Đó là lý do câu nói của đả nữ châu Á truyền cảm hứng mạnh.
Thông điệp của Dương Tử Quỳnh nêu rõ tầm quan trọng của việc bạn biết mình là ai, muốn gì. Trong tình huống xấu nhất, việc nội tâm hóa chủ nghĩa phân biệt tuổi tác khiến phụ nữ sao nhãng sứ mệnh của họ, từ bỏ giấc mơ nghề nghiệp. Đó là lý do câu nói của đả nữ châu Á truyền cảm hứng mạnh.
Trong Everything Everywhere All at Once (EEAAO) - tạm dịch: Cuộc chiến đa vũ trụ, Dương Tử Quỳnh vào vai phụ nữ tự cho mình là hết thời, đúng khuôn mẫu phụ nữ châu Á: kinh tế khó khăn, con gái giấu chuyện đồng tính, chồng nhu nhược, bản thân hết thời, luôn sẵn trên tay tờ giấy ly hôn.
Xuyên suốt nửa đầu EEAAO, khán giả chỉ nhìn thấy những tiếng thở dài, bực dọc vì không cam chịu cuộc sống quanh quẩn trong tiệm giặt sấy.
Nhưng ở nửa sau bộ phim, khi trải qua đa vũ trụ, những đắng cay của kiếp sống, người phụ nữ ấy nhận ra cuộc sống hiện tại, những thứ giản đơn trong đời mới là chân ái.
Từ hình ảnh bà mẹ khắc nghiệt, thức tỉnh bản thân, gạt bỏ suy nghĩ đứng trên bờ vực hết thời, Dương Tử Quỳnh đã chứng minh điều ngược lại. 7/11 tượng vàng Oscar, phụ nữ châu Á đầu tiên trong lịch sử sau gần một thập kỷ của Oscar giành giải Nữ chính xuất sắc.
Dương Tử Quỳnh - đả nữ châu Á - làm nên chuyện không tưởng. Và cũng trên chính sân khấu ấy, bà hùng hồn phát biểu: "Quý cô, đừng bao giờ để người ta nói mình hết thời".
Câu nói ấy, chính là cú tát vào chủ nghĩa tuổi tác, nhất là khi phụ nữ luôn bị nói hết thời, dù phong độ, tài năng, sức hút hoàn toàn không thua kém nam giới, ít nhất là với Dương Tử Quỳnh.
Đả nữ gốc Malaysia bước sang tuổi 61 vào tháng 8, độ tuổi không phổ biến ở Hollywood để giật giải Nữ chính xuất sắc của Oscar, nhất là khi Dương Tử Quỳnh lại là người châu Á, theo Insider.
Phân tích dữ liệu từ Statista, độ tuổi trung bình của diễn viên đoạt giải Nữ chính xuất sắc Oscar trong thế kỷ qua là 37.
Chủ nghĩa tuổi tác trong ngành công nghiệp màn bạc tàn nhẫn với phụ nữ, thể hiện qua khoảng cách tuổi tác. Nghĩa là độ tuổi trung bình của đàn ông nhận tượng vàng Oscar hạng mục quan trọng cao hơn phụ nữ tận 20 tuổi. May mắn là thời gian gần đây, khoảng cách này dần thu hẹp, theo Sky News.
Insider nhận định bài phát biểu nhận giải Oscar của Dương Tử Quỳnh chỉ ra điều nhức nhối, kéo lùi Hollywood trong nhiều thập kỷ. Điều đó khiến nhiều nam giới khó chịu.
Nhưng bất chấp những gì diễn ra, Dương Tử Quỳnh luôn nêu cao thông điệp đừng để bất kỳ ai khinh mình hết thời. Tại lễ trao giải Quả cầu Vàng hồi tháng 1, khi nhận giải Nữ chính xuất sắc, nữ diễn viên cho biết cô từng nản lòng khi nghĩ về việc già đi.
"Thời gian trôi qua, tôi đã bước sang độ tuổi 60. Các bạn phải thừa nhận rằng khi tuổi tác càng lớn, cơ hội cũng nhỏ lại. Tôi rất hy vọng bản thân thay đổi mọi thứ sau EEAAO, rất may điều đó thành hiện thực", Dương Tử Quỳnh nói.
Bên cạnh việc giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Oscar và Quả cầu Vàng, Dương Tử Quỳnh còn giành được Giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên Điện ảnh, Giải Tinh thần Độc lập ở cùng hạng mục.
"Đối với tất cả cậu bé và cô bé giống tôi đang xem tối nay, đây là ngọn hải đăng của hy vọng và khả năng của chính bạn. Đây là bằng chứng cho thấy hãy mơ lớn và những giấc mơ sẽ trở thành hiện thực", nữ diễn viên nói trong bài phát biểu ở Oscar.
Theo Yahoo, báo cáo cho thấy chỉ có hai nhân vật ngoài 60 được đề cử cho giải Phim truyện xuất sắc từ 3 năm trước, trớ trêu là cả hai đều do một diễn viên da trắng thủ vai - Michael Keaton.
Khi người lớn tuổi góp mặt trong bộ phim được đề cử Phim truyện xuất sắc, chủ yếu là nam giới đóng vai lãnh đạo, trong khi phụ nữ lớn tuổi, người da màu lớn tuổi hoàn toàn không nắm quyền trên màn ảnh.
"Uy tín nghề nghiệp luôn gắn liền với nam giới cao tuổi. Điều đó khiến các đạo diễn không nhìn thấy chân dung về quyền lực và phản ánh thực tế về người phụ nữ, da màu", báo cáo cho biết.
Là nam giới, da trắng, diễn viên trên 60 rất hiếm có khả năng thắng giải Oscar dù xuất hiện trong danh sách đề cử.
"Thời" ở đây được hiểu là khả năng giữ tiếng vang, sức hút, độ nóng với truyền thông. Nó không gói gọn ở tuổi tác, đặc biệt là với phụ nữ.
Theo Fox News, bài phát biểu của Dương Tử Quỳnh "sửa lưng" nhiều nhân vật quyền lực của giới giải trí, điển hình là MC nổi tiếng của CNN Don Lemon.
Đầu tháng 2, Lemon có phát ngôn gây tranh cãi khi cho rằng phụ nữ qua 40 là hết thời. "Xin lỗi, Nikki Haley không còn ở thời kỳ đỉnh cao. Một phụ nữ được xem là đẹp nhất ở tuổi 20, 30 và thấp hơn 40", Don Lemon nói về ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Theo Guardian, sự phản pháo của Dương Tử Quỳnh với cụm từ hết thời nên được ủng hộ hoàn toàn. "Hết thời" gây cho người khác sự ức chế. Đó là cụm từ quá khích, khó chấp nhận. Không chỉ ở lĩnh vực giải trí, phụ nữ ở nhiều ngành nghề khác, ngay cả Nikki Haley (51 tuổi) là ứng cử viên tổng thống Mỹ cũng bị đánh giá hết thời.
"Trước đây phụ nữ luôn bị trói buộc với tư tưởng về 'thời' của mình, đó là 'già đi' một cách duyên dáng, không nên mặc, nói, làm một số điều ảnh hưởng phẩm giá. Ví dụ như ở độ tuổi dưới 20, phụ nữ không được say khướt, trên 30 không nên mặc váy ngắn, đồ ngủ ra đường, trên 40 không được mặc áo hai dây... Điều đó tồn tại mãi cho đến năm 2010, ở một số nước thậm chí kéo dài đến ngày nay. Đó là tư tưởng độc hại và khiến phụ nữ sợ sệt về cái gọi là hết thời", Guardian bình luận.
Dù phân biệt tuổi tác ở nơi làm việc bị xem là bất hợp pháp tại Mỹ từ năm 1967, nhiều phụ nữ vẫn đối mặt với tình huống bị đuổi việc, gây áp lực và xem thường. Theo báo cáo của Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng, kể từ năm 2010, lượng lao động nữ nộp đơn yêu cầu giải quyết tình trạng phân biệt tuổi tác cao hơn nhiều so với nam giới.
Báo cáo năm 2019 về phân biệt tuổi tác theo giới tính từ tổ chức phi lợi nhuận Catalyst cho thấy luôn tồn tại thành kiến tại nơi làm việc là người lớn tuổi kém sáng tạo, thích nghi, nói chung là kém trình độ hơn. Phụ nữ lớn tuổi còn đối mặt với nguy cơ bị gạt ngang vì chủ nghĩa ngoại hình, tiêu chuẩn vẻ đẹp trẻ trung theo giới tính.
Cynthia Pong - nhà chiến lược nghề nghiệp vì nữ quyền - lưu ý rằng phân biệt tuổi tác là con dao hai lưỡi với phụ nữ. Trong cuộc khảo sát năm 2021 của AARP - tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh vì quyền cho người trên 50 tuổi - cứ 3 phụ nữ thì có 1 người nói rằng họ bị phân biệt tuổi tác, tỷ lệ này càng cao với người trên 50.
Theo Pong, thông điệp của Dương Tử Quỳnh nêu rõ tầm quan trọng của việc bạn biết mình là ai, muốn gì trong sự nghiệp. Trong tình huống xấu nhất, việc nội tâm hóa chủ nghĩa phân biệt tuổi tác khiến phụ nữ sao nhãng sứ mệnh của họ, từ bỏ giấc mơ nghề nghiệp của mình. Đó là lý do câu nói của đả nữ châu Á lại truyền cảm hứng mạnh đến vậy.
"Thông điệp cơ bản của Dương Tử Quỳnh là đừng bỏ cuộc và chấp nhận sự phân biệt. Khi mà chúng ta bùng phát, nó không còn là yếu tố quan trọng nữa, nó chuyển thành mục tiêu để xã hội hành động", Pong nói thêm.