8h ngày 1/1, ông Kim bắt đầu hành trình chạy bộ từ Cà Mau ra Hà Nội. Trên Facebook cá nhân, ông chia sẻ: "Chúc mừng năm mới. Hiện tôi ở Cà Mau, Việt Nam. Tôi sắp đi trên con đường chưa từng đi trong đời. Đây sẽ là khoảng thời gian khó khăn và có thể có cả đau đớn, nhưng tôi phải đi".
Sau 70 ngày, quãng đường ông Kim đã vượt qua là 2.358km. Đến Hà Nội hôm 11/3, ông dành 5 ngày để nghỉ ngơi. Sau đó, ông thực hiện hành trình chạy ngược lại vào Cà Mau vì muốn vượt qua giới hạn bản thân và kết thúc hành trình ở nơi bắt đầu.
Chạy vì bản thân, vì con trai, vì dân tộc
Người đàn ông 55 tuổi là một nhà đầu tư, đến từ Busan, Hàn Quốc. Tháng 6 năm ngoái, ông có dịp đi du lịch ở Việt Nam. Nhờ thế, ông có cơ hội nhìn kỹ bản đồ Việt Nam và thấy có hình dạng giống với bán đảo Triều Tiên (gồm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc bị chia cắt từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2).
"Dọc theo bản đồ của bán đảo Triều Tiên và lãnh thổ Việt Nam từ Nam ra Bắc, thành phố Mokpo nằm ở phía tây Nam Hàn Quốc giống với vị trí của Cà Mau. Tương tự, vị trí của Busan giống với TPHCM. Thủ đô Seoul thì gần khớp với vị trí của Đà Nẵng.
Tiếp đến, thủ phủ Chongjin, tỉnh Hamgyong (Triều Tiên) ở phía bắc giống với Hà Nội. Hiện tại, tôi không thể chạy đến Hamgyong, nhưng Việt Nam là một đất nước tự do, tôi có thể chạy từ Cà Mau đến Hà Nội với khát khao thống nhất đất nước", ông Kim chia sẻ.
Một lý do khác, đó là ông Kim muốn chạy vì đứa con trai 13 tuổi của mình. Ông tâm sự, bản thân chưa bao giờ cho con trai nhìn thấy hình ảnh một người cha đáng tự hào. Muốn trở thành một người cha như thế, ông nghĩ về điều mà mình giỏi nhất.
"Là một vận động viên marathon nghiệp dư trong 20 năm, tôi lập một kế hoạch cho một cuộc chạy xuyên Việt Nam", ông nói.
Hành trang của ông ban đầu là một balo nặng gần 20kg với đồ sinh hoạt cá nhân, thuốc, kem chống nắng...
Nhưng đến ngày thứ 3, ông Kim đã vứt bỏ một số món đồ vì những cơn đau ở vai, chân không thể chịu nổi. Dây đeo balo đứt đến 3 lần. Vì thế, hôm đó ông chỉ chạy được 20km.
Ông Kim chia sẻ bản thân đang thử thách với cuộc chạy marathon nên không dành nhiều thời gian để khám phá Việt Nam theo kiểu du lịch. "Nhưng mọi nơi tôi qua đều có những cảnh đẹp thiên nhiên thật tuyệt vời", ông chia sẻ.
Trên đường đi, cảnh tượng khiến người đàn ông nhớ nhất đó là khi đứng trên đỉnh đèo Hải Vân - ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và Huế để ngắm cảnh đẹp. Tuy nhiên, đó cũng là ngày ông Kim chạy bộ với quãng đường dài nhất, gần 62km.
Ông nói, có những ngày đói rã rời, mệt mỏi vì không tìm được chỗ bán thức ăn, hai bên đường không có nhà dân. Tuy nhiên, người đàn ông vẫn cố gắng chạy mà không nhờ sự hỗ trợ từ các phương tiện giao thông ngang qua đường.
"Tôi có thể ăn bất cứ thứ gì trên đường làm tôi no và ngủ ở bất cứ nơi nào nếu thấy mệt", ông nói.
Từ ngày 10/2, ông Kim quyết định khởi hành lúc 6h, chạy hơn 40 km/ngày để rút ngắn thời gian về đích. Vì thế, dự kiến chuyến đi sẽ mất 90 ngày nhưng ông hoàn tất chỉ trong 70 ngày.
Người đàn ông bật mí, trước khi thực hiện chuyến marathon này, ông đã có 4 tháng tự học tiếng Việt trên mạng. Ngoài những câu giao tiếp cơ bản, ông cũng học thêm câu: "Hãy giảm giá cho tôi". Nhờ thế, có lần ông đã mặc cả thành công chiếc áo mưa từ 30.000 đồng xuống còn 20.000 đồng hay tiết kiệm được 50.000 đồng tiền thuê khách sạn.
Thời tiết nắng mưa thất thường ở Việt Nam nhiều lần làm khó cho ông Kim. Vừa mặc áo mưa chạy được 10 phút thì mặt trời ló dạng, nắng chang chang. Sợ có thể sẽ có mưa lần 1, ông tiếp tục chạy một đoạn và hậu quả là mồ hôi túa ra như tắm.
"Cám ơn Việt Nam"
Tuy nhiên, 2.358 km từ Cà Mau ra đến Hà Nội của ông mới là một nửa chặng đường. Ông Kim muốn chinh phục thêm một chiều ngược lại, đích đến sẽ ở nơi ông xuất phát.
Ông chia sẻ, bản thân rất vui và biết ơn những người Việt Nam đã gặp và giúp đỡ ông trên đường. Niềm vui sẽ nhân đôi khi lượt về ông có thể gặp lại họ lần nữa.
Có những người đã cho ông 10.000 đồng để mua nước, bánh, nước ngọt và cả trái cây.
"Một cậu bé khoảng 12 tuổi chạy đến đưa cho tôi một chai nước ngọt và hét lớn "cố lên" rồi bỏ đi. Vì vậy, mặc dù cơ thể tôi đau đớn, nhưng trái tim tôi rất vui", ông Kim chia sẻ.
Nhiều lần được con nít cho tiền, ông Kim tự hỏi liệu mình có nên lấy không. Số tiền đó chưa chắc là tụi nhỏ tự kiếm được, tại sao "trái tim non nớt" ấy lại dám cho đi. Người đàn ông cảm thấy xúc động đến lạ lùng. Cuối cùng ông quyết định nhận tiền rồi lấy điện thoại ra chụp đứa trẻ đã lên xe, quay lưng đạp đi 1 đoạn từ bao giờ.
"Tình yêu của người Việt Nam đã cổ vũ tôi. Tôi sẽ tiếp tục", ông Kim nói.
Sau 5 ngày nghỉ ngơi với những giấc ngủ dài ở khách sạn và gặp gỡ một vài người bạn, ông Kim lên đường chạy vào Cà Mau sáng 16/3. Trung bình mỗi ngày chạy được 30km trong khoảng 10 giờ đồng hồ. Dự kiến khi vào Cà Mau, ông sẽ phải vượt qua 4.720km.
Sáng 21/3, chị Nguyễn Phượng Hồng, 38 tuổi ở TP Thanh Hóa tình cơ biết ông Kim sắp chạy ngang qua nên đã rủ bạn bè đón và chạy cùng ông một đoạn để cổ vũ tinh thần.
Chồng chị Hồng là người Hàn Quốc nên chị có mời ông Kim đến nhà chơi. Nghe ông nói mình bị đau chân và mất ngủ, chị tặng miếng dán giảm đau, thực phẩm chức năng để bổ sung chất dinh dưỡng khi thấy ông ăn uống thất thường. Ngoài sự ngưỡng mộ, người phụ nữ có hơn 10 năm sống ở Hàn Quốc còn rất xúc động khi ông chọn Việt Nam để thực hiện hành trình ý nghĩa của đời mình.
"Hơn 70 ngày qua, ông ấy chỉ có thể gọi cho con khi đã về khách sạn vì không dùng sim điện thoại Việt Nam để vào mạng. Vì thế, tôi đã tặng sim, đăng ký gói cước để ông Kim có thể lên mạng, gọi con bất cứ lúc nào", chị Hồng chia sẻ.
Ông Kim tâm sự, bản thân không theo một tôn giáo nào. Nhưng bằng tất cả sự xúc động của một người nước ngoài đến đây chạy bộ, ông luôn chắp tay và chào người Việt Nam vì đã giúp ông nhiều điều.
"Tôi biết rằng có một tấm lòng cho đi đã ăn sâu vào tình cảm dân tộc Việt Nam", ông Kim chia sẻ và cho biết, sau khi kết thúc hành trình sẽ bay về Hàn Quốc để gặp con trai ngay lập tức.
Với thử thách này ông Kim đã giảm được 20kg từ 74kg xuống còn 55 kg. Người đàn ông biết được điều này khi thấy một cái cân ở điểm nghỉ chân và xin phép được sử dụng.
Ông Kim chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng, chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Đôi lần ông tự hỏi, tại sao lại làm công việc khó khăn này?
Nghĩ về cậu con trai 13 tuổi của mình ông tự nhủ: "Tôi sẽ có câu trả lời ở cuối con đường. Con đường tôi đi chưa ngày nào không đau. Nhưng bây giờ tôi luôn hạnh phúc vì tôi vẫn đang thở".