Ngôi sao nức tiếng điện ảnh Việt một thời
NSND Trà Giang tên thật là Nguyễn Thị Trà Giang, bà sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, là một trong những diễn viên thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Cha của NSND Trà Giang là NSƯT Nguyễn Văn Khánh. Năm 12 tuổi, NSND Trà Giang đã theo cha mẹ tập kết ra Bắc.
Thưở nhỏ, cuộc sống của gia đình Trà Giang rất khó khăn, vất vả. Lớn lên trong thời chiến tranh nên bà thường xuyên phải đi di tản cùng cha mẹ. Thời gian đoàn văn công của cha nữ nghệ sĩ giải tán, cán bộ đoàn không còn đi diễn nghệ thuật nữa mà phải về tăng gia sản xuất, bữa đói bữa no, có bữa phải ăn cháo với củ chuối thay cơm, gia đình Trà Giang vì thế mà cũng đói no theo những vất vả, khó khăn của cả đoàn.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên NSND Trà Giang sớm bộc lộ tố chất của một nghệ sĩ.
Năm 1959, bà thi đỗ vào trường múa. Tuy nhiên, con đường đến với nghề múa của Trà Giang đã sớm dừng lại khi NSƯT Nguyễn Văn Khánh nói với con gái: “Con có một gương mặt đẹp, sao không thử thi làm diễn viên?”.
Đúng dịp đó Bộ Văn hóa tổ chức thi tuyển diễn viên cho khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh. Việc tuyển sinh do các chuyên gia nước ngoài trực tiếp phụ trách. Chính NSƯT Nguyễn Văn Khánh đã tự chụp ảnh con gái mình, gửi ảnh và giúp Trà Giang đăng kí dự thi.
Gương mặt điện ảnh với đôi mắt biết nói của NSND Trà Giang giúp bà lọt qua vòng thi tuyển sinh, trở thành lớp diễn viên đầu tiên của Trường Điện ảnh, cùng lớp với thế hệ Minh Đức, Thụy Vân, Kim Chi….
Trở thành thế hệ lớp diễn viên đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam, tuy chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như điều kiện học tập, nhưng nữ nghệ sĩ và những người bạn cùng lớp luôn được các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam hướng dẫn, dạy dỗ một cách tận tình, bài bản về kỹ năng diễn xuất.
Vai diễn đầu tiên của bà là một vai phụ trong phim Vợ chồng A Phủ. Sau này, bà dần khẳng định được tên tuổi với loạt vai diễn để đời như Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội...
Đáng chú ý, nhiều bộ phim nổi tiếng giúp nữ nghệ sĩ đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Chị Tư Hậu (huy chương bạc Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1963), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (vai Dịu, đoạt giải diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1973).
Điều đó khiến cho đến nay, NSND Trà Giang vẫn được nhớ tới như một minh tinh của điện ảnh Việt. Chia sẻ về biệt danh này, nữ nghệ sĩ bộc bạch trong bài phỏng vấn với VTCNews:
"Chưa bao giờ tôi dám nhận mình là minh tinh, mặc dù có thời điểm truyền thông nước ngoài gọi tôi là “Huyền thoại điện ảnh Việt Nam”.
Ở thời điểm tôi nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1973, có nhà báo viết bài về tôi và gọi tôi là minh tinh. Trong một lần gặp mặt, tôi nói: "Anh chữa giúp em đi chứ gọi em là minh tinh, em ngại lắm".
Tôi nói những lời này rất thật lòng, không một chút màu mè. Thế hệ chúng tôi ngay ngày đầu tiên đến với nghề diễn đã được các thầy cô dạy dỗ rất kỹ lưỡng. Các thày cô luôn nói rằng, diễn xuất là công việc đặc thù, nhưng diễn viên cũng giống như những người lao động khác, phải bỏ sức lao động, phải làm việc nghiêm túc thì mới có được thành quả.
Tôi nghĩ từ "minh tinh" hợp với các diễn viên phương Tây hơn. Còn với tôi, xin hãy cứ gọi tôi là diễn viên Trà Giang. Chỉ cần được gọi thế thôi, tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc".
Từ năm 1989, nghệ sĩ Trà Giang vắng bóng dần trên màn ảnh. Tuy nhiên, bà giải thích chưa từng có ý định giải nghệ như khán giả vẫn nghĩ, mà do biến cố xảy ra khi quay bộ phim về Sơn Mỹ, cùng sự thay đổi về thị trường phim ảnh khiến bà chưa nhận lời tham gia phim mới.
"Giai đoạn này, đất nước cũng đang có nhiều thay đổi. Mô hình kinh tế đang chuyển từ bao cấp sang thị trường. Những phim về đề tài chiến tranh không còn được yêu thích như trước đây. Các nhà làm phim chuyển sang làm phim video. Có nhiều đạo diễn mời tôi tham gia các phim của họ nhưng tôi cứ đợi tìm được vai ưng ý mới nhận lời. Tôi cứ đợi mãi cho tới tận hôm nay", bà nói.
Hiện tại, dù không còn đóng phim nhưng nữ nghệ sĩ vẫn duy trì niềm đam mê nghệ thuật bằng cách vẽ tranh. Bà cho hay, dù không đứng trước ống kính máy quay nhưng vẫn luôn đồng hành các đồng nghiệp trong các hoạt động của Hội Điện ảnh.
Mối tình đầu tiên là mối tình cuối cùng
Là nữ nghệ sĩ nổi tiếng nhưng NSND Trà Giang cũng giữ cho cuộc sống của mình bình yên, giản dị. Cả cuộc đời bà chỉ có có duy nhất một mối tình, chồng nữ nghệ sĩ là cố Giáo sư – Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc.
Chia sẻ về mối tình với người chồng quá cố, NSND Trà Giang dành nhiều lời khen đến ông. Bà cho biết, điều khiến bà yêu và cảm phục nhất ở chồng mình chính là ý chí bền bỉ và sự đồng điệu về tâm hồn giữa hai con người.
NSND Trà Giang cùng chồng và con gái.
"Hồi ấy, tôi 25 tuổi, anh Ngọc 27 tuổi. Sau này, tôi đã cảm nhận một cách sâu sắc rằng, tôi đã gặp may khi lấy được anh ấy. Khi chồng tôi còn sống, tôi đã nói lên điều này với anh bởi tấm lòng, sự hiểu biết và sự hy sinh mà anh ấy dành cho mình.
Yêu và lấy nghệ sĩ, anh ấy phải đối diện với nhiều điều ra tiếng vào, kể cả những đồn đại trong giới nghệ sĩ.
Nhiều người hỏi anh, có ghen không? Ai mà không ghen, nhưng đã xác định vợ là nghệ sĩ rồi mà. Tôi đã được gặp một người chồng bao dung, đức độ và thương vợ hết lòng", bà kể trong bài phỏng vấn với Dân trí.
Con gái Bích Trà của hai nghệ sĩ giờ đã là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng.
Năm 1999, nghệ sĩ Bích Ngọc qua đời đột ngột vì bạo bệnh. Con gái Bích Trà của cả hai theo nghiệp âm nhạc của cha. Từ năm 14 tuổi, Bích Trà đã sang Nga học tập và hiện tại đang là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng ở nước ngoài.
Chia sẻ về con gái, bà nói: "Tôi sinh được duy nhất một người con gái là Bích Trà, ghép tên đệm của mẹ và cha. Người ta nói sinh con một khó ngoan vì nó được nuông chiều.
Tôi nuôi con như bao bà mẹ khác, dạy dỗ con sống khỏe mạnh và thương yêu mọi người, hướng cho con học hành chăm ngoan. May là Bích Trà rất thương yêu bố mẹ và ông bà".
Hiện tại, NSND Trà Giang sống giản dị, bà dành thời gian cho gia đình và niềm đam mê hội họa.
"Tôi thấy mình là người hạnh phúc vì luôn tìm được cái mình yêu và hết lòng với nó. Trước đây, tôi dành tình yêu, đam mê và nỗ lực thế nào với điện ảnh, thì giờ đây, tôi cũng tìm được niềm vui và sự say mê trong vẽ", bà tâm sự.
Pháp luật và bạn đọc