A) Mục tiêu chung nhất của dự án?
Khi nghiên cứu một dự án đầu tư, việc đầu tiên là phải xác định:
Mục tiêu chung nhất của dự án là gì?
Đây là điều cần thảo luận cấp quốc gia và đồng thuận cấp quốc gia.
Đã có thảo luận rộng rãi chưa?
Đã có đồng thuận về mục tiêu chưa?
Bài được học về quản trị kinh doanh là: Nếu chưa xác định được mục tiêu, chưa có sự đồng thuận về mục tiêu giữa các bên có liên quan chính (stakeholders) mà tiến hành dự án là có thể coi như tự sát.
Từ đó mà tôi sợ: tiến hành những dự án vốn lên tới 1/5 tổng GDP (hay có thể 1/3 do đội vốn) như thế này mà chưa được đồng thuận của dân chúng là hiểm họa cho sự phát triển của đất nước.
B) Giả sử mục tiêu đã được xác định (dù điều này chưa có)
Lúc đó sẽ phải xem:
1) Vốn đầu tư bao nhiêu? Các giải pháp tài chánh như thế nào? Chi phí vốn bao nhiêu?
2) Bộ máy quản lý, nhân lực ra sao?
3) Đầu tư rồi sẽ thu hồi vốn ra sao?
3a. Thu hồi bao nhiêu từ người dùng?
3b. Đất nước tạo ra bao nhiêu lợi tức để bù lỗ (nếu dự án này chấp nhận chịu lỗ)?
Trả lời câu hỏi thứ nhất
Quy mô vốn: với kinh nghiệm đội vốn của các dự án hạ tầng trước, giả sử con số 28 tỉ USD là trung thực khi tính toán (dù có thể không chính xác), thì tôi sợ phải dự trù sẽ đội vốn gấp rưỡi, gấp hai. Như vậy vẫn phải 45 – 55 tỉ USD, hay nhiều hơn. Nếu theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, con số phải là 80 - 100 tỉ USD!
Chi phí vốn: Chi phí lãi vay, một năm phải trả lãi hai hay ba tỉ USD mà vốn vay gốc vẫn còn đó. Nếu tính trả lãi vay cùng một phần vốn vay gốc, số tiền trả sẽ rất lớn, quá sức gánh của nền kinh tế.
Trả lời câu hỏi thứ hai
Qua những gì đã xảy ra trên đất nước tôi, tôi sợ bộ máy hiện nay không thể quản lý dự án một cách có hiệu quả, xét cả về đạo đức lẫn năng lực. Cứ xem những dự án lớn như Thủ Thiêm, Bauxit... là rõ. Xin nói rõ thêm, bộ máy không hữu hiệu cả về quản lý vốn, quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật. Vậy cần chính sách nhân sự mới, cần thời gian để thành lập bộ máy hữu hiệu.
Trả lời câu hỏi thứ ba
Xin cùng dự tính thử xem bao nhiêu người dùng hệ thống này, với các giá vé sẽ được đưa ra? Có lẽ nên nhờ các nhà tư vấn tính toán giùm, lấy mức so sánh (benchmarking) là một nước Tây Âu, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan... theo từng kịch bản. Tại Việt Nam, ngoài Hà Nội và TP.HCM, kích thước dân số và kinh tế của các vùng, mà đường sắt cao tốc kết nối, đều nhỏ. Vậy thì số lượng khách hàng có đáp ứng mong muốn?
Tiền thu về so với chi phí vận hành bộ máy là bao nhiêu %? So với chi phí bảo trì hệ thống và chi phí trả lãi vay?
Bù lỗ: Đất nước hiện nay mỗi năm vay cả tỉ đô la trả lãi vay cho các món nợ trong quá khứ. Các năm sắp tới còn phải trả nhiều hơn. Vậy phải vay bao nhiêu nữa trả cho dự án này? Để bù lỗ hàng năm cho dự án này?
Quốc gia có tổng GDP khoảng 250 tỉ USD, công nghiệp đa số là gia công, lợi tức bao nhiêu để trả nợ và để bù lỗ?
KẾT LUẬN
Quan điểm của tôi là không đầu tư vào dự án xây đường sắt cao tốc bây giờ. Tôi sợ đầu tư vào là cả nước suốt hàng thập kỷ chìm trong nợ. Tôi sợ dự án là mạch nước ngầm cho giới tham nhũng hút cạn kiệt sinh lực dân Việt. Ung thư tham nhũng càng phát triển mạnh mẽ trên thân thể Việt Nam còn đang nghèo, không còn sức phát triển và bảo vệ quyền lợi dân tộc!
Tôi cũng sợ các tai nạn thảm khốc xảy ra.
Và, đất nước đang cần rất nhiều dự án khác, vốn nhẹ hơn nhiều và có thể sinh lợi nhiều hơn, đặt nền móng vững chắc cho phát triển!
Lê Học Lãnh Vân