Đa phần người Sài Gòn là dân tứ xứ, kẻ Nam người Bắc, có gia đình ở giữa miền Trung. Ngày thường nương dựa thành phố để mưu sinh, tết đến thì trở về cố hương mà vui niềm vui sum vầy. Sài Gòn không giữ cũng chẳng buông, Sài Gòn âm thầm vui chung niềm vui trở về của những đứa con xa xứ. Sài Gòn mỉm cười vì những ngày hiếm hoi mình không phải oằn mình cư dưỡng biết bao con người và đầy rẫy những mệt nhoài.
Ai cũng nghĩ mùa xuân Sài Gòn đẹp lắm, bởi thành phố được ưu ái tận hưởng những kiểu dáng trang trí, những thiết kế chào xuân độc đáo và sáng tạo. Ai cũng nghĩ xuân Sài Gòn nhộn nhịp lắm nhưng có đi rồi mới biết, có sống rồi mới hiểu. Đơn giản lắm, Sài Gòn chỉ cần một mùa xuân bình yên và chầm chậm.
Những sáng đầu xuân, Sài Gòn nhẹ nhàng đón những cô những bà áo dài, váy hoa lễ chùa, xin lộc. Những trưa nắng nhẹ, Sài Gòn có vài chiếc xích lô chở đôi ba nàng lang thang dạo phố. Những chiều tắt nắng, Sài Gòn dẫn bước một gia đình nhỏ, vừa đi vừa khẽ chụp lại vài ba tấm ảnh. Đêm Sài Gòn, khí xuân dịu nhẹ, đèn hoa đủ sáng, ồn ào cũng ít hẳn, người người bình yên tận hưởng. Đâu đó giữa lòng thành phố, có vài người lặng thầm rỏ xuống một giọt nước mắt nhớ thương “xuân này con không về, mẹ ạ!”.
Những đứa con tha phương, chọn Sài Gòn làm bến đỗ bao giờ cũng nôn nao nỗi niềm về lại quê nhà khi tết đến xuân về. Lỡ chuyến tàu cuối cùng có lẽ là sự tiếc nuối lớn nhất của đời người. Nhưng nếu một năm không về, một tết thử ở lại Sài Gòn như những người con Sài Thành chính gốc phải chăng sẽ khác!
Sớm nay, Sài Gòn không kẹt xe, không chen lấn và cũng ít khói bụi. Sớm nay, Sài Gòn không ồn ào, không vội vã và cũng chẳng phải hối hả ngược xuôi. Vài hàng quán bên đường cũng tạm biến mất mà chẳng cần an ninh rượt đuổi. Sau một năm mưu sinh, các cô chú ấy có lẽ cũng cho mình nghỉ ngơi, tạm biệt Sài Gòn ít hôm để về lại quê nhà. Quán cà phê hay ngồi ngày thường khách đông không kể nhưng nay vắng lặng đến khó tin. Cậu nhân viên thong thả mang ra cốc capuchino nóng kèm lời chúc mừng năm mới, tôi cảm ơn rồi khẽ hỏi: “Tết này không về nhà hả nhỏ?” Cậu cười thật tươi: “Sài Gòn là nhà em ạ!”.
Không biết tự bao giờ, cái xứ lạ xa này trở thành bến đỗ, là nơi nương dựa rồi bỗng thành nhà.
Xuân không về nhưng đất khách vẫn còn nhiều lắm những kẻ tha phương. Sài Gòn vắng lặng nhưng đẹp đến vô ngần. Những rực rỡ mà con người cố gán ghép và bày trí là vẻ đẹp hiện hữu xuân nào Sài Gòn cũng có nhưng mấy ai thấu hết những ngày vào xuân, khi chẳng còn những chen lấn check-in thì cảnh vật vô tri kia mới tự tin khoe mình rạng rỡ. Chỉ những ngày và những người từ tốn cảm nghe thì Sài Gòn mới thực sự đẹp. Một nụ cười buông nhẹ giữa những bước chân, một nụ cười của hai con người xa lạ rảo bước giữa ngày xuân Sài Gòn nghe sao ngọt ngào và ấm áp đến lạ.
Sài Gòn chào xuân theo một cách rất riêng, lung linh, náo nhiệt trong những ngày cuối năm và rồi âm thầm, chậm rãi trong những ngày đầu năm. Sài Gòn chọn cho mình những bản nhạc rất riêng rồi hòa tấu theo những nhịp, những khúc khác thường. Mùa xuân Sài Gòn chẳng thèm ngân nga những khúc ca sôi động, Sài Gòn chỉ cần những đứa con của mình thấu hết những nốt trầm của bản hòa tấu đang ngân.
Một mùa xuân nữa lại về, Sài Gòn quen rồi những những gán ghép, áp đặt thiệt hơn, Sài Gòn lặng im nghiêng mình chào đón nàng xuân và vẫn dang rộng vòng tay đón chào những đứa con viễn xứ nương nhờ.
Dù đi, dù về, dù nhớ, dù thương và dù Sài Gòn có đổi khác thì bao đời, xuân Sài Gòn vẫn vậy, vẫn đẹp nhất trong mỗi tâm hồn con người.
Hồng Như