Vào một ngày nắng đẹp, mẹ tôi, June Lorraine Overton Wright, đã kể cho tôi nghe một câu chuyện khó tin. Lúc đó, mẹ con tôi đang ngồi ngoài hàng hiên nhỏ trước nhà bà ngoại, nơi hai chúng tôi vẫn thường ngồi trò chuyện.
Tôi mới bước vào tuổi thiếu niên và tôi đoán đây là một cột mốc quan trọng đối với mẹ tôi. Bà nói: “Kelvin, mẹ sắp kể với con một số chuyện mà con cần biết. Không một ai khác biết những chuyện này, kể cả bà ngoại của con. Mẹ chưa bao giờ chia sẻ nó với bất kỳ ai ngoại trừ bà cố của con, người mà con chưa từng gặp”.
Gần đó, có mấy đứa trẻ đang vui đùa. Xe hơi dập dìu trên con đường một chiều đông đúc trước nhà bà tôi, con đường lớn bắt đầu từ trung tâm thành phố và đi qua khu dân cư Hagerstown dành cho người da đen ở Maryland. Con đường này vốn lúc nào cũng tấp nập. Nhưng khi mẹ bắt đầu kể tôi nghe câu chuyện của bà, mọi âm thanh xung quanh dường như nhỏ dần đi, chỉ còn vang vọng lại giọng nói nhẹ nhàng nhưng dõng dạc của mẹ.
Vì biết mẹ sắp nói với tôi một chuyện rất đặc biệt và quan trọng nên tôi đã tập trung lắng nghe từng lời bà nói. Mẹ nghiêng người lại gần tôi và nói: “Giờ con đã mười ba tuổi và mẹ muốn con biết con đã ra đời như thế nào. Con cần phải biết về hoàn cảnh lúc đó”.
Mẹ kể rằng vào năm mười sáu tuổi, bà từng có rất nhiều kỳ vọng cho tương lai. Tôi biết chuyện mẹ từng là một học sinh xuất sắc, có giọng ca thiên phú và từng tham gia hát tại nhà thờ cũng như các sự kiện xã hội. Nhưng khi nghe mẹ kể tiếp câu chuyện, tôi mới biết mẹ từng ước mơ trở thành một bác sĩ tâm lý, mặc dù bà ngoại muốn mẹ học âm nhạc tại trường đại học và trở thành một ca sĩ hát thánh ca hoặc ca sĩ opera chuyên nghiệp.
Tiết lộ này không khiến tôi ngạc nhiên lắm, vì âm nhạc vẫn luôn là một phần quan trọng của gia đình tôi. Bà ngoại tôi chơi đàn organ và chỉ huy ca đoàn tại nhà thờ địa phương. Trước đó, bà cố tôi cũng từng chơi piano và hát tại chính nhà thờ đó. Đồng thời, tôi cũng hiểu ước mơ muốn trở thành bác sĩ tâm lý của mẹ. Trước giờ, mẹ luôn rất nhiệt tình đưa ra những lời khuyên sáng suốt cho tôi, bạn bè tôi và những người đang cần lời khuyên về những quyết định quan trọng trong cuộc sống.
Mẹ tiếp tục câu chuyện của mình, kể rằng lúc đó bà chơi thân với vợ của một mục sư tại một nhà thờ khác trong cộng đồng nhỏ của chúng tôi. Hai người thường đi bộ đến trung tâm thành phố vào các buổi sáng thứ Bảy để mua sắm. Một buổi sáng thứ Bảy nọ, bà đến nhà của gia đình ông mục sư trễ hơn bình thường một chút. Ông ta ra mở cửa và cho biết vợ mình vừa rời khỏi nhà. Ông ta mời mẹ tôi vào trong đợi vợ ông ấy về. Mẹ tôi, lúc này còn là một cô gái trẻ ngây thơ, hoàn toàn không nghi ngờ gì về việc đó.
Đến đây, giọng mẹ tôi trở nên căng thẳng hơn, bà nói với tôi rằng hôm đó, vị mục sư, người đàn ông mà bà từng kính trọng, đã tấn công tình dục bà. Bản năng đầu tiên của bà là chống trả, nhưng bà sợ ông ta sẽ đánh bà nếu bà cự tuyệt. Trong giây phút ấy, hàng triệu cảm xúc và suy nghĩ quay cuồng trong đầu mẹ tôi. Nỗi sợ hãi, đau lòng, tủi nhục và hoang mang tràn ngập tâm trí bà. Bà nhiều lần tự vấn: “Có phải lỗi là do mình không? Mình đã làm chuyện gì đó nên mới khiến chuyện này xảy ra? Có phải là do quần áo mình mặc quá hở hang không?”.
Bà định thổ lộ chuyện này với bà ngoại, nhưng lại sợ không biết bà ngoại sẽ phản ứng ra sao. Bà thậm chí đã tính đến việc báo cảnh sát, nhưng bà tin làm thế sẽ chỉ khiến sự việc tồi tệ hơn – bà sẽ phải trực tiếp đối đầu với gã mục sư, người được coi là một trụ cột trong cộng đồng.
Cuối cùng, mẹ tôi quyết định giữ kín chuyện này. Bà không bao giờ đến thăm vợ tên mục sư nữa và cố giữ cho mình bận rộn bằng bài vở ở trường và âm nhạc. Bà cố gắng tập trung vào tương lai. Bà không muốn để nỗi kinh hoàng khi bị hãm hiếp ngăn mình đạt đến những mục tiêu. Bà vẫn có những ước mơ lớn. Nhưng giấc mơ của bà bỗng chốc biến thành một cơn ác mộng vào thời khắc bà phát hiện ra mình có thai.
Thời điểm đó là mùa hè năm 1954, và mẹ tôi, một cô gái ở tuổi mười sáu ngọt ngào, phải đối mặt với sự khinh miệt của bạn bè và nỗi thất vọng của mẹ ruột. Bà ngoại tôi muốn biết cha đứa trẻ là ai nhưng mẹ tôi kiên quyết không hé ra một lời nào. Bà kiên trì vượt qua thái độ xa lánh của mẹ và bạn bè ở trường. Suốt thời gian đó, người duy nhất đứng ra ủng hộ mẹ là bà cố tôi, người đã không ngừng cầu nguyện cho mẹ tôi.
Tim tôi đau nhói khi mẹ kể rằng một ngày nọ khi mẹ từ trường về nhà, bà nhìn thấy chiếc vali của mình nằm giữa phòng khách. Bà ngoại, lúc đó đang làm một người giúp việc nhà, giải thích rằng bà và một trong những ông chủ giàu có của bà đã gom đủ tiền để đưa mẹ tôi đến Nebraska phá thai. Họ muốn mẹ tôi học nhạc ở trường đại học. Một đứa trẻ không cha sẽ làm trật mọi kế hoạch và phá hỏng cơ hội thành công của mẹ.
Tuy nhiên, bằng lòng dũng cảm và niềm tin mãnh liệt, mẹ đã bình tĩnh nhưng hết sức kiên quyết nói với bà ngoại: “Không, con sẽ không đến Nebraska và con sẽ không phá thai. Con linh cảm rằng đây là đứa con duy nhất mà con có được”. Và như thế, kế hoạch phá thai bị hủy bỏ.
Tôi chào đời năm ngày sau khi mẹ tôi mừng sinh nhật mười bảy tuổi. Mẹ nói rằng ngay khi nhìn thấy tôi, bà đã cảm nhận được một tình yêu mãnh liệt dành cho tôi. Bà phải đối mặt với một nhiệm vụ dường như không thể hoàn thành được: “Làm cách nào để nuôi con nên người trong khi bản thân mình còn chưa làm được trò trống gì cả?”.
Mẹ đã làm việc hết sức chăm chỉ từng ngày trong đời để trở nên ưu tú thay vì cay đắng với cuộc đời. Bà làm việc triền miên không biết mệt để truyền cho tôi tình yêu thương cuộc sống, yêu thương mẹ và yêu thương gia đình. Bà chưa bao giờ đạt được mục tiêu trở thành bác sĩ tâm lý, nhưng bà đã trở thành người cố vấn vĩ đại nhất của tôi.
Đúng như những gì từng linh cảm, mẹ tôi không sinh nở thêm lần nào nữa. Bà từng trải qua một cuộc hôn nhân ngắn ngủi nhưng không sinh con. Nhiều năm sau, khi nghe tin về một bé gái bị bạo hành và bị mẹ ruột bỏ rơi, bà đã xin nhận nuôi đứa bé đó, cô bé giờ đã trở thành em gái của tôi.
Mẹ đã thổi sự sống vào đời tôi. Bà đã thắp lên niềm tin trong tôi. Bất chấp những khó khăn vây khốn xung quanh, người phụ nữ da đen can đảm và giàu tình yêu thương ấy đã giúp tôi trở thành con người như hiện tại. Không một ngày nào trôi qua mà tôi không nhớ về mẹ mình.
Tôi vẫn nhớ cuộc trò chuyện của mẹ con tôi. Tôi nhớ nụ cười của mẹ. Trước khi bà qua đời vào năm 2005 vì bệnh ung thư, chúng tôi đã dành hai tháng cuối cùng để ăn mừng và vinh danh
chiến thắng của mẹ trước những bão dông của cuộc đời. Gia đình chúng tôi đã tổ chức một bữa tiệc nhỏ cho mẹ trong một phòng họp bệnh viện. Một số người thân và bạn bè của mẹ đã tìm đến để cảm ơn bà vì đã luôn là một cố vấn tận tụy và một người bạn đáng tin cậy. Bà đã cho mỗi người trong số họ những liệu pháp tinh thần tốt nhất mà họ cần trong những lúc khó khăn – tình yêu thương và sự động viên, khích lệ.
Sau cùng, tôi muốn nhấn mạnh với tất cả mọi người rằng tôi không phải là một sản phẩm từ một "tai nạn"! Tôi được kết tinh từ chính tình yêu thương và lòng dũng cảm của một người mẹ!
Theo Nắng ấm sau mưa - Amy Newmark