Bộ ảnh Oh We Bloom do nhiếp ảnh gia Nhi Ngờ và ekip của mình thực hiện tại ở viện dưỡng lão Vinh Sơn, TPHCM vào một buổi chiều giữa tháng 4. Trên trang cá nhân của mình, Nhi Ngờ viết:
"Và những đóa hoa vẫn luôn nở rộ.
Một buổi chiều đến ngắm các cụ ở nhà dưỡng lão Vinh Sơn truyền hết nắng nôi vào người. Cứ thấy các cụ chậm rãi bước ra, mặc nhiên cảm giác có vài tia ấm len lỏi vào ký ức những ngày còn bé đến năm lớp 12, khi mình vẫn còn cơ hội được ở cạnh ông bà.
Mình còn nhớ lúc bé, rất hay chui vào mùng ông bà nội nằm nghe cải lương đến ngủ thiếp đi, mình nói với ba mẹ mình thích ngửi mùi người già và cả vuốt những sợi gân tay, giống như một món ăn được ngâm lâu trở nên đậm đà, từ mùi đến màu da và cả các chi tiết trên da cũng đều hiện lên rõ nét. Bà nội hay bênh cháu, không cho ba đánh cháu. Bà nội hay giật mình có tật nói nhanh nữa.
Mình cũng nhớ giọng bà ngoại hay kêu mình lấy cơm rượu cho ngoại ăn, ngoại cũng thích ăn xoài chua. Đâu đó ở gần thời điểm mình ôn thi đại học, ngoại bắt đầu yếu dần rồi cũng theo ông ngoại.
Đây là người ở thế hệ trước mà mình gắn bó nhiều và đủ nhận thức để biết nhớ, đến nỗi, cứ mỗi khi chạy về đó, nhìn cái giường ngoại hay nằm cũng nghe thoang thoảng đâu đó giọng ngoại".
Nữ nhiếp ảnh gia cho biết đây là dự án phi lợi nhuận mà CLB Én Xanh kết hợp cùng ekip của cô sản xuất đi kèm cùng chương trình "Khơi Nguồn Yêu Thương". Tại chương trình, BTC tổ chức văn nghệ và tặng quà cho các cụ tại viện, và bộ hình là một món quà đính kèm.
"Các cụ ở viện dưỡng lão là đối tượng thường không nhận được sự chăm sóc từ người nhà, nên tụi mình muốn được là con cháu của các cụ trong vỏn vẹn hơn 1 tiếng giải lao, được quay quần, trò chuyện và cả chụp lại khoảnh khắc tươi vui", Nhi Ngờ chia sẻ.
Về ý tưởng thực hiện bộ ảnh này, nữ nhiếp ảnh gia nói: "Mình tự hỏi, "Ở tuổi này, nếu ông bà mình còn sống, mình sẽ có thể trao đi điều gì nếu không còn quá nhiều thời gian?"
Ông bà mình cả bên nội và ngoại đều đã mất trước lúc mình cầm máy chụp ảnh, nên nếu có được cơ hội được nhìn ngắm những cá thể mang hình hài cuối cùng của thế hệ ông bà mình, thì mình sẵn sàng nắm lấy cơ hội để ghi lại từng khoảnh khắc.
Ban đầu tụi mình có mời và dự định sẽ chụp tặng hết 50 cụ bà trong viện dưỡng lão luôn, nhưng đến khi triển khai thì vì vấn đề sức khỏe của các cụ nên tụi mình chỉ có thể chụp được hơn 10 cụ như trong hình thôi. Cũng có mấy cụ ngại chụp nên khi chụp xong tụi mình có "ùa" vô giường nghỉ xin chụp thêm một số cụ nữa".
"Trong buổi chụp, mình được cùng các anh chị ekip trò chuyện, nắm tay dìu các cụ vào chỗ chụp được set up sẵn, có các cụ đau khớp gối nên tụi mình để các cụ ngồi, mà các cụ không than vãn, thay vào là cười rất tươi nữa.
Nghe các cụ cảm ơn mà thực sự mình mới là người muốn nói cảm ơn các cụ, vì đã cho mình cũng như ekip có được cơ hội làm điều gì đó ý nghĩa. Cá nhân mình như có làm được phần nào bù đắp vào việc đã không kịp làm cho ông bà mình.
Đây là một concept không mới, cũng được set up đơn giản, nhưng nhờ các cụ thoải mái trải lòng nên mình mới có được những bức ảnh nhiều cảm xúc như vậy", Nhi cho biết thêm.
Được biết, Nhi Ngờ là cái tên nhiếp ảnh không quá xa lạ với giới trẻ Sài Gòn. Cô từng thực hiện những bộ ảnh mỹ thuật (fine art) như Before my atoms, dựa trên loạt tranh vẽ Cõi Lầy 2017 của chị Xuân Hạ nói về trắc trở của những con người sống trong xã hội đương đại như tình cảm cá nhân, sự kiểm soát từ xã hội được trưng bày trong triển lãm "I, Me, Mine"; bộ ảnh Ao dai - Long board chụp các bạn mặc áo dài trượt skateboard đi khắp Sài Gòn được lấy cảm hứng từ tranh vẽ của họa sĩ Dương Giáp,... từng gây tiếng vang trong cộng đồng giới trẻ đam mê nghệ thuật.
Khi được hỏi quan điểm của mình về ý kiến cho rằng việc con cháu đưa ông bà, cha mẹ vào viện dưỡng lão, Nhi bộc bạch điều đó tùy vào gia cảnh cụ thể của mỗi gia đình.
Cô cho rằng nếu có đủ điều kiện tài chính và cơ sở y tế thì con cháu vẫn nên gắn bó và chăm sóc ông bà, cha mẹ mình vào cuối đời, vì không một ai mà không muốn gắn bó với con cháu mình cả.
"Gia đình như suối đầu nguồn, chỉ có đổ xuống hạ nguồn mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào, trong khi ở ngoài xã hội, có đưa thì mới có nhận. Đút mớm cơm cháo cho cha mẹ già chả phải cũng giống như việc ngày xưa cha mẹ từng đút mớm cơm cháo khi một đứa trẻ còn chưa cầm nắm được cái muỗng mà đúng không?
Còn nếu hoàn cảnh bắt buộc mình phải đưa người thân vào viện dưỡng lão vì không đủ điều kiện chu cấp tốt hơn viện thì lựa chọn đưa người thân đến một cộng đồng có thể thực hiện tốt hơn vẫn không vấn đề gì.
Bất hiếu và thiếu quan tâm là khi mình có đủ điều kiện mà mình không muốn làm. Nếu được nói với mọi người, mình chỉ có thể nhắn nhủ: "Hãy nắm lấy mọi cơ hội có thể nhìn ông bà mình cười nhiều nhất, tròn đầy nhất khi còn có thể", nữ nhiếp ảnh gia nói.
Hồng Minh