Trong vài ngày qua, những người có tầm ảnh hưởng như Tổng biên tập của tạp chí Allure, Michelle Lee và nhà thiết kế Phillip Lim đã đăng video lên Instagram chia sẻ quan điểm cá nhân về phân biệt chủng tộc và sử dụng hashtag #StopAsianHate để truyền tải thông điệp.
Kể từ cuối tháng 1, một số vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á, gồm cả người cao tuổi, khiến cộng đồng phải cảnh giác cao độ, đặc biệt là trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.
Tại thành phố San Francisco (bang California, Mỹ), một người nhập cư 84 tuổi đến từ Thái Lan đã tử vong sau khi bị một thanh niên 19 tuổi xô mạnh xuống đất trong lúc đi dạo buổi sáng. Tại khu phố Tàu ở Oakland gần đó, cảnh sát cho biết một người đàn ông đã xô ngã 3 người châu Á, khiến cụ ông 91 tuổi, người nam 60 tuổi và một phụ nữ 55 tuổi bị thương. Bên ngoài một khu chợ Việt Nam ở thành phố San Jose (bang California), người phụ nữ 64 tuổi đã bị cướp.
Dù khó để chứng minh những vụ việc như vậy nhằm chống người châu Á, nhiều người cũng như các nhóm bảo vệ quyền lợi tin rằng đó là kiểu thù địch có chủ đích kể từ khi đại dịch coronavirus bắt đầu.
Michelle Lee cho biết trong video trên Instagram: "Rất nhiều vụ bạo lực đã được gây ra bởi sự căm ghét không đúng chỗ, tức giận và thất vọng vì đại dịch, đến mức người già cũng bị tấn công. Hành động này không chỉ là sự quấy rối và được gọi tên bằng kung-flu, nó thực sự đã chuyển sang một trạng thái khác là có người bị tấn công và giết chết".
Kung-flu là thuật ngữ ám chỉ dịch bệnh COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc và lây lan cho toàn cầu
"Chúng tôi đã lên án điều đó trong nhiều tháng nay nhưng mọi người dường như không quan tâm," Lee nói tiếp trên CNN.
Trong bài đăng mạnh mẽ trên trang cá nhân, nhà thiết kế Phillip Lim cho biết việc xem các video lan truyền về các cuộc tấn công và tội phạm nhắm vào các doanh nghiệp châu Á là áp lực về mặt tinh thần với anh. Cho đến khi Phillip Lim liên hệ với bạn bè và đồng nghiệp người Mỹ gốc Á, anh mới bắt đầu nghe được những câu chuyện thực tế rằng họ bị "bắt nạt, quấy rối, tấn công" trong khu dân cư của mình vài tháng qua.
Nhiều người trong cộng đồng châu Á đang gọi các cuộc tấn công dường như vô cớ này là tội ác. Nó được đẩy lên cao trào bởi sự phân biệt chủng tộc và kỳ thị với người châu Á trong cuộc chiến kéo dài 1 năm qua với coronavirus ở Mỹ; những ngôn ngữ "gây viêm nhiễm" như "virus Trung Quốc" và "kung-flu" được cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu.
Theo dữ liệu do Stop AAPI Hate công bố hôm 9.2, từ tháng 3.2020 đến nay, có hơn 2.800 báo cáo trực tiếp về các trường hợp chống người châu Á trên 47 bang và Thủ đô Washington, bao gồm các cuộc tấn công trực tiếp, quấy rối bằng lời nói hoặc cố tình ho hoặc nhổ nước bọt vào người châu Á.
Tháng 1 năm nay, chính quyền Biden đã ký vào bản ghi nhớ hướng dẫn chống lại các sự cố thiên vị chống người châu Á, thừa nhận sự gia tăng bất thường của các vụ tấn công vào người khu vực này trong đại dịch, vì "luận điệu bài ngoại khiến người dân, gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp châu Á gặp rủi ro".
Nhà thiết kế Prabal Gurung cũng lên Instagram đăng ảnh mang thông điệp giúp đỡ kèm hagstag #StopAsianHate, với lời kêu gọi rằng “hãy hành động”. Prabal Gurung kêu gọi những người theo dõi anh trên mạng xã hội tình nguyện hoặc quyên góp cho các nhóm cộng đồng nhằm giúp quảng bá, bảo vệ, ủng hộ cho các nghệ sĩ, tác giả châu Á.
“Để xây dựng một thế giới bình đẳng, chúng ta phải tích cực chống phân biệt chủng tộc. Chống phân biệt chủng tộc không phải là một hashtag mà là một cam kết lâu dài", Gurung viết trong bài đăng kèm.
Gurung và Lim là thành viên của Hội đồng các nhà thiết kế thời trang của Mỹ (CFDA) cùng đưa ra tuyên bố rằng "không khoan nhượng với tội ác thù hận dưới bất kỳ hình thức nào".
Lim nói: “Tôi ngồi đây và cảm thấy bất lực, vô hình và bán tín bán nghi vì những câu chuyện về châu Á của chúng tôi không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông chính thống. Tôi có cảm giác như chúng ta không quan trọng hay tồn tại gì nữa".
"Tôi cũng chắc chắn rằng các bạn cũng có những câu chuyện gia đình của riêng mình... với nhiều tình tiết khác nhau, nhưng tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có mục tiêu chung là tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn", anh nói tiếp sau khi khoe những bức ảnh về hành trình di cư đến Mỹ cùng gia đình mình.
"Một nơi trú ẩn an toàn với lời hứa về sự tự do theo đuổi giấc mơ Mỹ và khả năng vô hạn ở một đất nước mà tất cả chúng ta gọi là quê hương. Vì vậy, với tư cách là một người Mỹ, một đồng loại, bạn sẽ đứng cùng tôi, cùng chúng tôi - những người Mỹ đồng bào của bạn, người Mỹ gốc Á, để ngăn chặn sự căm ghét người châu Á”, Lim chia sẻ thêm.
Ngoài Michelle Lee và nhà thiết kế Phillip Lim, Prabal Gurung thì Giám đốc quan hệ đối tác thời trang tại Instagram - Eva Chen và nhà báo thời trang người Anh - Susie Lau cũng là những người có tầm ảnh hưởng đã lên mạng xã hội chỉ trích nạn phân biệt chủng tộc nhằm vào người châu Á.