Vừa kết thúc chuyến đi chơi một tháng tại nhà con gái nuôi ở Lạng Sơn, bà Cấn Thị Ngần (64 tuổi, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) mới về nhà được hai hôm thì cậu con trai nuôi ở Quảng Bình lại gọi điện mời vào nhà chơi.
Tiếng chuông điện thoại vang lên inh ỏi, cầm máy thấy hiển thị tên "Tiến con", bà Ngần vui ra mặt. Vội bắt máy, đầu dây bên kia tiếng anh Nguyễn Nam Tiến, vang lên: "Con chào mẹ".
Anh Tiến nói đang chuẩn bị ra Hà Nội khám sức khỏe. Anh muốn mời mẹ khi anh khám xong sẽ cùng về Quảng Bình chơi.
Thấy con lại đi khám, bà Ngần vội hỏi tình hình, chỉ sợ con lại đau ốm chỗ nào. May mắn sức khỏe anh Tiến vẫn ổn. Người đàn ông cứ liên tục mời mẹ vào nhà mình chơi. Không muốn làm con buồn bà Ngần đồng ý, nói khi nào anh Tiến nhận kết quả xong, sắp xếp đồ sẽ theo anh cùng vào Quảng Bình ở ít ngày.
Vừa cúp máy anh Tiến thì chị Trần Thị Hậu - người con gái nuôi của bà Ngần ở Lạng Sơn lại gọi hỏi thăm sức khỏe mẹ. Dù bà mới về được 2-3 ngày nhưng chị lại giục mẹ sớm lên chơi. Đang có khách bà Ngần nói chuyện đôi câu rồi tắt máy.
Bà Ngần cho biết, anh Tiến, chị Hậu, là con trai và con gái nuôi của bà, những người nhờ nhận tạng của anh Trịnh Đình Vàng - con trai bà mà được cứu sống.
Ngoài anh Tiến chị Hậu, bà Ngần còn 3 người con nuôi khác là anh Nguyễn Xuân Hưng (Hoài Đức), anh Vũ Xuân Cường (Sơn La) và chị Nguyễn Thị Thủy (Chương Mỹ). "5 người này là những người con trai tôi đã hiến tạng cứu sống. Từ ngày ấy họ nhận tôi làm mẹ nuôi, tôi có thêm 5 đứa con hiền lành, tử tế", bà Ngần nói.
8 năm kể từ ngày bà Ngần hiến nội tạng con, cuộc sống của bà có nhiều thay đổi. Từ người đàn bà mang tiếng xấu bán nội tạng con trai lấy tiền, bà trở thành người phụ nữ dũng cảm được nhiều người ngưỡng mộ.
"8 năm rồi mà chuyện mới như hôm qua", ngước lên nhìn di ảnh con trên bàn thờ, bà Ngần lại nhìn xa xăm ra cửa.
Người phụ nữ nhớ như in từng mốc sự kiện. Bà Ngần xuất thân là nông dân, chồng mất sớm do bị điện giật năm 30 tuổi, một mình bà nuôi 3 con nhỏ (hai trai, một gái). Các con lớn lần lượt lập gia đình rồi ra ở riêng. Bà Ngần ở cùng anh Vàng, sau bao năm làm lụng vất vả, anh cất được căn nhà ở tuổi 30.
Ngày 26/7/2016, anh Vàng mời một người bạn làm cùng công ty về nhà chơi, ăn cơm. Tối đó do trời nóng hai người rủ nhau lên sân thượng ngủ cho mát. Anh Vàng nằm trên lan can còn người bạn nằm dưới nền. Tới 12h đêm, anh trai anh Vàng ở nhà sát vách nghe một tiếng động mạnh, nghi có trộm, chạy ra xem nhưng không phát hiện thấy điều khác thường quay vào nhà đi ngủ.
4h sáng ngày 27/7, khi người bạn của anh Vàng tỉnh giấc, ngó quanh không thấy anh Vàng đâu vội chạy đi tìm thì phát hiện anh nằm dưới đất, bên hông ngôi nhà, cơ thể nguyên vẹn không xây xước, chỉ thấy máu chảy ra từ tai, phần đầu có vết nứt. Mọi người vội đưa anh Vàng vào Bệnh viện 103.
5h ngày 27/7/2016, bà Ngần đang làm thuê ở Hà Nội, thức dậy thì nhận được điện thoại của con trai cả, báo anh Vàng ngã từ trên sân thượng xuống gãy tay.
Lòng nóng như lửa đốt, bà muốn đi ngay ra viện để xem tình hình của con thế nào, nhưng người con cả lại gàn, nói em chỉ bị thương nhẹ, kêu bà về nhà chăm em. Nhưng linh tính của người mẹ mách bà chuyện không đơn giản như vậy. Xin nghỉ việc bà bắt xe ôm ra viện 103, đoạn đường ngày thường chỉ đi mấy chục phút hôm ấy lại thật dài. Đến viện bà nhìn thấy con trai không trầy xước lòng thầm mừng, nghĩ con không sao.
Nhưng khi nghe bác sĩ báo con chấn thương não nặng không thể cứu, trái tim người mẹ hẫng một nhịp, đau đớn như có trăm nhát dao đâm. Bà ôm lấy bác sĩ, cầu xin họ bằng bất kỳ giá nào hãy cứu lấy đứa con tội nghiệp của bà. Một ngày dài đằng đẵng, người mẹ ngồi trong hành lang bệnh viện, thất thần nhìn vào phòng cấp cứu, chỉ mong có kỳ tích sẽ đến với con. Nhưng đến chiều tình hình anh Vàng vẫn không có chuyển biến, các bác sĩ kết luận anh chết não, ngỏ ý với gia đình về việc hiến tạng để cứu người.
Lúc đấy trong đầu bà Ngần chỉ đọng lại câu nói duy nhất "con trai không thể cứu được nữa".
Hôm đấy Hà Nội trời mưa to, gió bão thét gào bên ngoài bức tường bệnh viện, bên trong bà Ngần lẳng lặng đứng nhìn con mình chỉ còn 1% sự sống. "Lúc ấy tôi suy nghĩ rất lâu, đấu tranh giữa việc giữ con còn nguyên vẹn hay hiến tạng để cứu người", bà Ngần nói. Ngồi cả một ngày ở viện, tối hôm đó gạt đi những giọt nước mắt mất mát, bà gõ cửa phòng bác sĩ, đồng ý ký tên lên tờ giấy hiến tạng của con trai.
"Khi tôi ký giấy con cái, anh em họ hàng đều phản đối, họ bảo tôi không xót con hay sao để người ta mổ phanh con ra như thế", bà Ngần rơi nước mắt nhớ lại.
Ai cũng trách bà mà họ quên mất, so với nỗi đau của họ, bà đau thương và xót con hơn gấp trăm nghìn lần. Người mẹ này suy nghĩ, con bà chết đi, mọi thứ đều sẽ hóa thành cát bụi. Nhưng những bệnh nhân kia nếu có được phần nội tạng ấy họ có thể sống tiếp. Gia đình, vợ con họ sẽ không phải chịu cảnh người đầu bạc tiễn người đầu xanh như bà. Hơn ai hết bà hiểu nỗi đau khi mất người thân.
6 bộ phận của con trai bà được lấy để cứu 6 người khác gồm quả tim, lá gan, hai quả thận và hai giác mạc. Ngày ký đơn, bà nói với bác sĩ: Không cần bất kỳ điều gì, chỉ mong phần nào của con tôi có thể cứu người hãy dùng để cứu họ, giúp họ khỏe mạnh trở lại là được.
Hoàn tất mọi thủ tục, ca phẫu thuật lấy tạng cũng diễn ra. Bà Ngần đưa anh Vàng về lại quê nhà an táng. Đám tang của anh Vàng được Bệnh viện Quân Y 103 tổ chức trang nghiêm. Sáng ngày hôm ấy, mưa gió mịt mùng nhiều đoàn xe của quân đội nối đuôi nhau đưa anh Vàng về tận nhà lo việc hậu sự.
Trong không khí tang thương ấy, không ít người xì xào, bàn tán cho rằng bà Ngần bán tạng con lấy tiền. Thậm chí, có người không dè chừng mà hỏi bà Ngần: Bán tạng con được mấy tỷ đồng?
So với nỗi đau mất con, những hiểu lầm thời ấy kinh khủng không kém. Suốt một năm ấy, bà Ngần sống một mình trong căn nhà con trai xây chưa kịp ở mấy ngày, chịu những lời bàn tán của dư luận. "Thời ấy việc hiến tạng còn hiếm lắm, bản thân tôi lúc đầu cũng do dự. Khi ký tên lên đơn đồng ý hiến tạng, tôi cũng lường trước được việc làng xóm bàn tán, nghị luận, hay hiểm lầm mình", bà Ngần nói.
Nhưng sau tất cả bà vui vì biết số tạng con mình hiến, cứu 5 người thoát khỏi bệnh tật. "Chỉ có lá gan được ghép cho một cụ bà lớn tuổi nhưng không thành công, còn tim, thận và giác mạc đều cứu giúp được người khác", bà Ngần kể.
Biết phần tạng của con cứu sống được nhiều người. Bà Ngần ước có thể gặp lại con trong một hình hài khác. Tuy nhiên, vì lý do bảo mật thông tin nên bà cũng chỉ dám nhớ về con trong đầu. Nhưng niềm vui bất ngờ tìm đến với người mẹ già, khi lần lượt những người nhận tạng của anh Vàng tìm về để cảm ơn.
Ngày giỗ đầu anh Vàng 27/7/2017, bà Ngần bất ngờ đón tiếp 5 người xa lạ đến nhà, giới thiệu là những người nhận tạng của anh Vàng. Khi nghe thấy tiếng tim con đập trong lồng ngực khác, thấy thận của con giúp hai người khỏe mạnh lại, thấy đôi mắt con mang lại ánh sáng cho người khác bà bật khóc.
"Khi các con tìm tới tôi không dám tin mình có thể nghe lại tiếng tim Vàng đập lần nữa, có thể gặp lại những phần cơ thể của con mà chính tay mình đã ký tặng đi", bà Ngần kể. Bà cảm thấy như anh Vàng vẫn còn sống, vẫn còn bên cạnh bà.
Nhờ phần tạng anh Vàng hiến 5 người có thêm một cuộc đời mới, họ muốn thay anh Vàng chăm sóc bà Ngần nên xin phép được gọi bà là mẹ, qua lại mỗi ngày lễ Tết thăm hỏi.
Cứ thế suốt 8 năm nay 5 người con nuôi của bà Ngần không một ngày nào không gọi điện hỏi thăm. Mỗi lần ra Hà Nội khám đều qua nhà bà nghỉ lại, chơi với mẹ ít ngày, vào các dịp lễ Tết, giỗ của anh Vàng đều xe lớn xe bé về thăm bà Ngần, không để bà chịu cảnh lẻ loi một mình.
Bà Ngần kể dù không báo trước, sợ các con đường xa xôi, đi lại tốn kém, nhưng cứ đến giỗ Vàng, anh Tiến và anh Cường sẽ bắt xe về trước, chuẩn bị đồ để mai làm giỗ, những người còn lại đúng ngày sẽ về.
"Suốt 8 năm nay không thiếu một ai", bà Ngần cho biết. Không chỉ 5 người nhận tạng mà con cháu, bố mẹ, vợ chồng của họ cũng cùng nhau về, căn nhà thường ngày trống vắng của bà lại đầy ắp tiếng cười nói.
Người mẹ kể, mới tháng 7 Vu Lan vừa rồi, 5 người con nuôi lại chạy xe về thăm bà, chơi ít bữa rồi đi. Ai cũng đòi đón mẹ về lên nhà ở để chăm sóc, bà Ngần cũng tranh thủ thời gian rảnh đi thăm nhà các con.
"Suốt mấy năm nay khi các con về thăm tôi, lúc nào có thời gian rảnh tôi lại đi xe lên thăm nhà các con", bà Ngần cho hay.
Gặp lại các con bà Ngần chia sẻ mình thấy "sướng". Sướng vì ngày ấy không nghe lời người thân mà từ chối hiến tạng, nếu ngày ấy bà không ký vào lá đơn, con bà mất trở về với cát bụi là mất tất. Còn bây giờ một phần cơ thể của con trai vẫn tồn tại trên đời, bà vẫn được nghe tiếng tim con đập, đôi mắt con vẫn được nhìn thấy cảnh đẹp. Làng xóm cũng từ ngày ấy mà biết rằng bà không bán tạng của con trai lấy tiền, rửa tiếng oan cho bà. Họ cũng dần hiểu được việc làm nhân văn của người mẹ.
Nhiều lần các con nuôi về thăm cho bà tiền, nhưng bà Ngần không nhận, có lần phải gói đùm hành, rau cỏ, nhét phong bì lại cho các con. Bà tuổi già chẳng cần tiêu gì, trong khi những người con nuôi của bà cuộc sống còn nhiều khó khăn cần lo toan.
Với bà Ngần sau tất cả người phụ nữ chỉ mong những đứa con của mình sống mạnh khỏe, vui vẻ, có thể tiếp tục mang theo phần cơ thể của anh Vàng sống là người có ích cho xã hội, thế là bà vui.