệt đội cano 0 đồng. Cả đoàn 3 cano lớn và 5 xuồng hơi đi sâu vào Lệ Thuỷ, thêm 5 xuồng anh em Hà Nội đi xuống từ cung đường Trường Sơn. Đến điểm tập kết cả nhóm phân ra đi tiếp cận vào các hộ dân, 2 cano lớn về lại bến để lấy thêm hàng rồi quay lại, trên đường về gặp một thuyền bị nạn nứt đáy nước tràn đầy thuyền, nên 2 cano ở lại ứng cứu.
Toàn bộ hoa tiêu dẫn đường người địa phương ngồi hết trên cano lớn, mà giờ cano không quay lại nên anh em đội xuồng hơi làm xong nhiệm vụ phải tự mò đường về lại. Đường đi như mê cung, anh em lạc nhau mỗi người một hướng, đi bến này về bến nọ, có chiếc thì xoay quanh tới lui nhiều hết xăng nhờ thuyền khác kéo về.
Cuối cùng thì cả đoàn cũng tập kết về đến nơi, ai cũng rét run, vừa đến nơi được một người anh đáng kính gửi tặng từ Đà Nẵng ra cho 500 cái áo phao và 1 hộp sâm Hàn Quốc bồi bổ cho anh em đội cano", đây là status gần nhất của Biệt đội trên FB của mình.
Trong đêm 21/10, Biệt đội đã di chuyển sang Đồng Hới để tiếp tục công việc cứu hộ - cứu trợ của mình ở tỉnh Quảng Bình.
Theo Trí Thức Trẻ