Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng

08/06/2019 12:03
Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng

Sau một trận đau đầu, Tuấn Anh (26 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) bị chẩn đoán dị dạng mạch máu não, rơi vào tình trạng chết não chỉ sau một tháng điều trị. Đứng trước bao lời dị nghị của dân làng, người cha vẫn quyết định hiến tạng con, cứu sống 4 bệnh nhân khác.

Trong vòng 10 năm qua, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) ghi nhận 50 trường hợp bệnh nhân chết não, đồng ý hiến tạng để mang sự sống đến với những người xa lạ. Theo thời gian, số người đăng ký hiến mô/tạng sau khi qua đời dần tăng lên. Từ những con số nhỏ bé ban đầu, đến nay, đã có hơn 23.000 người đăng ký, hứa hẹn viết tiếp những câu chuyện đẹp về tình người.

Theo quan niệm của người Châu Á, chết là phải toàn thây. Không ai chấp nhận cảnh người nhà bị mổ, xẻ, thậm chí là chịu nhiều đau đớn ngay cả khi đã không còn sự sống. Đi ngược lại "tiếng bấc lời chì" của hàng xóm, có những người cha người mẹ quyết nén đau thương, mong con em mình dù mất đi, vẫn còn chút vương vấn với trần thế.

Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 1.

Chú Phạm Văn Thụ (58 tuổi) đã quyết định hiến tạng của con trai chết não để cứu sống 4 bệnh nhân hiểm nghèo khác.

Chàng thanh niên bị dị dạng mạch máu não sau một trận đau đầu

Tuổi 26 của Phạm Công Tuấn Anh mãi mãi dừng lại vào một ngày Hà Nội tháng 5 nóng như đổ lửa, lòng cha mẹ anh cũng chẳng khác gì như có lửa thiêu bên trong. Tuấn Anh là con trai cả của chú Phạm Văn Thụ (58 tuổi) và cô Vũ Thị Vân (56 tuổi). Anh kết hôn cùng chị Mỹ Linh (22 tuổi) vào năm 2017. Họ cùng chào đón đứa con đầu lòng vô cùng kháu khỉnh, là bé Phạm Trịnh Minh Khôi. Chỉ vài ngày nữa, Khôi sẽ lên 2. Tuấn Anh đã không thể cầm cự để đón bữa tiệc sinh nhật thứ 2 trong đời cùng con trai.

Cách đây 2 tháng, vào ngày 12/4, Tuấn Anh đột nhiên bị chẩn đoán dị dạng mạch máu não bẩm sinh sau một trận đau đầu, buồn nôn. Bữa đó, anh vẫn đang chờ vợ về nhà cùng ăn cơm. Sáng hôm sau, người nhà hớt hải bắt taxi đưa anh đi viện, những cơn đau không thôi hành hạ khiến đầu anh như có búa bổ. Bệnh viện huyện Kim Bảng (Hà Nam) kết luận Tuấn Anh bị ngộ độc, chỉ cần tiếp nước là khỏi.

3 ngày sau, cơn đau càng thêm dữ dội, anh gọi mẹ trong đau đớn: "Mẹ ơi, cứu con với". Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận Tuấn Anh trong tình trạng bệnh dị dạng mạch máu não. Sau một tháng điều trị khẩn cấp, anh được chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 12/5.

Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 3.

Mẹ và bà nội của Tuấn Anh vẫn chưa thể nguôi ngoai sau sự ra đi vội vã của anh.

Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 4.

Vợ và con trai mới 2 tuổi của Tuấn Anh. Chị Linh mắc chứng trầm cảm sau sinh, nỗi đau mất chồng chị vẫn chưa biết diễn tả như nào.

10 giờ sau ca phẫu thuật, bệnh nhân rơi vào tình trạng chết não. Gia đình xin đưa anh về nhà, tính lo hậu sự. Trong lúc bối rối, nghe người nhà mách đưa con lên Việt Đức tìm kiếm cơ hội cuối cùng, gia đình chú Thụ cô Vân lại thuê xe cấp cứu đưa Tuấn Anh lên Hà Nội.

Đã có những lúc, anh tỉnh giữa những cơn mê man, thều thào "Bố ơi, mẹ ơi, các bác ơi, cứu con với". Ai cũng nghĩ, kì này chắc Tuấn Anh sẽ khỏi. Tuy nhiên, 3 ngày sau, kì tích đã không thể xảy đến. Mọi hy vọng đã vụt tắt, hai vợ chồng chú Thụ lại tính đưa con về nhà, không chút đắn đo.

Trước khi chết não hoàn toàn, Tuấn Anh khoẻ hơn đôi chút. Cô Vân mừng lắm, mong mỏi đến ngày con được mổ thêm lần nữa, biết đâu lại có thể sống sót.

"Tự dưng hôm đó (18/5), nó kêu cô dậy lúc 4 rưỡi sáng, bảo "mẹ ơi, dậy thôi". 2 mẹ con cứ thế dìu nhau vào nhà vệ sinh. Cô pha cho con cốc sữa, tính xuống căng tin mua bát phở để con ăn sáng. Khi quay lại phòng bệnh, chỉ còn 2 bước nữa là đặt bát phở vào bàn, thì con đã ngồi giữa giường, từ từ lịm đi" - cô Vân bật khóc.

Các bác sĩ lúc ấy tiêm cho Tuấn Anh một mũi vào đùi. 30 phút sau, đôi mắt anh hé lên, tiếp tục gọi tên bố Thụ, mẹ Vân rồi chìm hẳn vào giấc ngủ sâu. Anh đau quá rồi, không còn biết gì nơi trần thế. Nhìn con tiệm cận với cái chết ngay trước mắt mình, cô Vân gục ngã trong đau đớn, nước mắt giàn giụa.

Lần cuối cùng nghe tiếng Tuấn Anh qua điện thoại, chú Thụ vẫn đau đáu lời trách móc của con: "Sao bố lên thăm con mà không cho thằng Khôi lên chơi?". 

"Chú chỉ vừa bước vào cửa thôi, đã thấy mẹ nó gục dưới sàn nhà. Chẳng ai ngờ được cuộc gọi điện đấy lại là lần cuối nghe được tiếng con nói. Không bao giờ chú quên được những ngày cuối đời, Tuấn Anh hấp hối tiếng "mẹ ơi, bố ơi" như thế nào. Thật không may, cô chú chẳng thể bảo vệ được con mình".

Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 5.
Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 6.
Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 7.

Chú Thụ làm thợ mộc là chính, còn cô Vân và chị Linh chủ yếu ra đồng kiếm thêm thu nhập. Trước đây mọi chi tiêu trong nhà đều trông cậy vào Tuấn Anh.

Khi bác sĩ rút ống thở, cha và con như hai kẻ ở hai thế giới khác nhau

Hơn 1 tháng nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Tuấn Anh 3 lần phải cấp cứu khẩn cấp. Dù đã uống thuốc liều mạnh, nhưng những cơn co giật không buông tha anh. Sau 3 lần test não cuối cùng tại Việt Đức, các bác sĩ khẳng định Tuấn Anh hoàn toàn chết não. Cơ thể dù hồng hào nhưng bên trong gần như đã ngưng đọng tất cả.

Trước lúc gia đình quyết đưa Tuấn Anh về nhà lo hậu sự, các bác sĩ đã gặp vợ chồng chú Thụ nói chuyện về hiến tạng.

"Chú quyết định hiến tạng con sau những lần gặp gỡ các bác sĩ của Trung tâm điều phối ghép tạng, họ bảo Tuấn Anh còn trẻ, các bộ phận của con quá khoẻ, gia đình liệu có nên hiến không? Chú suy nghĩ trong vòng 2 tiếng, nhiều trăn trở và đắn đo. Cuối cùng, chú hy vọng có thể thay con trai cứu giúp những bệnh nhân khác".

Và, trong gia đình, bạn bè, người thân, thậm chí cả cô Vân đều phản đối. Quan niệm "cái chết toàn thây" cứ mãi đeo bám, sao có thể phanh thân thể con trai rồi dứt hết các bộ phận như thế. Tuy nhiên, sự thật đằng sau quyết định này của người cha khiến bất cứ ai khi nghe tới, đều xuôi lòng đồng ý trong nước mắt.

"Chú muốn thằng Khôi sau này khi lớn lên, biết rằng cha nó vẫn còn phảng phất, tồn tại trên cõi đời này. Khôi chưa được 2 tuổi, chú không muốn cháu mình thiệt thòi".

Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 8.
Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 9.

Bé Minh Khôi, gần 2 tuổi, cùng bà cố chơi đùa và xem lại ảnh ngày trước của bố.

Đêm trước ca phẫu thuật tạm gọi là cuối cùng của Tuấn Anh, người cha lặng lẽ xin bác sĩ một mình lên gặp con lần cuối. Khi ấy khoảng 4h sáng. Căn phòng bệnh 15 mét vuông chỉ có tiếng tít tít của máy đo nhịp tim, huyết áp, cùng chỉ số sinh tồn.

"Chú ngắm con nằm ngủ yên bình, thanh thản. Nó còn hồng hào lắm, đẹp lắm, chẳng ai nghĩ nó đã chết, chỉ như một giấc ngủ sâu thôi".

Nắm bàn tay con lần cuối, chú Thụ cứ xuýt xoa mãi. Mấy tiếng nữa, khi các bác sĩ rút ống thở, cha và con bỗng như hai kẻ ở hai thế giới khác nhau, chia ly đong đầy. Chú quay lưng đi, nén đau thương, tiếng nhịp tim yếu ớt vẫn đập từng hồi, từng hồi,... Góc hành lang trống trải, đôi dép quê xào xạc vào nhau, đứa con nhỏ đáng thương chỉ kịp sống 26 năm trời vẫn cứ miên man. Đến tận lúc ra đi, cũng chẳng thể để lại lời trăng trối.

Sáng 18/5, 5 bàn mổ được chuẩn bị, khoảng 130 cán bộ y tế tham gia ca lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân khác, mà nếu không có tạng của Tuấn Anh, thời gian sống chỉ còn tính theo tháng. 10 tiếng sau, tất cả ca mổ đều kết thúc thành công. Hai bệnh nhân nhận thận ngày 4/6 đã ra viện, trong đó có một người 61 tuổi và một người mới ngoài 30 tuổi. Bệnh nhân nhận gan có thể về nhà vào cuối tuần, bệnh nhân nhận tim sức khoẻ đang dần ổn định. 

Ngoài tiến hành ghép đa tạng cho người nhận, các bác sĩ còn lấy hai giác mạc chuyển sang Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương để ghép cho bệnh nhân và lấy 8 gân lưu trữ trong Ngân hàng mô, Bệnh viện Việt Đức.

Sau ca mổ lấy tạng, các bác sĩ ngỏ lời tổ chức tang lễ cho Tuấn Anh tại bệnh viện. Tuy nhiên, gia đình chỉ xin một bộ quần áo mới cho con mặc. Chiếc xe chở thi thể chàng trai trẻ về quê nhà Hà Nam trong buổi chiều hôm ấy.

Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 10.
Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 11.
Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 12.

Quyết định hiến tạng Tuấn Anh để cứu sống các bệnh nhân khác dù biết là đúng đắn, nhưng những người ở lại vẫn chưa thể tập quen với việc thiếu bóng anh trong căn nhà.

"Mọi người bảo con chết để bố nổi tiếng!"

Tuấn Anh làm nghề tự do, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào anh. Kể từ khi phải nhập viện điều trị hơn một tháng trời, bố mẹ cố dốc hết tiền bạc cứu con trai. Cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ anh than vãn. Đáng thương hơn, chị Linh - vợ anh mắc chứng trầm cảm sau khi sinh con được một tuần. Dù Minh Khôi đã gần 2 tuổi, nhưng chị vẫn cứ miên man mỗi ngày, ai chỉ đâu làm đấy.

Chị biết chồng không sống được nữa, khuôn mặt đỏ phừng phừng như muốn phát điên. Thương con, bố mẹ đưa chị vào Bệnh viện tâm thần Thanh Trì chữa trị, cho uống những liều thuốc mạnh nhất để chị không phải suy nghĩ nhiều.

Ngày đưa anh về, chị cũng về. Chiếc khăn tang còn nguyên trên đầu. Nỗi đau xót chồng, với người vợ trẻ, chỉ như mang máng, chưa thể hình dung được mức độ kinh khủng như thế nào.

Trước khi quyết định hiến tạng Tuấn Anh, người mà chú Thụ nghĩ tới đầu tiên chính là cháu nội, sau là con dâu. Đây là điều ý nghĩa cuối cùng gia đình có thể làm cho vợ và con của Tuấn Anh sau này. Mặt khác, người cha đã rất lo lắng trước lời đàm tiếu, dị nghị của dân làng. Đến bây giờ, hàng xóm vẫn bàn tán, rằng gia đình chú đã "bán tạng con nhận hơn một tỷ đồng", hay "con chết để bố nổi tiếng". 

Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 13.

Dân làng dị nghị gia đình chú Thụ cô Vân bán tạng con với giá hơn 1 tỷ đồng.

"Chú vui thì vui một phần vì những người được hiến tạng đã có thể tiếp tục sống, nối dài cuộc đời. Nhưng đau xót biết tả thế nào khi hàng xóm, bạn bè nói mình bán nội tạng con. Nhưng thôi, chú mặc kệ, thời gian sẽ giúp họ hiểu ra, điều duy nhất chú có thể thay mặt con trai mình làm, là để lại sự sống trên cõi đời này". 

Và như thế, quyết định đúng đắn nhất suốt 48 năm qua của người cha, chính là việc hiến tạng con cùng hy vọng gặp lại những người mang trong mình bộ phận của con trai mình. Dù chưa thể gạt đi hết nỗi đau mất con, nhưng năm tháng tới, chỉ cần được gặp lại các bệnh nhân, chú Thụ nghĩ thôi cũng đã thấy mãn nguyện lắm rồi. 

Có những người chết đi, thi thể sẽ hoá hư vô một cách thầm lặng. Nhưng cũng có những người, sự sống được nối dài mãi sau này. Đau thương nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai, giọt nước mắt rơi mãi cũng sẽ ngừng, nhưng suy cho cùng, cuộc đời đẹp mãi là khi cho đi mà không màng nhận lại.

Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 14.

Cuộc đời vô thường không biết ngày mai sẽ như nào...

Nỗi đau của người cha hiến tạng con chết não rồi chịu bao lời dị nghị của dân làng: Họ nói con chết để cha nổi tiếng! - Ảnh 15.

Quan trọng hơn cả, sau này lớn lên, Minh Khôi sẽ được nghe kể về nghĩa cử cao đẹp của cha mình.

Trí Thức Trẻ

Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 12/10/2024