Nhưng vụ cháy ngày 28.8 tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thì khác. Một ngày sau vụ cháy, UBND phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) có văn bản khuyến cáo “người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, heo được nuôi trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày”.
Dư luận hoang mang, người dân lo lắng bởi rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra mà chưa được trả lời thỏa đáng.
Rằng tại sao khuyến cáo chỉ giới hạn bán kính 1 km và thời hạn 21 ngày mà không hơn kém? Những thông số này dựa trên cơ sở nào? Nếu thực hiện đúng hướng dẫn thì phải hủy mọi vật, cây nuôi trồng; kể cả chuồng chậu? Rồi xử lý vệ sinh từ thân thể, quần áo đến vật dụng, nhà cửa… Tất tần tật. Nước thải độc hại này sẽ trôi về đâu? Bao nhiêu công sức, tiền bạc. Người dân lãnh đủ. Có thể kiện buộc nhà máy đền bù như các nước được không?
Rằng phường căn cứ vào đâu mà ra thông báo. Một ngày sau lại thu hồi nghĩa là sao. Hay là có lãnh đạo phường vốn chuyên sâu lĩnh vực này chuyển qua? Bình thường, chỉ cảm nhận bằng giác quan làm sao biết cụ thể? Trạm Y tế phường càng không dám. Thiệt hại đủ thứ từ khuyến cáo của phường ai chịu trách nhiệm? Người ký hay người chỉ đạo?
Bộ Y tế, Tổng cục Môi trường cùng các cơ quan chức năng ở đâu sau vụ cháy? Trả lời báo chí, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Hà cho biết: “Ngày 28.8, trong lúc chữa cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có hai Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và một người dân phải cấp cứu ở Bệnh viện Bộ Xây dựng, do bị ngạt khói”. Nghe xong trớt quớt. Tin này ai đọc báo chẳng biết. Vấn đề là ngạt khói thường hay khói độc? Hỏi về thông báo khuyến cáo của phường, bà Hà bảo “không phụ trách mảng này và đề nghị liên hệ với người phụ trách”. Thế sao không cử luôn “người phụ trách” trả lời báo chí mà phải lòng vòng như vậy?
Từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông, dân tình mới tá hỏa là lâu nay mình không chỉ đang “sống chung với lũ” mà là bom nổ chậm. Những nhà máy có hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến như Rạng Đông không phải là cá biệt. Tại sao những nhà máy này vẫn tồn tại giữa các khu dân cư đông đúc? Sao chưa di dời những nhà máy này vào các khu công nghiệp cho dễ quản lý và kiểm tra?
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông đã bộc lộ thêm những lỗ hổng chết người và quản lý bất cập. Sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết. Người dân phải được thông tin về các nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến trong địa bàn. Biết để phòng tránh và giảm thiểu hậu quả khi có tai họa. Chứ không thể cứ phập phồng, chờ “cháy nhà mới ra mặt chuột”, mới biết có hóa chất độc hại.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho hay: “Sau khi đám cháy xảy ra, Sở đã có chỉ đạo Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân phối hợp với cơ quan công an để kịp thời công tác cứu chữa. Khi cơ quan công an kết thúc điều tra nguyên nhân thì yêu cầu thu dọn các phế liệu sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh sau đó phun thuốc”. Nếu có hóa chất độc hại mà chờ kiểu đó thì nhiều người ủ bệnh, không khéo đã theo ông bà về trời.
Thiên hạ kháo nhau “Tốt nhất là về quê, tránh xa mấy nhà máy công nghiệp”. Chắc gì đã yên thân vì ruộng đồng bây giờ cũng nồng nặc thuốc trừ sâu, diệt cỏ?
VI VĂN HƯỞNG